Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm C – Khánh Nhật Truyền Giáo (CN.23.10.2022)

BÀI ĐỌC THÁNH LỄ

CẦU CHO VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC

BÀI ĐỌC I: Is 60, 1-6 

“Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

Bài trích sách tiên tri I-sa-i-a. 

Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.  Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.  Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.  Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông.  Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.  Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Ðức Chúa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 2-5

Đáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).

Xướng:

1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyện tụng cho đêm kia.

2) Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.

BÀI ĐỌC II:  Cv 1, 3-8 

Bài trích sách Công Vụ Tông Ðồ.

Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.

Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất”.

Đó là lời Chúa.

LỜI CHÚA: Lc 24, 44-53 

Khi hai môn đệ từ Emmau trở về còn đang nói với nhóm Mười Một, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông. Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”

Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này. Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

—————————

SUY NIỆM 1: Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Đời Sống Chứng Nhân

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

 

Tháng 10, Giáo hội dành đặc biệt để cầu nguyện cho việc truyền giáo cũng như nhắc nhở các tín hữu về sứ mệnh truyền giáo của mỗi người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Vào Chúa Nhật áp chót của tháng 10, Giáo hội cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo. Trong Sứ điệp Truyền giáo năm 2022, với chủ đề: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “Ơn gọi của mỗi người Kitô hữu là làm chứng cho Đức Kitô”, vì thế: “Hãy luôn luôn để cho mình được kiện cường và hướng dẫn bởi Thần Khí”.

  1. Giáo hội hiểu sứ mạng làm chứng như thế nào?

Giáo hội vẫn luôn luôn coi Đức Giêsu-Kitô là Người Chứng Thứ Nhất. Chỉ một mình Đức Giêsu biết Thiên Chúa (Mt 11,27), do đó chỉ một mình Người mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta. Đức Giêsu là Người Con có kinh nghiệm trọn vẹn về tình yêu của Chúa Cha, là Người Con biết rõ ý muốn của Chúa Cha, biết rõ chương trình cứu độ của Chúa Cha. Người Con ấy là Sứ Giả được Chúa Cha sai đến trần gian để mạc khải Tình Yêu của Chúa Cha và thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Đức Giêsu cũng là Chứng nhân trung thành của Chúa Cha, chỉ nói những điều Chúa Cha muốn, thi hành những điều Chúa Cha truyền dạy. Người là Chứng nhân trung thành với Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá, nên được Chúa Cha siêu tôn ban cho danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Còn một Vị làm chứng thứ hai nữa, được Chúa Cha sai đến cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, đó là Chúa Thánh Thần, cũng là Chúa và là Đấng ban sự sống. Ngài bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần không những làm chứng cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu còn tại thế, mà còn tiếp nối sứ mạng chứng tá của Chúa Giêsu, cùng với Giáo hội và trong lòng Giáo hội.

Chính vì thế mà sứ mạng làm chứng của Giáo hội luôn luôn thể hiện cùng với Chúa Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần. Giáo hội được kêu gọi tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21-22); và đã được Chúa Giêsu Phục Sinh thổi hơi vào cùng trao ban Thánh Thần. Chúa Thánh Thần từ đó luôn ở với Giáo hội và trong Giáo hội, để Giáo hội luôn trung thành với Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu trung thành với Thiên Chúa. Giáo hội đã luôn luôn nỗ lực làm chứng cho Chúa Giêsu, trải dài suốt hơn hai nghìn năm lịch sử, trải qua những thăng trầm dâu bể. Dù có Chúa Thánh Thần, Giáo hội vẫn đang hành trình lữ thứ hướng về Ngày Chúa Quang Lâm.

Trong Giáo hội vẫn luôn có hai bộ mặt, một bộ mặt thần thiêng, vì luôn có Chúa Thánh Thần, bộ mặt kia còn mang những giới hạn của thực tại trần thế. Nhưng hai bộ mặt này không tách rời nhau, mà gắn liền, làm thành một Giáo hội Duy nhất, dấu chỉ của sự hợp nhất giữa nhân loại với Thiên Chúa và nhân loại với nhau.

  1. Làm chứng trong quyền năng Thánh Thần

Chúa Giêsu nói đến sứ vụ làm chứng của Chúa Thánh Thần: “Là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em từng ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27). Làm chứng cho Chúa Giêsu chỉ có thể thực hiện trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, chứ không thể chỉ bằng sức lực của con người.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Cũng như “không ai có thể nói rằng ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu không phải bởi Thánh Thần” (1 Cr 12, 3), thì cũng thế, không người Kitô hữu nào có thể làm chứng đầy đủ và chân thật cho Chúa Kitô mà không do Thánh Thần linh hứng và giúp đỡ. Tất cả các môn đệ truyền giáo của Đức Kitô được kêu gọi nhận ra tầm quan trọng cơ bản của hoạt động Chúa Thánh Thần, sống mỗi ngày trong sự hiện diện của Người và lãnh nhận sức mạnh và sự hướng dẫn chắc chắn của Người” (Sứ điệp Truyền giáo 2022).

