Chúa Nhật V Phục Sinh, Năm B (CN 28.04.2024) – Hãy Ở Lại Trong Thầy

Bài đọc 1: Cv 9,26-31

Ông Ba-na-ba tường thuật chuyện ông Sao-lô được thấy Chúa hiện ra trên đường.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

26 Hồi ấy, khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ. 27 Ông Ba-na-ba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Sao-lô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào. 28 Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. 29 Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông. 30 Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô.

31 Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.

Đáp ca: Tv 21,26b-27.28 và 30a.30b-32 (Đ. x. c.26a) 

Đ.Lạy Chúa, giữa lòng đại hội, con nguyện tán dương Ngài.

26bĐiều khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn
trước mặt những ai kính sợ Người.27Kẻ nghèo hèn được ăn uống thoả thuê,
người tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng.
Cầu chúc họ vui sống ngàn đời.

Đ.Lạy Chúa, giữa lòng đại hội, con nguyện tán dương Ngài.

28Toàn thế giới, muôn người nhớ lại
và trở về cùng Chúa.
Mọi dân tộc dưới trần
phủ phục trước Tôn Nhan.30aMọi kẻ ngủ yên trong lòng đất
sẽ đều bái lạy một mình Người,
phàm những ai trở về cát bụi
sẽ cùng phủ phục trước Thánh Nhan.

Đ.Lạy Chúa, giữa lòng đại hội, con nguyện tán dương Ngài.

30bPhần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa,31con cháu tôi sẽ phụng sự Người.
Thiên hạ sẽ nói về Đức Chúa
cho thế hệ tương lai,32truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người,
rằng : “Đức Chúa đã làm như vậy !”

Đ.Lạy Chúa, giữa lòng đại hội, con nguyện tán dương Ngài.

Bài đọc 2: 1 Ga 3,18-24

Đây là điều răn của Chúa : Chúng ta phải tin và phải yêu thương nhau.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

18Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi,
nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.
19Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng
chúng ta đứng về phía sự thật,
và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa.
20Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta,
Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta,
và Người biết hết mọi sự.
21Anh em thân mến,
nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta,
chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa.
22Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho,
bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người
và làm những gì đẹp ý Người.
23Đây là điều răn của Người : chúng ta phải tin
vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người,
và phải yêu thương nhau,
theo điều răn Người đã ban cho chúng ta.
24Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa
thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,
đó là nhờ Thần Khí,
Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

Tung hô Tin Mừng:x. Ga 15,4a.5b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy, thì sinh nhiều hoa trái.” Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Ga 15,1-8

Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THỜI ĐẠI CỦA CHÚA THÁNH THÂN

Hôm nay, hơn hai mươi thế kỷ sau biến cố Đức Giê-su Phục sinh, chúng ta đọc lại lịch sử và cảm nhận được những điều kỳ diệu của đức tin Ki-tô giáo. Quả vậy, từ một nhóm nhỏ các môn đệ, hầu hết là những người quê mùa ít học, niềm tin Đức Giê-su là Thiên Chúa đã vượt qua biên giới Do Thái, đến các vùng Tiểu Á, đến thủ đô La Mã và đến tận cùng trái đất. Ai đã làm nên điều kỳ diệu ấy? thưa: Chúa Thánh Thần. Tác giả sách Tông đồ Công vụ đã nhận định: “Hồi ấy… Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Bài đọc I). Đức Giê-su đã về trời. Giai đoạn tiếp nối là thời đại của Chúa Thánh Thần. Điều đó có nghĩa Chúa Thánh Thần hoạt động và nâng đỡ cộng đoàn đức tin sơ khai. Nhờ tin vào Chúa Giê-su Phục sinh, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, mà các tông đồ, cụ thể là ông Phê-rô và ông Gio-an, làm được những phép lạ, như Chúa Giê-su đã làm trước đây. Các ông làm cho người què đi được, người liệt được khỏi và thậm chí người đã chết được sống lại (x. Cv 9,31-42).

Ngay từ ban đầu, các tông đồ chưa có lý luận thần học cao siêu. Các ông chỉ khẳng định điều các ông đã nhìn thấy: Đức Giê-su thành Na-da-rét, vị Ngôn sứ có quyền năng trong lời nói và việc làm. Vị ấy đã chết và được mai táng đúng như lời Thánh Kinh, và chúng tôi đã gặp Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Đó là cốt lõi đức tin mà sau này các nhà thần học gọi là Kerygma (lời rao giảng hay giáo lý ban đầu). Tất cả đức tin Ki-tô giáo đều khởi nguồn từ điều tuyên xưng này.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cộng đoàn Ki-tô hữu, chúng ta còn nhận thấy Thiên Chúa đã thực hiện một cuộc chinh phục kỳ diệu, đó là nhân vật Sao-lô, sau này là Phao-lô, vị Tông đồ dân ngoại. Ông có mặt trong lúc người Do Thái ném đá Stê-pha-nô. Ông cũng là người hăng hái tìm giết các Ki-tô hữu. Nơi ông bừng bừng nhiệt huyết trung thành với Lề Luật và muốn giết những người ông cho là phản loạn. Trên đường đi Đa-mát, Chúa Giê-su đã chinh phục ông. Từ một chiến binh say máu giết chóc, ông trở nên một tông đồ nhiệt thành rao giảng về Đấng chịu đóng đinh! Với ơn phù trợ của Chúa, Sao-lô đã vượt lên chính mình, gạt bỏ mọi tự ái, chủ động tìm cách liên lạc và nhập đoàn với các tông đồ, mặc dù nơi các ông này còn đầy thành kiến với quá khứ của ông. Nếu ông Sao-lô không có mặt với các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, thì cuộc gặp gỡ với Đấng chịu đóng đinh trên đường đi Đa-mát lại làm cho ông được đầy Chúa Thánh Thần. Đó là lễ Hiện Xuống đối với ông. Đức Giê-su đã chinh phục ông Sao-lô để sai ông đến với các dân ngoại. Được đào tạo trong môi trường trí thức, ông Sao-lô có đủ khả năng để trình bày giáo thuyết Ki-tô giáo cho các dân ngoại, đồng thời viện dẫn Luật ông Môi-sen để chứng minh: Đức Giê-su đã cứu nhân độ thế bằng máu của Người. Những hy lễ xưa, nay không còn giá trị. Tác giả sách Tông đồ Công vụ đã viết: “Ông (Sao-lô) thường đàm đạo và tranh luận với những người Do Thái theo văn hoá Hy Lạp. Những cuộc đàm đạo này không mang lại kết quả, vì một số người Do Thái căm ghét, cho ông là phản bội và tìm cách giết ông. Tuy vậy, không vì thế mà ông nản lòng, nhưng hướng về các dân ngoại. Sau này, thánh Phao-lô trải lòng: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng của Người cho các dân ngoại” (Gl 1,15-16a). Việc đổi tên từ Sao-lô thành Phao-lô là một cuộc lột xác, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

Nếu các môn đệ của Chúa Giê-su hăng hái rao giảng và làm chứng Người đã sống lại, là nhờ có Đấng Phục sinh luôn hiện diện với họ. “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Chúa Giê-su đã khẳng định như thế. Cuộc sống của người tín hữu chỉ có ý nghĩa khi sống trong Đức Giê-su, ở lại với Người. Động từ “Ở lại” được Chúa Giê-su nhắc đi nhắc lại trong Tin Mừng thánh Gio-an, và sau này vị tác giả còn lặp đi lặp lại nhiều lần trong các thư của ông. Mục đích đời sống Ki-tô hữu là được ở với Chúa, gắn bó với Người. Nhờ đó được chia sẻ đời sống siêu nhiên và hạnh phúc bất diệt ngay khi họ còn sống ở đời này, giữa những bận rộn bon chen và mưu mô của trần gian.

Thời của Chúa Thánh Thần cũng là thời của Giáo Hội, là thời của chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần tác động, lúc nào cũng có rất nhiều tâm hồn, nam cũng như nữ, dấn thân theo Chúa, chấp nhận những gian nan đau khổ và thử thách chông gai. Người tin Chúa không còn mặc cảm tội lỗi của quá khứ, cũng như Sao-lô không còn mặc cảm về những điều gian ác ông đã làm. Trái lại, ông mạnh dạn và can đảm tuyên xưng Đức Giê-su, đồng thời loan báo Người tại bất kỳ nơi nào ông đặt chân tới. Đối với thánh Phao-lô, quá khứ không còn quan trọng, nhưng luôn thẳng tiến về phía trước. Thánh Gio-an, trong Bài đọc II, cũng chung một ý tưởng: “Nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những điều đẹp ý Người. Như thế, mạnh dạn đến với Chúa và ở lại trong Người, bất chấp quá khứ tội lỗi và bất xứng, là lời mời gọi của Chúa đến với mỗi chúng ta.

