Suy Niệm – CN X Thường Niên – Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô – Năm B (CN.06.06.2021)

Suy Niệm Chúa Nhật X Thường Niên B

St 3, 9-15; 2 Cr 4,13-5,1; Mc 3, 20-35

 

CUỘC CHIẾN KHÔNG NGƠI NGHỈ

 

Tiến bộ khoa học ngày nay với kỷ thuật số phát triển vượt bậc, thế giới a-còng @ xuất hiện, điện thoại thông minh lan tràn, khoảng cách địa lý được thu hẹp lại, càng sống trong tiện nghi, con người xem ra xa lạ với ý niệm: “cám dỗ”,  “tội lỗi”, “quỷ xa-tan”quỷ ám”.  Dường như con người tìm cách hợp lý hóa sự dữ, cho rằng tội lỗi là sự lạm dụng tự do, uống nhiều rượu quá thì xơ gan, quỷ ám chỉ là chấn thương tâm lý, là sự mất cân đối tâm sinh lý … 

Xem ra xã hội hôm nay thu gọn ý niệm tội vào ý niệm công bằng, họ cho rằng ‘thành tội’ hay ‘không thành tội’ là do sự tố giác của ai khác, thâm lạm của công, rút ruột công trình mà không ai tố giác thì vô tội, như thế mặc nhiên nhận rằng ‘tha nhân’ thế chỗ cho ‘lương tâm’.  Dĩ nhiên không thể lẫn lộn ‘tha nhân’ và lương tâm được, lương tâm là tiếng nói bên kia bức màn, là thẩm phán nội giới có khả năng phê phán việc làm dù kín đáo, lương tâm còn được ví như dấu ấn trên tâm hồn, dấu đó được sản xuất từ thiên quốc (Made in heaven) mà bất luận là người, ai cũng có.

Đức thánh giáo hoàng Phaolô VI cảnh giác “Con người hôm nay mất đi cảm thức về tội lỗi”.  Quá duy khoa học kỷ thuật, con người thời  nay như xóa sổ ác thần, bỏ sót những cám dỗ của nó, tuy nhiên Sách thánh vẫn còn đó, cho chúng ta thấy một thực tại Xa-tan vẫn đeo bám, muốn khuynh đảo con người xa lìa Thiên Chúa.  Sách Sáng thế trả lời bằng trình bày hoạt cảnh sa ngã thuở đầu của A-đam và Evà như một lời khẳng định rằng có sự hiện diện của quỷ dữ xa-tan, có chước cám dỗ và có sa ngã chống lại ý Thiên Chúa.  Tiến trình phản bội nầy là bản mẫu cho mọi sa ngã xảy ra nơi con người.

Thật vậy nơi nội giới con người thường xảy ra tranh tụng giữa lành và dữ, giữa cố gắng hành thiện và sự buông xuôi theo dục vọng.  Con người sống sự gằng co o ép nơi thâm cung, chưa phạm tội thì nồng nhiệt cưu mang và ao ước thực hiện kế hoạch.  Khi trót sa ngã phạm tội con người cảm thấy ê chề và hổ thẹn trước Thiên Chúa và trước chính mình. Lúc đó con người tìm cách chạy tội, trốn tránh Thiên Chúa và trốn tránh chính mình,  A-đam tâm sự: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẫn trốn”. 

