DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG VIII
Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba-Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang
Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”
-
P. DOURISBOURE (MEP)
Biên dịch: TGM Kontum
Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)
Youtube: Chủng Sinh TV
DÂN LÀNG HỒ
HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ
MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM
Nguyên tác
“LES SAUVAGES BAHNARS”
-
DOURISBOURE
De la Société des Missions Étrangères
– PARIS 1929 –
Giáo Phận Kontum
Tái bản lần thứ hai
– 2008 –
CHƯƠNG VIII
CHA DESGOUTS VÀ CHA FONTAINE THOÁT CHẾT ĐUỐI – BẮT ĐẦU HỌC TIẾNG BA-NA – DU HÀNH TỪ KON KƠ XÂM ĐẾN KON KƠ LANG
.
Vài ngày sau vụ hỏa hoạn nói trên, chúng tôi suýt nữa bị mất đi hai bạn đồng nghiệp là Cha Desgouts và Cha Fontaine. Cha Desgouts mắc phải một chứng bệnh mà ở Châu Âu ít ai dám nói đến, nhưng ở đây là chuyện quá thường. Đó là bệnh ghẻ, phải gọi đúng tên nó thôi, ghẻ dầm ghẻ dề, lây lan khắp người. Cộng với bệnh sốt rét, chúng không để ngài nghỉ ngơi giây phút nào, cả ngày lẫn đêm. Khi thấy ngứa ngáy quá sức, Cha hiền hậu này cố làm dịu bớt bằng cách đi tắm sông. Cha Fontaine cũng thường nhờ đến nước sông để làm giảm bớt cơn đau nhức chân.
Ngày kia, Cha Fontaine rủ người bạn già cùng đi tắm sông ở phía dưới, cách nhà chúng tôi độ hai mươi bước. Chỗ này nước sâu, nhưng ở giữa sông có một cù lao nhỏ đầy cát, chung quanh nước cạn, chỉ đến thắt lưng. Nên biết cả hai đều không biết bơi! Chúng tôi có một chiếc thuyền độc mộc do anh em dân tộc gọt đẽo rất khéo. Cha Fontaine vừa là tay chèo dở, vừa là tay bơi tồi, lại mạo hiểm đến mức liều lĩnh! Họ cùng nhau đến cồn cát và tắm ở đó. Khi tắm xong, Cha Fontaine rất tự hào vì đã chèo được chiếc thuyền từ bờ sông đến cù lao, xa lắm là 5 thước nước, thế mà ngài tưởng mình đã là tổ sư thuỷ đạo, có thể chèo thuyền đi xa mà không gặp nguy hiểm gì! Ngài bèn đề nghị với Cha Desgouts cùng thực hiện một cuộc du ngoạn bằng thuyền, mà Cha Desgouts lại là kẻ vốn tin ở người hơn là ở mình, nên tưởng rằng bạn mình cũng rành chèo chống. Gần cù lao, nước sông Dak Bla chảy êm đềm, nhưng phía dưới một chút, dòng nước cuồn cuộn mỗi lúc một nhanh hơn, và cuối cùng chảy như thác trên các tảng đá. Khi trôi trên mặt nước phẳng lặng, tay chèo bất đắc dĩ của chúng ta lái thuyền cũng tạm được, nhưng khi đi xa hơn một chút thì lạc tay lái, thuyền và người bị nước cuốn trôi mỗi thứ mỗi nơi. Hai phút sau, chiếc thuyền không người trôi dạt một mình phía dưới thác. Nơi khúc sông nguy hiểm như thế, ngay cả đối với một tay bơi đầy kinh nghiệm cũng khó bề né thoát, huống chi mấy Ông Cố nhà mình, bình thường là chắc chắn bể đầu, nát thân; nhưng Chúa Quan Phòng đã chăm sóc họ.
Họ đã leo lên được bờ, với cái giá phải trả là mình mẩy bầm tím. Cha Desgouts lên bờ bên trái, còn Cha Fontaine sang bờ bên phải. Nhưng vì cả hai bên bờ sông cỏ cây dày đặc, hơn nữa, một người lên bờ phía trên, một người phía dưới nên ai nấy đều tưởng bạn mình đã thiệt mạng. Cha Desgouts về đến nhà trước, ướt mèm và lấm bùn, mình đầy thương tích và đau buồn vì tưởng rằng Cha Fontaine đã chết. Đang khi ngài thuật lại cho chúng tôi nghe cuộc mạo hiểm vừa qua, và cùng chúng tôi thương khóc cho kết cục buồn thảm của người bạn chí thiết thì chợt nghe tiếng réo bên kia sông: “Hãy đem cho tôi chiếc thuyền!” Nỗi đau nhanh chóng tan biến nhường chỗ cho niềm hân hoan vui sướng. Chúng tôi tếu táo rất lâu về câu chuyện này. Tôi thuật lại cốt để cho bạn đọc có dịp cùng chúng tôi, một lần nữa, cảm tạ Chúa nhân lành như một người Cha đã ân cần chăm sóc các thừa sai của Người.
