Chuyện H’Blao

TGPSG — Ngày tôi đến vùng Tây Nguyên để sinh hoạt mục vụ tại một trung tâm truyền giáo cho người đồng bào Jrai, tôi đã gặp H’Blao khi cùng tham dự thánh lễ tại trung tâm.

H’Blao hơn tôi 2 tuổi, đôi mắt đẹp và buồn man mác. Thế nhưng trái với ánh mắt buồn ấy, là khoé miệng luôn luôn tươi cười, biểu hiện của một tâm hồn giàu sức sống và tươi trẻ.

H’Blao bị teo chân sau một đợt điều trị sốt rét nguy hiểm. Bác sĩ buộc phải tiêm thuốc cho cô bé 3 tuổi để cứu lấy mạng, nhưng chẳng may mũi tiêm lại khiến chân cô bé không cử động được nữa.

Một phần vì tuổi thơ hồn nhiên, một phần vì rất yêu đời, mà cô bé chẳng mấy để tâm đến sự thiệt thòi của mình, trái lại, cô còn dẫn dắt thu phục cả đám bạn chung quanh, đến nỗi mỗi cuộc chơi chúng đều tôn cô lên làm chị đại.

Tuổi lên 8, cô đã tập cho mình đi được, mà đã đi là phải nhanh, đi bằng người ta cô mới chịu. Với tính cách mạnh mẽ, H’Blao đã chinh phục được hết cấp 3 – cái thủa mà hoạ hiếm trong làng dân tộc ấy mới có người đạt được. Ý chí cùng lòng ham học hỏi khiến H’Blao quyết định khăn gói đi Sài Gòn học tiếp đồ hoạ vi tính. Môi trường quá mới mẻ, và vì nhớ nhà nhớ quê hương, sau 1 tháng H’Blao trở về gia đình, ôn thi lại đại học để vào Cao Đẳng Gia Lai. Học thì phải leo cầu thang, có khi tầng 2, có khi tầng 3, và có cả tầng 4. Mà mỗi tiết học lại đổi một phòng khác nhau. Cô mệt quá không leo nổi nên nghỉ học khi đang theo học ở học kỳ 2.

H’Blao nói với tôi: “Nếu chân tay con lành lặn như người ta, cuộc đời con sẽ khác”. Ừ tôi công nhận là thế. Nhưng ngay cả với khuyết tật của bản thân, H’Blao đã rất khác, rất đặc biệt rồi. H’Blao bảo: “Đó là nhờ con được biết Chúa, con luôn tin rằng Chúa ở với con, hiện diện trong con, Chúa giúp con giải quyết khó khăn một cách ổn thoả dì ạ.” Có phải khuyết tật thể xác đã làm cho con người ta đến gần với cõi tâm linh hơn, nhạy bén với ân sủng hơn không?

H’Blao là người đầu tiên trong làng tham gia vào nhóm Giáo lý viên. Cô tâm niệm: “Con vô Giáo lý viên, vì trong làng con chưa có ai tham gia hết. Và con muốn các em trong làng mình đi học giáo lý nhiều hơn.”

Không chỉ dừng ở đó, H’Blao còn tham gia chương trình Lớp học tình thương, dạy cho các em cấp 1. Căn nhà của cô trở thành lớp học cho mấy chục đứa trẻ trong làng, sáng cũng như chiều, chui đầu vào đó cùng học, cùng làm toán, viết văn, cùng vui chơi với nhau.

Đã từng có lúc H’Blao muốn tự tử, nhưng rồi ý nghĩ ấy nhanh chóng bị gạt đi: “Con thấy như vậy là con có lỗi với Chúa quá, vì Chúa tạo nên con mà con lại đi tìm cái chết. Bây giờ con sống là để yêu mến Chúa thôi, và những điều con mơ ước mà chưa thành, thì con sẽ gieo vào trong các em. Đó là tất cả ý nghĩa của đời con”.

 

Thanh Xuân (TGPSG)