Dân Ni-ni-vê bỏ đường gian ác mà trở lại.
Bài trích sách ngôn sứ Giô-na.
1 Có lời Đức Chúa phán với ông Giô-na rằng : 2 “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” 3 Ông Giô-na đứng dậy và đi Ni-ni-vê, như lời Đức Chúa phán. Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. 4 Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố : “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” 5 Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. 10 Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
4Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.5aXin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
6Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời,
giờ đây xin nhớ lại.7cXin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
Bộ mặt thế gian này đang biến đi.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
29 Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này : thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có ; 30 ai khóc lóc, hãy làm như không khóc ; ai vui mừng, như chẳng mừng vui ; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả ; 31 kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Ha-lê-lui-a.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 17 Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
THỜI KỲ ĐÃ MÃN !
Xã hội hiện nay đang chứng kiến những mâu thuẫn: một đàng, cuộc sống vật chất càng ngày càng được cải thiện và phát triển; đàng khác, cuộc sống con người lại hết sức mong manh. Người ta sống hôm nay mà không biết ngày mai sẽ ra sao. Cuộc sống bị đe dọa bởi chiến tranh, bạo lực, bởi thức ăn nhiễm độc, bởi tai nạn giao thông và biết bao nỗi sợ khác vây bủa xung quanh. Dường như xã hội phát triển không thể bảo đảm cho một đời sống an bình. Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Thời kỳ đã mãn… anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Cách nói “thời kỳ đã mãn” thường làm chúng ta liên tưởng đến ngày tận thế, tức là ngày thế gian này sẽ bị thiêu rụi và phá hủy hoàn toàn. Tuy vậy, xem ra ngày tận thế là một ảo ảnh, vì hai ngàn năm nay, Chúa Giê-su và Giáo Hội của Người vẫn tiếp tục rao giảng về ngày tận thế, mà ngày ấy đâu có đến! Phải chăng đây chỉ là một lời hù dọa để làm người ta khiếp sợ? Nhiều người vô tín đã khẳng định: khái niệm tận thế chỉ là một chuyện hoang đường!
Tuy vậy, nếu tận thế theo nghĩa ngũ hành sẽ bị thiêu rụi chưa xảy đến, thì ngày tận thế đối với mỗi cá nhân chúng ta lại đang đến dần dần. Quả thật, khi một người nhắm mắt xuôi tay, thì đó chính là giờ tận thế đối với người ấy. Điều đó có nghĩa người ấy sẽ không tiếp tục sống trên trần gian. Mọi dự tính tương lai sẽ chấm dứt. Dưới lăng kính đức tin Ki-tô giáo, đó cũng là thời điểm người vừa qua đời phải trình diện trước nhan Chúa để chịu phán xét. Giáo lý truyền thống gọi cuộc gặp gỡ với Chúa này là cuộc “phán xét riêng”. Đây là lúc con người phải trả lời Chúa về những gì mình đã làm, đã sống và cách thức đối xử với tha nhân khi sống trên trần gian.
Như thế, sám hối không bao giờ là muộn, và cũng không bao giờ là thừa. Sám hối không chỉ giúp chúng ta sẵn sàng gặp Chúa trong niềm vui, khi chúng ta kết thúc cuộc đời dương thế, mà còn giúp chúng ta nhìn lại bản thân, cố gắng sửa chữa những sai lầm, sẵn sàng phục thiện và làm những việc tốt đối với những người xung quanh mình. Người năng sám hối sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác, bởi thấy bản thân mình cũng vẫn còn mang nhiều yếu đuối.
