09.01.2023 – Thứ Hai Tuần I Thường Niên Năm A – Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Bài đọc 1: Is 42,1-4.6-7

Đây là người tôi trung Ta hết lòng quý mến.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1 Đức Chúa phán :

“Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,
là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến,
Ta cho thần khí Ta ngự trên người ;
người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.
2Người sẽ không kêu to, không nói lớn,
không để ai nghe tiếng giữa phố phường.
3Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.
Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.
4Người không yếu hèn, không chịu phục,
cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.
Dân các hải đảo xa xăm đều mong được người chỉ bảo.
6Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi,
vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta.
Ta đã nắm tay ngươi,
đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân,
làm ánh sáng chiếu soi muôn nước,
7để mở mắt cho những ai mù loà,
đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ,
dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

Đáp ca: Tv 28,1a và 2.3ac-4.3b và 9b-10 (Đ. c.11b)

Đ.Xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an.

1aHãy dâng Chúa, hỡi chư thần chư thánh,2Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người,
và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện.

Đ.Xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an.

3acTiếng Chúa rền vang trên sóng nước,
Chúa ngự trên nước lũ mênh mông.4Tiếng Chúa thật hùng mạnh !
Tiếng Chúa thật uy nghiêm !

Đ.Xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an.

3bThiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm,9bcòn trong thánh điện Người,
tất cả cùng hô : “Vinh danh Chúa !”10Chúa ngự trị trên cơn hồng thuỷ,
Chúa là Vua ngự trị muôn đời.

Đ.Xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an.

Bài đọc 2: Cv 10,34-38

Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong Người.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

34 Khi ấy, ông Phê-rô lên tiếng nói : “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. 35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.

36 “Người đã gửi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của mọi người. 37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. 38 Quý vị biết rõ : Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.”

Tin Mừng:Mt 3,13-17

Chịu phép rửa xong, Đức Giê-su thấy Thần Khí Thiên Chúa đến ngự trên Người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

13 Bấy giờ Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói : “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !” 15 Nhưng Đức Giê-su trả lời : “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.

16 Khi Đức Giê-su vừa chịu phép rửa xong, Người lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra ; Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và có tiếng từ trời phán rằng : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ: CGKPV 

Suy niệm 1: TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Chúa Giêsu chịu phép rửa của Thánh Gioan Tiền Hô không phải vì Ngài có tội, nhưng vì muốn nêu gương sống khiêm hạ liên đới với tội lỗi loài người. Ngài cũng tỏ cho ta về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và Ngài thánh hóa nước để thiết lập Bí tích Rửa tội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người ta hàng hàng lớp lớp kéo đến với Thánh Gioan Tiền Hô để bày tỏ lòng sám hối. Con thấy thật dễ hiểu, vì người ta tội lỗi. Nhưng chính Chúa cũng đến lãnh phép rửa ở đó. Sao thế, lạy Chúa ? Nhờ Giáo Hội hướng dẫn giải thích, con rất xúc động. Chúa là Đấng thánh thiện và cao cả vô cùng, thế mà còn hạ mình mang lấy tội lỗi chúng con. Còn con thì hằng muốn cho mình nổi danh. Con đầy tội lỗi, thế mà lắm lúc ngại ngùng đi xưng tội. Con thích người ta đề cao con. Con thích người ta để con làm những việc quan trọng hoặc chức vụ lớn lao. Con dễ mất lòng khi không toại ý mong muốn.

Chúa đến lãnh nhận phép rửa để làm gương cho con một lối sống. Con là con Chúa Cha, là em Chúa. Con xin học nơi Chúa. Con muốn sống khiêm hạ như Chúa, nhưng con thấy nơi mình có những tâm tình tự kiêu tự mãn. Xin Chúa giúp con. Con xin hiến dâng toàn thể con người con, nhất là những yếu đuối để Chúa sửa đổi và thánh hóa con. Con muốn thuộc trọn về Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, khi Chúa chịu phép rửa tại sông Giođan, Ba Ngôi Thiên Chúa đã hiện diện và tỏ cho nhân loại biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin Chúa Ba Ngôi luôn hiện diện trong tâm hồn con, để con được cảm nhận tình thương của Chúa Cha, đón nhận ơn cứu độ của Chúa Con và được thánh hóa nhờ Chúa Thánh Thần. Xin giúp con biết sống bí tích Rửa Tội bằng cách luôn giữ tâm hồn mình trong sáng. Amen.

Ghi nhớ“Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”.

Nguồn suy niệm 1: WTGPSG

Suy niệm 2: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

NHẬP CUỘC TRẦN GIAN

 

Lễ Hiển Linh và Lễ Chúa Chịu Phép Rửa. Từ lâu Giáo hội ít phân biệt cách minh bạch giữa hai lễ nầy, vì cả hai đều nói đến việc Chúa tỏ mình ra.  Sau Công Đồng Vaticanô II, lễ Chúa chịu phép Rửa mới mang tính độc lập.  Tuần vừa qua, chúng ta mừng lễ Chúa Hiển linh, mừng mầu nhiệm các Đạo Sĩ đến thờ lạy Chúa, qua trình thuật nầy thánh Mátthêu nhấn mạnh tính hoàn vũ của ngày lễ Giáng Sinh.  Ánh sáng của hang đá Bêlem không chỉ soi chiếu dân Ítraen mà thôi, nhưng còn kêu gọi một cách tiên tri các dân tộc trên thế gian bước theo ánh sáng đến với ơn Cứu chuộc. 

