Như ai đó đã nói: Giáo dục là công trình tập sự để đi đến tự do. Quả vậy, đó chính là món quà quý giá Thiên Chúa đã tặng ban khi dựng nên con người. Tuy nhiên, vì con người được dựng nên do tình yêu và cho tình yêu nên mầm giống tự do đó chỉ có thể phát triển sung mãn khi được nuôi dưỡng trong tình yêu. Như lời kinh Phái Thần Bí Soufi Hồi giáo đã khẳng định: Nếu bạn muốn tự do, hãy để tình yêu chiếm lấy bạn. Như thế, tình yêu là yếu tố quyết định để có được tự do đích thực. Chính trong bầu khí yêu thương, tự do đích thực được triển nở và nhân cách người thụ huấn mới thực sự đạt đến sự trưởng thành.
Cách riêng trong lãnh vực Đồng hành thiêng liêng, đây không chỉ là một công trình giáo dục bình thường, nhưng được dịch từ “Accompagnement Sprituel”, đồng hành thiêng liêng được hiểu quan trọng hơn lúc nào hết vì cánh cửa lòng một người chỉ thực sự mở ra khi nó cảm nhận được sự an toàn, tin tưởng và yêu thương. Nói cách khác, người ta chỉ dám mạo hiểm biểu lộ những khía cạnh sâu kín, tỏ lộ mình ra cho người khác trong tương quan tình yêu. Như André Louf quả quyết: Tương quan trong đồng hành thiêng liêng đòi hỏi một phẩm chất đích thực là “tình yêu” (André Louf, Ân sủng còn kỳ diệu hơn, 71) vì đây là một tương quan ưu việt trong những mối tương quan giữa người với người. Nó đòi hỏi một tình yêu mang nghĩa mạnh nhất và đích thực đó là “tình yêu agape”, một tình yêu làm cho người đồng hành trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa và Con của Ngài là Đức Giêsu. Nhờ phẩm chất tình yêu trọn vẹn này mà khi tiếp xúc, người đồng hành có khả năng làm cho sự sống trong người được đồng hành nảy sinh và truyền thụ (André Louf, 77). Điều này đã được Đức Giêsu thể hiện cách trọn vẹn và tuyệt hảo tiêu biểu qua việc Người đồng hành với các môn đệ. Đây cũng là mô thức đồng hành duy nhất và đích thực cho hết thảy chúng ta.
1. Đồng Hành Thiêng Liêng, Một Tương Quan Tình Yêu
a) Đức Giêsu, vị Thầy thấu hiểu trong yêu thương
Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, vì thế tình yêu của Người quả thực là vô cùng bao la và mãnh liệt. Thế nhưng tình yêu đó không là một tình yêu siêu vời, nhưng là một “Tình yêu nhập thể”. Thực vậy, khi nhập thể làm người, Đức Giêsu đã chia sẻ tất cả thân phận con người. Mang trên mình một hình hài nhân loại, sống, sử dụng ngôn ngữ con người, Người cảm nhận tất cả sự giới hạn, mỏng dòn của kiếp người ngay trên thân xác mình. Hơn thế, qua biến cố “lội xuống sông Giođan”, Đức Giêsu đã đi xuống tận cùng kiếp người. Là Đấng vô tội, Người đã gánh lấy tất cả tội trần gian, nên đồ bị nguyền rủa cho trần gian (Ga 3,13). Từ đó, cái ách tội lỗi, cái “chết dở” của con người được Người cảm nhận sâu sắc qua chính kinh nghiệm bản thân Người. Với biến cố “chịu phép rửa tại sông Giođan” trước khi công khai hoạt động (Mt 3, 13 –17), Đức Giêsu đã bảo đảm “điều kiện tiên quyết” của một vị Thầy đích thực đó là: “nắm bắt” và “hiểu rõ” đối tượng huấn luyện của mình bằng một cái biết tinh tế của tình yêu. Từ nơi thẳm sâu của sự “cảm biết” – “hoà nhi bất đồng” này, Đức Giêsu đã khởi sự công trình đồng hành của mình.