Nếu chúng ta chân thành sám hối, là vì chúng ta tin tưởng vào lòng từ bi của Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài. Bài đọc I trích sách ngôn sứ Giô-na là một chứng từ hùng hồn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài là Đấng “chỉ giận trong giây lát, nhưng yêu thương suốt cả đời” (Tv 29,6). Thời ấy, dân thành Ni-ni-vê ngập tràn trong tội lỗi. Thiên Chúa muốn trừng phạt họ. Ngài sai ngôn sứ Giô-na đến để rao giảng lòng sám hối. Dân thành đã nghe lời kêu gọi này. Họ đã sám hối và Thiên Chúa đã không giáng phạt dân chúng như Ngài dự tính. Tác giả đã sử dụng lối văn “như nhân”, tức là diễn tả Thiên Chúa mang tâm lý giống như con người. Tâm tình sám hối và thiện chí đổi đời là lý do khiến Ngài nguôi giận và hủy bỏ ý định trừng phạt. Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn mong chờ các tội nhân sám hối trở về với Ngài. Ngài là Cha yêu thương, không nỡ bỏ bất kỳ một ai trong số gia đình nhân loại. Những ai cố tình sống trong tội lỗi, là khước từ lòng thương xót của Chúa.
Trước lời mời gọi sám hối của Chúa Giê-su, hai cặp anh em là Si-mon và An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an là những người chài lưới bên bờ hồ Ga-li-lê, đã mau mắn theo Chúa để cộng tác với Người. Ngày hôm nay, qua Giáo Hội, Chúa Giê-su đang mời gọi chúng ta theo Chúa, một đàng để nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa để hoàn thiện bản thân; đàng khác, để cộng tác loan báo thông điệp về lòng bao dung nhân hậu của Ngài.
Lời nhắc nhở “thời kỳ đã mãn” giúp chúng ta ý thức thân phận mỏng giòn của kiếp người, đồng thời sống khiêm nhường, phó thác cậy trông. Ý thức về cuộc đời chóng qua cũng giúp chúng ta sống nhân ái hơn với anh chị em đồng loại. Thánh Phao-lô, trong thư gửi giáo dân Cô-rin-tô đã giáo huấn về tinh thần buông bỏ mà người tín hữu phải có. Vì cuộc sống quá ngắn ngủi, nên đừng có ai làm nô lệ vật chất hoặc những đam mê. Khi biết sử dụng vật chất như phương tiện, chúng ta sẽ dễ dàng nên hoàn thiện. Thánh nhân đã viết: “Kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi”.
“Hãy theo tôi!”. Đó là lời Chúa Giê-su mời gọi chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta can đảm đáp lại mời gọi ấy. Amen.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
TRUYỀN GIÁO
Cầu nguyện cho Hiệp Nhất các Kitô hữu. Giáo hội mà Đức Giêsu thiết lập như chiếc áo không có đường khâu, chiếc áo đó bị chia ra làm bốn mảnh lớn, Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Anh Giáo và Giáo Hội Tin Lành. Hai ngàn năm qua tội lỗi đã len lỏi và chia rẽ Giáo Hội, sự chia rẽ này là phản chứng đối với việc rao giảng Tin Mừng.
Ý thức sâu xa về vết thương đau xót này hằng năm Giáo Hội Công Giáo dành một tuần lễ để cầu nguyện cho Hiệp Nhất Các Kitô Hữu (Từ 18 tháng 1 đến 25 tháng 1: lễ thánh Phaolô trở lại). Đây là việc làm dài hơi mà Giáo Hội Công Giáo khẩn thiết kiên trì cầu nguyện cho các Kitô hữu theo ý nguyện của Đức Giêsu “xin cho chúng nên một”, “ut sint unum”.
Mở đầu phụng vụ hôm nay, Sách Giôna là sách thánh của người Do thái được viết vào thế kỷ 5 trước kỷ nguyên Thiên Chúa giáng sinh, mang tính ngụ ngôn giáo huấn, Sách nói đến ơn cứu độ không biên giới dành cho mọi dân tộc. “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi” (Gn 3,1-5.10). Đức Chúa kêu gọi tiên tri Giôna rao giảng cho thành Ninivê ngoại giáo, nhà tiên tri lo sợ và chạy trốn trước sứ mệnh khó khăn nầy vì ông không tin tưởng sự hoán cải nơi dân ngọai. Không những họ không đếm xỉa đến việc hoán cải, mà có khi nhà tiên tri bị coi như vật cản mũi kỳ đà, và như vậy họ quay sang hành hạ người rao giảng.