Còn lễ Đức Giêsu chịu phép Rửa lại nhấn mạnh đến một cái nhìn khác, đặt nổi mầu nhiệm nhập thể, nhấn mạnh đến sự liên đới và dấn thân quyết liệt, một đi không trở lại của Con Thiên Chúa xuống thế làm người và ở lại với con người.  Thiên Chúa, hiện thân nơi Đức Giêsu thành Nadarét, Người không chỉ đến thế gian để thăm viếng mà thôi, nhưng Người còn đến nhận lấy thân phận mỏng giòn của kiếp người với tất cả bất trắc và bấp bênh của nó.  Còn cử chỉ nào mang nhiều ý nghĩa hơn việc Chúa hoà mình vào dòng người thống hối, bước xuống sông Giođan, đón nhận phép rửa thống hối.  Người buớc xuống, đứng vào chỗ của tội nhân để cho Gioan tẩy giả thanh tẩy mình, cho dù Người vô tội. 

Bước xuống nước, chính là đi vào thế giới cõi âm đầy nguy hiểm và đe dọa chết chóc, quan niệm Đông phương thường coi đại dương là nơi thủy thần hà bá cư ngự, là vương quốc tử thần.  Ông Gioan tẩy giả phản đối việc làm phép rửa thống hối cho Đức Giêsu, vì ông biết chỗ đứng của Người không phải ở vị trí nầy, nhưng ý định của Chúa lại khác, Người muốn thật sự mạo hiểm nhập cuộc thân phận con người với tất cả bất ổn và chết chóc.  Người đứng vào vị trí của tội nhân, Người thật sự nhập thể và nhập thế, nhận lấy thân phận con người.  “Người trở nên như chúng ta ngoại trừ tội lỗi” để chia sẻ thân phận con người và để cứu độ con người. 

Và khi Người bước lên khỏi nước, trời mở ra và có lời Thiên Chúa phán: “Nầy là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta” (Bài Tin Mừng. Mt 3, 13-17), đó là cảnh tượng thiên đàng mà Chúa ban cho thân phận nhân loại được cùng Người tham dự ánh sáng phục sinh.  Ngay tại sông Giođan ánh sáng Phục sinh đã le lói tiên báo ngày sống lại mà phép rửa là tiền xướng.  Qua việc bước xuống nước và “bước lên khỏi nước các tầng trời mở ra”, cho chúng ta hiểu rằng nếu chúng ta cùng chết với Người thì chúng ta sẽ cùng sống lại với Người.  Sự thay đổi rõ rệt khi bước xuống là chết đi và khi bước lên là sống lại.

Đấng Emmanuen, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, như Isaia đã loan báo, chính là Đức Giêsu, chính Người đã khai trương sứ vụ công khai của mình bằng cử chỉ liên đới, một cử chỉ mang tính hoàn vũ, Người mãi mãi ở với nhân loại, cử chỉ nầy hơn bất cứ bài diễn văn nào khác khẳng định Thiên Chúa chọn trần gian làm quê hương và mãi mãi ở lại với trần gian bất chấp những biến động, bất ổn và bấp bênh.  Cả bốn Tin Mừng đều tường thuật sự kiện nầy. 

Thánh Thần đổ xuống trên Đức Giêsu khi Người bước lên khỏi nước, và Thánh Thần đẩy Người vào hoang địa chịu ma quỷ cám dỗ, một dấu chỉ nói lên thân phận nhân loại của Người, và cũng là thân phận của bất cứ người phàm nào, đó là bị ma quỹ cám dỗ.  Dìm mình trong nước sông Giođan, tiên báo cuộc chiến đấu vì nhân loại được khởi sự nơi Đức Giêsu và Người sẽ đi đến cùng là dìm mình trong máu tử nạn thập giá.  Nhưng Thần khí, dấu chỉ chim Bồ câu, làm cho Người sống lại đi vào mùa xuân bất tận vì : “Ta là Chúa, Ta đã giữ gìn ngươi, đã đặt ngươi thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để ngươi mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm” (Bài đọc 1.  Is 42, 1-4, 6-7).  Đó chính là sứ mạng của Đức Giêsu được công bố ngày Người chịu phép rửa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nhận lấy thân phận con người để cứu độ nhân loại, Chúa luôn làm đẹp lòng Cha, xin cho con biết khiêm hạ nhận lấy thân phận tội nhân và luôn cố gắng sống đẹp lòng Chúa. Amen




WGPKT(08/01/2023) KONTUM