Trích dịch từ ADRIEN LAUNAY, Nos missionnaires précédés d’une étude historique sur la Société des Missions Étrangères, Retaux-Bray, Paris, 1886, tr. 207-307
“Một buổi chiều đẹp tháng 8 năm 1864, chúng tôi ngồi nơi ngạch cửa lớn, hít thở làn gió nhẹ vừa làm dịu mát bầu không khí nóng bức; sau vài lúc yên tĩnh, hai em gái tôi đã đi xa xa, và chúng tôi, Jean-Marie và tôi, còn lại một mình nói chuyện về những dự định tương lai.
Anh nói nhỏ với tôi, “Anh muốn thổ lộ với em điều này, nhưng em phải hứa là giữ bí mật cho đến khi anh cho phép em nói ra; em có hứa không? – Vâng – Này, em gái, anh sẽ làm nhà truyền giáo, vâng, anh sẽ đi thật xa, thật xa để chinh phục các linh hồn cho Chúa. – Nhưng các linh mục trong đất nước chúng ta không phải là chính họ cũng chinh phục các linh hồn sao, tại sao anh không muốn ở lại đây? – Bởi vì chính ở nơi xa kia là nơi anh phải đến. Và anh nói thêm bằng một cung giọng mà tôi sẽ không bao giờ quên trong đời: – Ồ! Cô em ơi! Nếu em biết được hôm nọ anh đã đọc được gì và cảm nhận được vẻ đẹp của linh hồn thì tuyệt vời biết bao! Dù chỉ chinh phục được một linh hồn thôi, thì anh cũng sẽ đi, bất cứ giá nào”
Đó là câu chuyện do cô em gái của vị tử đạo Jean-Marie Poirier kể lại cho chúng ta. I
Cha Poirier, sinh ngày 23 tháng 6 năm 1848, tại Sainte-Colombe (Ille-et-Vilaine), lúc bấy giờ lên mười sáu tuổi, và đây là lần đầu tiên ngài nói đến dự định sống đời tông đồ của ngài.
Sáu năm sau, cô Poirier vào Dòng các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm, và vài giờ sau, Poirier từ Đại Chủng Viện Rennes chạy đến, đi dạo với em gái trong khu vườn của cộng đoàn. Ngài hỏi em:
– Này, em gái, em có nhớ điều anh nói với em về ơn gọi của anh không? Chị trả lời – Vâng, em nhớ, – Em đã nói điều ấy với ai chưa? – Chưa, chưa bao giờ – Vậy thì bây giờ em có thể nói điều ấy: ba tháng nữa anh sẽ đi Paris.
Như Poirier đã báo, tháng Chín, anh vào Chủng Viện Hội Truyền Giáo Hải Ngoại. Sự hy sinh đầu tiên này không phải là không đau đớn. Ngài viết “Đến Paris, tôi không còn chịu được nữa. Có lúc tôi tin là mình sắp ngã quỵ trong cuộc chiến kinh khủng với ma quỷ. Tóm lại, sui compos (tự chủ) không là một tính ngữ thích hợp cho Poirier. Song, nhờ sự bảo trợ đầy quyền năng của Nữ Vương các thánh Tông Đồ và các thánh Tử Đạo, của các thánh thiên thần và các thánh bổn mạng mà chúng tôi hằng kêu cầu, tôi đã chiến thắng. Nỗi nhớ quê hương đã xóa nhoà, nỗi đau phải mãi mãi lìa xa cha mẹ đã không còn day dứt nữa; vì tình yêu Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta, tôi vui lòng chịu tất cả điều đó”.
