Trường Học Thánh Phaolô – Thư 2 Côrintô (Tiếp Theo)

TRƯỜNG HỌC

  THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

 

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

Đọc thêm:

Nhập Đề

Thư 1 Thêxalônica

Thư 2 Thêxalônica

Thư 1 Côrintô

Thư 1 Côrintô (tiếp theo)

Thư 2 Côrintô 

 

THƯ 2 CÔRINTÔ (tiếp theo)

(2Cr 12, 1-10)

 

Chương nầy (2Cr 12, 1-10) không hẳn là một kinh nguyện, trong nghĩa đó không có một công thức kinh nguyện dâng lên cho Đức Chúa để tạ ơn và chúc tụng; đây là một trong những đoạn của các Thư thánh Phaolô cho phép chúng ta đi vào trong kinh nghiệm thiêng liêng của ngài, trong cách ngài sống mối tương quan với Đức Chúa.  Một đoạn tinh tế khi đề cập đến, bởi vì có những thị kiến.  Những thị kiến, những xuất thần nghĩa là gì?  Không thể trách né vấn đề.  Thánh Phaolô là nhà thần bí.  Trong mức độ nào ngài có được những kinh nghiệm ngoại thường mà những người bình dân và ngay cả các Kitô hữu không chia sẻ được.  Chắc chắn thánh Phaolô là một nhà “thần bí”, một người được Chúa Thánh Thần cư ngụ; tất cả những gì chúng ta đã lặp lại cho đến bây giờ làm chứng điều đó chứng.  Vấn đề là coi xem thánh Phaolô đã biết đến một loại kinh nghiệm thiêng liêng độc đáo hay là cách ngài nói đòi hỏi một lời chú giải, với những may rủi như khi chú giải một bản văn.  Ở đây, không phải thánh Phaolô nói về Đức Chúa, chính Đức Chúa nói với ngài: “Ơn Ta là đủ; sức mạnh của Ta được tỏ ra trong sự yếu đuối” (2Cr 12, 9).

Về bối cảnh: Thánh Phaolô đang gặp khó khăn, một số không tiếp nhận ngài: có kẻ chống đối lại chứng tá của ngài.  Thánh Phaolô buộc phải tự biện hộ cho mình và ngài nêu lên tất cả những gì ngài đã chịu vì Đức Chúa: “Năm lần tôi đã bị người Do thái đánh đòn ba mươi chín trượng; ba lần tôi đã bị tra tấn; một lần tôi đã bị ném đá; ba lần tôi đã đắm tàu và đã phải qua một ngày một đêm chới với trong lòng biển.  Tôi còn hơn họ bở hành trình thường xuyên, bởi các nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì người đồng chủng, nguy hiểm vì dân ngoại bang, nguy hiểm nơi thành thị, nguy hiểm chốn hoang vu, nguy hiểm trên biển cả, nguy hiểm bởi những anh em giả” (2 Cr 11, 24-26).  Vấn đề là thế nầy “Tôi tự hào về những gì?” “Ai yếu đuối mà tôi lại không phải yếu liệt? Ai vấp ngã mà tôi lại không phải sốt người lên.  Nếu phải vinh vang, thì tôi sẽ vinh vang về các nỗi yếu đuối của tôi.  Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu – Đấng đáng chúc tụng muôn đời- Người biết tôi không nói láo”(2Cr 11, 29-31).  Cách nào đó ngài khẳng định cách ngài vượt qua những chống đối nầy, đủ mọi khó khăn gặp phải.

Thánh Phaolô tự hỏi làm thế nào ngài đối đầu với những kẻ chống đối mình và làm thế nào ngài tự giới thiệu mình với dân Côrintô; ngài đặt câu hỏi: “Phải vinh vang ư?  Đã hẳn là chẳng báo bổ gì! Tôi sẽ bắt qua các thị kiến và mặc khải Chúa ban.  Tôi biết có người trong Đức Kitô, trước đây mười bốn năm – hoặc còn trong thân xác, tôi không biết; hay ngoài thân xác tôi không biết, có Thiên Chúa biết – người ấy đã được nhắc thấu tầng trời thứ ba.    Và tôi biết rằng người ấy  – hoặc trong thân xác hoặc ngoài thân xác, tôi không biết, có Thiên Chúa biết – đã được nhắc vào Thiên đàng và được nghe những lời khôn tả, người phàm không được phép nói lại.  Về một người như thế tôi sẽ vinh vang được, chứ còn về tôi, tôi sẽ chỉ vinh vang về những nỗi yếu đuối của tôi” (2Cr 12, 1-5).

