Chúa Nhật XXVII Thường Niên, Năm A (CN 08.10.2023) – Tá Điền Sát Nhân

Bài đọc 1: Is 5,1-7

Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh, chính là nhà Ít-ra-en.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Tôi xin hát tặng bạn thân tôi,
bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình.
Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ.
2Anh ra tay cuốc đất nhặt đá,
giống nho quý đem trồng,
giữa vườn, anh xây một vọng gác,
rồi khoét bồn đạp nho.
Anh những mong nó sinh trái tốt,
nó lại sinh nho dại.
3Vậy bây giờ,
dân Giê-ru-sa-lem và người Giu-đa hỡi,
xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho.
4Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi,
mà tôi đã chẳng làm ?
Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại ?
5Vậy bây giờ tôi cho các người biết
tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi :
hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang,
bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo.
6Tôi sẽ biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu,
không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm ;
sẽ truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống.
7Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh,
chính là nhà Ít-ra-en đó ;
cây nho Chúa mến yêu quý chuộng,
ấy chính là dân xứ Giu-đa.
Người những mong họ sống công bình,
mà chỉ thấy toàn là đổ máu ;
đợi chờ họ làm điều chính trực,
mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than.

Đáp ca: Tv 79,9 và 12.13-14.15-16.19-20 (Đ. Is 5,7a)

Đ.Vườn nho của Chúa là nhà Ít-ra-en.

9Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập,
đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng,12nhánh vươn dài tới phía đại dương,
chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả.

Đ.Vườn nho của Chúa là nhà Ít-ra-en.

13Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ ?
Khách qua đường mặc sức hái mà ăn !14Heo rừng vào phá phách,
dã thú gặm tan hoang.

Đ.Vườn nho của Chúa là nhà Ít-ra-en.

15Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,16bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.

Đ.Vườn nho của Chúa là nhà Ít-ra-en.

19Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.20Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn,
xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ.

Đ.Vườn nho của Chúa là nhà Ít-ra-en.

Bài đọc 2: Pl 4,6-9

Anh em hãy đem những điều này ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

6 Thưa anh em, anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. 7 Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. 8 Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. 9 Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.

Tung hô Tin Mừng:x. Ga 15,16

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 21,33-43

Ông chủ sẽ cho các tá điền khác canh tác vườn nho.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

33 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : “Các ông hãy nghe dụ ngôn sau đây : Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho ; chung quanh vườn, ông rào giậu ; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. 35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông : chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. 36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước ; nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37 Sau cùng, ông sai con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng : ‘Chúng sẽ nể con ta.’ 38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau : ‘Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó !’ 39 Thế là chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho và giết đi. 40 Vậy khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?” 41 Họ đáp : “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” 42 Đức Giê-su bảo họ : “Kinh Thánh có câu : ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao ?

43 “Bởi đó, tôi nói cho các ông hay : Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1:Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN

 

Trong văn minh du mục, súc vật là đơn vị kinh tế đánh giá sự giàu có của người dân, họ sống chết với đàn vật của mình, còn trong văn minh định canh định cư thì vườn nho là lợi tức kinh tế nuôi sống gia đình.  Do đó tất cả vốn liếng đầu tư vào vườn nho để có kế sinh nhai.  Vườn nho là lẽ sống của người nông dân tại vùng đất Do thái nằm ở Trung Đông, nơi khô cằn nắng nhiều mưa hiếm.  Vườn nho cũng như đàn vật thường được Kinh thánh lấy làm chủ đề để gửi gắm tâm sự của Ngôn sứ, có khi được nhân cách hóa. 

Tâm sự này được giải bày nơi Bài Đọc 1 (x. Is 5, 1-7): ông chủ nhà bỏ vốn đầu tư canh tác vườn nho, mong có mùa bội thu trái tốt, nhưng “nó lại sinh nho dại” (c. 2).  Công sức của ông bỏ ra, cuốc đất, nhặt đá, trồng giống nho quý, xây vọng gác, làm bồn ép nho.  Mất công tốn sức, mà không thu họach được gì, ông chủ tức giận bỏ hoang vườn nho.  “Vườn nho là chính nhà Ítraen”.  “Cây nho là dân xứ Giuđa”. (c. 7).  Tâm sự này được tiên tri viết lên để nói đến sự thất bại của Thiên Chúa khi chọn dân Ítraen. 

Cũng hao hao tâm tình đó, sáu trăm năm sau thời Isaia, Đức Giêsu lấy lại chủ đề tá điền vườn nho làm dụ ngôn, khi bị các đầu mục Do thái chất vấn về việc Người công khai khải hoàn vào thành thánh Giêrusalem, và đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ.  Các đầu mục chất vấn Đức Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà là làm các điều đó?  Ai đã cho ông quyền ấy? (Mt 21, 23).  Đức Giêsu trả lời bằng một câu hỏi: “Phép rửa của Gioan do đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta” (c. 25).  Họ nín thinh.  Người cũng không trả lời cho họ.  Và để cảnh giác họ về lỗi lầm của họ cũng như của các thế hệ đi trước họ, Đức Giêsu đổ tâm sự vào dụ ngôn  tá điền vườn nho. 

