ĐTC tiếp phái đoàn của “Tổ chức các nhà Lãnh đạo vì Hòa bình”

Trong cuộc tiếp kiến dành cho các thành viên của “Tổ chức các nhà Lãnh đạo vì Hòa bình” đến từ một số miền trên thế giới vào sáng ngày 4/9/2021, Đức Thánh Cha khuyến khích họ dấn thân cho hòa bình và một xã hội công bằng và huynh đệ hơn.
 
Ngỏ lời với phái đoàn, sau khi nhắc lại bối cảnh hiện tại với những hậu quả của đại dịch về kinh tế và xã hội, đặc biệt đối với người nghèo; nó không chỉ làm nghèo gia đình nhân loại qua nhiều thế hệ nhưng còn gieo rắc nhiều hoang vắng và gia tăng căng thẳng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đối mặt với sự tồi tệ của nhiều cuộc khủng hoảng chính trị và môi trường hợp lại – nạn đói, khí hậu, vũ khí hạt nhân, và một số khác – sự dấn thân của quý vị cho hòa bình chưa bao giờ cần thiết và cấp bách như hiện nay”.

 

Vai trò xây dựng

Theo Đức Thánh Cha, thách đố được đưa ra là giúp các nhà cầm quyền và công dân đối mặt với các vấn đề quan trọng như một cơ hội. Và trong sự năng động chính trị xã hội này, các thành viên của tổ chức có thể đóng một vai trò xây dựng, chủ yếu bằng cách bồi dưỡng kiến thức tốt về các vấn đề và nguyên nhân gốc rễ của chúng.

Sự tham gia của các thể chế và cá nhân

Đức Thánh Cha nhận định rằng để xây dựng hòa bình, cần cả sự tổ chức của các thể chế khác nhau của xã hội và việc thực hiện của tất cả mọi người, ngay cả những lĩnh vực thường bị loại trừ hoặc vô hình. Do đó, theo Đức Thánh Cha, cần phải làm việc trên cả hai cấp độ văn hóa và thể chế.

Văn hóa gặp gỡ

Trước hết cần cổ võ văn hóa của các gương mặt, đặt trọng tâm trên nhân phẩm, tôn trọng lịch sử của họ, đặc biệt là lịch sử bị thương tổn và bị gạt ra bên lề. “Đó cũng là một nền văn hóa gặp gỡ, trong đó chúng ta lắng nghe và chào đón anh chị em của chúng ta, với “sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp có trong lòng con người”.

Hợp tác và đối thoại

Ở cấp độ thể chế cần phải khuyến khích đối thoại và hợp tác đa phương, bởi vì các hiệp định đa phương đảm bảo tốt hơn các hiệp định song phương việc “chăm lo cho công ích thực sự của toàn cầu và bảo vệ các quốc gia yếu nhất” (Fratelli Tutti 174 ). Đức Thánh Cha mời gọi: Trong mọi trường hợp, “chúng ta đừng dừng lại trên các cuộc thảo luận lý thuyết, chúng ta hãy tiếp xúc với những vết thương, hãy chạm vào da thịt của những người chịu tổn thương” (Fratelli Tutti 261). (CSR_5935_2021)

Hồng Thủy – Vatican News
WGPKT(05/09/2021) KONTUM