Bảy Kỹ Năng Trẻ Học Được Trong Gia Đình Đông Con

BẢY KỸ NĂNG TRẺ HỌC ĐƯỢC TRONG GIA ĐÌNH ĐÔNG CON

Cerith Gardiner

 

Trong thế giới công nghiệp hoá, con số những gia đình đông con ngày càng ít phổ biến hơn. Do đó, có thể nói, việc có nhiều anh chị em ruột là một điều may mắn về nhiều phương diện. Thật vậy, được lớn lên trong một gia đình đông anh chị em mang đến một sự giáo dục độc đáo, giúp phát triển một số kỹ năng tuyệt vời, khi mỗi ngày đều là những bài học về tình yêu thương, sự kiên nhẫn, hợp tác… vốn là những bài học không được dạy bằng lý thuyết mà được học bằng cách thực hành cùng với anh chị em trong gia đình.

Dưới đây là một số kỹ năng và phẩm chất mà trẻ có thể học được và phát triển trong gia đình của mình.

1. Óc tổ chức

Một trong những điều khi lớn lên trong một gia đình đông người là bạn có sự cân bằng tinh tế giữa các thỏa thuận và sắp xếp. Ví dụ, nếu muốn dành được phòng tắm, bạn sẽ phải sắp xếp và đảm bảo rằng bạn chọn thời điểm hoàn hảo để sử dụng nó. Kỹ năng này còn giúp bạn chắc chắn rằng bạn tìm thấy quần áo sau khi giặt và vật dụng khi bạn cần, đặc biệt nếu anh chị em có xu hướng “mượn” đồ của bạn.

2. Khả năng thích ứng

Theo lẽ thường, trong gia đình đông con, không phải lúc nào trẻ cũng có những tiện ích mới nhất, nhưng chính điều này đã dạy trẻ học biết rằng cuộc sống còn có nhiều điều hơn là của cải vật chất. Ngoài ra, về phương diện tinh thần, khi mọi thứ không diễn ra theo đúng kế hoạch, trẻ học được cách tiếp cận linh hoạt hơn. Từ việc chia sẻ không gian đến quản lý lịch trình, trẻ học cách thích nghi và xử lý linh hoạt các tình huống khác nhau. Kỹ năng này giúp trẻ chấp nhận sự thay đổi và phản ứng khéo léo trước những khúc mắc bất ngờ của cuộc sống, ngay cả khi điều đó có thể xảy ra một vài cuộc tranh cãi nào đó.

3. Giao tiếp

Trong thời điểm mà chủ nghĩa cá nhân được đề cao, thì việc có đông anh chị em dạy trẻ biết quản lý cảm xúc của mình bằng từ “chúng ta” chứ không chỉ bằng từ “tôi”. Với nhiều tiếng nói được vang lên trong gia đình đông anh chị em, việc giao tiếp trở nên cần thiết để có được sự hòa hợp. Trẻ có cơ hội trau dồi kỹ năng nghe và nói khi học cách thể hiện bản thân giữa những cuộc trò chuyện sôi nổi. Giao tiếp hiệu quả thúc đẩy sự hiểu biết, đồng cảm và kết nối sâu sắc hơn, đồng thời phản ánh tầm quan trọng của giao tiếp rõ ràng và nhân ái, điều này có thể giúp ích lâu dài trong việc trẻ xây dựng các mối tương quan trong tương lai.

4. Giải quyết xung đột

Những cuộc cãi vã giữa anh chị em là một phần tất yếu của tiến trình phát triển trong bất cứ gia đình nào, nhưng những cuộc cãi này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong một gia đình đông con. Thông qua những xung đột này, trẻ phát triển các kỹ năng giải quyết xung đột, học cách dàn xếp, làm hoà, và tha thứ. Thật vậy, khi học cách bảo vệ bản thân, trẻ cũng đồng thời được nhắc nhớ rằng người khác cũng tồn tại để biết trân trọng những phẩm chất độc đáo của nhau. Nhờ đó, trẻ nhận thức giá trị của sự khiêm tốn và hòa giải, vốn là trọng tâm của các giá trị Kitô.

5. Tinh thần trách nhiệm

Trong một gia đình lớn, mọi người đều góp sức để giữ cho con thuyền gia đình thuận buồm xuôi gió. Trẻ thực hành tinh thần trách nhiệm bằng cách đảm nhận các nhiệm vụ, ví dụ như chăm sóc các em nhỏ hơn và góp phần mình vào việc vun đắp hạnh phúc của gia đình. Điều này thúc đẩy ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm giải trình và khả năng quản lý, phù hợp với ơn gọi mà Kitô hữu chúng ta phải quan tâm đến thụ tạo của Thiên Chúa.

6. Lòng trắc ẩn

Có thể nói rằng lòng trắc ẩn là điều tuyệt vời nhất khi là thành viên của một gia đình lớn. Vì thực, giữa những tiếng ồn ào và một mức độ hỗn loạn nào đó, trẻ không bao giờ hoàn toàn cô đơn, không bao giờ gặp rắc rối một mình, vì biết rằng sẽ luôn có ai đó bên cạnh. Ngoài ra, trẻ học cách chia sẻ và hòa hợp với người khác một cách tự nhiên khi tận mắt chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn của anh chị em mình, chính điều này nuôi dưỡng sự đồng cảm, lòng nhân ái và vị tha, vốn là những đức tính rất cần thiết không chỉ trong đời sống xã hội mà còn trong đời sống đức tin.

7. Tính hài hước

Một điều tỏa sáng khi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em là có vô số cơ hội để cười. Cho dù đó là cười khúc khích trước những câu chuyện gây cười của anh chị em, hoặc trước những câu chuyện ngớ ngẩn của chính mình. Điều này giúp trẻ phát triển khiếu hài hước, và đây sẽ là một món quà có thể được sử dụng trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống.

Ngày nay, khi nhiều người tự giới hạn mình trong các kênh liên lạc kỹ thuật số, thì sự hiện diện anh chị em trong gia đình giúp trẻ nhận thức về bản thân rõ hơn để khiêm tốn chấp nhận mình và mở lòng để thiết lập tương quan với người khác một cách chân thành.

***

Chắc chắn, chẳng có gia đình nào là hoàn hảo, nhưng gia đình đông con là môi trường rất hữu hiệu để trẻ thể hiện lòng biết ơn trước sự rộng lượng của cha mẹ, đã đón nhận từng người con của mình như chúng là; trước tình yêu thương đùm bọc mà mỗi người trong anh chị em dành cho nhau, bất kể những khác biệt về tính tình, phong cách. Đồng thời, khi trải nghiệm những khoảnh khắc dịu dàng, nhân ái trẻ nhận thức được cảm xúc, nhu cầu của người khác và phát huy những phẩm chất tốt đẹp một cách không gượng ép khi biết đoàn kết, chia sẻ, nâng đỡ lẫn nhau. Và trên tất cả, khi cùng cầu nguyện chung với nhau trong bầu khí gia đình, trẻ ý thức được thế nào là gia đình Kitô hữu và Giáo hội tại gia, nơi mỗi người thể hiện và sống bản chất “hiệp thông và gia đình” của Giáo hội như gia đình của Thiên Chúa.

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Chuyển ngữ từ: aleteia.org (07. 04. 2024)

Nguồn: daminhthanhtam.com