Ngày 26/11: Thánh Tôma Đinh Viết Dụ, Linh Mục – Thánh Đaminh Nguyễn Văn Xuyên, Linh Mục, Tử Đạo

1. THÁNH TÔMA ĐINH VIẾT DỤ

Linh mục (1783 – 1839)

Ngày tử đạo: 26 tháng 11 năm 1839

Tôi chỉ lo giảng đạo, cầu nguyện cùng Chúa và làm lễ thôi.

Thánh Tôma Đinh Viết Dụ sinh năm 1783 tại làng Phú Nhai, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu). Ngài rất chuyên cần học tập và trau dồi đức hạnh. Sau khi thụ phong linh mục, cha Dụ xin gia nhập dòng Đa Minh và tuyên khấn ngày 21-12-1814. Về sau, cha được thuyên chuyển về phục vụ giáo xứ Liễu Đề, thuộc Giáo phận Bùi Chu ngày nay.

Cha Dụ gương mẫu trong đời sống cầu nguyện, hăng say hoạt động tông đồ, phục vụ các tín hữu Giáo phận Đông Đàng Ngoài.

Ngày 20-5-1839, được tin mật báo có sự hiện diện của đạo trưởng, tổng đốc Trịnh Quang Khanh đích thân bao vây lục soát làng Liễu Đề. Khi vừa hoàn tất việc dâng Thánh lễ tại nhà bà Thu, nghe tiếng la hét ồn ào, biết rằng làng đã bị binh lính bao vây và không thể thoát thân, cha Dụ cải trang thành người làm thuê, ngồi nhổ cỏ sau vườn.

Tên chỉ điểm nhận biết ngài và hô to: “Đây, tên đạo trưởng”. Với nét mặt bình tĩnh, cha ôn tồn nói: “Chính tôi là đạo trưởng. Tôi có nghĩa vụ chăm sóc các tín hữu tại đây”.

Trải qua 6 tháng bị giam cầm và tra tấn trong ngục tù, kèm theo những lời dụ dỗ bước qua Thánh Giá, nhưng tất cả đều không làm ngài lung lay ý chí. Quan trên buộc lòng phải lập án chuyển vào kinh đô Thuận Hóa: “Đạo trưởng Đinh Viết Dụ bị kết án trảm quyết vì tội truyền bá Giatô tả đạo. Y đã trở nên chai đá không gột rửa được vì những điều dị đoan đã quá ăn sâu. Vậy phải nghiêm trị”.

Trong chốn lao tù, cha Dụ được giam chung với cha Nguyễn Văn Xuyên. Nhị vị tôi tớ Chúa chung tiếng nguyện lời kinh, khuyến khích và ban Bí tích Hòa giải cho nhau, cùng chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để tuyên xưng đức tin trước mặt vua quan và quần chúng.

Cha Dụ chịu xử trảm ngày 26-11-1839 tại pháp trường Bảy Mẫu, dưới thời vua Minh Mạng. Thi hài vị chứng nhân đức tin được tôn kính tại Đền Thánh Phú Nhai.

Linh mục Tôma Ðinh Viết Dụ được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh  ngày 19-6-1988.

 

 

2. THÁNH ĐAMINH NGUYỄN VĂN XUYÊN

Linh mục dòng Đa Minh (1786 – 1839)

Ngày tử đạo: 26 tháng 11

Dù sống dù chết, tôi cũng không bỏ đạo.

Thánh Đaminh Nguyễn Văn Xuyên còn có tên là Doãn, sinh năm 1786 tại làng Hưng Lập, Nam Ðịnh (nay là họ Tân Mỹ, Nguyệt Lãng, Thái Bình). Từ bé cậu được cha mẹ gửi gắm cho Đức cha Delgado – Y, được gửi vào chủng viện và thụ phong linh mục năm 1819.

Cũng năm đó, cha Xuyên lãnh tu phục dòng Đa Minh. Lần lượt cha phụ trách các xứ Phạm Pháo – Bùi Chu, xứ Kẻ Mèn – Thái Bình, nơi cha lập họ mới Thanh Minh (nay là xứ Thanh Minh), rồi xứ Đông Xuyên. Năm 1836, cha được bổ nhiệm làm phụ tá tại Chủng viện Ninh Cường. Năm sau, cha về giúp Đức cha Delgado – Y làm quản lý Giáo phận Đông Đàng Ngoài.

