Kinh Truyền Tin 18/6: Thiên Chúa Đang Ở Gần

Trưa Chúa Nhật 18/6, Đức Thánh Cha đã trở lại đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô sau một tuần nằm viện vì ca phẫu thuật. Bài huấn dụ ngắn của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh dựa trên Tin Mừng Chúa Nhật thứ 11 thường niên.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình đến tất cả những ai, trong những ngày tôi nằm viện tại Phòng khám đa khoa Gemelli, đã dành cho tôi tình cảm, sự quan tâm và tình bạn, đồng thời cũng đã nâng đỡ tôi bằng những lời cầu nguyện. Sự gần gũi con người và thiêng liêng này đã giúp đỡ tôi và an ủi tôi rất nhiều. Cảm ơn tất cả anh chị em từ tận đáy lòng tôi!

Hôm nay, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu gọi đích danh và sai mười hai Tông Đồ. Khi sai các ông đi, Người yêu cầu các ông loan báo một điều duy nhất: “Hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần” (Mt 9:38). Đó cũng là lời loan báo mà Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng: Nước Thiên Chúa, nghĩa là vương quyền tình yêu của Người, đã đến gần, nó đến giữa chúng ta. Và đây không phải là một tin giữa những tin khác, mà là thực tế nền tảng của cuộc sống: sự gần gũi của Thiên Chúa, sự gần gũi của Chúa Giêsu.

Thật vậy, nếu Thiên Chúa ở gần, chúng ta không đơn độc trong cuộc sống và ngay cả trong khó khăn, chúng ta không mất niềm tin. Đây là điều đầu tiên cần nói cho con người: Thiên Chúa không ở đâu xa, nhưng Người là Cha, Người biết bạn và yêu thương bạn; Người muốn nắm tay bạn, ngay cả khi bạn đi trên những con đường dốc và gập ghềnh, ngay cả khi bạn vấp ngã và khó đứng dậy để tiếp tục con đường của mình. Thật vậy, thường những lúc bạn yếu đuối nhất, bạn có thể cảm thấy sự hiện diện của Người mạnh mẽ nhất. Người biết đường, Người ở cùng bạn, Người là Cha của bạn!

Chúng ta dừng lại ở hình ảnh này, bởi vì việc loan báo Thiên Chúa ở gần chúng ta mời gọi chúng ta nghĩ về mình như một đứa con đang nắm lấy cha mình tay trong tay: đối với nó, mọi sự dường như khác. Thế giới rộng lớn và bí ẩn trở nên quen thuộc và an toàn, vì con trẻ biết mình được bảo vệ. Nó không sợ hãi và học cách mở ra: gặp gỡ những người khác, tìm những người bạn mới, vui vẻ học hỏi những điều nó không biết và sau đó về nhà và kể cho mọi người những gì nó đã thấy, trong khi trong nó không ngừng ước muốn trở thành người lớn và làm được điều mà nó thấy người cha đã làm. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu bắt đầu từ đây, tại sao sự gần gũi của Thiên Chúa là lời loan báo đầu tiên: nhờ gần gũi với Thiên Chúa, chúng ta vượt qua sợ hãi, chúng ta mở ra với tình yêu, chúng ta lớn lên trong sự thiện hảo và chúng ta cảm nhận được nhu cầu và niềm vui của việc loan báo.

Nếu chúng ta muốn là những tông đồ tốt, chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ: ngồi “trên gối của Thiên Chúa” và từ đó nhìn thế giới với lòng tin tưởng và yêu mến, để làm chứng rằng Thiên Chúa là Cha, chỉ một mình Người biến đổi tâm hồn chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui và sự bình an mà tự chúng ta không thể có được.

Loan báo rằng Thiên Chúa đang ở gần. Làm điều đó thế nào? Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu khuyên đừng nói nhiều lời, nhưng hãy làm nhiều cử chỉ yêu thương và hy vọng nhân danh Chúa: “Chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Đây là trọng tâm của lời loan báo: lời chứng nhưng không, việc phục vụ. Tôi nói điều này: Tôi luôn rất bối rối trước những người “ba hoa”, họ nói quá nhiều mà chẳng làm gì cả.

Đến đây, chúng ta hãy tự hỏi một vài câu hỏi: chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa gần gũi, chúng ta có tin tưởng vào Người không? Chúng ta có biết tin tưởng nhìn về phía trước, như đứa con biết mình đang được cha bồng trên tay không? Chúng ta có biết quỳ gối cầu nguyện với Chúa Cha, lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích không? Và cuối cùng, được liên kết với Người, chúng ta có biết khơi lên lòng can đảm nơi người khác, đến gần những người đau khổ và cô đơn, những người ở xa và cả những kẻ thù địch với chúng ta không? Đây là tính cụ thể của đức tin, đây là điều quan trọng.

Giờ đây chúng ta cầu xin Mẹ Maria, Đấng giúp chúng ta cảm thấy được yêu thương và thông truyền cho chúng ta sự gần gũi và tin tưởng.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến ngày 20/6 tới đây là Ngày Tị nạn Thế giới do Liên Hiệp Quốc khởi xướng. Ngài nghĩ đến các nạn nhân của vụ đắm tàu kinh hoàng xảy ra ngoài khơi bờ biển Hy Lạp trong những ngày trước gây nên nỗi buồn và đau đớn vô hạn. Đức Thánh Cha lặp lại lời cầu nguyện cho những người đã mất và kêu gọi làm mọi sự có thể để ngăn chặn những thảm kịch tương tự.

Đức Thánh Cha cũng không quên dân tộc tử đạo Ucraina và xin mọi người đừng quên dân tộc này.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 

Nguồn: Vatican News