Thánh Phaolô có đặc ân xuất thần nầy đến đâu?  Khi nói về xuất thần, cần phải tìm về chiết tự: thay vì ở trên đất “stase, station” (trạm, bến, nơi), người ta bị đem đi nơi khác “ex” (khỏi).  Trong Tân Ước và đặc biệt trong Công Vụ Tông Đồ, khi thánh Phaolô nói đến thị kiến hoặc liên hệ độc đáo với Đức Chúa chính là để định hướng sứ vụ của ngài.  Tất cả kinh nghiệm thiêng liêng ngoại thường nầy là để dẫn đưa thánh Phaolô vào những giai đoạn sứ vụ truyền giáo.  Nêu ra đây ba thí dụ:

Khi thánh Phaolô ở Troa tại Tiểu Á.  “Ban đêm Phaolô thấy thị kiến: một người Makêđônia đứng khấn xin với ông rằng: Hãy qua Makêđônia, cứu giúp chúng tôi! Sau khi Phaolô đã thấy thị kiến, tức thì chúng tôi tìm cách trẩy đi Makêđônia, vì hội ra được  là chính Thiên Chúa đã gọi chúng tôi đến rao giảng Tin Mừng cho họ” (Cv 16, 9-10).  Ngài đang ở Tiểu Á, nhưng trên bờ biển.  Có phải ngài sắp trở về Tiểu Á để rao giảng tin mừng cho những vùng ngài chưa đặt chân đến hay ngài sẽ vượt qua Bosphore để đi Hy lạp và Makêđônia không?  Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ (một bạn đồng hành của thánh Phaolô lúc bấy giờ viết “chúng tôi”) nói rằng thánh Phaolô có thị kiến: một người Makêđônia gọi ngài và mời ngài đi sang bên kia bờ nghĩa là qua Hy lạp.  Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ muốn nói rằng thánh Phaolô được hướng dẫn dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần chứ không phải do suy tư riêng của ngài.

Trích đoạn hai: Thánh Phaolô đang ở Côrintô: “Một đêm kia (          ban đêm bạn có thể có những thị kiến, mộng mị đưa đến quyết định cho sứ vụ của bạn) Chúa đã phán với Phaolô trong thị kiến: ‘ Đừng sợ! Song cứ nói đi, đừng làm thinh! Vì có Ta ở cùng ngươi và không ai tra tay hại ngươi được, vì Ta có một dân đông đảo trong thành nầy’.  Ong đã đậu lại một năm rưỡi mà giảng dạy cho họ Lời Thiên Chúa” (Cv 18, 9-11).  Cũng một lược đồ như vậy: có thể thánh Phaolô đã có ý muốn đi chỗ khác; ngài đang ở Côrintô và tình thế không mấy xuôi chảy.  Đức Chúa phán với ngài: “Ở lại đó”; và ngài đã ở đó một năm rưỡi.

Trích đoạn cuối: “Xảy ra là khi tôi về Giêrusalem, và cầu nguyện trong đền thờ, tôi đã được ngất trí, và được thấy Ngài phán bảo tôi: Hãy ra mau khỏi Giêrusalem, vì chúng sẽ không đón nhận chứng của ngươi về Ta.  Tôi mới nói: ‘Lay Chúa, họ biết lắm: chính tôi đã bỏ tù và đánh đòn khắp các hội đường những kẻ tin vào Chúa; và khi người ta đổ máu Têphanô, chứng tá của Người, thì chính tôi đã có mặt và tán đồng, cùng canh giữ áo cho những kẻ giết ông.  Nhưng Ngài pn bảo tôi: ‘Hãy đi!  Vì Ta sẽ sai ngươi đi xa, đến với dân ngoại’.  Ho đã nghe ông cho đến lời ấy.  Bấy giờ họ lại giống tiếng kêu rằng: ‘Giết cái giống ấy đi khỏi mặt đất! Vì nó không đáng sống nữa!” (Cv 22, 17-22).  Sứ vụ của ngài không phải tại Giêrusalem mà ở nơi xa; mỗi lần một thị kiến được kể lại trong sách Công Vụ Tông Đồ, chính là để hướng dẫn thánh Phaolô đi vào sứ vụ.

