Vấn đề di cư là trọng tâm của cuộc họp báo được đưa ra vào thứ Năm ngày 19/10/2023 bởi các tham dự viên Thượng hội đồng. ĐHY Michael Czerny nhấn mạnh: “Sự hòa hợp và thiện chí của Thượng hội đồng làm nổi bật sự lo lắng, dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề của rất nhiều người di cư”.
Trước buổi cầu nguyện đặc biệt dành cho những người di cư được tổ chức vào buổi tối tại Quảng trường Thánh Phêrô, các tham dự viên Thượng hội đồng về tính hiệp hành đã đề cập sâu sắc đến chủ đề di cư trong buổi làm việc vào Thứ Năm ngày 19 tháng 10. Một chủ đề lại xuất hiện trong cuộc họp báo truyền thống vào giữa ngày trước các nhà báo làm việc cạnh Tòa thánh.
Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, trong bài phát biểu bằng tiếng Anh của mình, đã đề cập đến buổi cầu nguyện cho những người di cư được lên kế hoạch vào buổi tối cùng ngày tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài giải thích : trước tác phẩm điêu khắc “Những thiên thần vô thức”, “Đại hội Thượng hội đồng học cách bước đi cùng nhau với tư cách là một Giáo hội sẽ có cơ hội” làm cho hữu hình một cách biểu tượng “cuộc hành trình này” được thực hiện cùng nhau “với hàng trăm người dễ bị tổn thương trên hành tinh, đặc biệt là những người đang chạy trốn hoặc bị buộc phải rời bỏ quê hương của họ, tức là những người mà chúng ta gọi là những người di cư và tị nạn”.
Vì vậy, ngài nói thêm, “sẽ có sự hài hòa với cách chúng ta trải qua ngày hôm nay” trong Đại hội Thượng hội đồng “đang nói về một số khía cạnh” của hiện tượng di cư trước con thuyền được điêu khắc bằng đồng bởi Timothy Schmalz, mô tả “mọi người thuộc mọi lứa tuổi đã bị buộc phải rời bỏ đất nước và nhà cửa của họ vì một lý do nào đó.” Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Czerny nhấn mạnh, “sự hòa hợp, thiện chí và những trao đổi sâu xa được trải qua trong Thượng hội đồng” đã làm nổi bật một cách đáng kể “sự lo lắng, thiếu an ninh, dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề xã hội của những người di cư và tị nạn” cũng như “sự im lặng khủng khiếp của xã hội gạt bỏ họ”.
Đức cha Flores, Giám mục ở biên giới
Cùng có mặt trong cuộc họp báo còn có Đức cha Daniel Ernest Flores, Giám mục của Brownsville, Texas, giáo phận lớn nhất của Hoa Kỳ nằm ở biên giới với Mexico. Ngài nhắc lại rằng “mỗi Giáo hội địa phương trên thế giới đều mang đến Thượng hội đồng những món quà và kinh nghiệm riêng của mình”. Kể lại chuyện của giáo phận ở biên giới của mình, ngài nói rằng trong những năm gần đây, số người từ Châu Mỹ Latinh đến Hoa Kỳ qua Brownsville đã gia tăng. Nhưng câu trả lời của các tín hữu chưa bao giờ thiếu: “rất nhiều người đã xuất hiện – từ các chủ nhà hàng đến y tá – để đưa ra các giải pháp hỗ trợ và giúp đỡ. Chúng tôi không có nhiều nguồn lực vật chất nhưng chúng tôi biết nghèo đói là gì và chúng tôi rất quảng đại”, Đức Cha khẳng định và nhấn mạnh rằng phản ứng tương tự cũng đến từ những người Hồi giáo, Do Thái giáo và các thành viên của các tôn giáo và niềm tin Kitô khác.
Ngài nói thêm, những người vượt biên “phải được đối xử tôn trọng vì phẩm giá con người của họ”. Và ngay cả khi giáo phận không có khả năng tài chính nhiều, cũng cần phải “linh hoạt” và thích ứng với những hoàn cảnh tiến triển liên tục, bằng cách ghi nhớ nguyên tắc tôn trọng – đặc biệt đối với những gia đình của những người di cư thường xuyên sống “những kinh nghiệm khủng khiếp” – và luôn luôn duy trì thái độ hợp tác với các giáo phận lân cận.