Chúa Thánh Thần là Linh hồn của Giáo hội và nếu không có Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ chỉ là một tổ chức nhân đạo (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, huấn từ trưa Chúa nhật 31-5-2009). “Thánh Thần là vai chính đích thực của truyền giáo. Chính Người ban cho chúng ta biết nói đúng những lời phải nói, nói đúng lúc và nói đúng cách” (Sứ điệp Truyền giáo 2022). Sách Công vụ các Tông đồ đã minh chứng hùng hồn về điều ấy: Chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần là… (Cv 5, 32); Thánh Thần và chúng tôi quyết định là…(Cv 15,28).

Thánh Phaolô, một tông đồ đầy kinh nghiệm về Thánh Thần đã sống và đã nói : “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,4); “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng : xiềng xích và gian nan đang chờ đợi tôi.” (Cv 20,22-23).

Thời đại hôm nay, Giáo hội toàn cầu và mỗi Giáo hội địa phương phải đương đầu và đối phó với nhiều vấn nạn và thách thức gay go mà thế giới và thực tế cuộc sống gợi nên. Xử lý tình huống và chọn lựa một hướng đi phù hợp với tin mừng cứu độ của Đức Giêsu chẳng đơn giản chút nào. Dù rằng trong Giáo hội không thiếu những con người tầm cỡ, khôn ngoan, đạo đức và thức thời. Nhưng khởi động, diễn biến và kết thúc mọi vấn đề vẫn luôn là, và phải là tác động của Thánh Thần. Bằng không đó chỉ là sự ‘khôn ngoan đối đáp người ngoài’ theo lẽ tự nhiên của “một tổ chức nhân đạo”, chứ không phải của Giáo hội Chúa Kitô. Chính “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63). Tuy dù Thánh Thần và Giáo hội có phải công bố hay lên tiếng những điều ngược với lỗ tai người đương thời, kể cả người tin hay không tin, nhưng cuối cùng vẫn chính là : “Thánh Thần và chúng tôi quyết định !”.

Làm chứng trong quyền năng Thánh Thần, tất cả đều được gợi hứng và thúc đẩy bởi giáo huấn của Hội Thánh và Tin Mừng của Chúa Giêsu.

  1. Đời sống chứng nhân

“Hội Thánh Chúa Kitô sẽ tiếp tục “đi ra” để đến với các chân trời mới về địa dư, xã hội và hiện sinh, đến với những nơi “ngoại vi” và những cảnh sống của con người, để làm chứng cho Chúa Kitô và tình thương của Người cho những người nam người ngữ của mọi dân tộc, văn hoá và vị thế xã hội”. (Sứ điệp Truyền giáo 2022).

Truyền giáo bằng chính đời sống chứng nhân, đây là cách truyền giáo tốt nhất và hữu hiệu nhất. Một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay, vì “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Loan báo Tin mừng Tình yêu hay nhất và hữu hiệu nhất của người Kitô hữu là loan báo bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ. Chúng ta hãy suy nghĩ: đời sống chúng ta hiện nay có làm chứng cho Chúa, cho đạo không?

Thư Mục vụ HĐGMVN Năm Thánh Truyền Giáo 2003, đã đề nghị mọi thành phần Dân Chúa hãy tuỳ theo ơn gọi và chức năng của mình, tích cực tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng những việc cụ thể sau :

 a.Về phương diện thiêng liêng :

       – Cầu nguyện cho việc truyền giáo.

       – Nêu gương sống lương tâm công giáo:

b.Về phương diện đối thoại.

       – Thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn.

       – Trao đổi với người ngoài công giáo về một đề tài chung

c.Về phương diện thực hành:

       – Thiết lập ban truyền giáo.

       – Kết nghĩa.

       – Làm việc bác ái.

Công việc truyền giáo là bổn phận của mỗi Kitô hữu. Trong môi trường sống hàng ngày, người tín hữu giáo dân có điều kiện để làm chứng nhân khi sống trọn vẹn sứ mạng ơn gọi của mình.

Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tràn đầy Chúa Thánh Thần, để chúng ta có sức mạnh làm chứng bằng lời nói, hành động và cuộc sống đời thường, bằng những cố gắng vươn lên không ngừng, bằng niềm vui, tiếng hát, tiếng cười, bằng sự liên đới với mọi người, đặc biệt là những người nghèo, bằng sự dấn thân giúp đỡ và phục vụ những người đói khổ cần đến chúng ta.

Chúng ta múc lấy sức mạnh nơi Chúa Kitô Thánh Thể, Đấng tràn đầy Thánh Thần, và không ngừng chia sẻ Sự sống, Thần Lực, Thần Khí, Tình Yêu của Người cho những ai đến với Người. Chúa Kitô Thánh Thể là sự Bình An và Hợp Nhất cho nhân loại chúng ta trong một thế giới đầy những xung đột và chia rẽ. Chúa không ngừng định hướng cho cuộc đời của những ai đón nhận sự viếng thăm và hiện diện của Ngài.

“Tôi lặp lại nguyện ước vĩ đại của ông Môsê cho dân Thiên Chúa trong hành trình của họ: “Ước gì toàn dân của Chúa đều là những ngôn sứ!” (Ds 11,29). Thực vậy, ước gì tất cả chúng ta trong Hội Thánh đều là điều chúng ta đã là nhờ Phép Rửa: ngôn sứ, chứng nhân, người truyền giáo của Chúa, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, cho đến tận cùng trái đất! Xin Đức Maria, Nữ Vương Truyền Giáo, cầu bầu cho chúng ta!” (Sứ điệp Truyền giáo 2022).

———————————–

 

SUY NIỆM 2: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

 

Người Ra Đi Gieo Giống

 

Giáo hội công giáo trải qua hai nghìn năm, vẫn còn đứng trước lời kêu gọi rất thời sự và khẩn thiết của Đấng Sáng Lập Kitô giáo: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất” (Bài đọc 2. Cv 1, 8).   Một lệnh truyền tối cần thiết và tối quan trọng đến nỗi Công Đồng Vaticanô II định nghĩa: “Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội”.  Nghĩa là bao lâu là Giáo Hội, bấy lâu Giáo Hội phải lên đường truyền giáo, đánh mất truyền giáo Giáo Hội đánh mất căn cước của mình.

Mở đầu phụng vụ Chúa nhật Truyền giáo hôm nay là Lời mời gọi của ngôn sứ Isaia, rất hân hoan phấn khởi có phần bốc cháy : “ Đứng lên, bùng sáng lên! Vì vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi” (Bài Đọc 1. Is 60, 1).  Bài Đọc nầy thường được đọc vào mùa Vọng để loan báo tin mừng cứu độ, báo tin vui Đấng Cứu Độ đang đến.  Người được ví như bình minh chiếu sáng mặt địa cầu, mời gọi muôn dân đang lần bước trong bóng tối dõi theo ánh sáng của Đấng Cứu Độ.  Nhà tiên tri diễn tả niềm vui của kẻ đón nhận Đức Chúa : “Lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ” vì muôn dân đón nhận ánh sáng tức là sự sống mà Đấng Cứu Độ mang đến từ trời cao.  Lạc đà kéo đến với vàng và trầm hương, thật là một cái nhìn tiên tri nói về sự giàu sang phú quý mà Đấng Cứu Độ mang lại và muôn dân: “Loan truyền lời ca tụng Đức Chúa”.

Tuy nhiên nhìn lại thuở ban đầu thời Đức Giêsu, thì cái chết của Đấng Cứu Độ như chẹn họng các tông đồ, xô đẩy các ông tới bờ vực thất vọng, nhóm các mộn đệ mất niềm hy vọng vào Thầy Chí Thánh, có kẻ bỏ cuộc, tìm về làng cũ, như hai môn đệ bỏ về làng Emmau. Đức Giêsu đuổi theo và khai trí mở lòng cho họ, nhất là giúp họ nhận ra ý nghĩa sự đau khổ và ý nghĩa bản án tử hình mà Người đã kinh qua để mang lại ơn cứu chuộc.  Toàn bộ Kinh Thánh đã được nên trọn nơi con người của Đức Giêsu.  Chết và sống lại của Thầy chí thánh là nội dung chính yếu của công cuộc Truyền Giáo, tức là loan truyền tin vui cứu độ nầy cho muôn dân, mãi cho đến khi Đức Giêsu trở lại lần thứ hai trong vinh quang.