Một đại gia bỏ vốn đầu tư nông trại trồng nho: rào giậu, xây bồn ép nho, tháp canh, rồi cho tá điền thuê.  Đến mùa thu họach tá điền không nộp hoa lợi còn bắt gia nhân của ông chủ hành hạ giết đi.  Họ còn giết luôn cả người con độc nhất của ông chủ, khi người con đến thu hoa lợi.  Họ “bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi”, làm như vậy tưởng rằng sẽ chiếm được gia tài. (x. Bài Tin Mừng. Mt 21, 33-43).  Nhưng : “Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (c. 43).  Ám dụ khá rõ ràng để hiểu về việc dân Ítraen giết các Ngôn sứ và giết Đức Giêsu là người con độc nhất của Thiên Chúa.

Về những tài năng, sức khỏe, chức vụ, người ta cứ tưởng đó là sở hữu của cá nhân do mình làm nên, nhưng thật ra tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa, ngay cả mạng sống, chúng ta cũng chỉ là “tá điền” mà thôi, chúng ta có quyền khai thác làm lợi nhưng không phải là sở hữu chủ.  Thật vậy ngôi nhà mới xây thuộc về chủ nhà có sổ đỏ, được quyền sử dụng, nhưng suy cho cùng Thiên Chúa mới thật là Ông Chủ cuối cùng.  Nhìn những đổ nát sau những cơn thiên tai bão lụt gây ra, mới hiểu được ai là Ông Chủ cuối cùng của tất cả vạn vật. 

Lời thánh vịnh nhắc nhủ: “Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thỏang là xong, chỗ kia mình ở cũng không biết mình” (Tv 103).  Biết như thế để làm lợi những ân huệ Thiên Chúa ban, những gì ta ‘có’ và những gì ta ‘là’ , tất cả là ân huệ, chúng ta chỉ là tá điền vườn nho.  Sứ điệp Tin Mừng hôm nay nhắc nhủ chúng ta: Đừng chiếm đoạt những hồng ân Chúa ban, nhưng hãy sinh lợi vì nếu không, mọi sự sẽ bị cất đi và ban cho một ai khác biết sinh lợi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết khiêm hạ đón nhận những hồng ân Chúa ban và đem ra phục vụ tha nhân chứ đừng tự mãn, khoe khoang và ỷ lại, vì con cũng chỉ là tá điền mà thôi. Amen

