DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của Các Nhà Thừa sai

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG IX

Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của Các Nhà Thừa Sai

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. P. DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

Youtube: Chủng Sinh TV

 

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG IX

DÂN TỘC RƠ NGAO – NHỮNG ĐIỂM ĐẾN KHÁC CỦA CÁC NHÀ THỪA SAI

 

Chúng tôi đã định cư ở Kon Kơ Xâm được nhiều tháng rồi, thế mà vẫn không hay biết, ở gần chúng tôi, có hay không một vùng đồng bằng mà Đức Cha Cuénot đã nghe nói đến và chỉ thị cho chúng tôi phải tìm kiếm cho bằng được. Như đã nói, ông Hmur lo đi mua gạo khắp các làng dân tộc trong vùng giúp chúng tôi. Thế là, với mục đích đó, sau chuyến đi đến làng Kon Rơ Bang, một vài người dân làng này vì tò mò và vì hám lợi đã táo bạo đến tận nhà chúng tôi để đích thân bán gạo. Họ nói với chúng tôi rằng ngay phía bên kia dãy núi Kon Kơ Xâm có một đồng bằng lớn trải dài hai bên bờ sông Dak Bla, cách chừng hơn một ngày đường về phía Tây. Người ta cấm ông Hmur không bao giờ được dẫn chúng tôi đến đó và đe dọa ông khủng khiếp đến nỗi ngay cả việc nói cho chúng tôi biết có một đồng bằng như thế, ông cũng không dám. Chúng tôi hết sức vui mừng với khám phá này mặc dầu chúng tôi chưa thấy phương thức nào để thi hành chỉ thị của Đức Giám Mục. Từ ngày đó, chúng tôi không ngừng thúc đốc dân làng Kon Kơ Xâm đưa chúng tôi đến xứ sở người Rơ Ngao.

Cuối cùng, do bị hối thúc quá, một người anh em trong dân làng hứa sẽ làm chúng tôi thỏa mãn và hẹn ngày dẫn chúng tôi đi. Nhưng bị dân làng khiển trách nặng nề và vì sợ mất danh dự không thể trở về với gia đình, nên anh ta mới bày ra một kế hoãn binh. Như đã nói, con sông Dak Bla chảy từ Bắc xuống Nam để rồi khi đến Kon Kơ Xâm đột ngột chuyển hướng chảy về phía Tây. Do đó, tại đây mỏm đất bị nước chảy xiết tạo nên một bán đảo. Đến ngày hẹn, anh chàng dẫn đường cùng chúng tôi vượt sông Dak Bla ngay trước nhà. Chúng tôi ngạc nhiên biết bao, bởi sau khi đã đi được hơn nửa tiếng đồng hồ rồi mà vẫn thấy còn lòng vòng trên sông Dak Bla! Nơi đây không có làng, cũng chẳng có thuyền mà nước lại quá sâu không thể lội qua được. Anh chàng dẫn đường ngỏ lời muốn đi tìm một chiếc thuyền; rồi anh bơi qua sông, mất hút vào bờ bên kia. Chúng tôi chờ anh suốt cả ngày hôm đó, bụng rỗng tuếch. Khi đêm đến, chúng tôi buộc phải quay về bước đi buồn tênh! Chàng trai đáng thương này đã phải trả giá khá đắt vì tội lừa dối: suốt gần hai năm sau anh không dám xuất hiện trước chúng tôi và nếu tình cờ gặp thì anh cũng bỏ chạy mất tăm. Sau này chúng tôi mới biết người ta đe dọa anh khủng khiếp đến nỗi anh phải cố ý đánh lừa chúng tôi vì quá sợ hãi.

Trong lúc đợi ở bờ sông, chúng tôi đã tắm và tôi đã bỏ quên trên bãi cát tượng cây Thánh giá mà tôi thường đeo trên cổ. Dân làng Kon Kơ Xâm đi qua đó và đã nhặt được. Họ bàn với nhau xem sờ vào vật này có bị nguy hiểm gì không. Và lòng tham đã thắng mê tín. Họ đã lấy tượng Thánh giá đem về. Tôi nói tham lam là không có ý ám chỉ họ muốn chiếm đoạt tượng Thánh giá. Việc trộm cắp là việc không hề có hay hiếm khi xảy ra nơi dân tộc Ba Na. Nhưng họ lại có thói quen bắt người đánh rơi đồ vật phải chuộc. Và họ hy vọng tôi sẽ chuộc vật bị rơi với giá cao. Khi về đến gần làng, thì sự mê tín lại thắng thế. Vật kỳ lạ này chắc phải có uy lực gì siêu phàm lắm đây? Hình tượng này phải chăng là một vị thần, sao lại dám đem vào làng? Làm sao đây? Sau khi suy tính kỹ càng, họ đem treo tượng Thánh giá trên một cây ngoài làng và đến hỏi chúng tôi có muốn chuộc lại hay không. Vì họ đòi giá chuộc quá cao, Cha Combes nói với họ đó là vật linh thiêng, không thể bán, cũng chẳng thể chuộc lại được. Vậy là những người đáng thương này phát sợ, họ xin chúng tôi đích thân đến gỡ xuống, nhất là đừng để xảy ra tai ương gì cho họ vì đã dám chạm đến vật đó.

Ít ngày sau, anh em dân tộc làng Kon Rơ Bang nhận thấy rằng đến tận nơi bán gạo cho chúng tôi có lợi nhiều hơn, nên đã trở lại một lần nữa và đồng ý đưa chúng tôi đến làng họ. Cuộc hành trình đi bằng thuyền trên sông Dak Bla, chỉ có Cha Combes và Thầy Sáu Do tháp tùng. Trở về, hai người đã thuật lại cho chúng tôi nghe biết bao điều kỳ thú về xứ Rơ Ngao: “Cuối cùng, chúng ta cũng đạt được mục đích của cuộc thám hiểm. Xứ Rơ Ngao thật đúng là miền đất đáp ứng được nguyện vọng của Đức Cha.” Giống như rèn sắt khi còn nóng, chúng tôi liên tiếp tổ chức nhiều chuyến du khảo. Kết quả là mua được một căn nhà ở làng Rơ Hai cạnh Kon Rơ Bang, với giá năm quan tiền không hơn không kém. Người chủ bán nhà và ra đi xây nhà khác. Lập tức chúng tôi cho Thầy Sáu và vài người Kinh trong đoàn nữa đến ở trước, chúng tôi thong thả đến sau.

Đến Rơ Hai được vài ngày trong căn nhà mới, Cha Combes, Thầy Sáu Do, và tôi, chúng tôi lại theo dòng Dak Bla mở cuộc thị sát mới. Chúng tôi tự nhủ: “Sông nước là của chung mọi người. Nếu các làng ở hai bên sông không đồng ý mở cửa cho chúng ta vào, thì chúng ta chèo thuyền đi tiếp, có sao đâu!” Chúng tôi mang theo gạo đủ dùng, rồi “đến đâu hay đến đó!” Đi được khoảng hai tiếng, chúng tôi gặp một người đàn ông tự xưng là chủ làng và mời chúng tôi đến nhà ông. Ông ta ở làng Tơ Bâu, đi bộ chừng mười lăm phút trong đất liền. Chúng tôi để thuyền trên bờ và đi theo ông ta. Năm phút sau chúng tôi phải dừng chân lại, vì có cuộc gặp gỡ khác không dễ chịu lắm. Tôi muốn nói đến cuộc gặp gỡ với hai mẹ con nhà cọp, mà cọp con đã lớn bằng một con cừu đực. Hai mẹ con đang men theo một lối mòn khác, cách chúng tôi chừng năm mươi bước. Thấy chúng tôi, chúng không bối rối gì cả. Cọp mẹ dừng lại quan sát chúng tôi vài giây, rồi thản nhiên bước đi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy nhãn tiền một con cọp hoang và trong khoảnh khắc, tim tôi đập mạnh khác thường. Cha Combes và tôi thận trọng đến sát hai gốc cây để leo lên trong trường hợp con thú dữ tỏ ra thù nghịch. Nhưng, tạ ơn Chúa, sự đề phòng đó xem ra vô ích.

Hai con cọp vừa khuất vào rừng rậm, thì một vật lạ khác làm chúng tôi phải trố mắt nhìn. Một pho tượng người đàn ông, không biết làm bằng kim loại gì, cao độ 1m, chân tay được đúc rất nghệ thuật. Pho tượng đứng dưới một gốc cây, chung quanh cách mười lăm bước có một cái mương bảo vệ, bên ngoài là một hàng cây lớn bao quanh. Chắc chắn không phải là một người dân tộc nào đó đã đúc pho tượng này. Tượng nằm ngay giữa rừng và một vài vật khác nữa đều được làm bởi những bàn tay khéo léo hơn anh em Ba Na rất nhiều, khiến chúng tôi tin rằng trước kia ở xứ này đã có một giống dân khác từng sinh sống, văn minh hơn người dân tộc hiện thời.

Người đã gặp chúng tôi ở bờ sông và đưa chúng tôi tới làng Tơ Bâu tên là Piunh. Ông đón chúng tôi vào nhà và tiếp đãi khá tử tế. Sáng hôm sau, ông ta tình nguyện chèo thuyền đưa chúng tôi đến Plei Krong, một làng khá lớn nằm ở ngã ba sông Dak Bla và sông Pô Kô. Sông Pô Kô cũng lớn bằng sông Dak Bla, chảy từ Bắc xuống Nam trước khi tháp nhập vào nhau. Cả hai con sông tạo thành một con sông lớn, chảy về hướng Tây Nam, rồi được sông Bơ Nông tăng cường thêm, tất cả đổ vào sông Mê Kông. Plei Krong là địa điểm cuối cùng của đồng bằng Rơ Ngao. Giữa đồng bằng này và những đồng bằng trải dài từ phía Tây cho đến Lào, có một dãy núi chiếm một vùng khá rộng từ Bắc xuống Nam, song song với các dãy núi xứ Ba Na. Trong đêm chúng tôi nghỉ tại làng Tơ Bâu, tôi lên cơn sốt khá nặng. Tôi không thể tháp tùng Cha Combes và Thầy Sáu trong chuyến khảo sát mới này, đành phải nằm lại nhà anh Piai, em ông Piunh.

Tôi muốn thuật lại một câu chuyện nhỏ đã xảy đến cho tôi trong đêm tạm trú tại làng Tơ Bâu. Chúa đã cho phép xảy ra để tôi đừng quên người thừa sai phải luôn tin cậy vào sự quan phòng của Chúa, Đấng biết rõ từng sợi tóc trên đầu chúng ta và không để sợi nào rơi xuống đất ngoài ý Người. Thế là, sau một ngày mệt mỏi và chán ngán vì sốt rét, tôi nằm nghỉ trên chiếc chiếu cạnh bếp lửa. Gần bên tôi là chiếc gùi tôi thường mang sau lưng trong các chuyến đi mà lần này vỏn vẹn chỉ có một bộ quần áo, vài dây chuỗi hạt thuỷ tinh và ít miếng thiếc. Hai đồ vật sau dùng làm tiền để đổi gạo ăn hằng ngày. Lúc ấy, vài thanh niên và một người lớn tuổi ngồi xổm bên bếp hút thuốc và nói chuyện rì rầm. Tôi nhắm mắt để dỗ giấc ngủ nhưng không ngủ được. Bọn họ tưởng tôi đã ngủ say, bèn trao đổi với nhau: “Có thứ gì trong gùi nhỉ? Nếu có vật gì quý giá thì chúng ta sẽ khử trừ người lạ này. Nó ngủ, nó không thấy chúng ta đâu. Thử xem nào!” Thế rồi, một thanh niên lén đến gần, lấy chiếc gùi đổ ra trước mặt cả bọn. Chúng không hài lòng lắm khi thấy đồ đạc quá “bèo” của tôi, nên người đàn ông lớn tuổi nhất trong bọn nói: “Bỏ lại tất cả vào gùi. Không có gì đáng để làm hại một mạng người. Vả lại, ai biết được người lạ này thế nào và có uy lực ra sao?” Thế là họ tuyên bố tha bổng cho tôi! Và phút hồi hộp nghẹt thở đã qua đi. Sáng ngày, nhớ lại những gì đã xảy ra đêm trước, tôi không muốn ở lại làng này lâu hơn nữa. Mặc dầu các bạn tôi đi khảo sát chưa về, tôi cũng một mình rời khỏi làng để trở lại Rơ Hai, chẳng ngại mẹ con nhà cọp đón đường và cũng không chắc có tìm được thuyền mà về nhà không. Chúa nhân lành lo liệu hết mọi sự và tôi đã về đến nhà bình an.

