Trường Học Thánh Phaolô – Thư 1 Côrintô (tiếp theo)

TRƯỜNG HỌC

  THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

 

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

Đọc thêm:

Nhập Đề

Thư 1 Thêxalônica

Thư 2 Thêxalônica

Thư 1 Côrintô

 

THƯ 1 CÔRINTÔ

(tiếp theo)

.

Chúng ta sẽ đề cập đến một kinh nguyện có đường nét khác hơn một chút so với những kinh nguyện mà chúng ta đã gặp trước đây: kinh nguyện nhấn mạnh đến hành động tạ bằng nhắc lại việc Đức Chúa đã hoàn tất trong các cộng đoàn mà Thánh Phaolô đã rao giảng Tin Mừng, dựa trên việc đọc và chiêm niệm mầu nhiệm ân sủng hoạt động nơi các môn đệ vừa trở lại với đức tin trong Chúa Giêsu Kitô.  Chương 15 là chương cuối cùng của Thư, là một lời tuyên tín của vị tông đồ, lời tuyên xưng đức tin.  Chúng ta sẽ khám phá ra công thức đầu tiên của kinh Tin Kính mà thánh Phaolô đề ra cho chúng ta, với sự nhấn mạnh đến Lễ Vượt Qua của Đức Giêsu và đến mầu nhiệm về sự phục sinh của Người.  Chương nầy có tầm quan trọng chính yếu.

Chúng ta ngừng lại ở những câu đầu: thánh Phaolô tuyên xưng đức tin của mình vào sự sống lại của Chúa Giêsu, điều nầy đã làm đảo lộn cuộc sống của ngài.  Đó là đức tin của Giáo Hội mà thánh Phaolô đã xướng lên.  Chương nầy tiếp tục triển khai rộng rãi cho phép đi từ đức tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô đến đức tin vào sự sống lại của thân xác nơi tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô; đức tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu là nền tảng của đức tin vào sự sống lại của chính mỗi người chúng ta.  Không phải là không có lợi khi thánh Phaolô và tất cả những ai tham dự vào mầu nhiệm của việc tông đồ làm nên công thức đức tin của họ dưới hình thức kinh nguyện nầy, họ có sứ mệnh loan báo đức tin nầy.

Khi chúng ta tham chiếu những chương đầu của sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy rằng bài diễn từ đầu tiên của thánh Phêrô và những lời loan báo tiếp theo hết thảy là những lời loan báo việc Chúa Giêsu sống lại: “Đức Giêsu mà quý vị đã đóng đinh thập giá, nay Người đã phục sinh”.  Đó là lời loan báo chính yếu, Tin Mừng tuyệt hảo nhất.  Điều quan trọng đối với mọi tông đồ là lời loan báo nầy trước mặt mọi người phải được công thức hoá cách xác tín nằm lòng với Đức Chúa, đến nỗi mà chúng ta không chỉ đơn giản nói : “Chúa đã phục sinh”, nhưng còn phải nói: “Thật, Chúa Giêsu, Người đã phục sinh, Người  là Con của Thiên Chúa hằng sống”.  Nếu chỉ bằng lòng với việc rao giảng Tin Mừng và nếu người ta không ghi tạc lời loan báo tông đồ nầy trong giờ kinh nguyện, thì luôn luôn có nguy cơ trệch hướng đi về một ngã rẽ khác.  Điều nầy có thể cám dỗ một số người không quan tâm làm thế nào để giữ cho cuộc đối thoại giữa hai ngôi vị mà trong đó người ta tái khẳng định trước Đức Chúa rằng mình tin vào Người, tin vào sự sống lại của Người và những hậu quả của việc Người sống lại.  Sự gặp gỡ liên vị nầy làm cho ta hiểu biết rằng Đấng Phục Sinh là Đấng gần gũi chúng ta, Đấng mà ta thưa chuyện (nói với) chứ không phải là Đấng mà người ta đề cập đến (nói về).  Xin trích lại những công thức của thánh Phaolô.

Hỡi anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã chịu lấy, và trong đó anh em hiện còn đứng vững và cũng nhờ đó mà anh em được cứu thoát, nếu lời lẽ tôi đã dùng để rao giảng cho anh em, anh em vẫn còn nắm giữ, bằng không anh em đã tin một cách vô lối.  Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh là Ngài đã hiện ra cho Kêpha đoạn cho nhóm Mười hai.  Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong số đó phần đông đến nay vẫn còn sống, nhưng cũng có người đã yên nghỉ.  Rồi Ngài đã hiện ra cho Giacôbê; đoạn cho các tông đồ hết thảy.  Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con ranh.  Vì tôi là người mạt nhất trong các tông đồ, vả cũng không đáng gọi là tông đồ nữa, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa.  Hiện tôi có là gì, là bởi ơn Thiên Chúa, và ơn Người xuống cho tôi đã không ra hư luống; trái lại tôi đã tận lực lao công hơn họ hết thảy, song hẳn không phải tôi nhưng có ơn Thiên Chúa với tôi.  Vậy dù là tôi, hay là họ, chúng tôi rao giảng như thế, và cũng như thế mà anh em đã tin” (1 Cr 15, 1-11).

Cũng tình huống như vậy đối với chúng ta khi đọc kinh Tin Kính trong Thánh Lễ, chúng ta đặt vào lời kinh những hành vi đức tin.  Thánh Phaolô lấy lại công thức không phải của ngài.  Điều ngài sẽ công thức hóa (tâm điểm đức tin của ngài), ngài không rút từ nguồn riêng của ngài, điều ngài đã loan báo như một tông đồ.  “Hỡi anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã chịu lấy, và trong đó anh em hiện còn đứng vững”.  Có sự đón nhận mầu nhiệm đức tin nơi người tín hữu: Thánh Phaolô làm cho họ đón nhận đức tin.  Ngài nhấn mạnh khi nói như thế: đó là căn bản của niềm tin của các bạn.  Nhưng ngài thêm : “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy”.  Thánh Phaolô ý thức rằng đó là những kinh nguyện tuyên xưng đức tin mà những cộng đoàn Kitô tiên khởi đã học để lập thành công thức.  Đức tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu không thuộc của riêng thánh Phaolô; đức tin nầy thuộc về Giáo Hội: chính là đức tin của Giáo Hội.  Đức tin nầy và công thức tuyên xưng như thánh Phalô loan báo là một ân huệ nhận lãnh, một hồng ân được đón nhận.  Điều nầy cũng thật đúng cho cả chúng ta nữa.  Đức tin nầy được cha mẹ, những người chúng ta đã gặp chuyển giao cho chúng ta . . .  Luôn luôn có một sự hiệp thông về đức tin.  Không phải là sự hiệp thông trực tiếp của Đức Chúa, có những trung gian, những trung chuyển.  Phần lớn chúng ta được lãnh nhận đức tin trong gia đình; đối với những người trở lại thì có thể họ gặp một ai đó, vì bị đánh động bởi một chứng nhân nào đó . . .  Đức tin được đón nhận, đức tin là một hồng ân: cần phải luôn luôn nhắc lại điều nầy.