Trong khi đó, dân làng Kon Kơ Xâm dần dần quen với sự hiện hiện của chúng tôi. Họ ít sợ hơn, không còn mấy ai tin vào những lời vu khống nhắm đến chúng tôi. Thậm chí, nhiều người còn đến nhà chúng tôi chơi nữa khi họ có thứ gì đó muốn bán. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc phải tiếp cận họ. Nhưng “dục tốc bất đạt”, thay vì cùng vào làng một lượt với nhau, chúng tôi chỉ xin ông Hmur nhận ba người vào ở nhà ông để học tiếng Ba Na. Ông đã vui vẻ nhận lời. Từ khi chúng tôi đến miền dân tộc cho tới lúc bấy giờ, chúng tôi buộc phải sống xa họ, sống trong rừng. Vậy làm sao mà học được tiếng khi không có phương tiện nào để học? Khi không giao tiếp với ai? Cũng chính vì vậy, sau nhiều tháng ở đây, chúng tôi chỉ biết lỏm bỏm một vài từ Ba Na thôi.
Trên đời này, ít có điều gì khó hơn là học một ngôn ngữ mà không có sách vở, không có từ điển, không có sách ngữ pháp, không có người thông dịch; và nhất là những người nói ngôn ngữ đó lại là những người dân khốn khổ, hiểu biết hạn chế, trí khôn chậm phát triển. Người dân tộc sẽ dễ dàng nói cho bạn biết một vật mà bạn thấy, bạn chỉ tay vào vật đó mà hỏi tiếng dân tộc gọi là gì. Nhưng nếu là những gì trừu tượng thuộc lĩnh vực trí tuệ hay luân lý, tất cả những gì mà giác quan không thể tiếp xúc được thì bạn phải tự mình đoán lấy. Nếu tình cờ bạn nghe được một từ thuộc loại này, rồi đem so sánh với nhiều hoàn cảnh khác nhau mà bạn nghe áp dụng, bạn tưởng mình đã tạm nắm được nghĩa của từ đó. Thế nhưng, vài ngày sau, bạn lại thấy nghĩa đó là sai hoặc chưa đúng lắm! Nhưng chớ có nhờ người dân tộc giải thích! Để giải thích một từ nào đó, họ chỉ biết lặp lại từ đó mà thôi. Ví dụ bạn hỏi: ‘Tin’ là gì? Họ sẽ trả lời: ‘Tin’ nghĩa là tin. Tốt lắm! Nhưng hãy giải thích một cách khác đi, ‘Tin’ có nghĩa như thế nào? Kìa, tôi quả quyết với bạn ‘Tin’ có nghĩa là tin mà! Có nói thêm nữa cũng vô ích, vì họ sẽ rất ngạc nhiên thấy bạn không thể hiểu nổi ‘Tin’ có nghĩa là tin. Đơn giản thế thôi mà!
Vậy mà để giảng Đạo, để giải thích tín lý cao siêu bằng một thổ ngữ rất nghèo từ ngữ trí thức, thế thì cần phải nắm vững và biết tường tận thổ ngữ đó. Cho nên, một trong những phận sự thiết yếu của người thừa sai là cố học cho rành ngôn ngữ mà vị này phải dùng để giảng dạy, để ban phép giải tội, để thi hành thừa tác vụ của mình. Dĩ nhiên, Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, và chỉ một mình Người, qua ân sủng mới có thể chạm đến và chinh phục tâm hồn con người. Nhưng cách thức thông thường, Chúa Quan Phòng hay sử dụng là luôn để cho các tông đồ của Người lấy sự nhiệt tình hăng hái và kiên trì mà ân cần sử dụng các phương tiện thích hợp để trợ giúp cho ân sủng tác động. Một trong những phương tiện đầu tiên là phải nói thông thạo ngôn ngữ của những người mà mình muốn rao giảng Tin Mừng. Thỉnh thoảng, khi một vị thừa sai đã bắt đầu có thể làm cho người dự tòng hiểu mình thì vị thừa sai ấy bị cám dỗ ngừng lại, muốn bỏ ngang việc học ngôn ngữ, vốn khổ nhọc và khô khan này. Tôi xin phép nói ngay rằng đó là một sai lầm nghiêm trọng, rất thiệt thòi cho phần rỗi các linh hồn.
Tôi xin trở lại câu chuyện. Cha Combes, Cha Fontaine và tôi, chúng tôi dọn đến ở nhà ông Hmur. Sáng sớm và chiều tối là thời gian duy nhất trong ngày mà anh em dân tộc ở nhà. Chúng tôi lên nhà rông để học vài ba từ Ba Na. Mỗi người cầm bút chì và một mảnh giấy, ngay khi tưởng là đã nắm được nghĩa của một từ thì vội ghi lại. Đến lúc anh em dân tộc đã đi rẫy hoặc đi ngủ, thì ba anh em chúng tôi họp lại để so sánh những điều đã ghi lại, và thống nhất những điều mà chúng tôi đã học được, hoặc tưởng là đã hiểu được. Đặc biệt chúng tôi hỏi ông Hmur tốt lành, người thường xuyên thức khuya với chúng tôi. Ban ngày, chúng tôi cố gắng khắc ghi những điều đã hiểu được hôm trước, và ngày nào cũng như thế. Sau một tháng rưỡi ở nhà ông Hmur, chúng tôi có được một quyển sổ lớn ghi các từ, nhưng phần nhiều là những từ ít giá trị.
Khi rời Kơ Lang, chúng tôi đã để lại vài người để trông nhà. Căn nhà này được dùng để làm trạm dừng chân cho các liên lạc viên của chúng tôi khi họ về gặp Đức Cha Cuénot, hoặc từ đó trở lại đây; đôi khi chúng tôi cũng ghé qua đó. Một biến cố nhỏ đã xảy ra trong chuyến đi của Cha Combes và tôi mà tôi hằng ghi nhớ để tri ân Đức Trinh Nữ Maria. Chúng tôi chỉ có hai người, hành trang không có gì ngoài sách kinh nhật tụng và cơm tối bỏ trong gùi sau lưng.
Nơi miền sơn cước này vốn không có quán trọ, nếu du khách muốn ăn cơm thì không bao giờ vào làng, trừ trường hợp có công việc; thường thì họ ăn bên bờ suối. Tại xứ này, hiếm khi đi thật lâu mà không gặp con suối nào, bình thường nước suối mát và trong. Tới giờ ăn, ta dừng lại bên bờ suối, hái vài lá to làm đĩa, dùng muỗng đã có từ thời nguyên thuỷ là…năm ngón tay! Khi khát thì bụm tay lại và tha hồ múc nước nơi suối. Ở Pháp, bờ suối khiến ta liên tưởng tới thảm cỏ xanh rì, nhưng ở đây không hề có cỏ ngắn và dày, chỉ toàn một mớ bụi cây cằn cỗi. Do vậy, người ta ngồi trên mặt đất trơn tru. Đối với anh em dân tộc, hút thuốc là phần không thể thiếu sau mỗi bữa ăn, và ống điếu là vật bất ly thân, mọi nơi mọi lúc. Mỗi lần dừng chân ở bất cứ nơi đâu để ăn cơm, thì việc đầu tiên họ làm là đánh lửa, bằng đá lửa và ít bùi nhùi, những thứ luôn mang theo mình. Đôi khi lửa để nướng thịt rừng săn được, bởi vì khi ở nhà hay ở rẫy người dân tộc ăn cơm không, nhưng họ lại dành chút ít thịt săn được để ăn khi đi đường. Khi đi, trong gùi thường có một lát thịt hun khói hoặc vài con cá khô. Trong trường hợp này, họ dùng dao thường đeo ở thắt lưng, chặt một ống tre và nhét miếng ngon vào đó. Cái nồi tự chế này, khi đốt cháy thành than sẽ làm món ăn chín tới. Và người ta gọi ăn kiểu đó là ăn thịnh soạn đấy!
Hôm đó, Cha Combes và tôi đã không đi con đường quen thuộc từ Kon Kơ Xâm đến Kơ Lang. Chúng tôi muốn đi đến làng Mơ Tông vì có việc gì đó tôi không nhớ nữa. Đến khoảng trưa, chúng tôi ăn cơm và thay vì nghỉ trưa, chúng tôi đọc kinh nhật tụng rồi lại lên đường. Con đường mòn chúng tôi đang đi dẫn chúng tôi vào một rẫy bắp. Ở giữa rẫy có hai thiếu nữ dân tộc đang làm việc. Chúng tôi nghĩ rằng chắc các cô biết đường và chúng tôi tiến đến chỗ họ. Lập tức, hai cô rú lên một tiếng kinh hãi, rồi ôm chầm lấy nhau. Họ tưởng chúng tôi đến định bắt cóc họ! Làm sao cho họ an tâm? Chúng tôi thì chưa biết đủ tiếng Ba Na để nói chuyện với họ. Chúng tôi vội vàng rời xa họ và đi về phía ngược chiều có nguy cơ lạc đường.
Chẳng bao lâu sau đó, tôi cảm thấy những triệu chứng ớn lạnh đầu tiên của cơn sốt. Đường đi còn xa, vì thế tôi cố gắng giữ bình tĩnh và bước đi thật nhanh. Nhưng cơn sốt lên cao, hai đầu gối tôi bắt đầu run lẩy bẩy. Tôi nói với Cha Combes: “Tôi nghĩ tôi phải dừng lại đây thôi vì toàn thân đã lạnh run”. Ngài trả lời: “Nhưng tìm đâu ra trong rừng một nơi trú ẩn để tránh cơn giông?” Mải lo cho cơn sốt, tôi đã không thấy những đám mây to đen kịt đang từ phương Bắc kéo đến phía chúng tôi. Phút chốc sấm nổ vang trời. Thế nhưng, đôi chân tôi không đứng vững được nữa. Tôi ngã nhào bên vệ đường. Người bạn đồng hành của tôi nhìn thấy gần đó có cái chòi tranh bỏ hoang trong rẫy, liền nói với tôi: “Hãy cố lê bước đến cái chòi kia; có lẽ ở đó có chỗ trú mưa. Bộ Cha không thấy nằm trên đất, dưới cơn mưa trong lúc sốt nặng như thế này thì chắc chắn là chết hay sao?” Tôi gắng sức đứng lên, và nhờ ngài dìu, tôi đi thêm được vài bước. Nhưng đó là những cố gắng cuối cùng và tôi lại ngã quỵ xuống đất. Tôi nói với ngài: “Cha thân mến, tôi không thể nào bước nổi nữa rồi. Có làm sao thì xin tùy ý Chúa. Chính vì Người, vì lòng yêu mến Người mà chúng ta thực hiện cuộc hành trình này.” Trong lúc đó, cơn giông đã đến và mưa xối xả trên đầu chúng tôi.
Tôi nhớ trong hoàn cảnh bi đát đó, tôi đã quên cầu khẩn Đức Mẹ: “Tôi thật khốn nạn và vô ơn! Nếu tôi nhớ đến Mẹ Maria thì chắc Người đã cứu giúp tôi. Con xin lỗi, lạy Mẹ, con xin lỗi, sự bội bạc của con không thắng được lòng từ ái của Mẹ. Sớm muộn gì Mẹ cũng an ủi những kẻ đau khổ. Đây là lúc Mẹ tỏ lòng từ bi của Mẹ. Xin Mẹ làm dịu cơn sốt của con hoặc làm cho đôi chân run rẩy của con vững chắc.” Thầm thì những lời ấy xong, tôi thử bước đi và bỗng nhiên tôi cảm thấy sức khỏe hồi phục. Tôi vui sướng thốt lên: “Ôi lạy Mẹ! Ôi Mẹ của con! Con là đứa con khốn nạn, vô ơn. Phải chi con kêu lên Mẹ sớm hơn, thì hẳn Mẹ đã đến giúp con rồi. Vinh danh Mẹ!” Và tôi đã bước đi thật mau, bỏ Cha Combes phía sau đến hai mươi bước làm ngài vô cùng ngạc nhiên. Tôi không dám khẳng định đó là một phép lạ. Nhưng dù có sợ làm bạn đọc cười chê, thì tôi cũng không thể không bày tỏ lòng biết ơn, và hiện giờ tôi vẫn nói như đã từng nói: “Vinh danh Mẹ! Vinh danh Mẹ! Ôi Mẹ Maria!” Cơn giông rất lớn, nhưng chỉ trong chốc lát đột ngột chấm dứt, nhường chỗ cho bầu trời quang đãng. Tuy nhiên, chúng tôi “ướt như chuột lột”. Dù biết rằng không có gì nguy hiểm cho bằng đang cơn sốt mà áo quần ướt đẫm, nhưng vì không ai mang theo quần áo để thay, nên chúng tôi đành vắt khô và tiếp tục cuộc hành trình. Không biết vì cơn nóng sốt hay vì phấn khởi đã nhận ơn lạ quá bất ngờ của người Mẹ tốt lành trên hết mọi người mẹ, mà suốt quãng đường còn lại, tôi không ngừng lớn tiếng chúc tụng Mẹ Maria. Tôi đã khóc vì biết ơn Mẹ. Tôi đã khóc vì hổ thẹn thấy mình quá khốn khổ. Cuối cùng, tôi thấy cần nói thêm tôi đã đi hết quãng đường còn lại mà không thấy mệt chút nào.
