Học tập là rèn luyện trí óc, củng cố tâm trí trước những thử thách của cuộc sống. Sức mạnh thực sự của việc học tập không nằm ở những gì chúng ta biết mà hệ tại con người mà chúng ta trở thành.
Tất cả chúng ta đều có bản năng khao khát kiến thức. Ngay thời thơ ấu, chúng ta đã bị thúc đẩy bởi sự tò mò, muốn khám phá những gì mình chưa biết, điều này cũng có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận sự mạo hiểm và rủi ro có thể xảy ra. Ước muốn mở mang kiến thức là động lực dẫn chúng ta tìm hiểu thế giới bên ngoài và cả thế giới bên trong chúng ta. Nhưng việc theo đuổi kiến thức tự nó không phải là mục đích cuối cùng. Trong cuốn Summa Theologica, Thánh Tôma Aquino, nhà thần học và vị thánh tiến sĩ nổi danh của Giáo hội, nhắc nhở chúng ta rằng: studium (sự ứng dụng nhạy bén của trí óc) đưa ra con đường dẫn đến điều gì đó sâu xa hơn là chỉ đơn thuần đạt được tri thức.
Thánh Tôma chỉ ra rằng, trong khi kiến thức thường được cho là mục tiêu chính của việc học, thì chính hoạt động học tập lại là một sự rèn luyện trí óc. Hãy nghĩ về những đêm dài dành cho việc nghiền ngẫm sách giáo khoa, về thời gian miệt mài với những ý tưởng phức tạp, về những cuộc thảo luận dường như không có hồi kết với các giáo sư và các đối tác nghiên cứu. Rõ ràng, học tập không chỉ là ghi nhớ các dữ kiện nhưng đó là việc rèn luyện trí óc, củng cố tâm trí chúng ta trước những thử thách của cuộc sống. Theo nhiều cách, học tập là rèn luyện cơ bắp trí óc của chúng ta.
1. Việc học tập hình thành tính cách của chúng ta
Việc học tậpđịnh hình tính cách của chúng ta theo những cách thế thiết yếu nhưng rất tinh tế. Chúng ta hãy nghĩ đến 3 yếu tố sau:
Sự Khiêm tốn: khi nghiên cứu một chủ đề mới cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cần tiếp cận và nắm bắt những khái niệm mới, nói cách khác, chúng ta nhận ra rằng luôn có nhiều điều để học hỏi. Thật vậy, chúng ta chẳng bao giờ thực sự tinh thông mọi sự. Càng biết nhiều, chúng ta càng nhận ra nhiều điều mình chưa biết. Việc học tập thúc đẩy chúng ta sẵn sàng nhìn nhận những điều mình không biết và mở ra cho những cơ hội để phát triển hơn nữa.
Sự Siêng năng: Việc học tập đích thực đòi hỏi sự kiên trì và kiên cường. Những đức tính này giúp chúng ta vượt thắng sự xao lãng, biết tập trung, can đảm đối diện với sự chán nản, thừa nhận sai sót và không ngừng bắt đầu lại. Đây cũng là những phẩm chất không chỉ cần cho tiến trình học tập mà còn có thể áp dụng cho vô số những lãnh vực khác trong cuộc sống.
Sự Phân định: Lượng thông tin phải đối diện khi học tập đôi khi có thể khiến chúng ta thấy quá tải. Sự thận trọng sẽ giúp chúng ta phát triển kỹ năng tư duy phê phán để phân biệt sự thật với sự giả dối, điều thừa thãi với điều thiết yếu, lập luận chính với những chú thích, ý tưởng cao cả với ý tưởng tầm thường, điều ngay lành với điều định kiến – và sự phân định này không chỉ áp dụng trong học thuật mà còn trong sự tấn công mạnh mẽ hàng ngày của tin tức và dư luận.
Nhưng giá trị của sự thận trọng thậm chí còn sâu xa hơn nữa. Thánh Tôma lập luận rằng sự trật tự và sự tập trung được trau dồi qua việc học tập chuẩn bị cho chúng ta biết cách giải quyết những vấn đề vượt ra ngoài phạm vi trí tuệ đơn thuần. Chúng ta được trang bị tốt hơn để tiếp cận những vấn đề thực tế và sử dụng kiến thức của mình để đưa ra những quyết định có trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng.
Nhiều khi chúng ta thấy như mình đang đọc những điều gì đó có vẻ quá xa rời với nhu cầu thực tế hoặc không liên quan gì mấy với việc hoàn thành công việc hàng ngày, thì chúng ta đừng quên rằng đôi khi những chủ đề dường như vô dụng ấy đang dạy chúng ta không phải là nghĩ gì mà là nghĩ như thế nào.
2. Việc học tập hình thành lối sống của chúng ta
Chúng ta biết rằng nguyên tắc then chốt của đời sống tín hữu Công giáo là: đức tin và hành động liên kết với nhau giống như thân xác gắn chặt với linh hồn. Nhận thức của chúng ta về thế giới được định hình bởi việc học tập sẽ cho thấy cách chúng ta sống cuộc đời mình: phục vụ người khác, hành động cho một xã hội công bằng, và đề cao mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân.
Do đó, trong từng bối cảnh, chúng ta hãy mưu cầu kiến thức, nhưng đừng quên rằng sức mạnh thực sự của việc học tập không nằm ở những gì chúng ta học biết mà hệ tại việc chúng ta trở thành con người như thế nào. Là tín hữu Công giáo, chớ gì chúng ta biết vừa trau dồi kiến thức vừa nuôi dưỡng nhân đức, có nghĩa là, việc học tập của chúng ta trở thành chứng tá cho đức tin: một sự dấn thân phát triển trí tuệ để phục vụ đời sống nhân đức.