Chẳng bao lâu sau, kinh kệ và cầu nguyện đã làm cho linh hồn người thỉnh sinh trẻ tuổi trẻ này chẳng những nếm được sự bình an, mà còn hạnh phúc nữa. Vả lại, Poirier đã biết lĩnh hội những bài học từ những gì chung quanh mình. Sau khi nói lên những tình cảm đức tin và đạo đức mà các vị hướng dẫn đã gợi ý cho mình, ngài nói thêm: “Ở Nhà nguyện, một chủ đề suy gẫm khác nảy ra trong tâm trí; Mẹ nhân lành hiện ra với chúng tôi, tuôn đổ vào linh hồn chúng tôi mọi thứ phúc lành. Chúng tôi thấy hình như Người dạy cho chúng tôi các nhân đức khiêm hạ, kính mến và nhiệt thành! Sau đó chúng tôi chạy đến ngôi trường thứ ba, ngôi trường thực hành tình yêu Thiên Chúa và các linh hồn. Sấp mình trước thánh tích quý báu của các vị tử đạo đáng tôn kính, chúng tôi cầu xin các ngài thương xót đến sự yếu hèn của chúng tôi và dạy cho chúng tôi con đường trọn lành bằng cách cầu xin được thông hiệp với đức tin mạnh mẽ, đức mến nồng cháy, sự can đảm và bình thản của các ngài giữa các nhục hình. Lúc bấy giờ ta có thể nghe được câu trả lời của các ngài: có vị thì nói rằng thiếu vắng thập giá là thiếu vắng sự sống. Vị khác lại nói: hãy lấy sự đau khổ vì Thiên Chúa là phương châm cuộc đời. Vị thứ ba, đồng ý với Thánh Phaolô, muốn chúng tôi yêu mến Thầy chí thánh như những người điên dại. Những lời dạy tốt đẹp và sáng suốt biết bao! Mỗi ngày hãy đọc một kinh Kính Mừng để xin cho tôi có được nhành lá vạn tuế nhuộm máu và vinh quang của những người thắng trận. Số phận của người tử đạo thật hạnh phúc biết bao! Dây treo cổ, đao kiếm, búa rìu hay kìm kẹp mở ngay cho người ấy cửa thành Giêrusalem trên trời, làm cho người ấy lập tức tham dự vào hạnh phúc thực khi mãi mãi sở hữu Đấng làm cho các thiên thần và các thánh vui mừng hớn hở.”
Vào ngày lãnh nhận chức phụ phó tế, ngài đã xin được chết. Ngài viết: “Tôi khao khát ước ao và khẩn khoản nài xin được chết trong ngày thánh hiến trọn đời này. Ân sủng này đã không được ban: tôi không xứng đáng.”
Đã đến lúc khởi hành để ra đi, ngài thấy hình như đừng đi gặp lại cha mẹ thì quảng đại hơn. Ngài nói: “Tôi muốn bắt chước Thánh Phanxicô Xavier đã từ chối viếng thăm gia đình của mình trước khi lên đường đi Ấn Độ.”
Gia đình của Cha Poirier không chịu được sự hy sinh cuối cùng này, nên vị thừa sai đã phải trở về Bretagne. Ngài thánh hoá chuyến đi của mình bằng cách đi cầu nguyện ở Vương Cung Thánh Đường Sainte-Anne d’Auray và Đền Thánh Pontmain, miền đất yêu mến của Đức Bà Cậy Trông.
II
Đến miền truyền giáo Đông Đàng Trong, ngài được chỉ định đến Trung Tín, tỉnh Quảng Ngãi, để học tiếng Việt.
Vài tháng sau, ngài được sai đến những người thượng Ba-Na.
Người Ba-Na sống trong vùng núi rừng nằm ở vĩ độ 14o bắc và kinh độ 104o đông; núi không cao lắm còn rừng thì chỉ có những cây có độ lớn bình thường.