Lời mời gọi làm chứng nhân cho Đức Kitô thổi bùng lửa cháy nơi các Giáo hội ở khắp các châu lục.  Hầu như không có quốc gia nào trên địa cầu mà không có dấu chân truyền giáo của các thừa sai, mới đây chúng ta đã thấy Đức Thánh Cha Phanxico ngồi giữa các lãnh đạo sắc dân Inouit (2022), Canada để đàm phán cách huynh đệ.  Có tất cả 193 quốc gia có dấu chân các vị thừa sai.

Lệnh truyền giáo không phải là chuyện cổ tích đối với địa phận Kontum nhỏ bé, được loan báo Tin Mừng từ 1848 qua miệng các thừa sai, và được tiếp nối đến nay.  Kết quả theo Thống Kê của địa phận năm 2016: Địa phận có 321. 403 giáo dân Kinh và Thượng; đã có 33 Tu hội tham gia truyền giáo tại giáo phận, có tất cả 612 tu sĩ nam nữ.   Hiện nay theo hiểu biết đã có hơn 200 linh mục Triều và Dòng đang làm việc mục vụ trên cánh đồng Kontum.  Một chút “con số” nói lên sự lớn mạnh nơi miền Truyền Giáo Tây Nguyên mà hằng ngày vẫn sống lệnh truyền giáo.

Lạy Chúa, ngày hôm nay giáo phận lên tiếng mời gọi giáo dân tham gia vào sứ mệnh cao cả của Đức Kitô là Truyền Giáo, bằng cầu nguyện bằng hy sinh và bằng đóng góp vật chất để chắp thêm cánh cho những thừa sai ra đi thực hiện lệnh Chúa truyền.  Lạy Chúa xin sai thêm thợ gặt cho miền Tây Nguyên Kontum này. Amen

 

—————————

BÀI ĐỌC THÁNH LỄ

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Bài đọc 1: Hc 35,12-14.16-18

Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.

Bài trích sách Huấn ca.

Đức Chúa là Đấng xét xử,
Người chẳng thiên vị ai.
Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn,
nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.
Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi,
hay tiếng than van của người goá bụa.
Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người
sẽ được Người chấp nhận,
lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây.
Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.
Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng.
Họ sẽ không rời đi
bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn,
chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý.

Đó là Lời Chúa.

Đáp ca: Tv 33,2-3.16-18.19 và 23 (Đ. c.7a)

Bài đọc 2: 2 Tm 4,6-8.16-18

Tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.

Anh thân mến, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính ; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.

Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ. Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.

Đó là Lời Chúa.

Tung hô Tin Mừng: 2 Cr 5,19

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Lc 18,9-14

Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính ; còn người Pha-ri-sêu thì không.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác : “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Đó là Lời Chúa.

—————————-

 

Suy niệm: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

 

KỂ CÔNG HAY THÚ TỘI

 

Cầu nguyện là quy luật của những người có đức tin. Đố ai có đức tin mà không cầu nguyện cũng như đố ai cầu nguyện mà không có đức tin.  Cầu nguyện là nhịp cầu gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người qua đó con người đối thoại với Thiên Chúa và hiểu biết ý muốn của Thiên Chúa và cũng nhờ cầu nguyện con người khám phá chính mình.  Như vậy Thiên Chúa biết lắng nghe và quan tâm đến lời cầu xin.

Ông quan tòa không thiên vị là hình ảnh của Thiên Chúa được sách Huấn Ca trình bày, Người không coi mặt đặt tên, tuy nhiên vị thẩm phán nầy xem ra có nhược điểm hay nghiêng về người nghèo và người bị đàn áp bóc lột, không phải vì họ tốt hơn những người khác, nhưng vì họ không có gì cả, không chỗ nương tựa hay nhờ vả ai được: “Thiên Chúa nghe lời kêu xin của kẻ bị áp bức.  Người không coi thường lời khẩn nguyện của kẻ mồ côi hay tiếng than van của người goá bụa” (Bài đọc 1. Hc 35, 12-14.16-18).  Cô nhi và quả phụ là tiêu biểu cho hạng người nghèo, có đời sống kinh tế bấp bênh, không nơi nương tựa, không được coi trọng ở xã hội, không đủ khả năng bênh vực quyền lợi chính đáng của mình. 

Ngược lại những kẻ giàu sang, có tiền của, thường cũng có uy thế và quyền lực xã hội.   Địa vị của họ vững chắc, họ thụ hưởng một đời sống thoải mái, và xem ra được bảo đảm hơn người khác.  Người giàu có và kẻ nghèo khó là hai hạng người chúng ta gặp hằng ngày trên đường phố, họ sống kế cận nhau.  Hai giai tầng xã hội nầy luôn hiện diện song hành nhau nơi bất cứ xã hội nào.  Ngay cả trong Kinh thánh cũng có sự hiện diện của họ.  Và hôm nay nữa chúng ta cũng là thành viên của hai giai tầng xã hội nầy, họ cách biệt nhau không chỉ xét về khía cạnh tài sản, địa vị xã hội, mà ngay cả trên bình diện tôn giáo, về phẩm chất của lòng đạo đức. 

Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện trong bài Tin Mừng (Lc 18, 9-14) minh chứng sự cách biệt giữa hai giai tầng xã hội: Người Biệt phái và người Thu thuế.  Điểm gặp gỡ của cả hai người là lên đền thờ cầu nguyện, họ muốn đáp ứng nhu cầu tâm linh.  Ngoài ra họ rất khác nhau về nhiều mặt.  Người biệt phái cầu nguyện như khoe khoang công đức, như đọc bảng tổng kết việc phúc đức mình đã làm, đó là các thực hành tôn giáo, ông khá tự mãn về việc sống đạo của mình khi đem so sánh với kẻ khác.  Tự mãn đi đến tự phụ, rồi tỏ ra khinh miệt người thu thuế cùng đứng trong đền thờ vào thời điểm đó. 

Ông biệt phái lấy mình làm chuẩn mực đạo đức để phê phán người khác: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.  Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (c. 11-12) .  Còn người thu thuế  ý thức mình là kẻ tội lỗi, không dám ngước mắt nhìn lên, đứng mãi cuối đền thờ, đấm ngực mà nói: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c.13).  Kết quả sau hai lời cầu nguyện họ cùng nhau ra về.  Lời tuyên bố: kẻ được tha tội lại là người thu thuế, còn người biệt phái thì không! Thật như sách Huấn Ca nói: “Thiên Chúa là đấng xét xử  không theo dáng vẽ bề ngoài”.

Thử suy nghĩ xem qua thời gian năm tháng, dụ ngôn nầy có mất đi tính thời sự của nó không?  Một người được rửa tội lâu năm hay giữ đạo lâu đời thường dễ có suy nghĩ là họ sở hữu phần nào Thiên Chúa, thậm chí họ cho rằng Thiên Chúa phải đứng về phía họ và cho rằng người ngoại giáo, người không đi lễ, không đến được nhà thờ là hạng thờ ơ nguội lạnh cần phải được cảnh báo lên lớp.  Hạng người ‘đạo đức’ hay lên lớp nầy như đứng về phía người biệt phái, tự cho mình quyền phán quyết khinh miệt phê phán kẻ khác.

Thật ra sống đạo, đi đến với Thiên Chúa là điều rất tốt, tuy nhiên không phải bằng cách so sánh mình hơn thua với người khác, mà là so sánh mình với Lời Chúa, lấy Lời Chúa làm định mức cho tiêu chí hành động, tệ hơn nữa có người lấy mình làm thước đo đạo đức, lên án người khác, tự cho mình là mẫu mực dễ dàng lên lớp người khác.  Nơi điều tệ hại nầy chính người biệt phái đã sa vào vì quá tự mãn và tự phụ về công đức lập được khi sống đạo. 

Đúng ra phải khiêm nhượng trong thực hành đức tin, và trong thâm sâu cần cảm thông với những người ít có cơ hội thực hành việc đạo đức, ít siêng năng đọc kinh, dâng lễ ở nhà thờ, hơn thế nữa chúng ta có bổn phận cầu nguyện cho họ chứ không khinh miệt, lên án, tẩy chay họ, trái lại cần tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia tôn thờ Thiên Chúa.  Không nên lên án ai vì chỉ có Thiên Chúa mới đủ thẩm quyền phán xét tha nhân mà thôi. 

Lời nhắn nhủ của thánh Phaolô: “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được.  Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình” (Rm 2, 1).  Thiên Chúa không mắc nợ ai, nên không ai có thể kể công trạng của mình đối với Thiên Chúa, và bắt Thiên Chúa tùng phục mình.  Tất cả là hồng ân được ban cho con người, mà đã là ân huệ thì có gì để vinh vang, tốt hơn là cúi đầu đón nhận và cảm tạ, tôn vinh Thiên Chúa.

 Lạy Chúa Giêsu, chỉ mình Chúa mới thấu suốt tâm hồn con người, xin cho con biết liên đới với anh em ở bất cứ hoàn cảnh nào và cầu nguyện cho họ, để chúng con cùng được gặp Chúa khi tham gia các cử hành bí tích ở đời nầy và đời sau được hưởng nhan thánh Chúa. Amen

 

Cập nhật 22/10/2022
WGPKT(20/10/2022) KONTUM