Một lần khác: “ Đêm tiếp đến, Chúa hiện ra với ông và phán: ‘Hãy vững lòng! Ngươi đã làm chứng về Ta ở Giêrusalem thế nào , ngươi cũng phải làm chứng như vậy ở Roma nữa’” (Cv 23, 11).  Và kìa ngài ra đi đến Roma với những thắc mắc mà ngài sẽ hiểu ra trong một cuộc hành trình đầy giông tố (đắm tàu chẳng hạn).  Có điều gì núp sau những thị kiến của thánh Phaolô, chắc không phải là những xuất thần vì  vui thích hay vì ham muốn thiêng liêng (bổng chốc ngài ở với Thiên Chúa trong niềm hoan lạc cao cả); xuất thần luôn luôn là để lãnh nhận từ Đức Chúa một mệnh lệnh cho sứ vụ.  Có thể đó là loại thị kiến phù hợp với người tông đồ . . .  Thật lạ lùng, sự biện phân các sứ vụ.  Trong kinh nguyện người ta suy nghĩ về thái độ của mình.  Người ta có thể có những trực giác cá nhân đưa chúng ta về một hướng nào đó, về một dân tộc nầy hơn là về phía khác, về sứ vụ nầy hơn là sứ vụ khác.  Chúng ta đề cập điều nầy với những ai có quyền sai đi.

Điều nầy đưa chúng ta về những gì thánh Phaolô đã kinh nghiệm ban đầu, kinh nghiệm căn bản trên đường Đamát.  Về việc ngài đã kinh qua trên đường Đamát, đó không phải là một thị kiến nhưng đúng hơn đó là cuộc một gặp gỡ: ngài bị chộp trên đường; trên đường chứ không phải trên thiên đàng.  Thánh Phaolô đi về Đámát để hoàn tất một công việc: bắt bỏ tù các môn đệ của Đức Giêsu.  Trong việc mô tả kinh nghiệm nầy, một số hạn từ được sử dụng bởi vì đó là một kinh nghiệm không thể nói ra nhưng lại thực tế.  Có những hạn từ như: ánh sáng chói lòa, ánh sáng của Đức Kitô phục sinh.  Có tiếng gọi: “Saulê, Saulê, tại sao ngươi bách hại Ta?” (Cv 22, 7).  Có hành vi nhận biết hổ tương, ngài được gọi đích danh và đấng đối thoại tự giới thiệu mình: “Ta là Giêsu”.  Một kinh nghiệm đổi đời, hoán cải: ông Phaolô bị quật ngã xuống đất và được nâng dậy.  Đó là những hình ảnh chỉ một sự trở lại: Thiên Chúa đụng đến và đánh gục, Người không ở đó để ném ông xuống đất, nhưng để vực ông dậy, nắm lấy tay ông và dẫn ông đi (x. Cv 22, 10-11).  Trước tiên có sự sai đi bởi vì Đức Chúa dành riêng ông cho một sứ mệnh.  Có sự thông ban Thần khí và sức mạnh.  Đó là một loại kinh nghiệm thiêng liêng nơi đó thần linh tỏ hiện ra qua con người.  Điều nầy quả là hợp với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, của Thiên-Chúa-Người nơi Đức Giêsu.  Đó là điều phải lưu ý trên bình diện biện phân những “xuất thần” của chúng ta.  Kiểu nói của thánh nữ Têrêxa Avila trở lại với tôi: “Người ta là thánh bởi vì có những thị kiến, người ta là thánh bởi vì người ta hoàn tất sứ mệnh của mình”.  Trở lại với chương 12 của Thư 2 Côrintô.  “Tôi biết một người trong Đức Kito”.  Các nhà chú giải đều đồng ý cho rằng “con người trong Đức Kitô” là Phaolô.  Thánh Phaolô khơi lại kinh nghiệm cách đó mười bốn năm, kinh nghiệm mà ngài có thời gian sau khi trở lại: “Có trong thân xác không? Tôi không biết, có ngoài thân xác không? Tôi không biết”.  Thánh Phaolô không đủ khả năng tường thuật lại cách đúng đắn điều ngài đã sống.  Đó là kinh nghiệm được nâng cao.  Mầu nhiệm Vượt qua không chỉ là mầu nhiệm khổ nạn, chết đi và sống lại của Chúa Giêsu; mầu nhiệm Lên trời cũng tham dự vào mầu nhiệm vượt qua:  Đức Giêsu được đưa lên cao hoặc được cất về (cả hai từ này gặp thấy trong sách Công Vụ Tông Đồ).  Chỉ về việc Lên trời của Đức Giêsu, người ta phải sử dụng hình ảnh.  Phải chăng thánh Phaolô biết một loại kinh nghiệm như Elia đã có khi được cất lên trời dưới cái nhìn ngạc nhiên của Elisêô?  Kinh nghiệm nầy đã cho phép thánh Phaolô nối kết với mầu nhiệm của Đức Giêsu bị cất đi, được nâng cao.  Ngã ngựa tại Đamát, thánh Phaolô đã được nâng dậy.  Ngài không muốn nói mình có kinh nghiệm được nâng cao như một vài vị thánh có đặc sủng nầy: các ngài bổng chốc được cất lên cao một cách vật lý.  Thánh Phaolô dè dặt nói: “Tôi không biết”.  Đó có thể là một kinh nghiệm hoàn toàn nội tâm gặp gỡ Đức Chúa trong mầu nhiệm Vượt qua dưới khía cạnh Chúa Lên Trời.  Đừng tiến xa hơn điều thánh Phaolô nói: “Con người nầy được cất nhắc lên trời và nghe những lời không thể diễn tả được mà con người không được phép nói lại”.  Trong điều thánh Phaolô khẳng định đã nghe điều không thể diễn tả được, phải chăng có một kinh nghiệm thiêng liêng trong đó Đức Chúa đã muốn cho ngài biết rằng ngài có sứ mệnh loan báo Mầu nhiệm cao cả, ngài sẽ luôn luôn tìm được ngôn ngữ của loài người để nói, tuy nhiên văn chương loài người sẽ không thể diễn tả  hết sự sâu thẳm của Mầu nhiệm.

