Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, Năm A (CN 15.10.2023) – Mời Hết Vào Tiệc Cưới

Bài đọc 1: Is 25,6-10a

Đức Chúa sẽ đãi một bữa tiệc và sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

6Ngày ấy, trên núi này,
Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc :
tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon,
thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.
7Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân,
và tấm màn trùm lên muôn nước.
8Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.
Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ
trên khuôn mặt mọi người,
và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch
nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy.
9Ngày ấy, người ta sẽ nói : “Đây là Thiên Chúa chúng ta,
chúng ta từng trông đợi Người,
và đã được Người thương cứu độ.
Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông.
Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.”
10aVì bàn tay Đức Chúa sẽ lại đặt trên núi này.

Đáp ca: Tv 22,1-3a.3b-4.5.6 (Đ. c.6cd)

Đ.Này tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

1Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.2Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành3avà bổ sức cho tôi.

Đ.Này tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

3bNgười dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.4Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

Đ.Này tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

5Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc
ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Đ.Này tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

6Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

Đ.Này tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

Bài đọc 2: Pl 4,12-14.19-20

Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

12 Thưa anh em, tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. 13 Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. 14 Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải. 19 Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su. 20 Xin tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời ! A-men.

Tung hô Tin Mừng: x. Ep 1,17-18

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Xin Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 22,1-14 
 

Gặp ai, anh em cũng mời hết vào tiệc cưới.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : 2 “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ : ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng : Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới !’ 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ : ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

11 “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy : ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch : ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

TIỆC CƯỚI VÀ ÁO CƯỚI

 

Tiệc tùng là chuyện bình thường trong đời sống của bất cứ xã hội nào.  Nó là tiếng nói và cách diễn tả tâm tình cụ thể nhất của con người tỏ cho nhau.  Nơi bàn tiệc, phần nào đó, người ta nhận ra tình hình kinh tế và tình cảm của chủ nhà.   Ý nghĩa của bữa tiệc vượt khỏi vật chất, mang lấy ý nghĩa tinh thần và tâm linh.   Bữa tiệc cũng là chủ đề thường được nhắc lại trong Kinh thánh.  Thiên Chúa yêu chuộng lễ hội, Người mời gọi chúng ta tham dự lễ cưới, xin đừng quá bon chen cuộc sống mà từ chối tham dự lễ cưới như những người được mời trong dụ ngôn hôm nay:  “Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết” (x. Bài Tin Mừng.  Mt 22, 1-14). 

Tuy nhiên điều dứt khoát cần phải có là áo cưới.  Chiếc áo dự tiệc cưới là điều cần thiết, đó là phép Rữa Tội.  Trong nghi thức diễn nghĩa sau khi ban phép Rửa Tội cho người dự tòng, Giáo Hội trao cho người tân tòng chiếc áo trắng : “Con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, và hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta để con được sống muôn đời. Amen”.  Áo cưới đó là tâm hồn trinh trắng được phép Rửa Tội ban cho, áo đó là đức tin vào Đức Giêsu Kitô như điều kiện cần thiết để dự tiệc Thánh thể.

Trong cuộc đời của Đức Giêsu,  Người đã chấp nhận lời mời dự tiệc tại nhà hai chị em Mátta và Maria tại Bêtania, làm thực khách tại nhà ông thu thuế Lêvi, cùng với Mẹ Maria và các môn đệ dự tiệc cưới Cana, tự làm khách nơi nhà ông Dakêu, có khi Người đồng bàn với người tội lỗi và quân thu thuế, làm cớ vấp phạm cho đối phương.  Như vậy tiệc tùng là dấu chỉ của vui mừng và của lễ hội, một lễ hội vĩnh hằng, lễ hội giao hòa, lễ hội giao ước, lễ cưới của thiên tính và của nhân tính xảy ra nơi bản thân của Đức Giêsu Nadarét, nghĩa là thiên tính đón lấy nhân tính, như giọt nước pha vào rượu trong thánh lễ.  Đây là dấu chỉ ơn gọi đầu tiên của người Kitô hữu là được kêu mời tham dự hạnh phúc của Thiên Chúa, chia sẻ và hiệp thông với tình yêu Thiên Chúa.   Nhân tính được thăng hoa, được cứu chuộc nhờ tham dự vào thiên tính.