Cha Combes viết: “Người ta không đến đây để mỗi bước chân đều có thể chiêm ngưỡng những phong cảnh đẹp như tranh vẽ của các cánh rừng nguyên sinh Châu Mỹ; phong cảnh của xứ này hầu như khắp nơi đều giống nhau: không có những thác nước đổ ầm vang, không có những vực thẳm kinh hồn, không có những cây cổ thụ xưa như thế giới, chẳng có những gì mà trí tưởng tượng thích hình dung nơi những xứ sở có người hoang dã ở. Cho nên, điều thích thú duy nhất mà chúng tôi cảm thấy trong các hành trình khó nhọc của chúng tôi, đó là ý nghĩ mình bước đi nhân danh Thiên Chúa, là hy vọng chinh phục cho Người được vài linh hồn. Mà lý do duy nhất này không đủ để cổ vũ nhà truyền giáo chịu đựng được mọi mệt nhọc hoặc thậm chí quyến rũ họ sao?”
Đất đai khá phì nhiêu nhưng cư dân lại quá biếng nhác, dụng cụ trồng tỉa lại quá thô sơ, nên không thể có được những vụ mùa dồi dào
Người Ba-Na khai hoang vài mẫu đất ở giữa rừng; với một cái gậy, anh ta thử xới đất, gieo hạt vào đó; đó là những phương cách trồng trọt thông thái nhất của họ. Sau hai, ba vụ thu hoạch, đất đã cằn cỗi, và người thượng đi khai hoang một mảnh đất khác, trong khi đó cây cối và cỏ mọc lại ngay nơi mà anh ta vừa bỏ đi.
Ngôn ngữ của người Ba-Na không có gì chung với tiếng Việt; nó có khá nhiều từ liên quan đến những điều thông dụng, buôn bán, công việc nương rẫy, nhưng rất nghèo nàn trong những gì liên hệ với trí tuệ. Chữ viết thì hoàn toàn không có; người thượng không hiểu rằng người ta có thể diễn đạt tư tưởng của mình một cách khác hơn là lời nói. Một nhà truyền giáo viết: “Cho nên khi họ thấy chúng tôi xem một quyển sách, họ đặt ra hàng nghìn câu hỏi trong những câu hỏi kỳ lạ nhất. – Họ hỏi: ““Labaar” nói gì với ông? (“Labaar”, họ gọi sách báo như thế). “Thật không thể hiểu được! Thật là huyền bí!” “Sao, nó nói với ông à! Ông nghe nó nói à! Trong khi chúng tôi không nghe được một âm thanh nào của nó.” Rồi họ hỏi chúng tôi về tương lai, họ tin chắc rằng những ai có được tri thức của labaar thì biết hết mọi chuyện. Nhiều lần, nhất là lúc ban đầu, họ đến tham khảo ý kiến cuốn sách như tham khảo ý kiến của các bà phù thủy thời cổ đại. Người thì nói: “Tôi đã mất vật này vật nọ, hãy hỏi “labaar” xem tôi có thể tìm lại nó ở đâu”. Người khác hỏi: “Người ta đòi tôi phải trả một món nợ của tổ tiên, hãy xem có phải ngày xưa cha tôi chưa trả hay không.”
Những người thượng tập họp lại thành từng buôn làng, gồm hai mươi đến một trăm nhà; ở trung tâm mỗi xóm, họ dựng lên một lán rộng là nơi hội họp, cử hành các hội hè và dâng cúng các lễ hiến sinh của họ.
Nhà ở thì to lớn, rất thoáng khí và dầu đơn giản nhưng vẫn có một mức độ thanh lịch nào đó, nhất là khi chúng còn mới. Hai hàng cột gỗ chống đỡ, và sàn nhà bên dưới làm bằng các nan tre đan thật kỹ hoặc chỉ đập dẹt và kết lại với nhau thật chặt, cách mặt đất khoảng năm hoặc sáu piê (mỗi piê khoảng 30cm); một tấm phên thưa hơn được dùng làm vách. Mái, thật mảnh và rất cao, được lợp bằng những tấm tranh rất dài mà các phụ nữ lựa chọn từng cộng một, dây mây thay thế đinh ở khắp nơi. Bên trong, hễ có bao nhiêu gia đình thì là bấy nhiêu căn; người ta dành riêng một căn lớn hơn để tiếp khách; chỉ vài cái ché chứa rượu là vật trang trí trong nhà.