Chúng ta cũng sống kinh nghiệm nầy một cách nào đó.  Trong Thư 2 Côrintô thánh Phaolô viết: “Đội ơn Thiên Chúa, Đấng hằng kéo chúng tôi dự cuộc khởi hoàn của Người trong Đức Kitô, và đã dùng chúng tôi mà làm cho hinh hương tri thức của Người lan toả khắp nơi” (2 Cr 2, 14).  Qua kinh nghiệm mà chúng ta có về Đức Chúa, chúng ta chia sẻ ngay từ bây giờ, khởi hoàn của Đức Chúa để làm cho lan toả tri thức của Người.  “Vì chúng ta là hương thơm của Đức Kitô, dâng kính Thiên Chúa …  Và ai nào cáng đáng nổi” (2 Cr 2, 15-16).  Vị tông đồ đã luôn tự nhủ rằng không bao giờ ngài có thể nói về Đức Kitô một cách toàn triệt.  Bên sau từ ngữ “mầu nhiệm” mà thánh Phaolô dùng nhiều lần, nhất là trong Thư Êphêxô, có chiều kích của thần linh mà trí khôn con người không đạt tới được.  Trong các tường thuật về ơn gọi của các Tiên tri, chúng ta có những công thức dạng nầy.  Trong cuộc gặp gỡ với Đức Chúa, tiên tri Giêrêmia không biết phải nói gì.  Kinh nghiệm của ngôn ngữ nói rằng miệng lưỡi nhân sinh, một cách nào đó không thể diễn tả về mầu nhiệm.  Nhưng điều cốt yếu là kinh nghiệm của lễ Hiện Xuống: của Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình lưỡi lửa, ra lệnh cho các tông đồ nói bằng ngôn ngữ nhân loại và nói về Thiên Chúa bằng lời con người, điều mà chính Đức Giêsu đã thực hiện trong suốt sứ mệnh của Người.

Thánh Phaolô thêm rằng: “Về một người như thế ( có lẽ đã thấy những thị kiến ngoại thường) tôi sẽ vinh vang được, chứ còn về tôi, tôi sẽ chỉ vinh vang về những yếu đuối của tôi (Thánh Phaolô sẽ đính chính lập trường nầy: không tự kiêu trong kinh nghiệm thiêng liêng ngoại thường).  Và nếu muốn vinh vang, tôi sẽ không phải là điên khùng, vì tôi nói thật.  Nhưng xin miễn, kẻo có người đánh giá tôi quá điều họ biết, bởi thấy nơi tôi, hay nghe tôi nói.  Và ngõ hầu những mặc khải cao siêu khỏi làm tôi quá tự tôn, thì tôi đã được một cái dằm đâm vào thân xác, một thần sứ Satan, để nó vả mặt tôi để tôi khỏi quá tự tôn” (2 Cr 12, 5-7).  Đức Chúa đã không muốn thánh Phaolô chưng ra hình ảnh siêu nhân, một con người thành toàn, một kiểu anh hùng làm say mê người khác bằng phẩm tính nhân loại của mình.  Ngài đã bị dằm đâm vào da thịt.  Không biết đích xác ngài cố ý nói gì.  Phải chăng ngài luôn bị một yếu đuối nào đó như về thể lý, hay tâm lý.  Ngài chỉ là con người đáng thương.  Sẽ hiểu hơn khi đọc: “Về điều nầy, đã ba lần tôi nài xin Chúa cho nó rời khỏi tôi (cái dằm nầy, việc của thần sứ Satan trong ngài, sự dữ vật lý, tâm lý cư ngụ nơi ngài).  Nhưng Ngài đã phán bảo tôi: Ơn ta là đủ cho người.  Vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành! Vậy tôi rất đỗi vui sướng mà vinh vang nơi các sự yếu đuối của tôi, để quyền năng ThiênChúa đậu lại trên tôi” (2 Cr 12, 8-9).  Như vậy ngài vinh vang trong các yếu đuối của mình.  Điều quan trọng đối với thánh Phaolô, không phải là những mặc khải ngoại thường, nhưng chính kinh nghiệm của ngài về Đức Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá mà ngài mang trong mình.  Tông đồ là người được ghi dấu thánh.

Kinh nghiệm căn bản của Kitô hữu và của người tông đồ là kinh nghiệm vượt qua.  Nếu đã được cất lên với Đức Kitô trong Thiên Chúa điều đó chỉ có thể là bằng con đường của sự yếu đuối, của nghèo khó, của thập giá, của sự chết.  Người ta sống cuộc tử nạn mà vẫn tin vào sự sống lại.  Thánh Phaolô có thể biết những hình thái cầu nguyện, tương quan với Đức Chúa của ngài làm thoát ra khỏi cái bình thường, đó là những  xuất thần: những thị kiến nầy có thể làm ngài vững mạnh, củng cố ngài một cách cá nhân, an ủi ngài.  Nhưng để bảo đảm việc tông đồ của ngài, ngài không có nền tảng nào khác hơn là Đức Kitô bị bách hại đã tỏ ra cho ngài trên đường Đamát, Người không hiện ra cho ngài trên trời nhưng trên con đường dương thế.  Thánh Phaolô là tông đồ chân chính bởi vì ngài đã theo Đức Chúa, ngài yếu đuối, bị thần sứ Satan vả mặt, bị cái dằm đó đâm vào thịt.  Thánh Phaolô không có điểm tựa nào khác ngoài Đức Giêsu, mà Đức Giêsu bị đóng đinh: “Giữa anh em tôi chỉ muốn biết Đức Giêsu Kitô và Đức Giêsu Kitô bị đóng đinh” (1 Cr 2, 2).  Sự ám chỉ đến các thị kiến cho chúng ta tìm ra bên kia những hình thức kinh nguyện của thánh Paholô là chiều sâu thẳm của đời sống thiêng liêng truyền giáo Tin Mừng của ngài.  Đó là kinh nghiệm riêng của ngài về mầu nhiệm vượt qua, ngài không chỉ rao giảng mà còn sống mầu nhiệm ấy nữa.  Cuộc khổ nạn của ngài hiệp nhất với cuộc khổ nạn của Đức Kitô trong yếu đuối làm ngài nên chứng nhân đích thực, hơn là những ân huệ ngoại thường và tri thức về Thiên Chúa mầu nhiệm.  Điều quan trọng là kết hiệp với Chúa Kitô, “sống trong Chúa Kito”; đó là cùng đau khổ (theo nghĩa chiết tự : compassion) với Chúa Kitô, đấng thiết lập phẩm giá của lời ngài nói và chứng tá tông đồ của ngài.  Không có con đường nào khác hơn Đức Giêsu và Đức Giêsu bị đóng đinh: “Chúng tôi mang trong thân mình chúng tôi cuộc tử nạn của Đức Giêsu, ngõ hầu sự sống của Đức Giêsu cũng được hiện tỏ nơi mình chúng tôi” (2 Cr 4, 10).

Thánh Phaolô có kinh nghiệm về kinh nguyện không được Chúa nhận lời.  Đối với kinh nguyện của chúng ta đó là điều quan trọng.  Ngài đã cầu xin được giải thoát để được mạnh mẽ, vững vàng hơn: “Về điều nầy, đã ba lần tôi nài xin Chúa cho nó rời khỏi tôi.  Nhưng Ngài đã phán bảo tôi: Ơn ta là đủ cho người.  Vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành!” (2 Cr 12, 8-9).  Thánh Phaolô đón nhận nhiều hơn: một câu trả lời của Đức Chúa soi sáng.  Bằng cách nói khác, khi thánh Phaolô có cám dỗ xây dựng trên chính mình, trên sức khoẻ, trên phẩm hạnh của mình, trên thành công tông đồ, ngay cả trên kinh nghiệm thần bí, Đức Chúa nhắc lại cho ngài điều nsẽ luôn luôn là nguồn suối cho sự linh hoạt tông đồ chói sáng: đầy đủ ân sủng.  Mọi sự là ân huệ.  Mọi sự được đón tiếp, nhìn nhận,l được sống như là ân huệ và thế là đủ rồi.  Ước gì lời cầu nguyện được sức khoẻ để thiết lập thành công tông đồ tốt nhất trở thành hành động tạ ơn.  Mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa.  Sức mạnh của Người được khẳng định, được tỏ hiện ra và được lan toả ngay nơi sự yếu đuối của vị tông đồ.  Như thế trong kinh nguyện tông đồ, đối thoại nhân loại thỏ thẻ với Đức Chúa (chúng ta không biết cầu nguyện và cầu nguyện thế nào), Đức Chúa nhắc lại cho chúng ta, làm cho chúng ta kinh nghiệm rằng ân sủng là tất cả sức mạnh và như vậy là đủ.  Ngài trình bày gương mặt của Đức Giêsu vươn cao, giương lên trên thập giá và trong vinh quang.  Thánh Phaolô có kinh nghiệm theo chân Đức Kitô và kết hiệp với Đức Kitô.  “Vì thế tôi vui thoả trong các nỗi yếu đuối, trong lăng nhục, trong quẫn bách, trong bắt bờ và cùng khốn vì Đức Kitô.  Vì khi tôi yếu, thì chính bấy giờ tôi mạnh” (2 Cr 12, 10).

Cho dù có khi xuất thần, kinh nguyện của thánh Phaolô là kinh nguyện của người nghèo, có khi không phù hợp với những ước muốn của ngài, nhưng đó cũng là kinh nguyện biết ơn về ân huệ đầy đủ mà ngài thấy xảy đến cho ngài liên lỉ và đó luôn là ân huệ của Đức Giêsu trong Vượt qua của Người.  Như là tông đồ, chứng nhân lễ Vượt qua của Đức Chúa, thánh Phaolô chỉ có thể diễn tả, nơi trọng tâm của một diễn từ, khi ngài phải tự bào chữa cho mình, ngài nhìn nhận ân huệ cao cả luôn ban cho ngài: tham dự vào quyền năng của Đức Chúa với điều kiện ngài theo chân Đức Chúa trong khổ nạn của mình.  Kinh nguyện của vị tông đồ phải ở mức kinh nguyện của người nghèo, kinh nguyện của người bị quẫn bách; chính trong mức độ đó Đức Chúa trả lời cho ngài.  Mọi kinh nguyện chân chính phải là kinh nguyện của kẻ nghèo hèn.  Đó là kinh nguyện của Đức Trinh Nữ Maria, của thánh Phaolô.  Đó là cách thức mà Đức Chúa làm việc trong thế gian nầy.  Xin trích một đoạn văn của Gioan Vuaillat để nói cách hành động của Thiên Chúa, thường xem ra ngã lòng, bởi vì thay vì phục vụ những người quyền thế, Người lại phục vụ những kẻ nghèo hèn.  “Thiên Chúa cần một vị thủ lãnh dẫn dắt dân Chúa; Người đã chọn một cụ già, trỗi dậy một Môsê. Thiên Chúa cần một đá tảng để làm nền tảng cho toà nhà; Người đã chọn một người phản bội, trỗi dậy một Phêrô.  Thiên Chúa cần một gương mặt để nói cho thiên hạ về tình yêu của Người; Người đã chọn một con điếm, đó là Maria Mađalêna.  Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô to sứ điệp của Người; Người đã chọn một người bách hại và trỗi dậy một Saulê Tạc-Xô”.  Chúng ta có thể kết luận rằng Đức Chúa cần người nam, người nữ để lời của Người được tiếp tục lan truyền trong thế giới:  Người đã chọn tôi.  Người đã chọn chúng ta.  Nếu chúng ta run sợ trước sứ mệnh được trao ban cho chúng ta, chúng ta chắc chắn rằng, tất cả những gì chúng ta là, nhờ hồng ân của Thiên Chúa chúng ta có thể hoàn thành sứ mệnh đó.

 

 

WGPKT(12/03/2023) KONTUM