Hội Truyền Giáo Thánh Phêrô Tông Đồ (Bài 10)

BÀI 10 – HỘI TRUYỀN GIÁO THÁNH PHÊRÔ TÔNG ĐỒ

Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống

(1Pr 8, 16).

A. Mở đầu

Mục đích: Giúp tham dự viên hiểu rõ hơn về Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ và tham gia Hội này theo hướng dẫn của Hội Thánh.

Nội dung: Bài này gồm ba ý chính:

1) Vị sáng lập Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ.

2) Thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ.

3) Nhiệm vụ của các Hội viên.

Yêu cầu:

1. Luôn có quyển Tân ước trong tay, để có thể tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa.

2.Tích cực suy nghĩ và thảo luận các câu hỏi của bài

B. Gợi ý trình bày nội dung

1.      Vị sáng lập Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ

1 a. Bạn thấy vai trò của linh mục và tu sĩ trong GH cần thiết thế nào?

1 b, Việc đào tạo để có các linh mục tu sĩ là việc của ai?

a. Diễn giải đề 1:

Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ được một nữ giáo dân người Pháp tên là Jeanne Bigard cùng với người mẹ của mình thành lập năm 1889 với mục đích xây dựng một chủng viện ở bên Nhật. Sáng kiến này đã nhanh chóng trở nên phổ biến và liên tiếp với mục tiêu cụ thể là ủng hộ việc đào tạo các giáo sĩ và tu sĩ địa phương trong những vùng truyền giáo. Cho đến ngày nay, nhiệm vụ cao cả này vẫn tiếp tục.

Năm 1922, Đức Giáo hoàng Piô XI đã nâng Hội này lên vị trí “Hội Giáo hoàng” cùng với các Hội khác là: Hội Truyền bá Đức Tin và Hội Nhi đồng Truyền giáo.

Hiện nay, Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ đang hiện diện và hoạt động trong 120 quốc gia.

2.      Thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ

a. Năm phút tham dự viên thảo luận (nhóm 3 người thảo luận tại chỗ)

1. Với mục đích của hội này, các thành phần nào trong giáo xứ nên tham gia?

2. Thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ ghi nhớ điều gì?

b. Diễn giải đề 2:

Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là ân sủng của Chúa Thánh Thần ban cho Hội Thánh và hoa quả của lòng nhiệt thành truyền giáo nơi các vị sáng lập. Các Hội này luôn khích lệ tất cả các tín hữu tham gia vào đời sống tông đồ của Hội Thánh (x. Điều Lệ, 12). Do đó, tất cả mọi Kitô hữu đều có thể và rất cần trở nên thành viên của các Hội Giáo hoàng truyền giáo tùy theo chức năng của mình.

Tuy nhiên, để thuận tiện về mặt tổ chức, thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ được đề nghị (chứ không bắt buộc) như sau:

1) Thành viên nòng cốt: Ban Chức việc, các giáo phu hay Kọ Khul; Giới gia trưởng và Hiền mẫu, Hiệp hội Lòng Thương Xót và các đoàn thể đạo đức khác trong giáo xứ

2) Các thành viên khác: những chủng sinh và tu sĩ trong giai đoạn tập viện và học viện.

Thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ luôn nhớ cầu nguyện cho hàng giáo sĩ và tu sĩ đang sống và làm việc xung quan họ, vì những người này đang thi hành sứ vụ Chúa trao. Ngoài ra, họ cũng luôn ý thức về tầm quan trọng của chức linh mục và đời sống thánh hiến, đồng thời khích lệ con cháu mình dấn thân trong đời sống này để phục vụ sứ mạng loan báo Tin mừng trong Hội Thánh tại các địa phương.

3.      Hoạt động của Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ

a. Năm phút tham dự viên thảo luận (nhóm 3 người thảo luận tại chỗ)

1. Theo bạn, ơn gọi linh mục tu sĩ cần thiết thế nào cho việc truyền giáo trong Hội Thánh?

2. Chia sẻ trong nhóm một vài việc cụ thể bạn nghĩ thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ có thể làm.

b. Diễn giải đề 3:

Rao giảng Lời Chúa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các linh mục. Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục dạy rằng: “Dân Chúa được đoàn tụ trước hết là nhờ lời Thiên Chúa hằng sống. Lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các linh mục. Thực vậy, chính lời Chúa quy tụ Dân Chúa quanh bàn thờ. Cũng chính nhờ lời giảng dạy mà các linh mục thực hiện nhiệm vụ truyền giáo chính yếu của các ngài” (PO 4).

Đối với tu sĩ cũng vậy, Sắc lệnh về canh tân thích nghi ðời sống dòng tu nói rằng: “Tinh thần truyền giáo phải được tuyệt đối duy trì trong các hội dòng, được thích nghi tùy bản chất riêng của mỗi dòng với hoàn cảnh hiện tại, để việc rao giảng Phúc Âm giữa muôn dân được hữu hiệu” (PC 20). Như vậy, ơn gọi linh mục tu sĩ rất cần thiết cho việc truyền giáo trong Hội Thánh.

Những việc cụ thể thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ có thể làm được kể như sau. Trước hết, họ vẫn chu toàn bổn phận và đặc sủng riêng của đoàn thể mà họ đang tham gia bằng cầu nguyện và dâng lễ hằng ngày. Kế đến, họ cầu nguyện cho việc truyền giáo. Tiếp theo, họ có thể tiết kiệm chi tiêu gia đình để cộng tác hỗ trợ công việc đào tạo linh mục và tu sĩ. Và điều quan trọng nữa là họ khích lệ con cháu mình tích cực sống đời dâng hiến trong bậc sống tu trì để trở nên môn đệ truyền giáo hơn.

C. Tóm tắt bài học

1. H. Vị sáng lập Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ là ai?

T. Vị sáng lập Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ là một nữ giáo dân người Pháp tên là Jeanne Bigard. Hội này được thành lập năm 1889. Đến năm 1922, Đức Giáo hoàng Piô XI đã nâng lên thành Hội Giáo hoàng.

2. H.Thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ bao gồm những ai?

T. Thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ được đề nghị bao gồm: Ban Chức việc, các giáo phu hay Kọ Khul; Giới gia trưởng và Hiền mẫu, Hiệp hội Lòng Thương Xót và các đoàn thể đạo đưc khác trong giáo xứ cùng với những chủng sinh và tu sĩ trong giai đoạn tập viện và học viện.

3. H.Thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ ghi nhớ điều gì?

T. Thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ luôn nhớ cầu nguyện cho hàng giáo sĩ và tu sĩ tại địa phương. Đồng thời khích lệ con cháu tích cực dấn thân trong đời sống thánh hiến.

4. H.Ơn gọi linh mục tu sĩ cần thiết thế nào cho việc truyền giáo trong Hội Thánh?

T. Ơn gọi linh mục tu sĩ rất cần thiết cho việc truyền giáo trong Hội Thánh vì rao giảng Lời Chúa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các giáo sĩ và tu sĩ.

5. H.Những việc cụ thể thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ là gì?

T. Những việc cụ thể thành viên Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ là cầu nguyện cho việc truyền giáo và khích lệ ơn gọi tu trì trong Hội Thánh.

WGPKT(07/09/2021) KONTUM