Sư Phạm Giáo Lý: Thiết Kế Một Tiết Dạy Giáo Lý

THIẾT KẾ MỘT TIẾT DẠY GIÁO LÝ

 

Khi nói: dạy giáo lý là đào tạo người, chúng ta đã bao quát bốn mục tiêu của dạy và học giáo lý. Đó là: dạy cho biết, dạy để làm, dạy để sống như con cái Chúa và dạy để sống trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Thiết kế một tiết giáo lý là cụ thể hóa cách hài hòa những công việc học sinh sẽ thực hiện theo những bước được gọi là trình tự của tiết giáo lý. Công việc chuẩn bị các mặt là soạn giáo án.

I. NGUYÊN TẮC TÍCH CỰC TRONG DẠY GIÁO LÝ

1. Học sinh chủ động

Việc học giáo lý của các em phải luôn có đủ các bước: Tự học – Học với bạn – Học với GLV. Các em phải xem bài, tự tìm hiểu, thử tập tành. Các em phải trao đổi hiểu biết và kinh nghiệm, dù còn rất nông cạn, non nớt, với bạn bè. GLV hướng dẫn, uốn nắn, bổ sung và cuối cùng hệ thống hóa thành bài học. GLV cũng là người  hộ trực, nâng đỡ viêc thực hành sống đạo không chỉ trong lớp mà cả ngoài lớp.

2. Nội tâm hóa

Tiết giáo lý luôn có phần nội tâm hóa, nối dài bằng việc tập sống trong tuần. Đối với các lớp nhỏ, phần giúp nội tâm hóa sẽ dài hơn. Càng lên các lớp trên, phần này sẽ giảm bớt nhưng luôn chiếm tỷ lệ thích đáng. Đừng khi nào cung cấp kiến thức mới suốt từ đầu giờ đến cuối giờ mà không để học sinh kịp đồng hóa.

II. TRÌNH TỰ MỘT TIẾT GIÁO LÝ THEO CT GLPT

1. Trình tự chung

Để thực hiện hai nguyên tắc chủ đạo trên, chương trình Giáo Lý Phổ Thông (CT GLPT) đề nghị trình tự một tiết giáo lý gồm 5 bước trong đó có 3 bước chính là: Nghe Lời Chúa – Hiểu Lời Chúa – Sống Lời Chúa. Năm bước ấy như sau:

a) Phần mở đầu

– Cầu nguyện đầu giờ.

– Điểm danh (theo phương pháp Hàng đội).

– Kiểm tra bài cũ (gồm cả phần kiến thức và phần thực hành).

b) Phần nghe Lời Chúa

– Dẫn vào bài mới.

– Công bố Lời Chúa. (Thinh lặng giây lát)

c) Phần hiểu Lời Chúa

– Các em được GLV giúp tìm hiểu hay các em tự tìm hiểu đoạn trích Lời Chúa vừa đọc.

– GLV dẫn vào các ý cốt lõi của bài học. Xây dựng  tâm tình phù hợp bài học.

– Cầu nguyện cao điểm theo tâm tình đã xây dựng.

d) Phần sống Lời Chúa

– Củng cố bài học bằng hệ thống câu hỏi, bằng tóm tắt hay sinh hoạt: hát múa, trò chơi, đóng kịch, băng reo…

– Thực hành sống trong tuần.   – Ghi bài.

e) Phần kết thúc

– Dặn dò công việc trong tuần, công việc tiết sau…

– Cầu nguyện kết thúc.

2. Một vài lưu ý

a) Về phân bổ thời gian

Thời lượng các bước cần phân chia phù hợp lứa tuổi. Chẳng hạn với Đồng Cỏ Non và Sơ Cấp, phần Hiểu Lời Chúa cần gọn gàng cụ thể, không giải thích hay đào sâu; Phần Sống Lời Chúa sẽ dài hơn, GLV giúp các em nội tâm hóa bằng nhiều cách: đọc nhiều lần câu hỏi-đáp, hoạt động chơi mà học…

Với Khối Kinh Thánh, phần Hiểu Lời Chúa được thực hiện theo nhóm. Các điểm trong bài học cũng thường được thảo luận nhóm. Nhóm trình bày rồi GLV đúc kết thành bài học, dẫn đến hành động cụ thể. Công việc trình bày, đúc kết chính là nội tâm hóa và Sống Lời Chúa.