Khi Đức cha phải lưu lạc rồi bị bắt, cha Xuyên vừa tìm chỗ ẩn trốn vừa giúp xứ Hạ Linh. Ngày 18-8-1838, tại giáo họ Phú Đường (xứ Hạ Linh), một giáo viên từng dạy ở Bùi Chu biết mặt cha, đã đi báo quan kiếm thưởng. Cha Xuyên vừa dâng lễ xong, nghe tiếng quân lính, vội rước hết Mình Thánh rồi cởi áo định trốn, nhưng không kịp nên bị bắt.

Khi quan phủ đòi hỏi: “Đưa đây một số bạc, ta tha cho về”. Cha trả lời “Tôi chẳng có đồng nào trong người, nếu quan tha tôi cám ơn, nếu quan bắt tôi xin chịu”. Về sau giáo hữu Hạ Linh góp tiền đến chuộc nhưng quan phủ không dám thả nữa vì trên tỉnh đã biết. Nghe chuyện, cha Xuyên an ủi họ: “Cứ để tiền lo cho giáo xứ, đừng tốn tiền chuộc tôi làm chi vô ích. Ý Chúa đã muốn, chẳng ai làm khác được. Anh em cứ bình an về nhà, nhớ cầu nguyện cho tôi chịu sự khó cho nên”.

Biết cha Xuyên là quản lý tòa giám mục, Trịnh Quang Khanh còn muốn khai thác các tài sản của giáo phận. Ông có mặt trong cuộc tra tấn để thúc giục: “Đánh nữa, mạnh lên cho đến khi nó chịu khai và xuất giáo”. Người chiến sĩ đức tin chỉ biết kêu lên “Giêsu, Maria, xin cứu con!”, cho đến khi bất tỉnh phải khiêng về ngục.

Những lần sau ngài cố cắn răng chịu đựng không kêu một tiếng. Quan cho gia tăng cực hình, nhưng cha vẫn can đảm gắng sức nói với quan: “Dù sống dù chết, tôi cũng không bỏ đạo. Tôi chọn cái chết để sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu mà muôn đời bị tiêu diệt”.

Nhiều lần quá đau đớn, cha ngất xỉu, tổng đốc sai lính đưa về ngục, mời lang y chữa trị, chờ bình phục lại đưa ra khảo nữa. Ngày 25 tháng 10, quan tổng đốc lập án trảm quyết gởi về kinh đô. Tháng sau bản án của cha Xuyên và cha Dụ trở lại Nam Định.

Những ngày cuối, hai cha được giam chung một phòng, tay bắt mặt mừng, xưng tội với nhau, và an ủi khích lệ nhau vững chí đến cùng.

Trong ngục tù cha Đaminh Xuyên đã sáng tác những vần thơ ca dao, vừa diễn tả tâm tình vừa để khuyên nhủ các tín hữu:

Ai ơi giữ lấy túi khôn,

Dẫy tràn tin cậy đầy lòng mến yêu.

Gươm đao đe đọa dẫu nhiều,

Quỷ ma cám dỗ sớm chiều đe loi.

Ai mà thắng được trên đời,

Mai sau hưởng phúc cõi trời cao sang.

Ngày 26-11-1839, cha Nguyễn Văn Xuyên bị dẫn đi xử tại pháp trường Bảy Mẫu cùng với cha Đinh Đức Dụ. Quan hỏi lại lần chót có xuất giáo để được tha không. Hai vị trả lời “không”, rồi đưa tay cho lính trói vào cọc và sau đó hai tôi tớ Chúa được lãnh triều thiên tử đạo. Thi thể cha Xuyên được an táng ngay tại đó. Đầu năm 1841, tín hữu cải táng đưa về Lục Thủy.

Linh mục Ðaminh Nguyễn Văn Xuyên, linh mục dòng Thuyết giáo, được suy tôn chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

 

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam