Nơi Trú Ngụ Của Thành Kiến (20.02.2020 – Thứ Năm Tuần 6 TN)

Lời Chúa: Mc 8, 27-33
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Suy nim:

Chúa Giêsu là ai đối với bạn – và sự khác biệt nào Ngài tạo ra trong cuộc sống của bạn?

Nhiều người ở Israel đã công nhận Chúa Giêsu là một Đấng quyền năng của Thiên Chúa, thậm chí so sánh Ngài với những vị ngôn sứ vĩ đại nhất.

Phê-rô, luôn nhanh chóng trả lời mỗi khi Chúa Giêsu lên tiếng, đã tuyên xưng rằng Chúa Giêsu thực sự là “Đức Kitô của Thiên Chúa” – “Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mát-thêu16:16).

Không một thân xác phải chết nào có thể tiết lộ điều này với Phê-rô, mà chỉ có Thiên Chúa. Qua “con mắt đức tin”, Phê-rô đã khám phá ra Chúa Giêsu thực sự là ai.

Phê-rô nhận ra rằng Chúa Giêsu hơn hẳn một người thầy, một vị ngôn sứ và người làm phép lạ vĩ đại. Phê-rô là tông đồ đầu tiên tuyên bố công khai rằng Chúa Giêsu là Đấng được xức dầu, được thánh hiến bởi Chúa Cha và được sai đến trong thế gian để cứu chuộc loài người sa ngã bị nô lệ cho tội lỗi và bị khước từ khỏi cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa (Lu-ca 9:20, Công vụ 2: 14-36).

Từ “Kitô” trong tiếng Hy Lạp là bản dịch từ tiếng Do Thái có nghĩa là “Mê-si-a” – cả hai từ này đều có nghĩa đen là Đấng được Xức Dầu.

Chúa Giêsu bắt đầu giải thích sứ mạng mà Ngài được sai đến để hoàn tất

Tại sao Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ im lặng về thân phận của Ngài là Con Thiên Chúa được xức dầu? Để rồi sau đó, họ được chỉ định loan báo tin mừng cho mọi người.

Chúa Giêsu biết rằng họ chưa hoàn toàn hiểu sứ mạng của Ngài và làm thế nào Ngài sẽ hoàn thành nó. Cyril of Alexandria (376-444 sau công nguyên), một giáo phụ tiên khởi của giáo hội, giải thích lý do cho sự im lặng này:

Có những điều chưa được hoàn tất mà cũng phải được đưa vào trong lời rao giảng của họ về Người. Họ cũng phải nói về thập giá, cuộc khổ nạn và sự chết trong thân xác. Họ phải rao giảng về sự sống lại của kẻ chết, đó là dấu chỉ vinh hiển thật và cao cả, nhờ Người chứng thực đó phát sinh hiệu quả  rằng Đấng Em-ma-nu-en thực sự là Thiên Chúa và theo bản tính là Con Chúa Cha.

Ngài đã hoàn toàn tiêu diệt cái chết và xóa sạch sự hủy hoại. Ngài đã vào địa ngục, và lật đổ sự thống trị của kẻ thù. Ngài đã xóa tội trần gian, mở cửa thiên đàng cho người thế và hợp nhất trái đất với thiên đàng.

Những điều này đã chứng minh Ngài là, như Tôi nói, Ngài là Thiên Chúa thật. Do đó, Ngài truyền dạy họ giữ bí mật bằng cách im lặng đúng thời cho đến khi toàn bộ kế hoạch của Cứu Độ được thực hiện. (Chú giải về Luca, bài giảng số 49, bởi Cyril Alexandria)

Người Con được Xức Dầu của Thiên Chúa phải chịu đau khổ và chịu chết để chuộc tội cho chúng ta

Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài rằng Đấng Cứu Thế phải chịu đau khổ và chịu chết để chương trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn thành. Các môn đệ đã ngạc nhiên như thế nào khi nghe lời này. Tư tưởng và đường lối của Chúa khác với tư tưởng và đường lối  của chúng ta như thế nào (I-sai-a 55: 8).