Đối với Khối Kinh Thánh, việc cầu nguyện giữa giờ nên dời đến sau phần đúc kết bài học.

b) Giáo dục nhân bản Kitô

Việc giáo dục nhân bản được gắn kết, lồng ghép vào toàn bộ tiết giáo lý. Ví dụ xếp hàng ngay ngắn, vào lớp trật tự, điểm danh theo tổ… (tính kỷ luật); Chép bài cẩn thận, giữ sách vở sạch đẹp (tính cẩn trọng); Nghiêm trang, chăm chú khi nghe Lời Chúa, tập cầu nguyện giữa giờ (nề nếp đạo đức); Phát biểu to, rõ, mạch lạc (nề nếp học tập)… đều cần chú ý để giáo dục các em.

GLV cũng giáo dục cách nghĩ, lối sống như tập các em biết làm việc chung qua thực hiện các công tác lớp, công tác trực vệ sinh. Tập các em về lòng nhân ái khi huấn luyện các em biết giữ gìn của chung, nhớ đến bạn đau bệnh, chúc lễ, chúc Tết…

Từ các câu chuyện dẫn nhập, truyện kể minh họa cho bài giáo lý và cả những câu chuyện thời sự bên lề, đều có thể đưa đến các em cách nhìn theo Tin Mừng.

III. SOẠN BÀI

Bộ khung vừa nêu sẽ được làm đầy bằng nội dung của bài cần dạy. Cách chúng ta chuyển tải nội dung trên được gọi là phương pháp sư phạm. Việc chọn một phương pháp chính và một vài phương pháp bổ trợ rồi chuẩn bị giáo cụ, câu tóm ý, hệ thống câu hỏi, bài hát, băng reo… để đạt mục tiêu xác định nào đó theo kế hoạch giảng dạy và kế hoạch chủ nhiệm, được gọi là soạn bài.

1. Trước khi soạn bài

Để soạn bài hiệu quả, trước hết cần nắm được:

– Hướng đào tạo cụ thể của bài, loạt bài và của cả năm học theo chương trình GLPT.

– Mục tiêu cụ thể của giai đoạn rút ra từ kế hoạch chủ nhiệm cả năm.

– Trọng tâm của bài sẽ dạy.

– Phương pháp thích hợp nhất (đối với học sinh, đối với bài sẽ dạy, đối với khả năng bản thân).

2. Viết thành giáo án

Bắt đầu bằng tựa bài; Câu Lời Chúa; Tâm tình, hướng nhắm hay mục đích yêu cầu của bài.

Liệt kê những giáo cụ cần chuẩn bị, tài liệu cần in ấn…

Tiếp đến, ghi lại gọn gàng những điều cần thiết theo bộ khung trình tự. Chẳng hạn:

– Nội dung, đáp án của những câu kiểm tra bài cũ.

– Tóm tắt truyện kể dẫn nhập.

– Các câu phát vấn để xây dựng bài

– Bài hát, trò chơi để củng cố bài.

– Việc thực hành sống đạo trong tuần.

– Những điều cần dặn dò.

3. Sắp xếp giáo án

Trong giáo án, cần chừa một phần giấy trắng để ghi lại phần tự rút kinh nghiệm. Đó có thể là những sáng kiến trong quá trình dạy thực tế, những thay đổi nên đưa vào để bài giáo lý thêm sinh động.

Cần lượng giá tổng quát tiết giáo lý vừa dạy. Ghi chú những đề nghị thêm bớt, thay đổi… đối với thủ bản hay sách GLV.

WGPKT(17/09/2021) KONTUM