Hệ quả đầu tiên chúng ta nhận thấy việc “đồng hành” của Đức Giêsu mang một ý nghĩa thật trọn vẹn: Trước hết và trên hết đó là thiết lập một tương quan tình yêu: “Để họ sống với Người và để Người sai đi” (Mc 3, 14). Hơn ai hết, Đức Giêsu hiểu rằng con người được dựng nên trong tình yêu nên nó cũng chỉ có thể lớn lên và phát triển sung mãn trong tình yêu, ngược lại, không được yêu thương, tôn trọng con người sẽ rơi vào sự co cụm, tự ti mặc cảm và đó sẽ là bước cản lớn nhất trong việc đồng hành vì sẽ làm tắc nghẽn sự truyền thông sự sống đích thực giữa người đồng hành và người được đồng hành.
Do đó, trên tiền đề nền tảng của tình yêu, Đức Giêsu đã đưa các môn đệ vào tương quan đồng hành đầy sáng tạo. Không gò bó, đóng khung hay áp đặt, cũng không phải là những buổi lên lớp hay chỉ là những giờ khắc gặp gỡ khi có những vấn đề khó khăn cần giải quyết, Đức Giêsu đã tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc trong mọi biến cố của cuộc sống hàng ngày để tạo ý thức và chuyển tải đến các môn đệ những bài học sống động, hết sức tự nhiên và cụ thể. Bằng những biến cố tình cờ, như việc các môn đệ quên mang bánh theo, Đức Giêsu đã cảnh giác các môn đệ về một thứ men nguy hại tâm hồn, đó là men Pharisêu và Hêrôđê, men của sự giả hình (Mc 7, 14), những bài học đi vào chiều sâu của tâm hồn. Đặc biệt mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của Người đều mang một ý nghĩa, một dấu chỉ dành cho các môn đệ. Chẳng hạn như trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu cho các môn đệ cảm nhận sự bất lực hoàn toàn của bản thân: “Chính các con hãy cho họ ăn đi”, để sau đó Người các ông trải nghiệm bài học phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa và đặt sự tin tưởng ở Người (Mc, 6, 37).
Hơn nữa, khởi đi từ chính tâm tư, nguyện vọng, con người của các môn đệ, Đức Giêsu đồng hành với các ông dàn trải trong chính cuộc sống bình thường đầy gắn bó giữa Người và các môn đệ. Đó là bài học về sự kiên trì, nhẫn nại cho Gioan và Anrê khi Người để hai ông lẽo đẽo theo Người. Và với câu hỏi: Các ngươi tìm gì? Đức Giêsu giúp các ông xác định lại mục đích khi tìm đến với Người, đưa các ông vào thái độ căn bản của người môn đệ là “Đến mà xem”, “lưu lại với người” “gặp gỡ” chính con người của Người (Gn 1, 35 – 39). Hay bằng một câu hỏi thật bình thường: Dọc đường anh em bàn tán chuyện gì vậy? Người sửa lại quan niệm sai lầm và trần tục về quyền bính cho các ông hiểu mục đích và giá trị đích thực của quyền bính là để phục vụ (Mc 9, 33).
Mặc dù Đức Giêsu đồng hành cùng tất cả các môn đệ nhưng Người không chỉ dạy dỗ cách chung chung, tình yêu của Người dành cho các ông cũng không đồng loạt, như nhau, nhưng với một tình yêu cá vị Ngài đồng hành tuỳ nhu cầu, cá tính riêng của mỗi người. Chẳng hạn với Matthêu, bị coi là phường tội lỗi, Người gọi ông bằng một lời đầy thuyết phục: “Hãy theo Thầy”. Người đồng bàn với ông để xóa đi những mặc cảm còn lại (Lc 5, 27 – 32). Với một Phêrô nhiệt tình, bốc đồng, một tay chài lưới lành nghề, Đức Giêsu đã chinh phục ông bằng mẻ cá lạ lùng (Lc 5, 4 –11). Nói cho ông biết trước tội ông sẽ phạm và chấp nhận ông và cầu nguyện cho ông (Lc 22, 31 – 34). Hay với Gioan, dù không được những đặc ân lớn như Phêrô, Gioan vẫn cảm nhận thật trọn tình yêu của Thầy dành cho anh và không ngần ngại, Gioan xưng mình là người môn đệ Thầy yêu (Gn 20, 2; 21,7).
Đặc biệt, những gì người đồng hành làm lộ ra trong lòng người được đồng hành, thì trước hết đã và phải được “phun trào từ trái tim mình” (André Louf, 76). Thực vậy, các bài học của Đức Giêsu không chỉ là những lời nó suông nhưng luôn là những bài học sống động có sức cuốn hút và đầy thuyết phục phát xuất từ chính cách sống và gương sáng của người. Đức Giêsu đã không dạy điều gì mà Ngài không sống trước: Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa … mà còn rửa chân cho anh em… (Gn 13, 1- 15) Và hết sức tôn trọng tự do, Đức Giêsu chinh phục các ông bằng tình yêu, gương sống để các ông tự do nhận thức từ chỗ yêu mến đến sự cảm phục rồi tự ý học với Người: Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện (Lc11, 1- 4).
Quả thực, các môn đệ đã luôn được bao bọc trong bầu khí đồng hành lý tưởng: đầy yêu thương. Đức Giêsu quan tâm chăm sóc các môn đệ như người mẹ: Anh em hãy lánh riêng ra một nơi mà nghỉ ngơi (Mc 6, 30). Có lúc như người cha, Người dạy dỗ, trao ban mọi kinh nghiệm. Người sẵn sàng che chở, bênh đỡ các ông trước sự soi mói của những người biệt phái, bảo vệ các ông trước những người chống đối (Mt 9, 15). Sống và lớn lên trong tình yêu của Đức Giêsu, các môn đệ đã được tình yêu ấy biến đổi. Cho dù nhiều lúc tình yêu đó được diễn tả bằng những cử chỉ hết sức đơn sơ như một cái nhìn trong sự im lặng, một cử chỉ kín đáo, … nhưng chúng đánh động và có sức biến đổi các môn đệ cách quyết liệt và triệt để (André Louf, 72). Qua ánh mắt tình yêu của Đức Giêsu, Phêrô đã thực sự biến đổi, nhận ra sự yếu đuối, lỗi lầm, can đảm tin tưởng vào tình thương của Đức Giêsu mà sám hối trở về (x. Lc 22, 45 – 62)
b) Đức Giêsu, Vị Thầy Kiên Nhẫn và Tín Nhiệm Môn Sinh
Một hệ quả tất yếu nữa của tình yêu chân thật mà chúng ta không thể phủ nhận đó là sự nhẫn nại vô bờ của Đức Giêsu. Từ một tiền đề không mấy thuận lợi là chấp nhận chọn và huấn luyện các môn đệ đa số là những ngư phủ chài lưới thất học, Đức Giêsu đã chứng tỏ sự kiên nhẫn tuyệt vời của một trái tim nhân hậu.
Một cách tiệm tiến và hết sức nhân bản, trong giai đoạn đầu, Đức Giêsu để các môn đệ hòa lẫn trong đám đông cho các ông tự do quan sát Người và tìm đến khi thắc mắc. Phần mình, Đức Giêsu luôn tỏ ra quan tâm, hướng những lời giáo huấn về các môn đệ: “Thấy đám đông…, các môn đệ đến bên, Người lên tiếng dạy…” (x. Mt 5, 1; 13, 10; 18, 1). Sau một thời gian, Người tách các ông ra khởi đám đông và bắt đầu huấn luyện riêng. Việc huấn luyện này được đánh dấu bằng một cách giảng dạy mới đó là cách dạy bằng dụ ngôn. Để từ đây giáo huấn của Người mãi là mầu nhiệm với kẻ không có thiện chí nhưng lại là một khởi điểm mạc khải cho các môn đệ vì: “Mầu nhiệm nước trời được ban cho anh em” (Mt 13, 10 – 13). Từ đây Đức Giêsu dành mọi thời gian cho các môn đệ, dạy dỗ mọi điều cần thiết, cho các ông chứng kiến những phép lạ Người làm và cho các ông chia sẻ chính sứ mạng của Người: sai các ông đi rao giảng, trao quyền chữa bệnh và trừ quỷ (x. Mt 10)
Đặc biệt trong giai đoạn cuối cùng, khi Đức Giêsu vén mở sứ mạng đích thực của Người, là Đấng Mêsia chịu đau khổ (Mt 16, 16), ta bắt gặp một sự kiên nhẫn tuyệt vời của Đức Giêsu. Với ba lần báo khổ nạn (x. Lc 9, 22. 44 – 45; 18, 31 -34), các môn đệ như không hề muốn nghe và không muốn hiểu. Đức Giêsu không nản lòng vì Người biết tâm lý chung của con người là luôn sợ hãi và trốn tránh đau khổ, cũng không tức giận nhưng đầy yêu thương, Đức Giêsu đã nâng đỡ và củng cố lòng tin cho các ông qua biến cố Người hiển dung (x. Mt 17, 1- 8). Ngay trước khi Đức Giêsu về trời, Người vẫn kiên nhẫn và chấp nhận giới hạn của các môn đệ: “Còn nhiều điều… nhưng các con chưa có sức chịu nổi” (Gn 16, 12). Đức Giêsu quả là vị thầy hiểu biết, yêu thương nhẫn nại. Người đã đồng hành với các môn đệ bằng một tiến trình nhân bản và bằng một tình yêu trung tín của một vị Thiên Chúa.
Tình yêu, sự nhẫn nại Đức Giêsu còn được biểu lộ qua việc Người tôn trọng tự do và hoàn toàn tín nhiệm các môn đệ. Người táo bạo tạo điều kiện để cho các ông tham gia, chia sẻ sứ vụ của Người (x. Mt 10). Sự tín nhiệm của Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện để phát triển nhưng còn là chấp nhận những thiếu sót, thất bại, sai lỗi. Người chấp nhận sự sa ngã của Phêrô để cho ông một kinh nghiệm quý báu để sau này nâng đỡ anh em (Mt 26, 31). Chấp nhận nụ hôn phản bội của Giuđa để chứng tỏ tình yêu đến cùng của mình (Lc 22, 47-48). Sự tín nhiệm của Đức Giêsu cũng không chỉ dừng ở việc tha thứ lỗi lầm nhưng còn là tiếp tục trao nhiệm vụ mới: Hãy chăn dắt chiên mẹ và chiên con của Thầy (x. Gn 18, 17. 25. 27). Là tiếp nối chính sứ vụ của Thầy: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng…” (Mt 26, 16 – 20).
2. Đồng Hành – Một Tình Yêu Khơi Dậy Sự Sống Đích Thực Trong Thần Khí
a) Đồng hành – sự khơi dậy và chuyển trao sự sống đích thực của Thần Khí
Như André Louf khẳng định: Đồng hành thiêng liêng nhắm đến sự khơi dậy sự sống thâm sâu nơi bản thể của người được đồng hành (André Louf, 75). Đức Giêsu đồng hành với các môn đệ không phải chỉ là để cùng ăn uống, sống bên cạnh nhưng chính là để chuyển trao, khơi lên trong các ông chính sức sống đích thực của Thánh Thần để trở nên những chứng nhân trung thành, cột trụ cho Giáo Hội sau này.