Sau thời gian hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu Rơ-hai, Cha Poirier đi qua Kon-trang, thuộc bộ tộc Xê-đăng. Chẳng mấy chốc ngài đã ngã bệnh.
Cha Dourisboure, người sáng lập miền truyền giáo dân tộc Ba-Na, đã viết: “Trong rừng núi tự do của chúng tôi, trong xứ tuyệt đối độc lập này, có một bà hoàng bạo ngược, không ai thoát khỏi ách của bà. Bà hoàng này chính là bệnh sốt rét. Chính những người dân bản địa thỉnh thoảng cũng không tránh được. Những người nước ngoài thì không một ai thoát khỏi. Phần lớn không chống nổi nó, và những người có sức sống sót thì khi bình phục, lại rất khác với tình trạng trước đây của họ. Tôi nói điều này nhất là cho những người kế tục chúng tôi sau này, không phải để làm cho họ nản lòng – một nhà truyền giáo thực sự không nản lòng vì việc nhỏ nhặt như vậy – nhưng để báo cho họ biết và an ủi họ trước. Một nhà truyền giáo trẻ luôn luôn ấp ủ ít nhiều tận đáy lòng niềm hy vọng được tử đạo. Vậy thì, với tất cả những người sẽ được gởi đến nơi miền thượng của chúng tôi, tôi hứa cho họ sự tử đạo, sự tử đạo không hiển hách, không gông cùm, không roi vọt, không tra tấn và không đổ máu, nhưng không kém đau đớn, lâu dài hơn nhiều, và tôi hy vọng điều đó cũng làm vui lòng Thiên Chúa mà chúng tôi rao giảng, làm vui lòng Chúa Giêsu chịu đóng đinh.”
Đây chính là sự tử đạo mà Cha Poirier đã chịu; ngài chắc là đã ngã quỵ ở đó nếu giám mục không gọi ngài về lại xứ Trung kỳ.
III
Trong ba năm, ngài làm quản lý hội truyền giáo, và năm 1880, ngài được giao phụ trách sở Phú Thượng, cách Tourane (Đà Nẵng) không xa, trong tỉnh Quảng Nam. Hạt này gồm mười hai cộng đoàn Kitô hữu: An Ngãi, Tùng Sơn, Hòa Mỹ, Hội Yên, Cồn Soi, Bửu Sơn, Lộc Hoà, Phú Hạ, Thạch Nham, Đông Môn, An Châu; người ta tính được 2.670 Kitô hữu; Phú Thượng có một phước viện gồm 52 nữ tu, và một cô nhi viện với 95 trẻ.
Các Kitô hữu thì nghèo khổ, nhu cầu của họ lại rất nhiều nên có vô số việc phải làm. Cha Poirier đã không ngần ngại chìa tay ra xin những người bà con và bạn bè của mình; đức ái quảng đại hầu như luôn luôn đáp lại những tiếng kêu khẩn thiết. Người ta biết ngài rất rõ, người ta biết rằng ngài tiêu phí tất cả để phục vụ các Kitô hữu của mình, vả lại, những con số rành rành ra đó đã chứng minh cho lòng nhiệt thành của ngài. Năm 1881, ngài rửa tội cho 108 người ngoại giáo. Ngài nói: “Nhưng, chao ôi! Tất cả điều đó là quá tốt đẹp nên không kéo dài được lâu”. Thật vậy, bệnh hoạn đã nhanh chóng chận đứng công việc và thành quả của ngài. Tháng 2 năm 1883, ngài vào Sàigòn. Ngài nói: “Khi đến bệnh viện, bác sĩ trưởng sau khi nghe bệnh và khám kỹ lưỡng, đã viết trên sổ lớn như sau: thừa sai Poirier mắc phải chứng suy nhược, chứng thiếu máu trầm trọng, ngài còn bị cổ trướng và lá lách sung huyết.”
