Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B (CN 17.03.2024) – Nếu Hạt Lúa Mì Chết Đi

Bài đọc 1: Gr 31,31-34

Ta sẽ lập một giao ước mới, và không còn nhớ đến lỗi lầm của dân Ta nữa.

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

31 Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, 32 không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập ; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của Đức Chúa. 33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. 34 Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia : “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.

Đáp ca: Tv 50,3-4.12-13.14-15 (Đ. c.12a)

Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.

3Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.4Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.

12Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.13Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.

14Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con ;15đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,
ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.

Đ.Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.

Bài đọc 2: Hr 5,7-9

Đức Ki-tô đã học biết thế nào là vâng phục, và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

7 Thưa anh em, khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; 9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.

Tung hô Tin Mừng: Ga 12,26

Chúa nói rằng : Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.

Tin Mừng: Ga 12,20-33

Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

20 Khi ấy, trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. 21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng : “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” 22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. 23 Đức Giê-su trả lời : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! 24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.

27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống : “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa !” 29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói : “Đó là tiếng sấm !” Người khác lại bảo : “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !” 30 Đức Giê-su đáp : “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. 31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! 32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” 33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

GIAO ƯỚC MỚI

Theo nghĩa thông thường, “Giao ước” là sự cam kết, giao kèo giữa hai cá nhân hoặc hai tập thể. Mỗi bên đều có bổn phận tuân giữ những quy định được ghi rõ trong cam kết này, và bên nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Trong truyền thống Kinh Thánh, “Giao ước” là hiệp định ký kết bằng cách cả hai bên phải đi vào giữa hai phần những con vật được sát tế và xẻ đôi. Giao ước đối với toàn dân Ít-ra-en là Giao ước cũ (còn gọi là Cựu ước), được thực hiện tại núi Sinai qua việc ông Môi-sen rảy máu tế vật lên bàn thờ và trên dân. Giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Chúa không chỉ là kết quả của sự thoả thuận của hai bên, mà còn là đặc ân vô điều kiện của Thiên Chúa (Từ điển Công giáo, Tr. 334).

Luật Giao ước là niềm tự hào của người Do Thái. Khi so sánh với các dân xung quanh, ông Môi-sen đã nói: Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” (Đnl 4,8).

Nếu Thiên Chúa luôn trung thành giữ lời giao ước, thì con người lại hay vi phạm những điều đã cam kết. Tội lỗi và kiêu ngạo đã phá vỡ mối tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và con người. Con người đã khước từ tình thương của Thiên Chúa và quay lưng chống lại Ngài. Vì vậy mà Thiên Chúa phải thiết lập một Giao ước mới. Giao ước ấy được ký kết, không còn bằng máu chiên máu bò, nhưng bằng máu của Con Một Thiên Chúa, là Đức Giê-su Ki-tô. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Bài đọc I) đã loan báo một Giao ước mới. Giao ước này không giống như giao ước Chúa đã lập với các bậc tiền nhân của người Do Thái. Giao ước mới sẽ biến đổi lòng dạ con người, giúp họ canh tân bản thân để nên hoàn thiện.

Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giê-su đã lập phép Thánh Thể. Người trao cho họ chén rượu và nói: “Đây là máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Tác giả Lu-ca còn nói rõ hơn: “Chén này là Giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20; 1 Cr 11,25).