Nhà tiên tri đào thoát, chạy trốn lệnh truyền của Đức Chúa. Ông Giôna xuống thuyền đi đến một nơi xa vắng bóng Đức Chúa. Tuy nhiên chạy trời không khỏi nắng, người đi chung thuyền sớm khám phá ra ông là đầu mối gây ra bão táp, ông thú nhận mình là nguyên nhân gây cơn sóng dữ, thuyền trưởng ra lệnh ném ông Giôna xuống biển. Ông bị con cá khổng lồ nuốt và sau 3 ngày đêm sống trong bụng kình ngư, con cá nhả ông ra trên bờ biển Ninivê, ngơ ngác tìm hiểu nơi mình đang đứng là ở đâu, cuối cùng ông hiểu ra ý Đức Chúa và ông buộc lòng rao giảng ơn sám hối cho thành Ninivê. Tiên tri Giôna bắt đầu rao giảng kêu gọi dân ăn năn sám hối. Lạ lùng thay, cả thành phố rộng lớn từ loài vật cho đến loài người đều hưởng ứng theo lời tiên tri Giôna, vì vậy Đức Chúa tha cho họ tội chết: “Đức Chúa hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng xuống trên họ, và đã không giáng xuống nữa”(x. Bài Đọc 1. Gn 3, 1-5.10).
Năm trăm năm sau đó, một việc làm khác xảy ra tại đất dân ngoại, Đức Giêsu đến miền Galilê công khai rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. “Galilê là vùng đất dân ngọai”, “Ngã tư đường của lương dân”. Galilê là vùng xôi đậu giữa Do thái và dân ngọai, được chọn làm trung tâm truyền giáo. Tin Mừng thánh Máccô nhắc đến địa danh này 12 lần, Đức Giêsu đặt địa bàn hoạt động tại đây cho dù người dân Giêrusalem miệt thị xứ sở này. Galilê được coi là Ninivê Mới, cần được rao giảng ơn sám hối bởi một Giôna Mới, là Đức Giêsu, Người làm ứng nghiệm lời sấm của Isaia: “Dân đi trong tăm tối đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Trên những kẻ ở xứ âm u, một nguồn sáng đã rạng ngời” (Is 8, 23tt).
Ý định truyền giáo cho dân ngoại của Đức Giêsu thật rõ ràng khi bắt đầu sứ vụ tại vùng đất dân ngọai. Rao giảng cho dân ngoại là ưu tư hàng đầu của Đức Giêsu cũng là ưu tư hàng đầu của các đấng kế vị, điển hình như Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, ngài không ngớt nhắc đi nhắc mục vụ truyền giáo trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (số 111-134), vì đó là bản chất của Giáo hội (CĐ Vaticanô II). Giáo hội không truyền giáo là xác ướp Ai-cập, là tổ chức trần thế.
Việc loan báo ơn cứu độ cần đến sự cộng tác của con người. Đức Giêsu đã kêu gọi hai cặp anh em, đó là những môn đệ đầu tiên : “ Simôn với người anh là ông Anrê… Ông Giacôbê và người em là Gioan”. “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (x. Bài Tin Mừng. Mc 1, 14-20). Xem ra việc rao giảng quá khẩn thiết, nên Đức Giêsu không xét kỹ lý lịch và không tuyển chọn nhân sự khắt khe theo tiêu chuẩn trí thức, Người nắm bắt những gì có sẵn gặp được nơi biển hồ Galilê, đó là các thanh niên thuyền chài ít học. Việc làm này của Đức Giêsu xảy ra sau khi Gioan Tẩy Giả bị nộp, loáng thoáng cho thấy Đức Giêsu cũng sẽ có cùng một số phận như vị Tiền Hô của mình, bị tù ngục và bị tắm máu. Tuy nhiên Người vẫn can đảm rao giảng Tin Mừng bất chấp lời cảnh báo là Hêrôđê tìm giết Người : “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế nầy : ‘hôm nay và ngày mai…. Tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất’” (Lc 13, 32). Đức Giêsu xem nhẹ lời cảnh báo, coi Hêrôđê là con cáo, không đáng quan tâm.
