Các em đang chuẩn bị đi học trở lại. Lớp học mới, bạn bè mới, hoạt động mới… Đó cũng là lúc dành chỗ cho Chúa, cho đời sống thiêng liêng, cho những câu hỏi hiện sinh lớn. Dưới đây là mười lý do (tốt) để đăng ký cho con bạn đi học giáo lý năm nay.
Tại sao chúng ta đã làm điều đó
Trong thời gian biểu của con cái chúng ta, liệu có còn chỗ cho “giáo lý” không? Theo số liệu mới nhất được Hội đồng Giám mục Pháp công bố về chủ đề này, vào năm 2017, 17,5% trẻ em từ 8 đến 11 tuổi được học giáo lý ở Pháp, dù là ở các giáo xứ hay trong các cơ sở giáo dục Công giáo. Để so sánh, năm 1993, tỷ lệ trung bình trẻ em được học giáo lý là 42,1%.
Thế tục hóa, xa cách với thể chế, mất lòng tin sau những tiết lộ về hành vi lạm dụng và xâm phạm của các thành viên Giáo hội, cũng như sự thay đổi lịch học ở trường, tổ chức gia đình bị đảo lộn… nguyên nhân dẫn đến sự mất lòng tin này là rất nhiều.
Tuy nhiên, việc dạy giáo lý, không chỉ giới hạn ở việc giảng dạy tôn giáo đơn giản hay chuẩn bị các bí tích, có thể là cơ hội cho các em phát triển đời sống thiêng liêng của mình, trao cho các em chìa khóa để phát triển đời sống tâm linh, bằng cách sống với bạn bè của mình và gặp gỡ Chúa Kitô. “Việc dạy giáo lý không thể giống như một bài học ở trường, nhưng nó là một kinh nghiệm sống động về đức tin mà mỗi người chúng ta cảm thấy mong muốn truyền lại cho các thế hệ mới,” Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố như thế vào năm 2022 với các giáo lý viên đến gặp ngài ở Rôma.
Đối với những bậc cha mẹ đang thắc mắc về lợi ích của việc đăng ký cho con mình học giáo lý, chúng tôi đã liệt kê, với sự giúp đỡ của những người dấn thân trong sứ mạng này, 10 lý do (tốt) để dành một khoảng thời gian nhỏ trong tuần cho việc khám phá Thiên Chúa.
1. Khám phá Chúa Giêsu và trở nên bạn hữu suốt đời của Người
“Việc đăng ký học giáo lý cho con cái bạn, đó là cho phép chúng gặp được Chúa Giêsu và khám phá ra rằng chúng được Thiên Chúa yêu thương.” Đây là lý do đầu tiên được trang web của Hội đồng Giám mục Pháp đưa ra. Delphine Hainaut, thuộc ban giáo lý giáo phận Lille, nhắc lại: đối với nhiều trẻ em, những năm học giáo lý là cơ hội tốt nhất để khám phá hoặc đào sâu trọng tâm của đức tin Kitô giáo, vốn trước hết không phải là một tập hợp kiến thức và quy tắc, nhưng là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng.
Bà tóm tắt: “Mục tiêu đầu tiên của việc dạy giáo lý là nói lên “Chúa Giêsu là ai” và “Chúa Giêsu là ai đối với bạn”.” Marie-Dominique Gaïa, trợ lý mục vụ của trường trong gần mười lăm năm, thích nói với các em cuộc sống tươi đẹp như thế nào. Và bà nói thêm: “Nhưng còn có điều gì đó hơn thế nữa, đó là gặp gỡ Thiên Chúa, trở thành bạn của Chúa Giêsu. Đó là một niềm hạnh phúc còn lớn hơn mọi niềm vui trong cuộc sống!”
2. Đi vào Lời Chúa
Lời Chúa, đối với người Kitô hữu, đó trước hết là chính Chúa Giêsu. Và đó cũng là Thánh Kinh – cuốn sách được đọc nhiều nhất trên thế giới! – nơi chúng ta khám phá ra làm thế nào Thiên Chúa đã tự mặc khải chính mình cho con người trong lịch sử. Trong lớp giáo lý, trẻ em được tiếp xúc với kho báu này. Delphine Hainaut nhấn mạnh: “Đó là điểm neo. Trẻ em rất nhạy cảm với nó, chúng thích những câu chuyện, và dần dần chúng tôi đồng hành với chúng để câu chuyện này bén rễ trong cuộc sống của chúng, để nhân vật Giêsu thực sự trở thành một con người trong cuộc đời chúng… và cho suốt cuộc đời.” Marie-Dominique Gaïa đảm bảo việc đọc một đoạn Thánh Kinh trong mỗi buổi học và luôn gắn kết với cuộc sống hằng ngày của những người trẻ: “Điều đó mang lại cho họ niềm tin lớn lao vào bản thân và cuộc sống.”
3. Chuẩn bị lãnh nhận bí tích
Có cần phải được rửa tội để đi học giáo lý không? “Không, và kể ra cũng may mắn! », Ombeline Soulier Dugénie phản ứng, vì chính bà đã được rửa tội ở tuổi trưởng thành hơn một năm trước. Người mẹ của một gia đình hỗn hợp này ngày nay đang hướng dẫn hai nhóm giáo lý trong giáo xứ của bà ở phía đông Paris để “truyền đạt lại những gì bà đã nhận được”. Ngoài việc rửa tội cho những ai mong muốn, việc chuẩn bị lãnh nhận các bí tích là một phần trong những năm học giáo lý: Bí tích Hòa giải và rước lễ lần đầu vào khoảng 7 hoặc 8 tuổi, Thêm Sức thường ở tuổi thiếu niên. Đối với Marie-Dominique Gaïa, các bí tích là “các giai đoạn tăng trưởng” cho phép trẻ em ngày cànglàm cho Chúa Giêsu đi vào cuộc sống của chúng: “Thật tuyệt vời khi được nhìn thấy và đồng hành với điều đó.”
4. Phát triển văn hóa nhân bản và tôn giáo của các em
Học giáo lý mang lại cho trẻ em sự học hỏi văn hóa phong phú. Chúa Giêsu, Thánh Kinh, lịch sử của Giáo hội, ảnh hưởng của Kitô giáo trong nghệ thuật, ý nghĩa của những ngày lễ lớn… Ombeline Soulier Dugénie nhận xét : “Trẻ em rất hài lòng khi học, nó giống như nghiên cứu về nguồn gốc của chúng.” Marie-Dominique Gaïa nói thêm: “Khi học Mười Điều Răn, tôi cho các em thấy làm thế nào điều đó đã truyền cảm hứng cho luật pháp và đạo đức trong các xã hội của chúng ta.”
Ở lớp giáo lý, các em bước vào truyền thống sống động của Giáo hội, đặc biệt qua lời việc gợi lên các thánh: “Đó là những mẫu gương sống tuyệt đẹp, tất cả đều khác biệt, cho phép mỗi người nhận ra chính mình.” Hơn nữa, qua việc học các nhân đức, bác ái, tha thứ, tự chủ – đặc biệt trong Mùa Vọng và Mùa Chay – các em khám phá ra rằng Thiên Chúa thực sự có thể biến đổi cuộc sống của họ. “Điều đó làm cho các em mạnh mẽ hơn và hạnh phúc hơn!”
5. Làm dịu cơn khát tâm linh của các em
“Trẻ em có tính tâm linh sâu xa!”, Delphine Hainaut lưu ý với một chút ngạc nhiên, và chúng sẽ hình thức hóa các câu hỏi về hiện sinh hoặc tôn giáo từ rất sớm, khiến cha mẹ chúng thường có chút bất lực. Marie-Dominique Gaïa cho biết thêm: “Cần phải nghiêm túc xem xét điều đó, bằng cách cung cấp cho trẻ em những phương tiện thực sự để trả lời cho điều đó.” Do đó, việc học giáo lý cho phép trẻ em – và thường là cho chính các bậc cha mẹ – khám phá những vấn nạn này, tìm kiếm theo nhóm, làm chứng, đặt ra từ ngữ… Delphine Hainaut nói thêm: cùng nhau, các em sẽ tìm thấy câu trả lời, “cho dù chúng ta không bao giờ có tất cả các câu trả lời”.
6. Hãy để bản thân ngạc nhiên trước những câu hỏi của các em
Đối với một số cha mẹ, việc cho con đi học giáo lý, đó cũng là chấp nhận để bản thân ngạc nhiên, đôi khi có chút xáo trộn. “Tôi không thể đồng hành với nó, nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy sự phong phú nội tâm của con tôi, những câu hỏi sâu sắc của nó, ước muốn trở thành một Kitô hữu của nó.”
Marie-Dominique Gaïa đã nhận được rất nhiều tâm sự kiểu này. Nếu những người hướng dẫn đồng hành cùng các em trên hành trình đức tin của chúng, họ cũng không muốn để các bậc cha mẹ sang một bên. Ombeline Soulier Dugénie thích tạo mối liên hệ với cuộc sống hằng ngày và không ngần ngại hỏi trẻ những câu hỏi nhỏ để trẻ suy nghĩ khi ở nhà. Để khuyến khích sự trao đổi này trong gia đình, giáo phận Lille đã tổ chức các buổi dạy giáo lý rất được đánh giá cao giữa cha mẹ và con cái.