Nội dung của kinh Tin Kính mà thánh Phaolô sẽ lập thành công thức là thế nào?  Thay vì có biểu tín (công thức tuyên xưng đức tin) của công đồng Nixê hoặc biểu tín của các tông đồ, phần trình bày rất quan trọng, ở đây chỉ có một công thức rất cô đọng: “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh”.  Tuyên xưng đức tin là tuyên xưng một con người, chứ không phải là niềm tin vào một giáo điều.  Tin là liên kết với một ai đó, đi vào trong tương quan, tiếp cận với một hữu thể sống động, một hữu thể có ngôi vị.  Lời tuyên xưng của thánh Phaolô hướng về “Chúa Kitô”.  Như chúng ta biết, qua những chứng nhân, qua các Thư của ngài, ngài gắn bó biết bao với Chúa Giêsu Kitô: Chúa Giêsu Kitô trở nên con tim, trung tâm đời sống của ngài, tương quan nền tảng nầy của ngài sẽ thiết lập nên tất cả các tương quan khác, thánh Phaolô có một kinh nghiệm đặc thù về Chúa Kitô.  Ngài đã đón nhận một trực giác về điều độc đáo trong đức tin Kitô: sự gắn bó, sự nhận ra một nhân vật, một con người có tên gọi là Giêsu; nhưng Giêsu nầy là Đức Kitô.

Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta”.  Nói về cái chết của Chúa Kitô, điều quan trọng phải ý thức là chúng ta nói về một con người đã sống cuộc sống trần gian cho đến chết: người ta đã có thể nhận xét cái chết của Ngài.  Cái chết của Đức Giêsu là một sự kiện lịch sử, có thể nhận xét được.  Tuy nhiên điều độc đáo là cái chết nầy có một ý nghĩa: một cái chết “vì tội lỗi ta”.  Vì vậy cho nên cái chết của con người nầy có liên hệ đến chúng ta, liên hệ đến tất cả mọi người khác, liên hệ đến những ai chia sẻ thân phận của con người nầy.  Cái chết của con người nầy là cái chết của Con Chiên Thiên Chúa, hiến mạng sống mình vì tội lỗi nhân loại, Người mang thân phận nhân loại, đến cả tội lỗi: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian và Đấng xoá bỏ tội trần gian”.  Người đã xoá bỏ bởi vì Người đã mang lấy.  Người đã chịu luỵ thân phận con người cho đến nỗi chết ngay cả khi Người vô tội, như Thư Do thái sẽ nói.  Thánh Phaolô biết về kinh nghiệm nơi điều cái chết nầy liên hệ đến ngài, ngài là người tội lỗi, người bách hại; ngài biết rằng nếu không có cái chết của Đức Giêsu thì ngài không được cứu độ.

Khẳng định cái chết của Đức Giêsu có một tầm quan trọng.  Rất nhanh, các môn đệ đã thoái thác, đã từ chối khẳng định Đức Giêsu thật sự đã chết: họ không thể chấp nhận Con Thiên Chúa làm người phải đi qua cái chết.  Từ chối cái chết của Đức Giêsu chỉ bởi vì Người là Con Thiên Chúa và Người không thể nào chết được, đó là từ chối thân phận nhân loại của Con Thiên Chúa.  Chính vì vậy kinh Tin Kính, khi khẳng định cái chết của Đức Giêsu, khẳng định rằng người Con nầy của Thiên Chúa là một con người hiện thực, thật sự.  Chính là nhìn nhận bản tính nhân loại của Đức Kitô và nhìn nhận mối liên đới hiệu năng của Người với tất cả nhân loại bị kết án tử hình, với những con người tội lỗi.  Người đã đồng bàn với những kẻ tội lỗi, đã ăn uống với họ, đã đón tiếp họ.  Khẳng định nhân tính của Đức Giêsu vẫn còn là dữ kiện nền tảng căn bản.  Ngày nay những người lạc giáo tiếp tục bay trong không khí, bao lâu người ta không nhìn nhận trong thực tế Đức Giêsu đã sống trong lịch sử, đã thật sự sinh ra, đã là một trẻ thơ, một thiếu niên, một thanh niên và đã chết ở tuổi 33.  Đó chính là đón nhận một Thiên Chúa, đấng sẽ chấp nhận đi vào thân phận con người.

Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, Ngài đã bị chôn cất”.  Người thật sự đã chết bởi vì xác của người đã được đặt trong mồ.  Con Thiên Chúa đã chấp nhận một cái chết thật sự.  Không phải là tôn vinh Con Thiên Chúa khi từ chối Đấng bị đóng đinh trong ô nhục của cuộc tử nạn và từ chối chấp nhận thân xác của Người là một xác chết bị chôn cất. 

Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh”.  Đó là lời khẳng định quan trọng nhất liên hệ đến mọi hoàn cảnh sống của người Kitô hữu chúng ta.  Tất cả thực tại của mầu nhiệm Kitô là:  Đức Giêsu hằng sống, Người đã chết (trong một thời điểm lịch sử có thể ghi rõ ngày tháng), nhưng nay Người hằng sống.  Đấng Sống lại muốn nói rằng ngày hôm nay nữa Người sống sung mãn sự sống của Thiên Chúa.  Lời khẳng định Đức Giêsu sống lại là then chốt quan trọng.  Thánh Phaolô sẽ thêm vào câu 17 của chương nầy: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, đức tin của anh em trở nên hão huyền, và hiện anh em còn ở trong tội lỗi của anh em”.  Và ở câu 14: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, lời rao giảng của chúng tôi thật hư không và  hư không nữa việc anh em tin”.

Lời khẳng định được lặp lại hai lần, điều nầy xem ra lạ lùng: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh”.  Kiểu nói “theo lời Kinh thánh” có nghĩa là gì mà thánh Phaolô nhấn mạnh đến như vậy?  Để hiểu điều nầy cần lấy lại trình thuật các môn đệ trên đường Emmau theo Tin Mừng Luca.  Lúc đó Đức Giêsu gặp hai môn đệ nhưng họ không nhận ra Người, Người làm thế nào để họ nhận biết Người?  Đức Giêsu nói với họ: “Bấy giờ Ngài mới nói với họ: ‘Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói!  Thế thì Đức Kitô lại không chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao?’ ( Chính là mầu nhiệm Vượt qua).  Và khởi từ Môsê và hết thảy các tiên tri Ngài dẫn giải cho họ các điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh thánh” (Lc 24, 25-27).  Chuyện nầy xem ra lạ lùng với chúng ta, khi Đức Giêsu gặp gỡ hai môn đệ mà họ lại không nhận ra Người, Người đã không đột ngột nói với họ: “Hãy nhìn xem, Thầy đây mà”.  Không !  Người lược lại lịch sử Dân tộc để biểu lộ đó chính là lịch sử loan báo việc Người sẽ đến, Người sẽ chết và sống lại và để nói cho chúng ta, nếu chúng ta muốn đi trọn vẹn vào mầu nhiệm phục sinh của Người, mầu nhiệm vượt qua của Người, chúng ta cần phải thực hiện lịch sử của Dân tộc người, phải tiếp cận với các bản văn Cựu Ước.  Mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu vượt qua chúng ta khắp mọi nơi.  Qua lịch sử của Abraham, Môsê, Đavít, và đang khi lắng nghe các Tiên tri và những sứ giả khác của Cựu Ước, một điều gì đó nói với chúng ta về mầu nhiệm của Đức Giêsu, Người đến để hoàn tất Kinh thánh.  Vì vậy cho nên điều quan trọng là đặt Đức Giêsu trong tất cả lịch sử của Dân tộc.  Không phải là vô ích khi các tác giả phúc âm khởi đầu Tin Mừng bằng kể về gia phả của Đức Giêsu.  Lịch sử nầy có một hướng đi và nếu lịch sử có hướng đi chính là đi đến cùng Chúa Giêsu.

Lời khẳng định Đức Giêsu sống lại đến soi sáng tất cả quá khứ.  Nếu chúng ta không có đức tin vào sự Phục sinh, toàn bộ lịch sử của quá khứ nầy sẽ u tối đối với chúng ta.  Nhưng bởi vì chúng ta tin vào sự sống lại của Đức Giêsu, chúng ta có thể đọc lại những bản văn Cựu Ước để thấy rằng tất cả lịch sử của Dân tộc nầy dẫn đến Đức Giêsu.  Cha Sesboué viết : “Cựu Ước là bước đầu chuẩn bị tin mừng; là đặc chủng duy nhất trong thể loại của mình.  Đối với người Kitô hữu, lịch sử lâu đời nầy có giá trị tiên tri về ơn cứu độ được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, trong lời nói và việc làm.  Theo các nhà chú giải Kinh thánh công giáo, các trình thuật trong Cựu Ước bằng  cách nầy hay cách khác luôn qui chiếu về Đức Giêsu Kitô và phải được đọc dưới ánh sáng của biến cố vượt qua, biến cố này vén màn lịch sử.  Thánh Phaolô đã giải thích rõ ràng nguyên tắc: ‘Chỉ vì cho đến ngày nay, cũng cái màn ấy vẫn còn rũ xuống khi họ đọc Giao ước cũ; chưa được vén lên, vì chỉ trong Đức Kitô nó mới được huỷ đi!  Phải cho đến ngày nay, phàm khi nào họ đọc Môsê, màn vẫn buông xuống trên lòng họ.  Phàm khi trở lại với Chúa, màn mới được cất đi’ (x. 2Cr 3, 14-16) ( Cựu Ước vẫn bị che phủ khi không được đọc dưới ánh sáng Phục sinh.  Khi Đức Kitô phục sinh, khi Người hiện ra, màn biến đi và Cựu Ước có ý nghĩa).  Giữa lời sấm và việc thực hiện có ánh sáng hổ tương hoạt động.  Đàng khác, ta chỉ có thể hiểu trong chân lý biến cố  ơn cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô dưới ánh sáng của lời tiên tri.  Vì như thế ta không còn đọc một biến cố thuần tuý, nó có thể xảy ra nơi  sự bất tất của lịch sử nhân loại mà thôi, nhưng còn đọc việc thể hiện một kế hoạch do ý muốn của Thiên Chúa nữa.  Đối lại, một lời sấm luôn mù mờ khi nó chưa được soi sáng bởi sự thực hiện.  Như thế gợi ý rằng đọc Cựu Ước trong cái nhìn Kitô giáo.  Đọc như thế giả thiết phải có đức tin hay ít ra hướng về đức tin vào Chúa Kitô như Đấng mang Danh độc nhất nhờ đó mà chúng ta được cứu độ” (Les récits du Salut trang 47-48).

Sau bài trình thuật các môn đệ làng Emmau, trong trình thuật về việc Chúa Giêsu hiện ra cho nhóm Mười một, Chúa Giêsu cũng nói lại điều đó.  Người nói với các tông đồ, Người ăn uống với họ.  “Và Đức Giêsu nói với họ: ‘Đây là những lời mà Thầy đã nói với anh em khi Thầy còn ở với anh em: cần phải hoàn tất những gì đã được viết về Thầy trong sách Luật Môsê, các Tiên tri và các Thánh vịnh”.  (Trên núi Biến hình, Đức Giêsu được bao quanh bởi Môsê và Elia; đó là biểu tượng, hình ảnh căn bản).  “Lúc bấy giờ Ngài mở trí cho họ để hiểu Kinh thánh” (Đức Giêsu phục sinh có thể mở trí khôn cho chúng ta để hiểu ý nghĩa những bản văn cổ xưa và cho phép chúng ta củng cố đức tin nơi Người), và Đức Giêsu nói với họ : ‘Như đã viết;  Đức Kitô phải đau khổ và sẽ sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba, và người ta sẽ rao giảng cho mọi dân tộc ơn hối cải để được tha thứ tội lỗi, khởi từ Giêrusalem.  Về các điều ấy các ngươi là chứng nhân” (Lc 24, 44-48).