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

SINH HOA LỢI

Suy niệm
Ngôn sứ Isaia đã ví dân Israel như một vườn nho được Thiên Chúa chăm sóc và không ngừng bảo vệ. Ngài hy vọng sẽ nhận được hoa quả ngon ngọt (Is 5,2b.3.4a.5), nhưng Israel đã không cho hoa quả mà còn gây thêm họa. Dụ ngôn Đức Giêsu nói ở đây cũng rút ra từ đó, nhưng với ý hướng mới là vườn nho được giao cho các tá điền canh tác. Các tá điền là những giới chức tôn giáo Do Thái, những người được giao cho trách nhiệm dẵn dắt dân Thiên Chúa, nhưng họ đã tham lam chiếm đoạt, giết chết những người được sai đến, ngay cả “đứa con thừa tự”.
Qua dụ ngôn, Đức Giêsu muốn nói mình chính là Người Con ấy của Thiên Chúa. Ngài tiên báo về cái chết sắp đến của mình bởi những tá điền sát nhân, là các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đương thời. Thế nhưng cái chết ấy không chấm hết, nhưng lại là cánh cửa mở ra một trang sử mới cho cả nhân loại, vì “viên đá bọn thợ xây loại ra, đã trở nên viên đá góc”. Bị loại bỏ là việc độc ác của con người, còn trở nên viên đá góc là việc kỳ diệu của Thiên Chúa. Trên nền tảng đó, một dân mới được thiết lập chính là Giáo Hội phổ quát mà chúng ta đang thuộc về.
Bài Phúc Âm cho chúng ta cảm thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa và lòng dạ ích kỷ của con người. Một Thiên Chúa nhân hậu đến nỗi dám tin tưởng con người bằng cách giao phó vườn nho là tất cả gia sản của mình cho họ. Một Thiên Chúa vô cùng kiên nhẫn khi sự tin tưởng đó liên tục bị phản bội, vì con người chẳng bao giờ bằng lòng với chính mình, cho tới khi con người tự đào huyệt chôn mình trong sự cố chấp tới cùng. Đúng như lời tiên tri Giêrêmia: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được? (17, 9).
Con người là như vậy: tham lam và ích kỷ, bất trung và vô ơn, kiêu căng và giả hình, ghen ghét và hận thù, chiếm hữu và thống trị, loại trừ và tiêu diệt… là hậu quả của sự ham mê vật chất và quyền hành vô độ. Con người dường như chẳng bao giờ bằng lòng với chính mình, vì ham muốn không ngưng nên cũng tạo nên nghiệp chướng không ngừng. Không lạ gì mà Phật giáo chủ trương diệt dục, vì ngay cả những ham muốn tốt lành cũng giăng đầy những nguy cơ và cạm bẫy.
Dụ ngôn đòi ta phải xét lại chính mình. Con người là hư không, nhưng tình yêu Thiên Chúa đã làm thành hiện hữu. Có được cái gì cũng là do Chúa ban, làm được cái gì cũng là do Chúa giúp. Vì thế, mọi cái phải phù hợp với đường lối và ý định của Ngài. Triết lý Á Đông cũng đã nói:“Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Ngoài ra, cuộc đời ta là của Chúa, chẳng có gì là của mình. Biết rằng mình phải làm nên, nhưng nếu Chúa không ban, thì nhọc mình mà chẳng nên công cán gì.
Vườn nho mà Thiên Chúa giao cũng chính là cuộc đời mỗi người, để ta tự do sáng tạo và góp phần vào công trình cứu độ của Chúa, nghĩa là ân ban phải được tiếp tục trao ban. Do đó, mọi hình thức chiếm đoạt và sở hữu cho mình đều là phản bội, phá vỡ quan hệ tình yêu, mà không có tình yêu thì không có sự sống. Sự sống sẽ trở nên phi lý nếu không còn tình yêu. Bởi vậy, Thiên Chúa không là gì khác, mà là Tình Yêu. Tình Yêu là khởi điểm, là động lực, là phương thế, và cũng là cùng đích cho cuộc đời con người. Chẳng có gì thỏa đáng cho khát vọng sâu thẳm của con người ngoài tình yêu.
Chính trong ý nghĩa đó mà bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt vấn đề tình yêu phục vụ ở trong Hội Thánh. Có những thứ phục vụ để mong chiếm hữu, để được làm chủ, để lấy điểm, để mong được cất nhắc lên, để được bề trên để ý tới, để được nhiều thứ lợi lộc, để gia tăng thanh thế và danh giá cho mình… Và nếu cứ như thế, phục vụ sẽ biến ta thành kẻ gian ác, vì đi tới chỗ loại trừ và giết chết người khác dưới nhiều hình thức. Chúng ta dễ quên vai trò và vị trí phục vụ của mình là một tá điền, một đầy tớ vô dụng, chỉ làm những việc phải làm. Đó là tất cả những gì lớn lao cao cả cho sự hiện hữu của chúng ta trước mặt Chúa rồi, cần gì phải lo thể hiện mình trước mắt người khác.
Mục đích phục vụ của người Kitô hữu là để Chúa được nhận biết và yêu mến. Nhưng nhiều khi ta đi tìm giá trị đời mình ở những lợi lộc trần thế, nhất là tuổi trẻ, muốn săn lùng và chiếm hữu nhiều thứ khác, khiến ước vọng trở thành dục vọng. Sống đời Kitô hữu không phải là làm cho mình thêm nhiều, mà là làm giảm bớt đi: bớt những tham lam và chiếm hữu, bớt quyền hành và danh giá. Cũng vậy con đường nên thánh không phải bước lên mà là bước xuống: bước xuống để đồng hàng và đồng hành với anh em, để nối kết, hòa nhập và hợp nhất với nhau trong tình yêu Đức Kitô, Đấng là Đầu trong thân thể nhiệm mầu.

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Qua dụ ngôn những kẻ làm vườn nho,
cho thấy sự độc ác của tá điền,
trước tình thương ông chủ quá nhân hiền,
họ đã biến nghĩa ân thành cuộc chiến,
giết tôi tớ và giết cả người Con,
để cướp lấy hết vườn nho cho trọn.
Quả thật con không thể nào hiểu được,
sự vô tâm tàn nhẫn của con người,
lại càng không thể nào mà hiểu nổi,
sự kiên trì của Thiên Chúa lạ lùng,
vẫn yêu thương với những kẻ bất trung,
chỉ thi hành công lý lúc cuối cùng.
Có nhiều lúc sự ác như thắng thế,
gây biết bao những thảm cảnh ê chề,
đưa con người đến lầm lạc u mê,
chẳng biết đâu là nẻo chánh đi về.
Chúa vẫn đấy nhưng xem ra bất động,
chỉ vì Ngài nhân từ muốn đợi trông,
để nhân thế biết đổi dạ thay lòng,
để tìm về nguồn sự sống vô biên.
Đến hôm nay thế giớ i vẫn ngả nghiêng,
vẫn đảo điên theo lối sống gian tà,
không nhận ra Thiên Chúa chính là Cha,
vẫn kiêu căng và xúc phạm đến Ngài.

Xin cho con buông xuống mọi tham lam,
để an vui trong mọi việc con làm,
thấy tình thương và ân sủng Chúa ban,
hơn tất cả những gì con mong ước,
để con biết một đời phụng sự Chúa,
Đấng là Vua muôn thuở của lòng con. Amen

WGPKT(04/10/2023) KONTUM