Ai Làm Chủ Đại Dương – Suy Niệm – CN XII Thường Niên – Năm B (CN.20.06.2021)

Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa được thánh Máccô trình bày bằng một loạt các ví dụ: Nước Thiên Chúa được ví như người gieo giống gieo hạt trên ruộng mình, như chiếc đèn đặt trên giá để soi sáng cho cả nhà, như sức bật âm thầm của hạt giống, như hạt cải lớn lên làm chỗ cho chim trời tới đậu.  Sau đó Đức Giêsu bảo môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”.  Thầy trò lên thuyền nhổ neo ra khơi, đang hành trình thì cuồng phong nổi lên đe dọa nhận chìm thuyền.  Đức Giêsu vẫn ngủ yên trong khoang thuyền lúc sóng to gió lớn,  môn đệ cuống cuồng chạy đến cầu cứu, thức dậy, Người dẹp yên sóng gió bằng phán một lời “im đi”, sự việc làm cho các môn đệ kinh hãi thắc mắc Đức Giêsu là ai vậy (x. Bài Tin Mừng Mc 4, 35-41). 

 

Hội thánh của Chúa. Nhiều nhà chú giải coi trình thuật này là một dụ ngôn về Hội thánh vì có nhiều yếu tố cho phép suy nghĩ như thế.  Một con thuyền chở Đức Giêsu và môn đệ vượt biển, gặp cuồng phong, đó là hình ảnh kinh điển diễn tả Hội Thánh của Chúa vượt biển trần gian, chống chọi với phong ba bão táp.  Gió mạnh hay cuồng phong là hình ảnh thần khí xấu gieo tai họa cho Giáo Hội, thần khí xấu có nguồn gốc là Xatan; hình ảnh biển cả với sức mạnh địa ngục có sức tàn phá khủng khiếp chôn vùi bao nhiêu sinh mạng. 

 

Biển cả trong Kinh thánh biểu tượng cho thế giới thần chết, có ma lực chống đối Thiên Chúa, hai bên luôn có sự đấu tranh giằng co. Con người luôn bị xô đẩy bởi sức mạnh quỷ dữ, như những đợt sóng tấn công con thuyền.  Thần thoại Hy-lạp coi đại dương là vương quốc của tử thần, tư tưởng này ảnh hưởng ít nhiều đến quan niệm Do thái.  Sức mạnh thủy quái này đã bị chinh phục bởi lời Chúa phán: “‘Im đi! Câm đi !’ Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (c.39).   Khẳng định sự chiến thắng của Thiên Chúa trên vương quốc sự chết.

 

Ai làm chủ thiên nhiên.  Lệnh truyền này cũng là câu trả lời cho vấn nạn ai làm chủ thiên nhiên được nêu lên trong sách Gióp: “Cửa đại dương ai ra tay đóng lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân?” (x. Bài Đọc 1. G. 38,1.8-11).  Đức Giêsu quát bảo cuồng phong, và biển cả vâng lời, dấu chỉ này cho chúng ta niềm xác tín: Chính Thiên Chúa tạo dựng và làm chủ vũ trụ, có uyền trên thiên nhiên vạn vật.

 

 “Chúng ta sang bên kia bờ!”(c. 35).  Lệnh xuất hành nầy của Đức Giêsu làm liên tưởng đến cuộc vượt biên.  Vượt từ bờ này sang bờ kia, từ trần gian sang thiên quốc, nhưng “bên kia bờ” chỉ có thể đạt được sau khi đã đấu tranh sống chết với cuồng phong, chống chọi với bão táp có nguy cơ nhận chìm thuyền.  Hình ảnh cho thấy cuộc đấu tranh không mệt mõi của những con người theo Chúa, vượt biển trần gian, phải khổ cực vật lộn với mưu ma chước quỷ, thế gian và xác thịt.  “Sang bên kia bờ” cũng có nghĩa đi vào vùng đất dân ngoại, vượt biển có nghĩa bức phá một quan niệm cố định, ra khỏi sự an toàn hướng tới dân ngoại.   Đức Giêsu cùng các tông đồ lên đường truyền giáo, khó khăn và chiến đấu luôn gặp phải trên đường truyền giáo.

 

Ơn trợ lực thần thiêng. Muốn “sang bên kia bờ”, con người phải cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa: “ Thầy ơi chúng con chết mất” (38).  Kinh nghiệm vượt biển của các tông đồ cùng với Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng, Chúa luôn hiện diện trong những khủng hỏang cuộc đời, Người có mặt mà không lên tiếng, “Chúa dựa đầu vào chiếc gối và ngủ” (c. 38),  Người sẵn sàng cứu giúp con người trong cơn hoạn nạn khi con người chạy đến cầu cứu: “Người thức dậy, ngăm đe gió”. 

 

Sự cậy trông đặt ở nơi Chúa, nhưng điều đó không miễn trừ con người phải nổ lực cứu lấy mình trong bão tố, và ơn phù trợ của Thiên Chúa đến lấp đầy niềm hy vọng nơi con người.  “ Thầy ơi chúng con chết mất”.  Câu nói mà nhiều lần trong đời, mỗi người đều có thể thốt lên trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nào đó, khi con người dường như thúc thủ trước bão tố dâng cao trong lúc cố gắng “sang bên kia bờ” của cuộc sống trần gian, sang bên kia bờ để rao giảng Tin mừng cho anh em dân ngoại.  Cuộc vượt biển nào cũng đòi bỏ lại sau lưng hành trang cồng kềnh, đòi dấn thân quyết liệt đấu tranh với phong bao bão táp nhất là trong cuộc vượt qua từ cõi chết sang sự sống, điều quan trọng là cầu xin sự trợ lực thần thiêng nơi Đức Giêsu trong cuộc vượt qua nầy.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết chiến đấu và luôn đặt niềm trông cậy vào quyền năng của Chúa, ngay cả khi ngang qua những thung lũng âm u cuộc sống, con luôn tin cậy Chúa có thể giải thóat con khỏi mọi sự dữ. Amen

WGPKT(18/06/2021) KONTUM