Thế nhưng bệnh nhân can đảm này nói thêm: “Tôi sẽ trở lại miền truyền giáo của tôi, và cho dù phải chết thì tôi cũng sẽ thà chết hơn là bất trung với ơn gọi của tôi. Nhưng hẳn là tôi không muốn chết, cũng không muốn bệnh tật: tôi mong được mạnh khoẻ, tôi ước ao làm việc, nhưng trước hết, xin phó thác cho Đấng Quan Phòng!”
Ngài đã phải ra đi đến Nhà điều dưỡng Hồng Kông, ở lại đó gần một năm; khi trở về, ngài được sai đến hạt Văn-Bân, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngài viết ngày 30 tháng 6 năm 1885 rằng: “Tôi thấy hạnh phúc trong hạt mới này, tất cả đều diễn tiến tốt đẹp, nhất là quanh tôi đang có phong trào trở lại đáng trân trọng và thực sự khác thường. Từ ngày đầu năm cho đến lễ Phục Sinh, tôi đã rửa tội được 150 dự tòng; một số lớn lương dân xin trở lại, nhiều xã sắp bỏ việc thờ cúng ngẫu tượng để trở thành Kitô hữu. Chẳng phải tất cả điều đó làm cho con tim của nhà truyền giáo mừng vui sao?”
Cha Poirier sẽ không hưởng nếm sự vui mừng sâu sắc này được bao lâu nữa, sự vui mừng mà mọi tông đồ đều cảm nhận được khi thấy công việc của Thiên Chúa phát đạt. Chính ngài kể lại: “Các quan lại và nho sĩ đã thề bằng bất cứ giá nào cũng ngăn cản tôi giảng đạo tại nơi họ. Họ đã uống máu ăn thề, theo thành ngữ Annam, nghĩa là, vào một ngày ấn định, mỗi làng tụ họp ở nhà làng, người ta cắt cổ một con bò và một con heo, người ta uống máu còn nóng, họ tiệc tùng theo cách người ngoại giáo. Như vậy, trong một ngày, tất cả người ngoại giáo trong một vùng dài hai mươi dặm, rộng khoảng bốn dặm (mỗi dặm khoảng 4km), đều đã bị buộc bằng lời thề rằng phải đập tan tôn giáo, phải bách hại các Kitô hữu. Không cần một lý do rõ ràng nào, ông chánh tổng đã tống ngục nhiều tân tòng, đóng gông sau khi đánh đập họ.”
Đức Cha Van Camelbeke nói trong một bức thư đề ngày 8 tháng 6 năm 1885 rằng: “Khi biết những sự việc này, Cha Poirier đã không ngần ngại đi đến tri huyện để đòi công lý.
“Các cố gắng của ngài đã vẫn không có kết quả, và chính lúc ấy, người bạn đồng hội chúng tôi đã chuẩn bị đích thân đi đến Văn-Bân để xem có cách nào đàm phán hoà bình với các giới chức thẩm quyền của làng không. Vậy, ngài đã cho mời họ đến gặp ngài tại nhà xứ nhỏ của giáo xứ mới này; nhưng không một ai trong họ chấp nhận cuộc hội kiến được đề nghị này. Muốn kết thúc sớm nhất, Cha Poirier, được thúc đẩy bằng những ý hướng ôn hoà nhất, đã không ngại tự mình đi đến nhà làng, với duy nhất một gia nhân mười tám tuổi. Sau đó, ba giáo dân cũng đi theo Cha. Nhưng những người ngoại giáo được tập họp và khích động đã từ chối hoà giải với vị thừa sai. Hơn thế nữa, họ tàn nhẫn tóm lấy và dùng gậy đánh ngài dữ dội, nhất là đầu và cánh tay trái. Ông linh mục tội nghiệp bị xử tệ như vậy, đã phải nằm tại chỗ, đầy thương tích và chờ đợi cú đánh kết liễu. Lúc bấy giờ ngài đã quảng đại hy sinh mạng sống mình, sẵn sàng chết vì sự nghiệp đạo thánh của chúng ta. Một trong các giáo dân chứng kiến cảnh bi thảm này, đã hấp tấp gấp rút đi báo tin cuộc mưu sát bỉ ổi này cho các Cha Garin và Guégan, lúc bấy giờ ở cách đó rất xa. Hai người bạn đồng hội này ra đi ngay, và khi đi ngang qua, đã vào huyện đường để đệ đơn khiếu nại lên quan lớn và yêu cầu cứu giúp và bảo vệ, vì các nhà truyền giáo đã được cấp giấy thông hành. Đơn thỉnh cầu của họ vẫn không có hiệu quả, họ dũng cảm tiếp tục lên đường. Nhưng trước khi đến lãnh thổ Văn-Bân, họ đã gặp các Kitô hữu báo cho biết rằng tất cả các làng đều đã đồng loạt nổi dậy, và họ van xin các ngài đừng tìm cách đi đến gần Cha Poirier trong lúc này, vì đó là chắc chắn chuốc lấy một sự nguy hiểm cách vô ích vì tất cả ở trong tình trạng kích động cao độ. Vậy qua ngày hôm sau các ngài mới lại toan tính đi đến tận nơi xảy ra cuộc nổi dậy.