Để các môn đệ có thể đón nhận được sự sống, sứ vụ cao cả ấy, Đức Giêsu đã thông truyền cho các môn đệ chính tình yêu sức sống của Người, chia sẽ những thao thức với sứ vụ của Người: Lúa chín đầy đồng …., anh em hãy xin chủ mùa gặt (x. Mt 9, 35), đi rao giảng và trao quyền chữa bệnh và trừ quỷ (x. Mt 10), chia sẻ cùng một vận mạng: Thế gian ghét anh em vì thế gian đã ghét Thầy trước (Gn, 18-21). Đưa các ông từ tương quan “tôi tớ” vào tương quan “bằng hữu”: Những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy đã cho các con biết (Gn 15, 15). Cùng một huyết thống, một sự sống: là “anh em” là “mẹ của Người” (Gn 15, 15; 20, 17). Một cách quyết liệt, Đức Giêsu đã trao ban chính thân mình Người để nên thần lương nuôi sống các môn đệ: Này là mình Thầy các con hãy cầm lấy mà ăn (x. Lc 22, 11-20).
Về phần mình, các môn đệ cũng đã cảm nhận và xác tín sự sống thực chính của mình là Đức Giêsu: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống” (Gn 6, 68).
Sự sống mà Đức Giêsu chuyển trao cho các môn đệ không gì khác hơn là chính sự sống Thánh Thần luôn đầy tràn nơi Người: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Gn. 20, 22).
Đức Giêsu quả thực là vị thầy duy nhất đích thực vì Người không chỉ là người dẫn dắt mà còn là người trao ban chính sự sống đích thực là Thánh Thần đưa các môn đệ đạt đến đích điểm đồng hành cách trọn vẹn và viên mãn nhất.
b) Nhường bước cho Thần Khí
Thế nhưng đó cũng là điều thật khó và đầy tế nhị của việc đồng hành, như André Louf cho thấy: Điều quan trọng là làm sao người đồng hành trao được chìa khoá nội tâm cho người được đồng hành, nhờ đó người được đồng hành tự mở ra và tiếp cận được con đường dẫn đến sự sống ở chiều sâu ngay trong lòng mình, nghĩa là đưa người được đồng hành đến được với “vị thầy nội tâm” là chính Thánh Thần, biết rút lui đúng lúc để chính Thánh Thần hoạt động trong người ấy.
Đức Giêsu vị thầy đích thực, Người luôn hành động dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, Người cũng chính là Đấng ban Thần Khí. Vì thế Đức Giêsu đã bảo đảm và làm hết sức tuyệt vời cái mà André Louf cho là lý tưởng là tạo được một sự ăn khớp giữa người đồng hành (vị thầy bên ngoài) với Thần Khí (vị thầy nội tâm), đến độ xoá mình hoàn toàn trước mặt Thần Khí (x. André Louf, 85 –86). Đức Giêsu bằng lòng ra đi để Thánh Thần có thể đến với các môn đệ: Vì nếu Thầy không ra đi thì Đấng bảo trợ sẽ không đến với anh em (Gn15, 7). Người cũng chấp nhận ra đi khi mọi sự còn dở dang và như hoàn toàn thất bại: bị môn đệ phản bội, chối bỏ. Người sẵn sàng nhường bước cho Thánh Thần vì lúc này các môn đệ “chưa có sức chịu nổi” (Gn 16, 12), chờ Thánh Thần đến “nhắc lại” và chính Thánh Thần đưa các môn đệ “đến chân lý vẹn toàn” (Gn 14, 26)
Áp Dụng
Qua mẫu gương đồng hành tuyệt hảo của Đức Giêsu, bài học đầu tiên căn bản cho những người đồng hành đó là phải đồng hành bằng “con tim”. Vì chính sự nhạy bén trong chiều sâu và chiều rộng của một con tim yêu thương, người đồng hành sẽ dễ dàng “biết” người mình đồng hành. Nhờ đó có được những cách thế đồng hành thích hợp, có được sự kiên nhẫn cần thiết.
