Ngày 11 tháng 11
THÁNH MARTINÔ, GIÁM MỤC
1. MARTINÔ LÀ AI?
Martinô chào đời trong một đồn binh của quân đội trú phòng tại Panônia khoảng năm 316, ngày nay thuộc nước Hunggari, bởi vì thân phụ Martinô lúc ấy đang phục vụ trong quân đội Rôma. Lớn lên trong một gia đình ngoại giáo, nhưng Martinô như đã được ánh sáng nhiệm mầu soi chiếu, cậu đã sớm nghĩ đến đời sống thầm lặng của một ẩn sĩ để đáp lại tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa.
Lên 20 tuổi, Martinô được cha mẹ gửi sang Italia du học. Sống giữa nhiều bạn hữu Công giáo, hàng ngày được nghe nói đến Chúa Giêsu, tâm hồn Martinô, một hôm bỗng cảm thấy xao xuyến khác thường. Martinô tìm hiểu xem con người Giêsu ấy là ai mà được nhiều người kính yêu đến thế. Càng tìm hiểu, Martinô càng như bị một sức mạnh thôi thúc xin tòng giáo để được hiểu rõ hơn con người Giêsu kia.
Nhưng thật không may, công việc học đạo chưa xong thì Martinô phải theo lệnh Hoàng đế nhập ngũ lên đường viễn chinh. Phục vụ trong đội cận vệ của Hoàng đế Rôma, Martinô vẫn âm thầm cầu nguyện để mau được chịu phép Rửa tội. Lúc này trong đời sống quân ngũ, Martinô lại bị giằng co hơn nữa giữa hai cuộc sống: Một cuộc sống chơi bời dâm đãng, bóc lột dân chúng, hà hiếp kẻ nghèo và một cuộc sống thanh liêm, bác ái, trong sạch mà Martinô đã học được ở Panônia. Cuối cùng tâm hồn của con người thiện chí, giàu lòng bác ái ấy đã được mở ra để Chúa Giêsu bước vào.
Martinô đến Triviri xin làm môn đệ thánh Hilariô. Nhận thấy Martinô có nhiều khả năng về nhân đức và học thức, Đức Giám mục Hilariô muốn truyền chức Phó tế cho ngài. Nhưng vốn tính thích chìm lặng trong chiêm niệm và sống khiêm tốn nên Martinô nhất mực chối từ.
Ba năm sau khi trở về Panônia, Martinô đã thuyết phục được mẹ đón nhận ơn đức tin và theo Chúa. Còn người cha thì một mực chối từ không muốn hoán cải. Martinô trở lại Galia, nhưng vẫn một lòng tin tưởng một ngày nào đó thân phụ mình sẽ được đón nhận ơn Chúa.
Ngài đến ở Poitiers cũng là giáo phận và tòa của Đức Giám mục Hilariô. Martinô như đã tìm được một nơi thích hợp với chí hướng của mình. Vì nơi đây phong cảnh hữu tình, có đồi núi xanh tươi, có dòng sông uốn khúc quanh co. Lúc này Martinô đã có nơi chốn và thời giờ để phụng sự Chúa.
Ở đây, Martinô đã chiêu mộ được nhiều môn đệ và nhiều người trong vùng lân cận đến xin học đạo với ngài. Với nét hiền từ khả ái, sự thánh thiện và tình yêu Chúa như toả ra trên khuôn mặt, cử chỉ và lời nói, ngài đã chiếm được lòng mộ mến của mọi người. Từ đó danh tiếng thánh nhân ngày càng lan rộng, khiến dân chúng đem lòng ái mộ và họ đã nhất quyết bầu ngài làm Giám mục, năm 371.
Từ khi được làm Giám mục giáo phận Tours (372), thánh Martinô vẫn luôn sống cuộc đời khổ hạnh, không coi chức vị Giám mục như một vinh dự, nhưng muốn nên giống Chúa Kitô, vị Mục tử tối cao, xưa đã sống cuộc đời nay đây mai đó trên đường rao giảng Tin Mừng. Để làm hậu thuẫn cho việc truyền giáo, trước hết ngài đã thiết lập tu viện tại Ligugé quy tụ hơn 40 thầy dòng ngày đêm chuyên lo cầu nguyện để hỗ trợ cho công việc truyền giáo. Sau nhiều ngày âm thầm cầu nguyện tại tu viện, thánh Martinô đã bắt tay vào việc truyền giáo. Số 40 tu sĩ đan viện sẽ luân phiên một nửa ở tại nhà cầu nguyện, một nửa sẽ cùng với ngài đi rao giảng Tin Mừng trong khắp các giáo phận và các miền lân cận.