Tại sao Thiên Chúa không dùng cách khác để cứu chuộc con người, mà lại dùng cái chết đau thương của Con Một Ngài? Nhiều thế hệ, quá khứ cũng như hiện tại, đã đặt ra câu hỏi này. Thực ra, Thiên Chúa có thể cứu độ con người bằng muôn vàn cách khác nhau, cũng như khi vũ trụ còn là hư vô, Chúa đã phán một lời, mọi sự được tác thành. Chỉ có câu trả lời “do bởi tình thương” mới có thể làm thoả mãn vấn nạn trên. Vâng, như người mẹ vất vả mang thai và sinh con và nuôi dưỡng nên người, Thiên Chúa cũng thể hiện tình thương của Ngài bằng cái chết đau thương của Con Một chí ái. Tuy vậy, nếu Đức Giê-su đã chết trên thập giá, thì ngôi mộ không phải là nơi cầm giữ Người mãi mãi. Chúa đã sống lại vinh quang. Hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất, chấp nhận thối đi để nảy mầm đơm hạt mà chính Chúa Giê-su đã sử dụng khẳng định chân lý ấy. Đức Giê-su thành Na-gia-rét là Hạt Giống vĩ đại, đã chấp nhận chết đi để sinh ra một dòng giống mới. Từ cái chết của Người, một công trình tạo dựng mới đã được khởi sự, để rồi những ai sẵn sàng dìm mình trong sự chết của Đức Giê-su, sẽ được tái sinh và gia nhập Dân Thánh, Dân của Giao ước mới. Cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá đã xoá bỏ bản án nguyên tội ở khởi đầu lịch sử, thiết lập một trang mới trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thánh Phao-lô nói với chúng ta (Bài đọc II): Đức Giê-su đã mang lấy trên bản thân mình muôn vàn đau khổ. Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. Trong Mùa Chay, chúng ta ôn lại những chặng đường thập giá của Chúa Giê-su. Hôm nay, những chặng đường thập giá cũng đang đè nặng trên thân phận con người, ở nhiều hình thức và hoàn cảnh khác nhau. Ý thức có Chúa cùng vác với ta, thập giá cuộc đời sẽ bớt nghiệt ngã hơn. Xác tín vào sự hồi sinh của hạt lúa, chúng ta sẽ thêm niềm hy vọng giữa những tăm tối của cuộc đời.

Như cây đến mùa thay lá, như vườn nho đến ngày cắt tỉa, mùa Chay giúp chúng ta buông bỏ những gì cản trở chúng ta trên con đường theo Chúa và trong bổn phận đối với tha nhân. Những thực hành đạo đức của mùa Chay như chay tịnh, cầu nguyện và bác ái sẽ giúp cho con người cũ nơi chúng ta chết đi, trở thành con người của Giao ước mới, mặc lấy Chúa Giê-su Phục sinh.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

(tonggiaophanhanoi.org)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

GIỜ – GIAO ƯỚC

 

Việc ký kết Giao ước giữa Thiên Chúa và con người là điều lạ và khó tin, nhưng đã xảy ra nhiều lần trong Kinh thánh.  Lập Giao ước là ý hướng căn bản trong Kinh thánh.  Trong thời Cựu Ước nhiều lần Kinh thánh nói đến việc Thiên Chúa đã ký giao ước với con người: Giao ước với Ápraham, Giao ước với Môsê, Giao ước với Nôê, Giao ước với nhà Đavít …  Giao ước được thực hiện nhiều lần khác nhau trong đa dạng bối cảnh. 

Mỗi Giao ước có lịch sử và nội dung riêng của nó, Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Ítraen và dẫn dắt họ qua những thăng trầm lịch sử bằng những giao ước nhất thời, luôn hướng họ tới một Giao ước mới, dứt khoát và trọn vẹn.  Lời hứa này được Giêrêmia khẳng định: “Này sẽ đến những ngày, ta sẽ lập với nhà Ítraen và nhà Giuđa một Giao Ước Mới … Ta sẽ ghi khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. …  Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (x. Bài Đọc 1. Gr 31,31-34).  

Giao Ước Mới này được Đức Giêsu ký kết bằng máu của Người khi chịu đóng đinh chết trên thập giá, để ban ơn cứu chuộc cho nhân lọai. Thánh Phaolô tóm gọn sự việc trong thư Do thái: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; … Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (x. Bài Đọc 2. Dt 5, 7-9).  Ơn cứu độ được thiết lập không chỉ dành riêng cho người Do thái mà thôi, nhưng cho tất cả. 