Đấng Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn soi sáng để chúng ta tin và đón nhận Chúa Phục sinh. Sống theo ơn Chúa Chúa Thánh Thần, thành tâm lắng nghe lời Ngài chỉ dẫn, sẽ giúp chúng ta gặp gỡ Đấng Phục sinh và được ở lại trong Người.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

(tonggiaophanhanoi.org)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

SỰ LIÊN KẾT CÀNH VÀ CÂY

 

Cành liền với cây là điều tối cần thiết để cây sống và cành phát triển, nhựa trong thân cây nuôi dưỡng, duy trì sự sống cho cây và cành.  Dân Do thái từ giả đời sống du mục mà đơn vị đo lường kinh tế thường dựa vào đàn chiên làm thước đo tài sản, định mức giàu nghèo, họ bước vào đời sống định canh định cư, họ làm quen với đời sống nông nghiệp lấy cây nho làm định mức kinh tế.  Đất đai xứ Palestina nắng nhiều mưa ít thuận lợi cho việc trồng nho, cây nho, vườn nho trở nên tiêu chí đánh giá kinh tế của gia đình.

Cây nho vùng này là cây đa niên cành lá xum xuê được tiên tri Mikha mô tả, người ta có thể ngồi dưới gốc cây nho nghỉ ngơi (x. Mk 4, 4) chứ không như cây nho chúng ta thường thấy.  Cây nho là nguồn phú túc vô giá đối với nhà nông Do thái.  Chắc chắn khi bón phân cho vườn nho và tỉa cành để cây được sai trái, người Do thái am hiểu hệ sinh thái của vườn nho và cây nho, từ đó rút ra những bài học thực tế giúp quảng diễn mối liên hệ sống chết giữa Đức Giêsu và các môn đệ.

Từ hệ sinh thái thực vật, hình ảnh được dùng để hiểu và diễn tả mối liên hệ sống chết của dân Do thái với Thiên Chúa.  Vườn nho chính là dân Do thái.  Và gốc nho còn sót lại là Đức Giêsu, đã trở thành gốc nho hạng nhất: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (x. Bài Tin Mừng. Ga 15, 1-8).

Có sự gắn kết mật thiết sinh tử giữa thân và cành: “Thầy là cây nho, anh em là cành.  Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái … Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngòai như cành nho và sẽ khô héo” (Ga 15, 1-8).  Sự sống này phát sinh từ Đức Giêsu Kitô, từ máu châu báu của Người đổ ra trên thập giá, lưu xuất qua người tín hữu Kitô.

Sự sống này đã được tiên báo tại tiệc cưới Cana, khi Đức Giêsu làm phép lạ cho sáu chum nước hóa thành rượu ngon một cách hào phóng, việc làm như lời xác minh đầy thuyết phục cho mọi người biết để tin vào Người, đó cũng là lời loan báo về sau rượu nho trở thành Máu Chúa Kitô trong phép Thánh Thể nuôi sống Giáo Hội.  Như vậy nhịp thứ nhất nước trở thành rượu tại tiệc cưới Cana, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận rượu trở nên máu thánh Chúa Kitô nơi bàn Tiệc ly nuôi sống người tín hữu.

Nhựa sống từ cây Thập giá đã chảy sang người trộm lành, khi ông trở lại và tuyên xưng đức tin của mình khi chịu khổ hình cùng với Chúa Giêsu và tức thì ông được Đức Giêsu hứa sẽ cho ông được thưởng lên thiên đàng với Người ngay hôm đó; nhựa sống này cũng chảy tràn sang viên đại đội trưởng khi ông tuyên xưng: “Người này đích thực là người công chính”, và dâng tràn sang “đám đông dân chúng kéo đến xem cảnh tượng Chúa chết, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngục trở về” (x. Lc 23, 47-48).