Cho đến hôm nay cách hành xử của Đức Chúa vẫn như vậy, Người vẫn cần những cộng tác viên, Người tiếp tục kêu gọi các thanh niên nam nữ quảng đại dâng mình cho công việc truyền giáo vốn rất bao la, cụ thể nơi quê hương đất Việt mới chỉ ngót nghét 7% dân số tin theo Đức Giêsu Kitô, và chỉ 2% dân số nơi lục địa mênh mong Á Châu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn cần đến con người để đem ơn cứu độ đến cho nhân lọai, xin cho con biết cầu nguyện và tích cực đóng góp vào công việc đào tạo các thừa sai cho việc truyền giáo. Amen
Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
Chính xứ Đức An, Pleiku
——————————–
Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên
ĐI THEO TIẾNG GỌI
Suy niệm
Chuyện xưa kể có một vị vua đi thăm những miền xa xôi của đất nước mình, khi về đến nhà, đôi bàn chân ông sưng lên đau đớn, vì đường xá gập ghềnh sỏi đá. Ông liền ra lệnh tất cả các con đường trong vương quốc phải trải bằng da lông thú. Cả triều đình bất bình, nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Nhưng rồi có một vị quan dũng cảm cho vua biết, không cần phải tiêu tốn ngân khố và khổ công như vậy. Chỉ cần cắt những miếng da bò rồi phủ quanh đôi chân trần của mình là xong. Vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị đó, và thế là đôi giày da đầu tiên của nhân loại ra đời. Nhờ biết lắng nghe và thay đổi ý riêng mà nhà vua không gây khốn khổ cho dân, lại còn góp phần đem lại ích lợi cho mọi người.
Ai cũng mong cuộc sống được thăng hoa, an bình, tốt đẹp, nhưng luôn đòi hỏi người khác phải thay đổi chứ không ý thức mình phải đổi thay. Mình không đổi thì đừng mong người khác đổi. Đừng than trách sao lòng người còn những xấu xa gian tà, hay sao thế giới không thấy được một ngày bình yên? Câu trả lời ở nơi mỗi người: Tâm bình, thế giới bình. Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi.
Thay đổi chính mình trong ngôn ngữ của Tin Mừng là thành tâm sám hối “metanoia”: có nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng. Nói cách khác là bỏ một cung cách sống quen thuộc để nhận một cung cách sống mới tốt hơn, lành thánh hơn; bỏ việc phục vụ mình một cách ích kỷ để phục vụ cộng đồng hay phục vụ Chúa. Cuối cùng là bất cứ quyết định hay đổi mới nào, dù làm theo cách nào, thì cũng phải đưa ta tới gần Chúa hơn.
Trong bài đọc thứ nhất, Giona được Chúa sai đến thành Ninivê để kêu gọi dân sám hối, vì đầy những người xấu xa, tội lỗi, đáng bị trừng phạt. Giona tìm mọi cách để tránh né, nhưng cuối cùng cũng phải đi. Kết quả là dân thành đã ăn năn sám hối, từ bỏ đời sống xấu xa và được Chúa thứ tha (x.Gn 3,1-5.10). Sứ điệp nòng cốt và khẩn thiết của Gioan Tẩy Giả cũng là kêu gọi dân chúng tỏ lòng sám hối qua việc chịu phép rửa để được ơn tha tội (Mc 1,1-8), hầu đón nhận Nước Trời (Mt 3, 1-2).
Khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu cũng đã thẳng thắn tuyên bố:“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng…”. Ở đây Đức Giêsu liên kết việc sám hối và tin vào Tin Mừng. Tin Mừng là kho tàng chân lý, là sức mạnh linh thiêng. Thiếu niềm tin này, thì sám hối trở nên mơ hồ và mất đi định hướng nền tảng. Tin Mừng chính là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện qua con người Đức Giêsu, mà ta phải dõi bước theo chân Ngài suốt đời.
