Khủng Hoảng Đức Tin– CN XXI Thường Niên – Năm B (CN.22.08.2021)

Ảnh minh họa

Những xáo trộn, những căng thẳng trong đời sống cá nhân hay tập thể thường đưa đến khủng hỏang, những khủng hỏang có khi mở ra một lối thoát như cơ may đi lên cho cộng đoàn, khủng hoảng được coi là tình thế bấp bênh trung lập, từ đó phát sinh một giải pháp tích cực cho cuộc sống.  Trong thời Cựu Ước, đã xảy ra khủng hoảng đức tin giữa con cái Ítraen, họ đã họp đại hội Sikhem để xác định lập trường đức tin của họ, vụ việc xảy ra chừng một ngàn năm trước công nguyên (x. Bài Đọc 1).

 

Thời ông Giôsuê lãnh đạo dân Ítraen chiếm đất Canaan, phân chia đất đai cho mười hai chi tộc Ítraen và an cư lạc nghiệp cho toàn dân, thì xảy ra xung đột giữa văn minh du mục lang thang rày đây mai đó và  văn minh nông nghiệp định canh định cư.  Người Ítraen tiếp xúc với dân bản địa và đồng thời cũng biết thêm các thần minh thổ địa khác của vùng đất họ vừa chiếm đóng, thế là có sự phân tâm xao nhãng thờ phượng Đấng tối cao.  Một số người tin vào Thiên Chúa, kẻ khác bái lạy thần linh thổ địa mới, vì thế ông Giôsuê quy tụ dân lại và cho họ tự do quyết nghị: “Hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia sông Cả, hoặc là các thần của người Emôri mà anh em đã chiếm đất để ở.  Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa” (x. Bài Đọc 1. Gs 24,1-2a.15-17.18b).  Việc này cho thấy sự tự do trong tôn giáo là điều cần thiết làm nên giá trị đạo đức của hành vi tôn giáo.

 

Một ngàn năm sau, lịch sử được lặp lại.  Dân Ítraen gặp khủng hoảng khi nghe lời khẳng định của Đức Giêsu về bánh hằng sống: chính Người là bánh từ trời ban xuống, và phải ăn thịt và uống máu Người thì mới được sống đời đời.  Dân chúng xầm xì phản đối, nhưng Đức Giêsu quyết liệt và minh định: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sự sống đời đời.  Đức Giêsu còn mặc khải về cái chết của Người là do môn đệ nộp Người.  Khi nghe những lời ấy, “Lúc đó nhiều môn đệ rút lui, không đi theo Người nữa”.  Đức Giêsu hờn dỗi và nói với Nhóm mười hai, họ là các cột trụ của Dân Ítraen mới: Anh em cũng bỏ đi hay sao?  Ông Simôn Phêrô liền đáp: Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với aiThầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời (x. Bài Tin Mừng. Ga 6, 54a.60-69). 

 

Lời tuyên xưng đức tin của Phêrô không phải là công thức được lập trình sẵn để đọc theo nghi thức tôn giáo, nhưng là lời tuyên tín hiện sinh đầy tự do, xác tín vào Đấng ban sự sống.  Chính Thần khí đã soi sáng Phêrô làm sự lựa chọn đứng về phía Thiên Chúa hằng sống. 

 

Tin không phải là chấp nhận một mớ lý thuyết, nhưng là đón nhận con người Đức Giêsu, đón nhận và mô phỏng trong cách sống, cách suy nghĩ và cách hành xử của Đức Giêsu.  Chính khi gặp khủng hoảng đức tin, Simôn Phêrô đã khai thông bằng một lời tuyên xưng vào chính Đấng ban sự sống; chính khi gặp nguy cơ thờ ma lạy quỷ mà đại hội Sikhem đã bật lên lời xác quyết: “Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi

 

Đức tin không phải chỉ là hành vi cá nhân đơn độc nhưng còn là hành vi của cộng đoàn liên kết với nhau.  Chính vì thế chúng ta có thể hiểu rằng khi tuyên xưng đức tin (Credo): “Tôi tin kính một Thiên Chúa”, lời tuyên tín rất cá nhân, nhưng thâm sâu, niềm tin cá nhân chảy từ niềm tin cộng đoàn.  Tôi tin” chảy từ “Chúng tôi tin.  Niềm tin cộng đoàn có trước niềm tin cá nhân.  Nghĩa là đức tin cá nhân khơi nguồn từ đức tin cộng đoàn, được cộng đoàn nâng đỡ bảo vệ.  Đức tin mang tính cá nhân nhưng không đơn độc, đức tin của cộng đoàn không làm cho đức tin cá nhân mất đi bản chất của mình, đức tin cộng đoàn không thay thế đức tin của cá nhân được.  Có sự hổ tương tác dụng giữa “tôi tin” và “chúng tôi tin”.  Đừng bao giờ bỏ rơi cộng đoàn bởi vì có Thiên Chúa ở giữa cộng đoàn.

 

Đức tin cá nhân nâng đỡ đức tin cộng đoàn và cá nhân cũng được chia sẻ đức tin của cộng đoàn. Đức tin là cây sự sống được trao ban ngày chịu phép Rửa tội, đức tin có thể phát triển hoặc chết ngộp tùy vào sự cộng tác của cá nhân.  Năng lãnh nhận các phép bí tích nhất là bí tích Thánh thể, năng tham gia các sinh hoạt mục vụ như các việc tông đồ, từ thiện bác ái … tất cả như phân bón làm cho cây đức tin ngày càng phát triển và lớn mạnh, các sinh hoạt nầy đan dệt thành dây chằng ràng buộc cá nhân với Đức Giêsu Kitô, để rồi người tin hữu ngày càng ý thức và xác quyết thốt lên: “bỏ Ngài con biết theo ai”.

 

Xác tín một chân lý đức tin thì khác với với xác tín một chân lý khoa học, không ai đánh mất đi chân lý: 2 + 2 = 4, nếu là con người bình thường, tuy nhiên trong phạm vi đức tin, người tín hữu có thể lạc mất đức tin khi nhạt phai thực tập tôn giáo, thờ ơ với tín ngưỡng, để cho mình rơi vào các thứ mê tín dị đoan.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm cho con luôn bám víu vào Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào và can đảm tuyên xưng đức tin như thánh Phêrô đã  tuyên xưng: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ?  Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum Giáo xứ Đức An
WGPKT(21/08/2021) KONTUM