Giờ quyết định đã điểm.  Ngay trước khi bước đi trên con đường chịu nạn vào dịp lễ Vượt qua năm ấy, đã có mấy người Hy-lạp đến xin gặp Đức Giêsu, qua trung gian môn đệ Philípphê và Anrê, họ đã được mãn nguyện.  Trong cuộc gặp gỡ đó Đức Giêsu nói một cách ám tàng về con đường tử nạn và phục sinh của mình.  Người ví mình như hạt lúa gieo vào lòng đất, phải mục nát rồi mới đơm bông kết trái.   Người bộc lộ tâm sự của mình.  Người chiêm niệm và hình dung con đường cam go Người phải kinh qua.  Là thân phận phàm nhân, Người lo lắng, “tâm hồn xao xuyến, và xin Cha cứu khỏi giờ này.  Vì đó là giờ đáng sợ:  Giờ bị học trò bán đứng, bị bạn hữu phản bội, bị bỏ vạ cáo gian, bị kết án tù ngục và đóng đinh chết ô nhục trên thập giá.  Tuy nhiên Người phải đi đến cùng vì đó là ý hướng căn bản chỉ đạo cuộc đời của Người : “Vì giờ này mà Con đã đến” (x. Bài Tin Mừng. Ga 12, 20-33).

Đã đến giờ, Con Người được tôn vinh!” (c.23), với những người Hy-lạp muốn gặp Đức Giêsu, Người đã nói với họ như thế.  Đối với những người Hy-lạp hôm đó, họ là những người đi tìm kiếm Thiên Chúa, lời nói trên hàm ý nội dung sâu xa, họ cảm nhận một điều gì đó quan trọng sắp xảy ra.  Họ đến không phải chỉ gặp Đức Giêsu mà thôi, việc này họ có thể làm mà không cần qua trung gian các môn đệ, nhưng họ muốn tiếp xúc với Đức Giêsu để tâm sự, để trao đổi, để đi sâu vào tâm tình tôn giáo, do đó họ mới cần được môn đệ giới thiệu.  Tâm hồn họ được thỏa mãn khi nghe từ miệng Đức Giêsu nói những lời này, họ hiểu lờ mờ về lời sấm đó: chính vì giờ này mà Đức Giêsu đã đến thế gian, giờ của tội lỗi dẫn Đức Giêsu đến Thập giá, nhưng cũng là giờ mà thập giá trở thành ngai vinh quang, chiến thắng sự chết

Ngày xưa các Hiền sĩ cảm nhận được sự lạ lùng khi ngắm nhìn Hài Nhi sơ sinh được bọc trong khăn, đặt nằm trong máng cỏ và nhận ra đó là Vua dân Do thái, là Chúa cả trời đất; hôm nay những người Hy-lạp cảm nhận sự lạ lùng đó khi nghe nói : “Một khi được giương cao lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (c.32).  Họ nhận ra Đức Giêsu là đấng Cứu độ bởi vì lên với Thầy là gặp được sự sống đời đời, nhưng với điều kiện là phải từ bỏ chính mạng sống mình như điều kiện tất yếu phải có, đó là con đường tự hủy mục nát của hạt giống gieo vào lòng đất.  Thầy đã kinh qua con đường thập giá và đã đặt tới vinh quang, trò cũng dấn bước trên đó để chung phần chiến thắng với Thầy. 

Thân phận hạt lúa miến được áp dụng cho Đức Giêsu và được áp dụng cho mỗi người muốn nối gót theo Đức Giêsu.  Người con trong gia đình nhìn thấy cha mẹ vất vả đem lại cuộc sống ấm no.  Người sinh viên trải nghiệm thức khuya dậy sớm trước khi đi đến bảng vàng.  Cái giá phải trả cho sự thành công là mồ hôi có khi pha lẫn máu nữa.  Kinh nghiệm nầy cũng xảy ra nơi đời sống tâm linh của mọi người, bởi vì “dấn thân” của hạt lúa mì gieo xuống đất không quay ngược trở lại, nó như con đường một chiều, một đi không trở lại.  Con đường Thầy chí thánh đã đi qua, muôn đệ không làm khác được, những ai kiên nhẫn đến cùng sẽ được như Đức Giêsu Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, với ý thức chết để cứu chuộc trần gian, Chúa đã uống cạn chén đắng, đi đến cùng đích thập giá, xin cho con can đảm thi hành vuông tròn bổn phận của mình như của lễ hiến tế, hiệp thông vào việc cứu độ nhân lọai. Amen

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

WGPKT(13/03/2024) KONTUM