Bản tính nhân lọai được kết hiệp với thiên tính nơi bản thân Đức Giêsu.  Đó là tiệc cưới vĩnh hằng, tức không có sự chia lìa thiên tính và nhân tính nơi Đức Giêsu.  Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay nhắc lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc đó.  Hạnh phúc được Isaia diễn tả qua văn cảnh tiên tri: “Ngày ấy trên núi nầy, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon … Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.  Chúng ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ” (x. Bài Đọc 1. Is 25, 6-10a).  Thật phong phú! Và hoành tráng!  Niềm vui thật sự sâu xa và phổ quát cho mọi người, vì khóc lóc không còn nữa.  Thiên Chúa khai tử thần chết: “Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân” (c. 7), giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết.  Bản thân mỗi người đều được mời tham dự vào bữa tiệc hạnh phúc đó, tiệc thánh thể.

Đức Giêsu lấy lại hình ảnh tiệc cưới, chính Người khai mạc bữa tiệc cưới đó.  Chính Người là niềm vui của nhân lọai, là Thiên Chúa kết hôn với Con người, để nhân lọai được cứu độ, được thần hóa.  Đáng tiếc ! Khách mời  đầu tiên là dân Do thái, không quan tâm và không đếm xỉa đến lời mời.  Phòng tiệc được lấp đầy bởi dân thập phương và người thiểu năng, người tốt và kẻ xấu.  Ông chủ xem ra không để ý chi tiết nầy.  Không phải thế!  Ông đã đi chào thực khách và khám phá ra một người không mặc áo cưới, ông đã loại người ấy ra vì thiếu áo cưới !  ‘Áo choàng Đức Giêsu Kitô’ là vé vào được phát khi chịu phép Rửa Tội.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày tham dự thánh lễ con đều nghe linh mục chủ tế giới thiệu: “Đây Chiên Thiên Chúa đây Đấng xóa tội trần gian.  Phúc cho ai được mời dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.  Người thực khách hạnh phúc đó là con! Con xin tri ân Chúa.  Amen

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

TÌNH YÊU BỊ TỪ CHỐI

Suy niệm
Một ông vua mở tiệc cưới cho con mình và sai các đầy tớ đi mời các quan khách đến dự tiệc. Các đầy tớ đến mời lần thứ nhất, họ không đến. Chủ lại cho nhóm đầy tớ khác đến mời lần thứ hai, nhưng họ không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đây tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Ta có thể gọi tên của dụ ngôn này là “Tình yêu bị từ chối”: Thiên Chúa bị từ chối khi mời gọi con người đến tham dự niềm vui Nước Trời.
Chúng ta dễ có một hình ảnh về Thiên Chúa thật nghiêm khắc, cấm đoán, hay trừng phạt. Ở đây ta bắt gặp một Thiên Chúa tha thiết muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc cho con người. Ngài cần con người đáp lại lời mời đó để tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn. Qua dụ ngôn ta có cảm thấy được nỗi chờ mong của Thiên Chúa khi khách được mời không đến? Ta có cảm được nỗi đau của Thiên Chúa khi con người hờ hững trước bữa tiệc mà Ngài đã đặt vào đó cả tấm lòng? 