Thầy là cây nho, anh em là cành”, nhựa sống phục sinh lật nhào con người bách hại đạo nổi tiếng trên đường Đamát, và làm cho cộng đoàn: “hồi ấy, trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (x. Bài Đọc 1. Cvtđ 9, 26-31).  Nhựa sống đó là Thánh Thần, là tình yêu chảy từ Thiên Chúa: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta” (x. Bài Đọc 2. 1Ga 3, 18-24).

Suối mạch sự sống trào tràn từ biến cố tử nạn và phục sinh, đủ khả năng làm say ngất nhân loại và thiết lập sự hiệp thông không thể tưởng tượng nổi giữa Chúa Kitô và thân thể mầu nhiệm của Người.  Sự sống này, tình yêu nầy, đã nuôi sống hằng tỷ người tin vào Chúa Kitô, ai đón nhận sự sống này thì được hiệp thông với tình yêu Chúa Kitô và với toàn thể Giáo Hội.

Qua bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được sáp nhập vào thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, được máu Chúa Kitô nuôi dưỡng như cành nho tất yếu phải liên kết với thân cây nho mới có nhựa sống, lớn lên và phát triển.  Nhựa sống đó là tình yêu  mà ở “đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa trời” tức có văn hóa sự sống, Thiên Chúa là tình yêu thì Thiên Chúa là văn hóa của sự sống.  Tuy nhiên ngày nay xuất hiện văn hóa sự chết, chắc chắn văn hóa đó không phát xuất từ Thiên Chúa, người ta không thể nhân danh Thiên Chúa để sát hại nhân loại.  Văn hóa sự chết hủy hoại sự sống, văn hóa đó không thể là sản phẩm của Thiên Chúa vì mâu thuẫn với bản tính của Người.

Lạy Chúa Giêsu Kitô phục sinh, con xin cảm tạ đội ơn Chúa vì Chúa đã ban sự sống cho nhân lọai, để nhờ đó chúng con trở nên huynh đệ của nhau có chung một niềm hy vọng, xây dựng một thế giới công bằng và bác ái. Amen

_______________________

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

NHƯ CÀNH LIỀN CÂY

Suy niệm

Với Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mối tương quan thân thương với Ngài như là mục tử với đoàn chiên. Chúa Nhật 5 Phục Sinh này, Chúa mời gọi chúng ta đi vào một mối tương quan sâu đậm hơn nữa với Ngài qua hình ảnh cây nho và cành nho.

Cây nho là biểu tượng bình an và thịnh vượng của dân Do Thái. Có lẽ vì thế mà hình ảnh cây nho đã được khắc trên đồng tiền Do Thái dưới thời Maccabê, thế kỷ II trước Công nguyên. Theo sử gia Josephus, vua Hêrôđê còn trang trọng gắn trên cửa Đền thờ một cây nho bằng vàng.

Trong Kinh Thánh, cây nho cũng từng được nhắc đến với tần xuất khá cao, để khắc họa dân tộc Israel, mà Thiên Chúa đã từng yêu thương giải thoát khỏi kiếp đọa đầy nô lệ ở Ai Cập: “Gốc nho này Chúa bứng từ Ai Cập, đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng. Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu mà lan rộng khắp nơi.” (Tv 80, 9-10).

Isaia sáng tác một bài dân ca mừng vườn nho xinh tươi của người bạn (5, 1-2) để ám chỉ tình thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Còn Giêrêmia nói đến việc Thiên Chúa chăm sóc Israel như một khu vườn nho gia bảo; ai ngờ đâu Israel lại đền đáp lại bằng thái độ bất trung, bất nghĩa, khiến Thiên Chúa phải buồn trách: “Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hóa thành những cây nho tạp chủng?” (Gr 2,21). Dù sự việc tệ hại đã xảy ra, nhưng tác giả Thánh Vịnh vẫn xướng lên một bài ca với niềm hy vọng: “Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vươn trồng” (Tv. 80, 15-16).

Hôm nay, Đức Giêsu đã đến, Ngài xóa đi hình ảnh cây nho đã bị thoái hóa, lai tạo, và long trọng tuyên bố: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho…, anh em là cành”. Như cành nho được thông phần sự sống khi gắn liền với thân nho, người tín hữu cũng nhờ gắn bó với Đức Kitô mà được thông dự vào sự sống của chính Thiên Chúa. Vì thế, “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Lời mời gọi lặp lại nhiều lần gần như nài van, nhưng làm thế nào để chúng ta có thể thực hiện sự kết hợp thâm sâu này với Chúa?

