Câu Chuyện Về Chú Yao Phu Nôi

WGPKT(05/11/2024) – Câu chuyện về một linh mục thừa sai được chú Yao phu (Giáo phu: thầy giảng người sắc tộc) dũng cảm xả mình cứu sống, in trong Bulletin de M.E.P tháng 11/1923, và trong Annales tháng 01/1924 (Un Missionnaire sauvé par son catéchiste), được Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính (giáo phận Qui Nhơn) sưu tầm và chuyển ngữ. 

Năm 1923. Miền truyền giáo Kontum còn trực thuộc Địa phận Đông Đàng Trong (Địa phận Qui Nhơn) cho đến năm 1932.

 

Cha Jules Labiausse Sáng (1874-1941)
Cha Francois Légis Louison 
(Cố Lui) (1883-1953)

 

ĐỊA PHẬN QUI NHƠN NĂM 1923

Bulletin de la Société Des Missions-Étrangères de Paris,

Năm thứ 2, số 23, tháng 11 năm 1923

 

Ngày 1 tháng 9 là ngày khai giảng của Tiểu chủng viện (Làng Sông) – cứ hai năm một lần. Năm nay có 63 chú nhập trường; 10 chú bị loại trong kỳ thi, 53 chú được nhận vào trường. Điều này buộc phải bổ nhiệm thêm một cha giáo là cha Huy.[1] Vào ngày 10, bắt đầu cuộc tĩnh tâm dành cho các chú do cha Labiausse[2] giảng.

Cuối tháng 8, cha Louison[3] đến Dak Kơna (Dakkona), cùng với anh giáo phu người dân tộc tên Nôi. Đến sông Dak Tơkan (Dak-Tokan), họ thấy nước mưa dâng cao và hô hoán với ngôi làng bên kia bờ; không ai đáp lại tiếng kêu cứu, họ quyết định xuống xuồng và chèo theo dòng nước; nhưng đến giữa sông, chiếc thuyền bị rò rỉ nước tứ phía nên bị chìm và cha Louison bị cuốn đi. Ngài không biết bơi; khi thấy mình sắp chìm, ngài kêu lên những tiếng  cuối cùng: Lạy mẹ Maria! Lạy mẹ Maria! Sau đó ngài bất tỉnh. Khi trôi khoảng 150 mét ngài chụp được một nhánh dây leo to bằng ngón út và thấy mình đang đối mặt với một bờ dốc. Nhìn quanh, ngài thấy một thân thể người và nhận ra anh giáo phu của mình.

Ngài định buông nhánh dây leo để xá tội lần cuối cho người bất hạnh thì nghe thấy có tiếng gọi: Cha ơi, con đến đây. Quả thực, Noi đã đến và giúp đỡ đồng nghiệp của chúng tôi leo lên bờ không mấy khó khăn. Được hỏi sau khi thoát hiểm, anh giáo phu đã có câu trả lời thật đáng yêu: “Nếu Cha chết, con cũng chết”. Cảm ơn Đức Mẹ Maria vì đã gìn giữ người đồng nghiệp của chúng con, nhưng chúng tôi cũng ngưỡng mộ sự hy sinh của người dân tộc này, điều mà chính phủ Pháp rất muốn khen thưởng. “Huân chương bạc danh dự hạng 2 được trao tặng đặc biệt cho anh Sedang Noi, quê ở Konkolak (Kontum) vì lý do sau: Là phần thưởng cho hành động dũng cảm, hy sinh quên mình của anh khi cứu Cha Louison, người đang chết đuối ở vùng nước Tokan, vùng Daklô”.

 

____________________

[1] Cha Phêrô Đặng Quyền Huy (1890-1955). Từ năm 1945 đến 1955, ngài là Đại diện thừa ủy coi sóc 3 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Phú Yên, vì Đức cha Piquet Lợi ở tại Nha Trang (các chú thích trong bài là của người dịch).

[2] Cha Jules Labiausse (1874-1941), tên Việt là Sáng,  sinh ngày 26 tháng 4 năm 1874 tại Fourmies , nhập Chủng Viện MEP ngày 16 tháng 9 năm 1893, chịu chức linh mục ngày 27 tháng 6 năm 1897, sau đó đi đến miền truyền giáo Đông Đàng Trontg (Qui Nhơn) ngày 28 tháng 7 năm 1897. Ngài được gởi đến Sông Cái để học tiếng Việt rồi làm cha sở Kỳ Bương. Sau đó ngài được sai đi Phan Thiết, cha sở Phan Rang, xây dựng nhà thờ Láng Mun. Năm 1920, ngài làm cha sở Kim Châu. Năm1927, ngài được bổ nhiệm làm quyền đại diện và ở tại Làng Sông. Năm 1931, ngài là cha sở Qui Nhơn và qua đời ngày 15 tháng 6 năm 1941.

[3] “Louison sinh ngày 8-3-1883, tại Ricamarie, thuộc Địa phận Lyon, tỉnh Loire, trong một gia đình đạo dòng. Cậu trải qua bậc tiểu học nơi trường các thầy Dòng Thánh Thánh Tâm ở Paradis, gần Le Puy. Sau đó, từ năm 1897-1902, cậu theo học bậc trung học tại Tiểu Chủng viện Monistrol-sur-Loire. Là một cậu bé có tính vui vẻ và bốc đồng, nên các bạn đồng môn đặt cho cậu cái tên “Papillon” (nhẹ dạ, bộp chộp, con bướm), một cái tên đồng âm đọc trại ra của “Louison”. Ngày 7-9-1902, thầy Louison gia nhập Chủng viện Hội Thừa sai. Ngày 26-9-1903, thầy chịu cắt tóc, ngày 24-9-1904, thầy chịu các chức nhỏ, ngày 6-9-1906, thầy tiếp tục tu học tại trường chung Penang. Ngày 10-3-1907, thầy Louison chịu chức phụ phó tế, và ngày 25-5-1907 thầy chịu chức phó tế; ngày 7-7-1907 thầy được thụ phong linh mục, và nhận bài sai phục vụ Địa phận Tông toà Đông Đàng Trong. Ngày 10-7-1907, Cha Louison rời trường chung cùng với Cha Etchebery và Cha Gallioz đến trụ sở của Hội Thừa sai tại Hồng Kông. Cha Louison ở đó cho đến tháng 10-1907 rồi cha đến Qui Nhơn. Tháng 11-1907, được Cha Lardon hướng dẫn, ngài đã lên Kontum, và đến ở tại xứ Phương Hoà để học tiếng Việt.

 

 Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Nguồn: gpquinhon.net