“Người ta đã không đánh lừa các ngài; vì vừa đến gần nhà làng, nơi người bị thương tội nghiệp đang nằm, thì tiếng chiêng đã vang lên báo động, và từ khắp phía, một đạo quân thực sự hình như từ dưới đất chui lên để rượt theo các ngài và lập lại kỳ tích mới của họ. Vậy là các ngài đã phải chịu thua và ẩn trốn vào nhà các giáo dân của xứ Văn-Bân.
“Đêm sau, Cha Garin đã có thể lén lút vào đến tận bên Cha Poirier, đầu ngài đầy những vết thương còn chảy máu, hai cánh tay đen và bầm tím vì những cú đánh, hai chân bị những nhát giáo đâm xuyên qua. Đây là một trong những cuộc hội kiến xúc động nhất. Bệnh nhân tội nghiệp, tin là giờ chết đã đến, nên đã lợi dụng cuộc viếng thăm này để xưng tội; thậm chí cũng đã lãnh nhận Mình Thánh Chúa.” Nhưng, ngày hôm sau, Cha Poirier đã được trả tự do; than ôi! Nhưng tự do cũng không được bao lâu nữa.
IV
Sau khi ký hoà ước với Trung Hoa, tướng de Courcy đi Huế với một đoàn tùy tùng đông đảo, đã bị tấn công ngay đêm ông đến bởi một đạo quân ba chục ngàn người Annam, được chuẩn bị với một tài khéo léo, nhưng cuộc tấn công này đã thất bại …
Ngày hôm sau, ông vua mới lên ngôi và quan phụ chính thứ hai, ông Thuyết, đã cùng các quân lính của mình lên đường đi Cam Lộ. Quan nhiếp chính thứ nhất Nguyễn Văn Tường ở lại thủ đô, tin tưởng vào tính xảo quyệt mà ông đã không bao giờ thiếu, để đánh lừa người Pháp.
Lúc bấy giờ, theo lệnh của Thuyết mà các quan lại và các nho sĩ tuân theo, toàn bộ đất nước đã đứng lên chống các Kitô hữu; hàng nghìn người đàn ông, với sự trợ giúp của các binh lính quân đội chính quy Annam, đã bao vây các làng Công giáo. Đã không còn các quan toà, các đao phủ hoặc những lời tuyên án nữa, nhưng chỉ có những kẻ cắt cổ giết người, những kẻ đốt nhà và các nạn nhân. Đây không còn là vài băng nhóm hoạt động riêng lẻ tấn công một điểm xác định nữa; hàng nghìn, hàng nghìn kẻ côn đồ, đánh đập khắp nơi, không phân biệt bạn bè hay họ hàng, phụ nữ hay trẻ em, kẻ chạy trốn hay người chiến đấu. Nhiều lần, người ta đã tự hỏi nguyên nhân của những sự cướp phá này, những đám đốt nhà này, những cuộc tàn sát này, mà từ các bờ Vịnh Xiêm La (Thái lan) đến bờ sông Hoàng Hà, đã tàn phá và làm đổ máu biết bao miền truyền giáo mới đây còn yên lành và thịnh vượng? Lòng hám của, sự trả thù hoặc sự căm ghét, những tình cảm nào đã góp thêm vũ khí cho cánh tay của những kẻ cắt cổ giết người?