Đức Giêsu cho chúng ta biết cách kết hợp với Ngài là để cho “Lời Thầy ở lại trong anh em”. Thực tế là chúng ta đang được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng việc tuân giữ giới răn và huấn lệnh của Ngài. Nhưng bản thân ta không phải lúc nào cũng có thể tiếp nhận dồi dào sự sống của Đức Kitô. Vì phận người hèn yếu, mà ma quỉ lại không ngừng gieo rắc những xấu xa trong tâm tưởng, là những con sâu đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn. Những con sâu của sự ích kỷ, kiêu căng, lười biếng, ghen ghét, hận thù… Cần nhận ra tình trạng của mình và tìm cách tẩy sạch những mầm bệnh đang khống chế bản thân.

Có thể cành lá không bị sâu xia mà lại mọc ra rất um tùm. Xem ra cây rất xanh tươi, nhưng Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái”. Vì thế, cây nào không sinh hoa trái thì Người chặt đi.  Nhưng muốn cây có hoa trái, thì phải để cho Người cắt tỉa lá cành. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào việc sinh hoa kết trái. Cành đã sinh trái, nhưng cũng cần phải cắt tỉa để sinh trái nhiều hơn. Cắt tỉa như vậy làm ta nhức nhối và đau đớn. Nhưng chỉ có như vậy, ta mới loại bỏ được những tệ hại đang xâm chiếm các năng lực, để đón nhận nhựa sống tràn đầy của Đức Giêsu.

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau và cái chết để đem lại hoa quả là ơn cứu độ cho con người. Chúng ta cần để Chúa Cha cắt tỉa những kiểu sống hình thức bên ngoài, những um tùm của lòng tự ái, của bệnh sĩ diện, bệnh thành tích, tính phô trương và háo danh… Chúa để ta gặp những thống khổ như một cách thanh luyện. Nhận ra như thế để ta không lo sợ và buồn sầu, trái lại, càng bám sát lấy Chúa bằng chìm sâu trong cầu nguyện, và tận dụng mọi cơ hội để cải hóa bản thân.

Vinh quang của Thiên Chúa là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Thất bại của Thiên Chúa là sự cằn cỗi của chúng ta. Không hề có sự xung đột giữa vinh quang Thiên Chúa và sự sống phong phú của con người. Bất cứ kết quả phong phú nào trong đời sống hay việc truyền giáo đều hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ chúng ta được liên kết với Đức Giêsu.

Chỉ trong Chúa, đời ta mới triển nở dồi dào. Một sự độc lập khờ khạo sẽ dẫn đến héo khô và tàn úa. Bất cứ sự toan tính nào nhằm đạt tới kết quả mà không cần tới sự hiệp thông với Chúa đều là một thất bại, “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Có những cành nho ra đầy hoa trái,
nhờ sức sống của thân cây mang lại,
muốn thế cành phải gắn chặt với cây,
để đón nhận dòng nhựa sống tràn đầy.

Cuộc đời con cũng phải y như vậy,
luôn ở lại trong Chúa mỗi phút giây,
tiếp nhận sự sống Chúa hằng tuôn chảy,
hầu sinh hoa và kết trái mỗi ngày.

Nhưng ở lại trong Chúa không phải dễ,
vì đời con luôn có những đam mê,
Bản thân con hay lỗi ước quên thề,
và những lời Chúa dạy dễ bỏ bê.

Nhưng con biết khi mình xa rời Chúa,
là đời con sẽ héo úa khô cằn,
chẳng còn mong tươi tốt và triển nở,
và mọi cái sẽ dang dở không thành.

Xin cho con luôn bám chặt vào Chúa,
dù nhiều khi bị cắt tỉa đau thương,
bởi đời con có những thứ tầm thường,
vẫn đeo bám làm tiêu hao năng lượng,
những vấn vương như cành lá rườm rà,
khiến đời con không sinh hoa kết quả.

