Than Kinh Lễ Đèn Trong Tuần Thánh

THAN KINH LỄ ĐÈN TRONG TUẦN THÁNH

Trong Tuần Thánh, tuần sau cùng của Mùa Chay, các tín hữu càng gia tăng làm việc lành phúc đức, như hãm mình đền tội, ăn chay, làm việc bác ái, đọc kinh cầu nguyện nhiều hơn…để hiệp cùng với Hội Thánh tôn kính những đau khổ Chúa Giêsu đã chịu để cứu chuộc nhân loại và trông chờ Chúa phục sinh.

Một trong những công việc đạo đức được lưu truyền qua dòng lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, hội nhập với văn hóa truyền thống, đó là hình thức ngắm hoặc gẫm.

Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) được cho là một trong những người đã khai sinh ra ngắm. Trong tác phẩm “Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài” (bản tiếng Ý ấn hành năm 1650, bản tiếng Pháp năm 1651 và bản tiếng Latinh năm 1652), Cha thuật lại:

“Chúng tôi không cử hành nghi thức kinh đêm trong tuần thánh vì chúng tôi có ít người và giáo dân tân tòng không giúp chúng tôi được việc gì vì không hiểu biết sách (Latinh). Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm mười lăm đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong mười lăm sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong mười lăm ngọn nến sáng theo tục lệ trong Giáo hội Rôma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng mến thương những thống khổ và cái chết Chúa Cứu Thế chịu, người lân cận cũng đến nghe”.

(x. Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài – Hồng Nhuệ, dịch từ bản tiếng Pháp, Tủ sách Đại Kết 1994, trang 131).

Tại Việt Nam, ngắm 15 sự thương khó của Chúa Giêsu ở Miền Bắc (Giáo phận Đàng Ngoài) gọi là “Ngắm Đứng”, ở Miền Nam (Giáo phận Đàng Trong) gọi là “Gẫm Lễ Đèn” và “Than Kinh Lễ Đèn”, gồm:

-NGÀY LỄ ĐÈN NHẤT : có kinh Thẩm Phán (hay Thẩm Phán kinh).

-NGÀY LỄ ĐÈN NHÌ : có kinh Than Thánh Giá (hay Thánh giá hình).

-NGÀY LỄ ĐÈN BA: có Kinh Thánh Mẫu Thương Khó (Thánh Mẫu Thương Khó kinh).

Kinh Miền Nam bản văn ngắn gọn và cũng khác câu chữ, cung giọng so với miền Bắc.

Miền Trung (các Giáo phận thuộc giáo phận Qui Nhơn – Đàng Trong trước đây) hình thức gẫm gần giống như Miền Nam, cả về cung giọng lẫn bản văn. Kinh 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu và Than kinh lễ đèn in trong sách “Sách Kinh Giáo phận Qui Nhơn” (trước đây gọi Sách Mục Lục), bản văn hầu như trùng khớp với Gẫm lễ đèn của Miền Nam (TGP Sài Gòn) (x. Sách Kinh Giáo Phận Qui Nhơn, Nhà xuất bản Tôn Giáo 2008, tr. 228-261).

Than kinh lễ đèn là một loại hình “đạo đức bình dân” nguyện gẫm hết sức sốt sắng tồn tại lâu đời trong các cộng đoàn giáo hữu Việt Nam, có người đề nghị xem là di sản văn hóa phi vật thể của Giáo hội Công giáo Việt Nam (xem bài: “Có phải là di sản Văn hóa?”, báo Công giáo và Dân tộc ngày 09/06/2015).

Ngày nay “di sản” này đang đứng trước thách đố bị mai một, các giáo xứ cần có những cách thức lưu giữ, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, thậm chí đưa ra những cách tân phù hợp để đáp ứng nhu cầu hiện đại.

 

Minh Sơn

BẢN VĂN: THAN KINH BA NGÀY LỄ ĐÈN

 

Tải về tại đây:
Than kinh ba ngày Lễ Đèn – word

 

WGPKT(26/03/2024) KONTUM