Cha Alwan: thảm kịch của người tị nạn Syria ở Libăng
Cha Khalil Alwan – cựu bề trên tổng quyền của các Nhà thừa sai Maronite Libăng và tổng thư ký Hội đồng Thượng phụ Công giáo Đông phương, giáo sư tại Đại học Beyrouth ở Libăng, tuyên bố về phần mình rằng ngài đã tham gia bốn thượng hội đồng và cho rằng hội đồng hiện tại khác biệt về phương pháp và nội dung: “Đó là một cuộc hành trình đích thực với Chúa, với Giáo hội, với tất cả các thực tại được đại diện ở đây. Tham gia vào đó là một ân sủng lớn lao, mang lại cho chúng ta lý do để hy vọng vào một tương lai hạnh phúc cho Giáo hội”.
Tiếp đến, Cha nói về tình hình của những người tị nạn Syria ở Libăng: “Kể từ năm 2011, khi họ đến đây, họ đã sống trong những điều kiện phi nhân, chen chúc với số lượng lớn trong các trại vượt quá sức chứa của chúng, bởi vì cộng đồng quốc tế buộc Libăng giữ họ trên lãnh thổ của mình, ngăn cản họ đến châu Âu”. Cha Alwan cho biết thêm, tại những khu vực này, “có hơn hai triệu người sinh sống, với nhiều ca sinh nở được ghi nhận trong những năm gần đây. Với 5 triệu dân, Libăng là quốc gia có số lượng người tị nạn lớn nhất thế giới”. Ngài ghi nhận rằng nhiều viện trợ nhân đạo khác nhau đang cố gắng giảm bớt tình trạng bi đát này, nhưng những người tị nạn nên được phép đến một nơi tôn trọng phẩm giá con người hơn.
Đức cha Mpako: đón tiếp, lắng nghe, tôn trọng
Cuối cùng, một thực tế di cư khác là Nam Phi, được đề cập bởi Đức Cha Dabula Anthony Mpako, Tổng Giám mục Pretoria và phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Nam Phi. Ngài tuyên bố: “Nếu tôi nghĩ về đất nước của tôi, thì tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng chúng tôi có mảnh đất màu mỡ để biến phương pháp hiệp hành này thành của riêng chúng tôi, vốn sẽ giúp đáp ứng thách thức về việc có thể cung cấp một địa điểm và một nền văn hóa mục vụ cho người di cư và người tị nạn”.
Đức Tổng Giám mục Pretoria giải thích : “Chúng tôi chính thức đón tiếp 2,9 triệu người di cư: trên thực tế, còn rất nhiều người nữa và nguyên nhân chính khiến họ có mặt ở Nam Phi là do nghèo đói. Hầu hết là những người tị nạn kinh tế”. “Chúng tôi có một bộ chăm sóc người di cư và người tị nạn, cố gắng giúp họ đáp ứng những nhu cầu thiết thực như thực phẩm, quần áo và chăm sóc sức khỏe, cũng như tuân theo các thủ tục hành chính để có được quy chế tị nạn”. Ngài nói tiếp, nhiều người trong số họ “là những người Công giáo muốn tiếp tục thực hành đức tin của mình. Họ thường thấy mình bị cô lập trong cộng đồng tha hương. Chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng họ được hòa nhập vào thực tế Công giáo địa phương, đặc biệt bằng cách thu hút các linh mục từ nguyên quán của người di cư”.
Cuộc họp báo ngày 18/10/2023 : Thượng hội đồng sẽ gởi thư cho dân Chúa
Đại hội thông thường lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, khi kết thúc công việc, sẽ viết một lá thư gửi cho toàn thể dân Chúa: đây là điều mà Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban thông tin, đã tuyên bố như thế trong cuộc họp báo ngày 18 tháng 10.
Nó hệ tại “kể cho mọi người”, “cho càng nhiều người càng tốt, và đặc biệt là với những người chưa tham gia hoặc hòa nhập vào tiến trình hiệp hành”, kinh nghiệm mà các thành viên Thượng Hội đồng đã trải qua. Paolo Ruffini giải thích rằng ban thư ký Thượng hội đồng, đồng thuận với Đức Thánh Cha, đã đệ trình đề xuất lên cuộc bỏ phiếu của Đại hội, được đa số rất lớn chấp thuận (trong số 346 cử tri, có 335 người ủng hộ và 11 người phản đối). Buổi họp báo diễn ra với sự hiện diện của Đức Hồng y Leonardo Ulrich Steiner, Tổng Giám mục Manaus, Đức cha Zbigņev Stankevičs, Tổng Giám mục Riga, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Latvia, Đức Cha Pablo Virgilio David, Giám mục Kalookan và Chủ tịch Hội đồng Giám mục của Philippines và Wyatt Olivas, Hoa Kỳ, 19 tuổi, là người tham gia trẻ nhất vào tiến trình hiệp hành.