Hãy đọc các kinh nguyện trong Thánh vịnh.  Thánh vịnh 21 chẳng hạn: “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, nhân sao Người bỏ rơi tôi?”  Thánh vịnh nầy giúp ta hiểu mầu nhiệm Đức Giêsu trên thập giá.  Tại sao Đức Giêsu chịu treo trên thập giá đọc lại Thánh vịnh đó ?  Cầu nguyện bằng Thánh vịnh nầy đặt chúng ta trước mầu nhiệm của Đức Giêsu trên thập giá; phần cuối của Thánh vịnh loan báo một sự mở rộng, sự sống lại mặc dù không dùng từ ngữ nầy nhưng dùng ngôn ngữ thi văn.  Thử xem những Thánh vịnh mà chúng ta cầu nguyện luôn luôn nói cho chúng ta về Đức Giêsu và qua các Thánh vịnh chúng ta biết Chúa Giêsu nhiều hơn.  Chúng ta không thể bằng lòng lặp lại: “Người đã sống lại”.  Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta không?  Chúng ta cần nhiều từ ngữ, nhiều lời, nhiều biến cố, nhiều sự kiện lịch sử để hiểu điều đã xảy ra và để ngược lại chúng ta có thể làm mối dây liên lạc giữa lịch sử riêng của chúng ta, những gì chúng ta sống và mầu nhiệm Sống lại.  Có lịch sử Dân Thiên Chúa trước khi có Chúa Giêsu, có lịch sử Giáo Hội và lịch sử Giáo Hội nầy tìm được ý nghĩa của mình trong ánh sáng Phục sinh.

Làm thế nào chúng ta biết được Đức Giêsu sống lại?  Vì Người đã tỏ mình ra với những chứng nhân.  Người ta chỉ có thể tin vào Đức Giêsu phục sinh nhờ  những chứng nhân nói lại.  “Ngài đã hiện ra với Kêpha”.  Thánh Phaolo nêu danh Phêrô đầu tiên. Thánh  Phêrô có vai trò chính yếu ngay trong các Tin Mừng, ngài không phải là người nhanh nhẹn nhất nhận ra sự phục sinh của Đức Giêsu; Maria Mađalêna nhận ra trước ngài.  Thánh Phêrô cần phải học kinh nghiệm.  Hiện ra nghĩa là gì?  Điều đó muốn nói có nhóm người đã sống một kinh nghiệm thiêng liêng (thiêng liêng không có nghĩa siêu thực tế, thiêng liêng có nghĩa là hiện thực) khi họ ý thức rằng Đức hằng sống.  Điều nầy đúng cho Kêpha nghĩa là Phêrô, đúng cho nhóm Mười hai . . .  “Ngài đã hiện ra cho Kêpha, rồi cho nhóm Mười hai.  Sau đó Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em cùng lúc . . .”.  Chính qua chứng tá các tông đồ mà chúng ta biết được sự sống lại của Đức Giêsu.  Đó là mầu nhiệm về những lần hiện ra như chúng ta đã nêu lên.  Hãy đọc lại lần hiện ra cho Maria Mađalêna:  người phụ nữ nầy đã tiếp cận với Đấng mà bà đã thấy chết (bà đứng dưới chân thập giá), bà đã chôn cất.  Bà sẽ thấy; Người không còn ở đó nũa.  Bà không nhận ra Người: đúng y như vậy và không hoàn toàn đúng như vậy.  Cuối cùng, khi bà được gọi đích danh, bà đã nhận ra.  Có sự mầu nhiệm về những lần hiện ra, có gì đó căn bản, quan trọng.  Nhờ những lần hiện ra nầy và nhờ các chứng nhân chúng ta biết được điều gì đã được thực hiện, điều gì đã xảy ra.  Chúng ta tin vào những chứng nhân nầy bởi vì qua họ chúng ta tin vào sự sống lại của Đức Giêsu.  “Cuối cùng, Ngài đã hiện ra cho tôi, một đứa con ranh”.  Thánh Phaolô có được kinh nghiệm nầy trên đường Đamát.

WGPKT(05/03/2023) KONTUM