Hậu quả của tội  là làm con người mất đoàn kết và đổ lỗi cho nhau, không dám đứng ra nhận trách nhiệm về việc mình làm.  A-đam đổ lỗi cho E-và : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”; Còn E-và thưa với Thiên Chúa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (Bài Đọc 1. St 3, 9-15).  Ađam quên đi rằng chính ông đã thốt lên khi thấy Evà, nàng bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi.  Tội lỗi đã phạm gây khủng hoảng nơi tâm hồn, làm xa lánh Thiên Chúa, gây tan vỡ tình thân, gieo khủng hoảng vào cuộc sống.  Nhịp cầu giữa Thiên Chúa và con người bị gảy đổ.  Đó là thực trạng thê thảm của  nhân loại, cần được Thiên Chúa cứu giúp.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đến đúng lúc để thiết lập lại mối bất hòa giữa con người và Thiên Chúa. Bài tường thuật Đức Giêsu trừ quỷ trong ngôi nhà đông nghẹt người, làm đối phương của Người không chối cãi được, tuy nhiên vì sợ mất uy quyền, sợ mất ảnh hưởng trên dân chúng, họ bèn quay ra rêu rao xuyên tạc rằng: “Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”.  Đáng ra họ phải nhìn nhận điều nầy: Quỷ Xa-tan cầm đầu tội lỗi, tội lỗi sinh ra bệnh tật; chữa được bệnh tật, tức là trừ được tội, trừ được tội là chiến thắng được Quỷ Xa-tan.   

Đức Giêsu dồn đối phương đến chân tường khi chất vấn : “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? …  Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan tự chia rẽ, thì không thể tồn tại” (Bài Tin mừng. Mc. 3, 20-35).  Qua lời nầy Đức Giêsu minh định sứ mệnh của Người là chiến thắng tội lỗi, nối lại nhịp cầu đã gãy nơi vườn địa đàng, mà sách Sáng Thế tuyên  sấm: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (Bài Đọc 1).  Đức Giêsu minh chứng Người là Đấng Cứu Thế, bởi vì Người chiến thắng Xa-tan, chiến thắng tội lỗi.

Lạy Chúa Giê-su xin cho con biết nương tựa vào Lời Chúa để chiến đấu với ma quỷ, xin hãy đến cứu giúp con trong mọi cơn cám dỗ vì Chúa là sức mạnh của con. Amen

 

Suy Niệm Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô

Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mt 14, 12-16.22-26

 

MÁU TÔI THẬT LÀ CỦA UỐNG

 

Ăn uống là chuyện đương nhiên phải có để duy trì sự sống.  Thức ăn đồ uống  trực tiếp liên hệ đến sự sống và sinh hoạt con người, chính vì vậy thông tin rất nhạy bén khi phát giác có chất độc hại trong thực phẩm, tức thì báo động để cảnh giác người dân  bảo vệ mạng sống.  Yến tiệc cao lương với sơn hào hải vị của hạng đại gia hay bữa ăn thanh đạm của giới bình dân đều giống nhau ở điểm : nuôi dưỡng sự sống, họp mặt thân hữu, diễn tả tình cảm thân thương giữa cha mẹ con cái, bằng hữu, chia sẻ vui buồn cuộc sống.  Vượt lên trên các giá trị vật chất trần thế, bữa ăn còn có giá trị tinh thần và tâm linh tôn giáo. 

 

Qua bữa ăn Thiên Chúa chung chia cuộc sống với nhân lọai, đi đến với con người.  Trong sa mạc Thiên Chúa đã nuôi dân của Người bằng man-na và cho họ uống nước từ tảng đá: “Thiên Chúa đã khiến nước từ tảng đá cứng nhất chảy ra cho anh em uống.  Người cho anh em ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng biết” (x. Đnl  8, 2-3.14b-16a). 

 

Nuôi ăn’ nói lên sự quan tâm đối với người thân, nói lên sự liên đới thân phận làm người.  Bữa tiệc còn được dùng để diễn tả tâm tình tôn giáo đối với thượng đế: “Ông Môsê sai các thanh niên trong dân Ítraen dâng những lễ tòan thiêu, và ngã bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa”.   Ông lấy máu rảy trên dân và nói : “Đấy là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em” (x. Bài Đọc 1.Xh 24,3-8).  Trong Cựu Ước máu súc vật được dùng làm hy lễ dâng tiến Thiên Chúa có khả năng làm đẹp lòng Thiên Chúa.  Tuy nhiên các thứ máu này đều bất toàn để có thể xóa tội lỗi nhân loại. 