Dân Do Thái được Thiên Chúa chính thức mời dự tiệc, nhưng họ đã khước từ và giết cả các ngôn sứ được sai đến. Họ không cảm thấy được vinh hạnh mà còn khinh thường và xúc phạm nặng nề, một sự phụ bạc trắng trợn trước tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ. Cũng giống như người Do Thái, chúng ta dễ đưa ra nhiều lý do để thoái thác không muốn đến với Chúa, không muốn đáp lại lời mời gọi tình yêu của Chúa. Các lý do từ chối có thể gom lại 2 loại là lo làm ăn và lo hưởng thụ. Vì mê làm ăn nên ta không còn quan tâm gì đến lời mời gọi của Chúa, vì quá lo hưởng thụ đời này nên ta chẳng còn ham chuộng hạnh phúc đời sau.
Con người thời nào cũng thế, dễ chạy theo lối sống thực dụng, đánh mất tính cách cao quí và khả năng vươn cao tỏa sáng của đời mình. Những lợi lộc trước mắt khiến người ta mờ mắt, không còn thấy được những điều cao trọng Chúa dành cho mình. Thế là bữa tiệc linh thánh vốn dành cho khách quý là những người được tuyển chọn, nay trở thành bữa tiệc dành cho tất cả mọi người không trừ ai, bất luận người tốt hay kẻ xấu, trong đó có chúng ta hôm nay, được mời gọi và gia nhập Hội Thánh Chúa qua Bí tích Rửa tội. Ðược làm con cái Chúa, được sống trong Hội Thánh là một ân huệ trên hết mọi ân huệ, nên trước hết ta phải tận dụng mọi cơ hội để sống thuộc về Chúa.
Tuy nhiên, trên đời sống đạo thực tế, chúng ta cũng dễ thoái thác trước lời mời của Chúa, không muốn đáp lại tình yêu của Ngài, mà chỉ lo được những điều mình muốn được; chỉ lo sống những điều mình muốn sống, mà không biết rằng mình đang chạy theo những cái bóng, chứ không phải thực tại của một khát vọng thâm sâu. Bên ngoài ta thờ phượng Chúa nhưng bên trong vẫn mơ mộng hão huyền. Ta có nhiều thứ ưu tiên nên việc đến gặp Chúa bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Lý do cũng vẫn là danh, lợi, thú. Chúng ta dễ sống với những cái trước mắt và mau qua, mà quên mất tương lai sẽ đến. Nhưng Chúa vẫn kiên trì và tiếp tục gọi mời, để một lúc nào đó ta
chợt nhận ra lẽ sống đích thật của đời mình.
Dù Chúa vẫn sẵn lòng chờ đợi ta, nhưng hãy nhớ, thời gian không chờ đợi ai, kẻo một phút sa chân là ngàn đời ân hận. Thật ra, Chúa không trách ta lo làm ăn và phát triển cuộc sống, nhưng lo đời này đến nỗi quên bẵng đời sau; lo những cái phụ thuộc đến nỗi quên điều chính yếu; lo đủ thứ những cái bên ngoài mà quên mất lòng tin mến bên trong, khác nào như năm cô khờ dại đi đón chàng rể lo mang đèn mà không mang dầu, làm trễ mất chuyến xe định mệnh. Ta dễ quên: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33).
Cuối cùng, có một điều quan trọng ở cuối bài Phúc Âm mà ta cần hết sức cảnh giác về chính mình. Đó là “y phục lễ cưới”, nghĩa là phải đổi đời như điều kiện phải có để tham dự niềm vui Nước Trời. Có người đã đi vào sự hiệp thông trong Hội Thánh nhưng vẫn không được vào Nước Trời, vì họ đánh mất tấm áo trắng ngày Rửa tội, mất sự sống linh thiêng là Đức Kitô trong lòng mình. Bởi vậy thánh Phaolô căn dặn chúng ta: “Anh em hãy mặc lấy con người mới” (Ep 4,24); “Hãy mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27), nghĩa là để cho Ngài làm chủ toàn thể cuộc đời mình.

Hãy để Đức Kitô chiếm trọn lấy toàn thể đời sống ta, để ta luôn được sống và hành động trong Ngài. Siêng năng kết hợp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, trong thánh lễ, đem lại cho ta sức mạnh linh thiêng để đạt tới chính Chúa, là nguồn hạnh phúc hôm nay và mãi mãi.

Lời nguyện

Lạy Chúa!
Con nào hiểu được lòng Chúa mong,
muốn được cùng con sống hiệp thông,
muốn dành cho con điều cao trọng,
nhưng con chểnh mảng coi như không.
Chúa muốn yêu thương con cả tấm lòng,
muốn cho con niềm vui trọn cuộc sống,
nhưng xem ra con vẫn cứ viễn vông,
vì còn luôn ôm ấp nhiều giấc mộng.
Có ai hiểu được lòng Chúa rất đau,
khi yêu thương mà lại bị từ khước,
khi hiến trao mà lại bị chối từ,
nhưng lòng Chúa vẫn bao dung tha thứ.
Chúa đã mời gọi con dự tiệc thánh,
nhưng con thường lỡ hẹn và né tránh,
vì lòng con còn những nỗi phân tranh,
nên ước mơ của chúa đã không thành.
Con thấy mình là kẻ quá hững hờ,
tâm trí có nhiều lúc quá ngu ngơ,
để bao lần tim Chúa phải trông chờ,
mà đời con thì cứ mãi bơ vơ.
Xin cho con dừng lại những đam mê,
dám buông bỏ những xa hoa phù thế,
dám buông rơi những toan tính lê thê,
dám buông xuống những ham muốn nặng nề,

dám buông xả để trở về bên Chúa,
không màng danh lợi với hơn thua.
Xin cho con hân hoan dự tiệc thánh,
tiệc Ngài ban là sự sống muôn đời,
là điều con khao khát mãi không ngơi,
con quyết tâm đi vào đời sống mới,
để xứng với ân ban được gọi mời,
hưởng Nước Trời niềm hạnh phúc khôn vơi. Amen.

WGPKT(10/10/2023) KONTUM