Qua sự sỉ nhục, đau khổ và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã phá hủy quyền lực của tội lỗi và sự chết và giành lấy cho chúng ta sự sống vĩnh cửu và sự tự do khỏi sự thống trị của kẻ thù, Satan, cha đẻ của sự dối trá và sự lừa dối của loài người.

Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng có một phần trong sứ mệnh và sự chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô

Nếu chúng ta muốn dự phần vinh quang của Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng phải vác thập giá của mình và theo đến nơi Ngài dẫn chúng ta.

“Thập giá” mà bạn và tôi phải vác mỗi ngày là gì?

          Khi ý muốn của tôi chồng chéo , không ngay hàng với ý muốn của Chúa, thì ý muốn của Ngài phải được thực hiện. Biết Chúa Giêsu Kitô là biết sức mạnh chiến thắng của Người trên thập giá nơi Người đã đánh bại tội lỗi và chiến thắng sự chết qua sự phục sinh của Người.

Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta những món quà và sức mạnh mà chúng ta cần để sống như con cái của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cho chúng ta đức tin để biết Chúa Giêsu thực sự là Đấng Cứu Chuộc chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để sống Tin Mừng một cách trung thành và can đảm làm chứng cho người khác về niềm vui, sự thật và tự do của Tin Mừng.

Bạn nói Chúa Giêsu là ai?

“Lạy Chúa Giêsu, con tin và con xác tín rằng Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Xin hãy nhận lấy mạng sống, ý chí của con và tất cả những gì con có, để con có thể hoàn toàn thuộc về Ngài bây giờ và mãi mãi.”

 

Nơi Cư Trú Của Thành Kiến

“Anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư.” Gia-cô- bê 2:1

Nhiều Kitô hữu không thể hiện sự thiên vị, thành kiến ​​hay phân biệt chủng tộc bằng lời nói của họ. Họ biết điều này là sai. Vì vậy, họ không làm điều đó. Tuy nhiên, nhiều Kitô Hữu vẫn thể hiện thành kiến theo những cách tinh tế. Chẳng hạn, nhiều Kitô Hữu chọn sống tách biệt khỏi người nghèo.

Họ có thể đã không hỏi Chúa về chỗ ở của họ. Họ chỉ cho rằng Chúa muốn họ sống trong những khu vực được gọi là tốt hơn so với những người hàng xóm của họ nếu họ có đủ khả năng hoặc thậm chí nếu họ không đủ khả năng. Những quyết định này có nhiều hệ lụy. Họ là những người không sống gần người nghèo không nói chuyện, ăn uống, làm việc thờ phượng và mua sắm với người nghèo. Ai đó đã từng nói rằng ở Hoa Kỳ, những giờ tách biệt nhất trong tuần là Chủ nhật từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa, khi người da trắng đến nhà thờ của người da trắng và người da đen đến nhà thờ của người da đen. Sự kỳ thị tinh tế của chúng ta đã trở nên sự phân biệt, thiếu đoàn kết và từ chối đặc tính công giáo.

Chúng ta hãy xem lại lương tâm của chúng ta về nơi cư trú của chúng ta. Nhờ đức tin vào Chúa Giêsu, chúng ta hãy bứng khỏi chúng ta sự kỳ thị (xem Gl 3:28). Nếu không, nó sẽ thay đổi đức tin của chúng tôi. Hãy để Chúa Giêsu là Chúa của nơi cư trú và cuộc sống của chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin hãy sai Thánh Thần đến hầu dùng con phá vỡ sự phân cách giữa giàu và nghèo.

Xác tín: “Ngài Đấng Thiên Sai!” Mc 8:29

Tác giả: Don Schwager

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Trần Quốc Bảo

Giáo Phận Kontum

WGPKT(19/02/2020) KONTUM