Đến chiều, chúng tôi tới làng Mô Tông. Ở đó, chúng tôi lại gặp một nguy hiểm nghiêm trọng khác. Ngày hôm trước, dân làng đã đi giao chiến với một làng khác và họ đã giết được một kẻ thù, việc hiếm thấy trong các trận chiến vô nghĩa của người Ba Na. Các chiến binh vừa trở về làng sau cuộc chiến. Nhưng thông thường làng bị tấn công trước hiếm khi từ bỏ việc đuổi theo quân địch khi địch rút lui. Vì vậy, dân làng Mơ Tông e ngại một cuộc công kích vào chính ngày hôm đó. Vì sợ hãi, nên họ đã cắm đầy chông xung quanh làng. Khi đến cách chiến luỹ độ trăm bước, thấy thế, Cha Combes và tôi không dám mạo hiểm băng qua, bèn lên tiếng gọi dân làng ra mở lối cho chúng tôi. Nhưng lúc đó tất cả dân làng đang tụ tập ở nhà rông cúng thần chiến tranh và họ cũng đã ngà ngà say. Nghe tiếng chúng tôi gọi, họ tưởng chúng tôi là kẻ thù đang được mong đợi, thế là họ vội chụp lấy khí giới, kẻ cầm cung, người mang dao, người cầm giáo. Khốn nỗi, tuy chúng tôi đứng xa tầm bắn của họ, nhưng vì cỏ cao, màn đêm vừa buông xuống, nên chúng tôi không nhìn thấy họ mà họ cũng chẳng thấy chúng tôi. Làm sao đây? Chạy trốn chăng? Nhưng làm như thế thì càng chứng tỏ điều họ nghi chúng tôi là kẻ thù là đúng. Chúng tôi bèn gào thật to, nói tên mình ra vì trong vùng ai cũng biết. Cuối cùng, một người ít say hơn những người khác đã nghe rõ tên chúng tôi và la lên: “Ngừng lại, ngừng lại, đó là mấy người Kinh. – Các ông là ai? – Chúng tôi là Bok Bê và Bok Ân, anh em hãy mở lối cho chúng tôi vào với.”
Sự nguy hiểm mà chúng tôi vừa trải qua do sự bất cẩn của dân làng, đã khiến họ đối xử rất tử tế với chúng tôi. Ngày hôm sau, Cha Combes một thân một mình đi Kơ Lang. Còn tôi buộc lòng phải nằm lại Mơ Tông đúng một tuần lễ chờ qua cơn sốt. Đó là cơn sốt mạnh nhất trong vòng mười lăm năm nay, đến độ làm rung rinh căn nhà của anh em dân tộc cho tôi trú nhờ và cơn mê sảng kéo dài rất lâu. Khi anh em trong đoàn đã bắt đầu lo lắng, thì họ thấy tôi về đến Kon Kơ Xâm trong bộ dạng xanh xao, ốm yếu. Cha Combes cười và nói với tôi: “Cha còn nhớ con suối ở Kơ Lang mà Cha đã nhảy qua trước kia không? – Nhớ chứ, tôi nhớ con suối đó và cả dãy Pyrénées của tôi nữa. Căn bệnh sốt rét kinh tởm này đến cả súc vật cũng mệt với nó!” Ngài nói tiếp: “Nào, dù vậy, vẫn cứ vui, hoan hô! Ta cứ sống cho đến lúc chết, và bấy giờ, bệnh sốt rét hay bệnh gì đi nữa cũng sẽ dứt khoát được chữa lành. Amen.”
(Còn tiếp)
Đọc thêm:
*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine
*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em
*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure
*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang
WGPKT(05/03/2023) KONTUM