Đối lại, chính trong bầu khí yêu thương người được đồng hành sẽ tìm được sức mạnh, niềm tự tin dám bộc lộ con người mình và phát triển hết khả năng của mình; sống như “mình là”. Nói cách khác, chính trong tình yêu, người được đồng hành đạt đến sự tự do của con cái Thiên Chúa, sống theo sự hướng dẫn đặc thù của Thánh Thần trên cuộc đời mình, không phải trong sợ hãi nhưng là trong lòng mến, dám nghĩ, dám làm và làm tất cả để có thể đáp trả tình yêu và lớn lên trong tình yêu.
Tuy nhiên, theo André Louf, tình yêu được bộc lộ bên trong tương quan đồng hành chỉ là một danh xưng khác để chỉ sự sống của Thần Khí ở chiều sâu, đó mới là nền tảng của tương quan và sự chia sẻ giữa người đồng hành và người được đồng hành Nói cách khác trong lãnh vực đồng hành, Thánh Thần mới là vị thầy đích danh (x. André Louf, 79-85).
Vì thế, người đồng hành không phải chỉ là đưa ra những chỉ dẫn hay tạo ra những tấm gương tốt để cho người được đồng hành noi theo nhưng nhiệm vụ cao cả của người đồng hành là biết khơi dậy chính sức sống mãnh liệt của Thánh Thần còn bị ngủ quên, còn bị che lấp nơi cung lòng người được đồng hành (André Louf, 74). Tìm ra chiếc chìa khóa đã sẵn có trong chính người được đồng hành nhờ đó người được đồng hành có thể tự mình nghe được tiếng nói, nhận ra cách thức Thánh Thần hoạt động nơi mình và chấp nhận đi vào được tương quan cá vị với Ngài, đạt đến sự triển nở sự sống thiêng liêng cũng như sự quân bình tâm lý để có khả năng yêu thương thật sự.
Muốn được như vậy, người đồng hành cần có những kinh nghiệm về sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chính con người mình. Nhờ đó có thể nhạy bén, không đi trước, cũng không làm cản trở sức hoạt động của Thánh Thần trên người được đồng hành, nhưng luôn xác tín vào Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta, Ngài vẫn không ngừng hiện diện, luôn đi trước mọi ước muốn, mọi cam kết thiêng liêng về phía chúng ta (André Louf, 74), vì Ân sủng luôn kỳ diệu hơn!
Thay Lời Kết
“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nhưng là bằng hữu của Thầy” (Gn 15, 15)
Một cách nào đó, Đức Giêsu đã công bố và xác nhận tình trạng trưởng thành của các môn đệ, một mức độ trưởng thành vượt ra khỏi chính mình mà hướng về tình bằng hữu thần thiêng trong Thiên Chúa. Nói cách khác, nơi các môn đệ đã được chuyển lưu cùng một sự sống với Đức Giêsu là chính sự sống của Thánh Thần tình yêu. Như mục đích của đồng hành thiêng liêng là nhắm đạt đến tự do đích thực trong Thánh Thần, là khả năng sống yêu thương thật sự như Thiên Chúa, dám ra khỏi chính mình, sống cho người khác không chút ích kỷ, hiến dâng cả mạng sống mà không chờ được bù đắp (André Louf, 79) thì công trình đồng hành của Đức Giêsu và các môn đệ thực sự đã đạt đến sự thành công mỹ mãn. Còn minh chứng nào hùng hồn hơn cho thấy sự tự do này: bằng chính mạng sống, dòng máu tử đạo của mình, các môn đệ đã dám sống chết đến cùng để minh chứng tình yêu và đáp trả tình yêu của Thầy. Quả thực, trong tình yêu Thầy Giêsu và nhờ sức mạnh Thánh Thần, tình yêu và tự do của các môn đệ được lớn lên cho các ông khả năng ra khỏi chính mình, hiến dâng chính mình. Chính nhờ tình yêu chân thật trong thành thật hiến dâng, các môn đệ được liên kết thành một với lễ tế với Thầy Chí Thánh và đạt đến sự sống đích thực trong Thiên Chúa (André Louf, 32).
Nt. Maria Gioan Xuân Mai, OP
Nguồn: daminhthanhtam.com