Với câu hỏi này, chỉ có một câu trả lời, xuyên tận những chỗ sâu kín nhất của ngoại giáo; nó cho thấy nền tảng của lý thuyết ngoại giáo, phô bày thủ phạm và vạch trần hậu quả. Nguyên nhân của biết bao sự tàn phá như thế, đó là sự căm thù, tình cảm đã ủng hộ và khích động những kẻ côn đồ trong công việc ác hại của họ, đó là sự căm thù.
Sự căm thù này tồn tại từ bao thế kỷ và nó là sự căn thù kép.
Sự căm thù của người ngoại giáo đối với các Kitô hữu, luôn luôn có ở khắp nơi và có thể định nghĩa bằng một lời: đó là sự căm thù của Satan đối với Thiên Chúa.
Sự căm thù đối với người nước ngoài. Nơi các dân tộc Viễn Đông, tổ quốc không phải như ở Tây Phương là sự họp thành một tập họp duy nhất của một số ít nhiều các tỉnh, liên kết với nhau bằng những kỷ niệm vinh quang hoặc buồn tủi; có lẽ đối với họ nó là cái gì đó như trong các xã hội cổ đại, một lãnh thổ mà quốc giáo đã công nhận; Nhưng chắc hẳn và trước tiên, người ta có thể nói rằng tổ quốc là đất của tổ tiên, và tập họp các luật lệ, các định chế, các phong tục. Các dân tộc Viễn Đông ghét người nước ngoài, chẳng phải vì họ ra lệnh nhân danh một ông chủ mới, nhưng là vì người nước ngoài xâm chiếm đất đai, nơi tổ tiên an nghỉ, áp đặt những luật mới, thay đổi các tập quán và coi thường các phong tục xưa.
Thường hai sự căm thù này kết hợp lại với nhau, đổ xuống trên đầu các Kitô hữu với tất cả sức nặng của nó. Nguyên do của vấn đề này nằm trong sự nhầm lẫn giữa thế quyền và thần quyền.
“Người Pháp là Kitô hữu; mày là Kitô hữu, vậy mày là bạn của người Pháp; vậy mày phản bội đất nước của mày.” Ông quan đã nói như vậy cách đây ít tháng, biểu đạt chính xác quan điểm chung; ông đã tìm được lý lẽ không thể bác bẽ của ông, và tất cả các lập luận, tất cả các khẳng định, tất cả các bằng chứng về điều ngược lại đều bị bác bỏ.
Vì thế cho nên bất cứ nơi đâu có lời hô hào đòi giết chết người Pháp, thì tiếng kêu gào này cũng được thốt ra để chống các Kitô hữu. Nhóm Văn Thân đã nói: “Hãy tiêu diệt người Pháp ở bên trong; sau đó chúng ta sẽ tiêu diệt người Pháp ở bên ngoài.”
Tình cảm này tồn tại nơi người Ấn Độ cũng như nơi người Annam và người Trung Quốc, phải tìm lý do cuối cùng của những cuộc tàn sát mới đây trong chính tình cảm này. Các Kitô hữu Viễn Đông đã bị giết vì sự căm thù tôn giáo và nước Pháp, và đó là lý do tại sao họ có quyền được tất cả mọi người Pháp và tất cả mọi người Công giáo khắp nơi kính trọng, không phải sự kính trọng qua loa, nhưng là sự kính trọng mà từ đó nảy sinh ra lòng thương xót trước nỗi bất hạnh của họ và ra sức bảo vệ cho quyền lợi của người yếu đuối.