Nếu sám hối là bước thứ nhất, thì tin vào Tin Mừng là bước thứ hai của cuộc cách mạng bản thân. Cũng như những cuộc cách mạng xã hội, sau khi phục hồi và tiến tới giai đoạn mới trong sự phát triển thì người ta đề xướng chương trình mới, kế hoạch mới, lý thuyết mới, chế độ mới. Chế độ mới thường được tuyên truyền, quảng cáo rất hấp dẫn để lôi cuốn quần chúng. Nhưng lịch sử đã cho thấy: trải qua bao nhiêu chế độ từ nông nô, phong kiến đến quân chủ, từ dân chủ, cộng hòa đến xã hội chủ nghĩa; chế độ nào cũng chỉ tạm thời rồi sụp đổ, vì nảy sinh ra độc tài, bất công, tham nhũng, tha hóa. Không tin vào Tin Mừng là lý do chính khiến các chế độ loài người trở thành tàn tệ và theo nhau mà sụp đổ.
Sau lời mời gọi sám hối, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Họ đã can đảm từ bỏ cuộc sống cũ để khởi đầu một cuộc sống mới. Tiếng gọi “Các anh hãy theo tôi” có sức thuyết phục kỳ diệu, khiến các ông sẵn sàng từ bỏ những người thân yêu và nghề nghiệp bao năm gắn bó. Đây không phải là lời kêu gọi dành riêng cho đời sống tu trì, mà dành cho từng Kitô hữu. Giống như các môn đệ xưa trước khi theo Chúa thật sự, chúng ta luôn tất bật với những lo toan đời thường, vẫn mãi mê với công ăn việc làm, đang miệt mài theo đuổi những ước mơ. Nhưng tiếng Chúa mời gọi vẫn âm thầm vang lên tự cõi lòng, hay qua những biến cố của cuộc sống. Hãy để cho mình còn biết lắng nghe và đáp trả, đừng quá tiếc nuối và bám víu vào những thành công tạm bợ.
Chúa muốn biến chúng ta “thành những kẻ lưới người”, muốn ta chia sẻ sứ mạng là đồng cam cộng khổ với Ngài trong chương trình cứu độ. Ngài muốn chúng ta can đảm làm một cuộc đổi đời, là định lại hướng đi theo những giá trị mới của Tin Mừng. Và Chúa Giêsu là giá trị trên mọi giá trị, đòi ta dám từ bỏ mọi sự khi cần, để đặt Chúa lên trên tất cả. Sự nghiệp đích thực của chúng ta không phải là sự nghiệp đời này, mà là sự nghiệp đời sau, sự nghiệp Nước Trời. Điều đó tùy thuộc vào mức độ mà ta đã góp phần và tham gia vào việc xây dựng Nước Chúa từ hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã kêu gọi con đi theo Chúa,
một lời nói xem ra thật nhẹ nhàng,
nhưng với cả tình yêu thật chứa chan,
một câu nói diễn tả rất gọn gàng,
nhưng là một ân ban thật cao cả.
Lời mời gọi làm tim con bỡ ngỡ,
Chúa đi vào đời con thật bất ngờ,
vì con đang mê say cuộc sống này,
nên con phải dây dưa và chọn lựa,
không mau mắn như những môn đệ xưa,
vì vẫn lấy đời này làm điểm tựa.
Bỏ thì thương mà vấn vương thì tội,
nhưng thật ra vấn đề không phải tội,
mà con cứ mù mờ sống thế thôi,
rồi có khi con cảm thấy bồi hồi,
khi Chúa là Tình Yêu bị từ chối,
con thấy mình y như người phản bội.
Theo Chúa đòi hỏi con lòng sám hối,
phải can đảm làm một cuộc đổi đời,
vì Chúa muốn cho con thành người mới,
phản chiếu tình yêu Chúa thật rạng ngời.
Dù biết bản thân con nhiều hèn yếu,
và kém tài kém đức thiếu đủ điều,
nhưng con tin rằng Chúa sẽ dắt dìu,
chỉ cần con biết tha thiết mến yêu.
Xin cho con quyết tận tình đáp trả,
vì thật ra lỗ lã chẳng bao nhiêu,
mà Chúa sẽ cho con lại rất nhiều,
nhưng chính Chúa mới là điều con muốn. Amen.
Lm. Thái Nguyên
(Nguồn: giaophanlongxuyen.org)
WGPKT(17/01/2024) KONTUM