7. Làm quen bạn mới
Delphine Hainaut lưu ý: “Rất nhiều trẻ em đi học giáo lý vì bạn bè kể cho các em về điều đó. Trẻ em là những chứng nhân tuyệt vời”. Và các em kết bạn rất dễ dàng khi đi học giáo lý. Trên thực tế, đây vừa là thời gian khám phá vừa là khoảnh khắc vui vẻ, nơi trò chơi đóng một vai trò quan trọng. Hơn nữa, bà nói thêm, “trẻ em không nhất thiết phải có một nơi để chúng có thể hoàn toàn tự tin nói về bản thân và cuộc sống của mình, quan tâm đến người khác, được lắng nghe. Trong các nhóm giáo lý nhỏ, tình huynh đệ thực sự được tạo ra”. Đây là lý do tại sao bạn bè ở lớp giáo lý rất quý giá. Học giáo lý cũng cho phép trẻ em có những chân trời khác nhau gặp nhau. Ombeline Soulier Dugénie thích thú nhận xét: “Điều đó làm cầu nối giữa trường công và trường tư. Và điều này cũng đúng với các bậc cha mẹ!”
8. Học cầu nguyện
Marie-Dominique Gaïa làm chứng: “Tôi rất ngạc nhiên về số lượng trẻ em, không nhất thiết là Kitô hữu, cầu nguyện vào buổi tối trong phòng của chúng”. Nhiều trẻ em, nếu không có thói quen, thì ít nhất cũng có khuynh hướng cầu nguyện và chúng nói về điều đó một cách tự nhiên hơn người lớn. Nhưng lời cầu nguyện cũng cần được đồng hành. Delphine Hainaut nhấn mạnh , đây là lý do tại sao “không có buổi học giáo lý nào mà không có thời gian cầu nguyện”.
Như thế, trẻ em học cách cầu nguyện theo nhiều cách khác nhau: qua lời ca ngợi, bài hát, sự thinh lặng, chầu Thánh Thể, những cử hành đẹp đẽ… Đặc biệt, chúng khám phá ra niềm vui của việc cầu nguyện cùng nhau, đôi khi trong mối liên hệ với cộng đồng giáo xứ và thánh lễ Chúa Nhật. Bà nói tiếp : “Lúc đầu, có một sự bắt chước nào đó. Dần dần, đứa trẻ sẽ nhận ra rằng mình thực sự đang nói chuyện với ai đó.” Mục đích là giúp trẻ em, nếu chúng mong muốn, bước vào bằng trái tim chân thành với Chúa và cầu nguyện trong suốt cuộc đời của chúng.
9. Khám phá ý nghĩa của Thánh lễ
Bí tích Thánh Thể, như Công đồng Vatican II nhắc nhớ, là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu”. Trong lớp giáo lý, các em được làm quen với mầu nhiệm cao cả này, tập hợp các Kitô hữu lại với nhau xung quanh sự hiện diện của Chúa Giêsu. Marie-Dominique Gaïa giải thích: “Hằng năm đều có một buổi học hỏi về Thánh lễ. Chúng tôi đến nhà nguyện, lấy tất cả các đồ dùng phụng vụ ra, chúng tôi giải thích các biểu tượng, bọn trẻ rất thích.”
Giáo lý viên cũng nhấn mạnh để các em, và đôi khi cả gia đình các em, tham dự càng nhiều càng tốt: đọc sách, phục vụ bàn thờ, âm nhạc, rước kiệu… “Điều rất quan trọng là các em trải nghiệm một cuộc gặp gỡ nội tâm với Chúa Giêsu, nhưng đồng thời các em cũng tìm được chỗ đứng của mình trong cộng đoàn, chúng cảm thấy mình là những Kitô hữu chính thức trong cộng đoàn.”
10. Sống những thời gian cao điểm
Ombeline Soulier Dugénie phấn khởi nói : “Năm tới, chúng tôi dự định thực hiện một chuyến hành hương đến nhà thờ Đức Bà Paris! ”. Ngoài các cuộc học hỏi thường lệ, năm học giáo lý thường được nhấn mạnh bằng những thời gian cao điểm: viếng thăm một đền thánh địa phương, tĩnh tâm trong một đan viện, dã ngoại vui vẻ với các nhóm khác, “bát cơm” trong Mùa Chay… không thiếu những sáng kiến . Do đó, Marie-Dominique Gaïa gợi lại những cuộc tĩnh tâm tuyệt đẹp tại đan viện Biển Đức ở Solesmes, mở cửa cho tất cả mọi người – “bọn trẻ rất ngạc nhiên trước thánh ca Grégorien”, bà nhớ lại – hay thậm chí là Frat, một cuộc tụ họp lớn dành cho học sinh trung học của vùng Île-de-France “rất lễ hội và cũng mạnh mẽ về mặt tinh thần, đôi khi là khoảnh khắc hoán cải của giới trẻ”.