Quả thật, cuộc đời thánh Martinô là cả một chuỗi ngày lao nhọc vất vả vì Chúa và vì các linh hồn. Ngài đã biết trước giờ ra đi của ngài nhưng ngài chưa có thể nhắm mắt ra đi được: Vì các giáo sĩ của Hội Thánh ở Calde đang bất hoà với nhau, ngài phải tới đó để đem lại sự hoà thuận.
Sau một thời gian lưu lại thị trấn này và đã tái lập được sự hòa thuận giữa các giáo sĩ với nhau, ngài nghĩ đến việc trở về đan viện. Nhưng bỗng nhiên sức lực của ngài sút giảm trầm trọng. Ngài gọi anh em đến và cho biết mình sắp ra đi.
Họ khóc lóc khiến ngài cảm động. Ngài hướng về Chúa và chỉ đáp lại những người đang khóc bằng lời cầu nguyện sau: “Lạy Chúa, nếu con vẫn còn cần thiết cho dân Chúa, thì con không quản ngại vất vả. Chỉ xin cho ý Chúa được thực hiện”.
Nói những lời đó xong, ngài trút hơi thở cuối cùng để về trời… Đức Giám mục Martinô, con người khó nghèo và khiêm tốn tiến vào thiên đàng, hưởng phúc lộc tràn đầy của Thiên Chúa.
Thánh nhân qua đời ngày 8 tháng 11 năm 397 và được mai táng tại giáo phận Tours. Ngài đã được tôn phong Hiển thánh.
2. BÀI HỌC
* Đức tính đầu tiên mà người ta đặc biệt nói về ngài là lòng yêu thương những người nghèo khó
Một hôm, giữa lúc mùa đông trên đường đi công tác, thánh nhân gặp ngay ở cổng thành Amien một người ăn xin trần trụi, lạnh run lặp cặp. Ngài liền nhớ lại câu Chúa nói: “Ta trần trụi, các ngươi đã cho áo mặc”.
Đến gần người đó, ngài nói:
– Tôi không có tiền bạc, chỉ có áo quần và khí giới.
Nói xong thánh nhân rút kiếm ra, xẻ đôi chiếc áo choàng đang mặc, và trao cho người ăn mày một nửa.
Tương truyền đêm hôm đó trong giấc ngủ, thánh nhân thấy Chúa Giêsu choàng nửa chiếc áo ngài cho người ăn mày hôm qua và nói:
– Đây là chiếc áo Martinô đã cho Ta.
Một con người hy sinh, từ bỏ, dấn thân vì Chúa nên Chúa luôn yêu thương Ngài cách đặc biệt. Người ta có thể coi cuộc đời Ngài là một cuộc đời truân chuyên, gặp nhiều vất vả, khó khăn, đau khổ vì bị anh em bội bạc. Nhưng Ngài vẫn một niềm xác tín cậy trông vào Chúa. Ngài coi mọi sự là rác rến, thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là biết Ðức Kitô. Ðể bảo vệ đức tin và bác ái, Ngài luôn cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu dân Chúa còn cần đến con, con sẽ không chối từ bất cứ việc gì”. Thánh nhân đã hăng say, giữ vững đức tin và củng cố đức tin để mong cho nhiều người nhận biết Chúa.
* Điểm thứ hai mà người ta nhận thấy ở nơi ngài là lòng yêu mến Chúa Giêsu bị đóng đinh.
Truyền thuyết kể rằng: Một hôm, ma quỉ muốn cám dỗ thánh nhân đi vào con đường trụy lạc. Hắn liền hiện hình một vị vua oai phong huy hoàng đến với thánh nhân:
Martino hỡi con, cha cám ơn con về lòng tin của con đối với cha. Con cũng phải biết rằng cha luôn thành tín đối với con. Từ nay, con sẽ mãi mãi cảm thấy ở bên cạnh cha, con có thể hoàn toàn tín nhiệm ở cha.
Thánh nhân chăm chú nhìn ông vua kia hồi lâu rồi ngài hỏi:
– Nhưng thưa ngài, ngài là ai vậy?
Tên quỉ đội lốt vua đáp:
– Ta là Giêsu Kitô đây.
Thánh nhân lại hỏi:
– Vậy thì vết thương đóng đinh ở chân tay ngài đâu?
Tên quỉ trả lời:
– Ta từ vinh quang trên trời xuống, nơi đó chẳng còn có thương tích nữa.
Thánh nhân đáp lại ngay:
-Tôi không muốn nhìn Đức Kitô không thương tích. Tôi không thể tín nhiệm Đức Kitô không qua dấu hiệu thập giá.
Thấy mưu đồ bại lộ, tên quỷ lủi mất.
Lòng tín thác vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh phải là châm ngôn cũng như linh đạo của những ai muốn thuộc về Chúa thực sự.
Lạy thánh Martinô xin cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Nguồn: tgpsaigon.net