 

Nhân loại cần đến máu của Con Thiên Chúa để mãi mãi mang lại ơn cứu chuộc cho nhân lọai: “Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa.  Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những sự việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa  hằng sống” (x. Bài Đọc 2. Dt 9, 11-15).  Nước từ cạnh sườn Đức Giêsu đổ ra rửa sạch tội lỗi chúng ta và Máu của Người nuôi sống chúng ta, Nước là hình ảnh kinh điển hiểu về bí tích Rửa Tội và Máu hiểu về bí tích Thánh Thể.

Bánh hằng sống là chủ đề chính yếu trong Tin Mừng Gioan, chủ đề này được dẫn nhập bằng những dấu chỉ : phép lạ hóa bánh ra nhiều trong sa mạc nuôi dân chúng ăn, vì đã nhiều ngày họ đi theo Đức Giêsu và nghe Người giảng dạy.  Với năm chiếc bánh và hai con cá, Đức Giêsu đã nuôi năm ngàn người ăn trong hoang địa (x. Ga 6, 9).  Thấy khỏi lao động mệt nhọc mà vẫn có ăn, dân chúng muốn thúc ép Đức Giêsu làm vua, nhưng Người đã tránh đi và khi Người gặp lại họ, Người giảng cho họ về Bánh Hằng Sống, bánh thiêng liêng là chính thân thể Người sẽ bị hiến tế trên thập giá làm của ăn nuôi sống linh hồn (x.Ga 6, 14-15). 

 

Đức Giêsu khẳng định : “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.  Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”.  Từ man-na trong sa mạc đến phép lạ hóa bánh ra nhiều, tất cả chỉ là hình bóng để dọn dường cho con người đón nhận Phép Thánh Thể.  Việc làm nầy xảy ra vào bữa ăn cuối cùng lúc Đức Giêsu sắp bỏ trần gian lên đường chịu nạn, lúc đó “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy… ‘Đây là Máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra vì muôn người’”.  Sau đó Người ra đi chịu chết, thực hiện những gì Người nói trong bàn tiệc ly (x. Mc 14, 12-16.22-26). 

 

Như thế có thể hiểu được rằng Đức Giêsu chết trong tâm hồn nơi bàn tiệc ly trong câu nói bất hủ tức là lời truyền phép và sau đó Người chết nơi bản thân bị treo trên thập giá.  Trong phép Thánh Thể có hai mặt của một vấn đề không thể tách lìa nhau được, lời nói cắt nghĩa việc làm và việc làm minh chứng hiệu năng của lời nói, điều nầy khá rõ ràng trong quy luật phụng vụ Tuần Thánh, nơi nào cử hành phụng vụ Thứ Năm Thánh thì buộc cử hành phụng vụ Thứ Sáu Thánh.

 

Con người chấp nhận dễ dàng man-na từ trời rơi xuống, đón nhận nước uống từ đá chảy ra trong sa mạc, thưởng thức bánh và cá được nhân lên gấp bội trong hoang địa, tất cả đều là những sự việc kỳ lạ, những điều ngoại thường vượt tầm tay nhân loại, đầu óc con người không lý giải được nếu không nại vào năng lực của thần linh.  Chỉ quyền năng Thiên Chúa mà thôi mới thực hiện được những chuyện ngoại thường như thế.  Tuy nhiên tất cả chỉ là những dấu chỉ tiệm tiến đưa dẫn chúng ta tới chỗ chấp nhận lời nói của Đức  Giêsu, đó cũng là lời truyền phép trong thánh lễ ; “Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy”.  Lời quy tụ, Lời nuôi dưỡng và Lời không ngừng làm phát triển Giáo hội. 

 

Lạy Chúa Giêsu, con xin sấp mình thờ lạy hồng ân cao cả mà Chúa đã để lại nuôi sống nhân loại, xin cho con biết yêu mến phép Thánh Thể và siêng năng tham dự thánh lễ. Amen

 

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum Giáo xứ Đức An
WGPKT(05/06/2021) KONTUM