V
Ngày 14 tháng 7, Cha Geffroy, đang ở Gia Hựu, giáo xứ gần Quảng Ngãi nhất, đã nhận được mấy dòng chữ do Cha Poirier gởi cho Đức Giám Mục. Mảnh giấy với vài dòng ngắn ngủi này đã vang lên như một hồi chuông hấp hối, ngài kèm theo một bức thư khá chi tiết, trong đó ngài ghi lại những tin tức đã đến với ngài từ nhiều điểm trong tỉnh. Ngài nói: “Những người Văn Thân đã dựng cờ nổi dậy, họ chiếm thành, chọn một ông hoàng mà Tự Đức ngày xưa đã đày đến đó lên làm vua và chuẩn bị thi hành cuộc tổng tàn sát các Kitô hữu.”
Ngày 15, hai thầy giảng của Cha Poirier đã đến Gia Hựu vào buổi sáng. Họ đã kể lại với Cha Geffroy: “Cha đã bắt ép họ đi trốn, trong khi chính ngài ở lại với giáo dân của mình, để giúp họ dọn mình và cùng chết với họ, bởi vì việc chạy trốn đã trở nên bất khả thể.”
Đây là những chi tiết họ thuật lại sau đó về Cha Poirier và giáo dân của ngài. Trong 400 giáo dân tại Bầu Gốc, chỉ khoảng 12 người đã có thể thoát được khỏi cuộc tàn sát. Giáo xứ đã bị bao vây trong đêm 14 đến 15 trước khi được phát hiện. Vừa khi hiệu báo động được ban ra, Cha sở đã thức suốt đêm để giải tội, cũng như suốt cả ngày 15 và đêm tiếp theo nữa, hầu như không có giờ để ăn. Ngày 16, lễ Đức Bà Núi Cát Minh, ngài cử hành thánh lễ sau cùng lúc hai giờ và cho tất cả giáo dân rước lễ: đây là của ăn đàng của các vị tử đạo. Sau tạ ơn, người ta tiếp tục đọc kinh trong sự chờ chết, vì tin rằng những kẻ cắt cổ giết người sẽ xâm chiếm giáo xứ lúc bình minh.
Vị thừa sai đã trở về nhà xứ, gần nhà thờ, và khi giáo dân đã tụ tập trong sân thì vào lúc mờ sáng, đã vang lên những tiếng la thét của những tên côn đồ, và âm thanh tang tóc của những chiếc trống và cồng chiêng đánh trận. Tất cả giáo dân đều quỳ xuống và kêu lên: Ôi! Cha ơi, kìa họ đến tàn sát chúng ta…. Lạy Chúa tôi! Giêsu! Maria! Giuse! Vị linh mục đã ban xá giải chung; rồi ngài quỳ xuống, quay mặt về phía bàn thờ nhỏ, mắt nhìn lên ảnh Chuộc Tội, ngài vừa đọc kinh vừa chờ đợi.
Những tên cắt cổ giết người ùa vào trong vườn nhà thờ, la ó man rợ. Các Kitô hữu chạy trốn khắp phía; khắp nơi họ bị đẩy lùi lại, lúc bấy giờ họ đổ dồn vào nhà thờ. Những người ngoại giáo đi thẳng vào nhà xứ, không đụng tới giáo dân. Cha vẫn quỳ gối, hướng về bàn thờ; ngài quỳ im, không nhúc nhích, mắt vẫn đăm đăm nhìn lên ảnh thánh. Hai phát súng làm ngài gục xuống; lập tức người ta xông vào, giật râu ngài; một tên côn đồ chặt đầu ngài bằng một nhát kiếm, một tên khác chẻ ngực ngài ra: linh hồn vị tông đồ đã ở trước mặt Thiên Chúa.
Chuyển ngữ Phêrô Võ Sum
(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chủ biên, Khi xác thân làm của lễ, Tủ sách Nước Mặn, 2017, tr. 7-20)