Sau đó chúng tôi biết rằng làng Tơ Bâu là một làng cá biệt. Dân làng toàn là quân hung ác, không giống như anh em dân tộc các làng khác. Na ná như thị tộc của Romulus xưa kia, tập hợp những người trốn nợ hoặc quân du thủ du thực tứ xứ. Thế nhưng Chúa nhân lành chỉ để kẻ dữ sống nhằm sinh ích cho người lành, nên làng này đã giúp chúng tôi nhiều việc quan trọng khác, lòng quảng đại của chúng tôi dành cho dân làng được đáp trả bằng sự tận tâm của họ, trong thời buổi mà các làng dân tộc khác ít dám giao thương với chúng tôi. Thầy Sáu kết nghĩa anh em với ông Piunh theo nghi thức quen thuộc. Tình bạn này chúng tôi vốn đã hổ thẹn và không muốn kết giao, bởi các hành vi tham lam của ông ta và của bạn bè ông, nhưng sau này việc kết thân lại giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Sự kiện này cũng như nhiều việc khác nữa, tôi đã hoặc sẽ thuật lại, chứng tỏ Chúa Quan phòng luôn phù giúp chúng tôi khi cần, nhiều khi rất bất ngờ và ngoài ý muốn của chúng tôi.

Cha Combes trở về Rơ Hai sau tôi một ngày. Chuyến đi đã đem lại nhiều khám phá mới. Sau đó không lâu, chúng tôi lại lên đường và nhờ một vài lần đi dọc theo sông Dak Bla, qua cả xứ Rơ Ngao, chúng tôi biết được nhiều bộ tộc khác nhau chiếm cứ các phần đất phía Bắc và phía Nam.

Mặc dù được biết với một tên gọi chung là Ba Na, nhưng mỗi bộ tộc đều có tên riêng của mình. Phía Bắc là bộ tộc Xê Đăng. Người Xê Đăng nói chung to cao hơn, thô bạo hơn và khó giao tiếp hơn người Ba Na vốn hiền hậu và lịch sự. Ngược lại, người Xê Đăng cũng cố chấp hơn trong các tập tục mê tín, trong khi dân Rơ Ngao thì lười biếng và dửng dưng. Ngoài việc đồng áng như các bộ tộc khác trong vùng, dân Xê Đăng còn làm đồ sắt vài tháng trong năm. Trong những dãy núi họ ở, mỏ sắt rất phong phú và nếu căn cứ trên số lượng và chất lượng của loại sắt mà họ thu hoạch được. Với những phương tiện hết sức thô sơ, ta có thể đoán không sai các mỏ sắt này rất có chất lượng. Tất cả các người dân tộc mà tôi biết đều mua dụng cụ và khí giới nơi bộ tộc Xê Đăng. Tiện thể cũng cần biết: sắt, vải bông và muối là ba mặt hàng buôn bán thông thường nhất ở xứ dân tộc. Người Xê Đăng nắm giữ độc quyền về sắt. Người Rơ Ngao cũng như người Ba Na phía Tây thì trồng bông và dệt vải. Người Ba Na phía Đông, gần An Nam, không có bông, không có sắt, thì buôn bán muối do phía Trung Châu cung cấp. Trong thời điểm tôi đang nói đây, bộ tộc Jrai chiếm cứ một phần đất rộng lớn ở phía Nam sông Dak Bla, nay đã phân tán đi các nơi, sát nhập vào các bộ tộc khác vì sợ dân Ha Drong.

Chúng tôi đã thông báo cho Đức Cha Cuénot biết tất cả những khám phá vừa qua và ngài đã phúc đáp bằng những chỉ dẫn. Qua thư, ngài phân công cho anh em chúng tôi như sau: Cha Fontaine phải ở nơi dân Jrai; Cha Combes được đặt làm Bề trên miền truyền giáo, đại diện Đức Giám Mục và tiếp tục chăm lo cho dân Ba Na; còn tôi phải đến với các chú thợ rèn Xê Đăng. Tại Rơ Ngao (làng Rơ Hai), Thầy Sáu Do và Cha Desgouts cùng với một số anh em trong đoàn đặt bản doanh tại đó. Ý định của Đức Cha là muốn dần dần thiết lập tại xứ Rơ Ngao tốt đẹp này một trang trại kiểu mẫu, vừa là một chiến luỹ đối phó với mọi trường hợp thù địch từ phía người dân tộc, vừa là một địa điểm tập trung, là hậu cần tiếp tế cho các thừa sai trong miền. Cuối cùng, Đức Cha cũng chưa từ bỏ ý định thiết lập một Chủng Viện ở đó. Cũng vì vậy mà ông bạn già của chúng tôi vẫn giữ nhiệm vụ tuyên uý cho cơ sở Rơ Hai, trong khi  chờ đợi triển khai Chủng Viện tương lai, để rồi ngài sẽ thi hành tất cả phận vụ và quyền hành của một Cha Bề trên. Chúng tôi đã nhận biết thánh ý Chúa qua mệnh lệnh của Đức Giám Mục. Vấn đề còn lại là tìm phương tiện để mỗi người đến được nơi đã chỉ định. Cha Combes không phải chuyển đi đâu cả vì đang ở đúng nơi chỉ định rồi, còn Cha già hiền hậu Desgouts chỉ có việc lên thuyền xuôi theo dòng sông đến Rơ Hai. Phần Cha Fontaine và tôi có phần khó khăn hơn một chút.

Ngày kia, Cha Combes xuống Rơ Hai gặp một người dân làng Kon Trang, vốn là một trong những người có thế giá nhất làng tên là Ba Nang. Kon Trang là một làng lớn nằm ở phía Bắc xứ Rơ Ngao, là cửa dẫn vào phần lãnh thổ bộ tộc Xê Đăng. Làng Kon Trang cũng thuộc bộ tộc này và cũng nói tiếng Xê Đăng. Tôi quên nhắc là người Xê Đăng và người Jrai có ngôn ngữ khác nhau và cũng khác ngôn ngữ Ba Na. Kon Trang là một trung tâm mua bán giữa dân Rơ Ngao và dân Xê Đăng. Đôi khi người Lào cũng đến đó để bán trâu, mua nô lệ hoặc vàng, đãi từ sông Pô Kô và từ nhiều con suối khác vốn có rất nhiều vàng. Hơn các dân tộc thiểu số khác, dân làng Kon Trang quen nhìn thấy người Lào nên ít sợ hãi khi thấy người ngoại quốc đến. Cha Bề trên Combes nghĩ nên cố gắng làm cho dân làng này chấp nhận tôi. Vì thế, ngài đề nghị với ông Ba Nang đưa tôi đến Kon Trang. Ông liền đồng ý và đã nán ở lại thêm hai ngày để đợi và dẫn tôi đi, cùng đi có một thầy giảng người Kinh. Cha Combes đã đưa tôi đến ở Kon Trang, nghỉ lại một đêm với tôi. Sáng hôm sau, ngài trở về bỏ tôi một mình trong nhiệm sở mới.

Ít ngày sau, Cha Fontaine đến định cư với người dân tộc Jrai tại làng Plei Chư. Như thế, chúng tôi đã tạo thành một tam giác với ba góc là Kon Kơ Xâm, Kon Trang và Plei Chư. Rơ Hai hầu như nằm ở trung tâm của tam giác này. Cha Fontaine và tôi đều cách xa Rơ Hai trọn một ngày đường. Cha Combes cách xa chỉ nửa ngày. Sau một năm làm quen với thuỷ thổ, khí hậu, tôi đã hồi phục phần nào sức khoẻ trước kia và rồi sáng sớm, có thể ra đi từ Kon Trang đến Kon Kơ Xâm cùng ngày, lúc hoàng hôn.

 

(Còn tiếp)

 

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

 

WGPKT(09/03/2023) KONTUM

 

 

.