Chúa vẫn mong có từng mùa thu lợi,
nhiều hoa trái con cống hiến cho đời,
xin cho con hằng ở lại trong Chúa,
hầu đón nhận dòng nhựa nguyên tươi mới,
là sự sống Phục Sinh vẫn rạng ngời,
để lan tỏa an bình đến mọi nơi. Amen.

(gpmytho.com)

—————————-

Suy niệm 4: Lm. Minh Anh

KHIÊM HẠ VÀ TẠ ƠN
“Không có Thầy, các con không thể làm gì được!”.

Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay toát lên một cảm nhận kép của ‘hiệp nhất và yêu thương’ cùng lúc với ‘gây sốc và khó chịu’. ‘Hiệp nhất và yêu thương’ khi Chúa Giêsu nói, “Thầy là cây nho, các con là cành”; nhưng ‘gây sốc và khó chịu’ khi Ngài thêm, “Không có Thầy, các con không thể làm gì được!”. Vậy mà suy cho cùng, đây là một lời nhắc nhở tuyệt vời! Và còn hơn cả lời nhắc nhở, đây là một chân lý sống còn của người môn đệ Chúa Kitô; chân lý này bất ngờ đưa chúng ta đến hai tâm tình quý hơn vàng, đó là ‘khiêm hạ và tạ ơn’.

Để diễn tả mối tương quan giữa Ngài với các môn đệ, Chúa Giêsu dùng hình ảnh thân nho và cành nho, một hình ảnh trìu mến và không ít lãng mạn. Thế nhưng, thoạt nghe, “Không có Thầy, các con không thể làm gì được!”, thì dường như có một điều gì đó gây tổn thương; một sự tổn thương ở lòng tự ái của chúng ta và tổn thương này lại dẫn đến những phản ứng tiêu cực với lời nhắc nhở. Chúng ta không làm gì được nếu không có Chúa, có phải là một sự thật không? Nói như thế, có quá lắm không? Rõ ràng, câu trả lời cho điều này là “Có”; vì Chúa Giêsu không bao giờ nói dối, và Ngài cũng không khoác lác. Chúng ta không thể làm gì được nếu không có Chúa! Để minh hoạ, Ngài đưa ra một ví dụ tượng hình dễ hiểu, “Cũng như cành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy”.

Trên thực tế, nếu Thiên Chúa lãng quên chúng ta trong một khoảnh khắc, nào ai sẽ có thể tồn tại. Ngay cả sự tồn tại cũng phụ thuộc vào Thiên Chúa; khi Ngài tiếp tục trong ý chí của Ngài rằng, chúng ta tồn tại; vì thế, chúng ta tồn tại. Đó là chưa nói đến việc làm điều lành, tạo nên một sự khác biệt, sống một cuộc sống hữu ích… chúng ta lại càng không thể đạt được, nếu không có ân sủng của Ngài. Vì thế, dẫu “Không có Thầy, các con không thể làm gì được!” có thể khó nghe, nhưng nếu ngẫm nghĩ thường xuyên một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ xác tín và nắm bắt sự thật này. Và hậu quả sẽ là hai tâm tình tốt lành xảy ra bên trong chúng ta, đó là ‘khiêm hạ và tạ ơn’.

Trước tiên, chúng ta sẽ trưởng thành trong sự khiêm hạ. Khiêm hạ hay khiêm nhường là “Mẹ của các nhân đức”; bởi lẽ, từ nhân đức này, các nhân đức khác sẽ trào tuôn. Khiêm hạ giúp chúng ta nhận ra rằng, Thiên Chúa là tất cả và chúng ta cần Ngài với 100% nhu cầu. Khiêm nhường cho phép chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự và mời Ngài đi sâu vào mọi ngõ ngách đời mình.

Tâm tình thứ hai sẽ xảy đến khi chúng ta nhận ra rằng, chúng ta không thể làm gì nếu không có Chúa, đó là chúng ta sẽ lớn lên trong lòng biết ơn. Khi biết Thiên Chúa là tất cả ‘và lúc ấy’, chúng ta bắt đầu cảm nhận, chính Ngài đang tuôn đổ liên lỉ ân sủng này đến ân sủng khác trong cuộc sống của chúng ta; bấy giờ, tâm tình thích hợp duy nhất của chúng ta sẽ là “Tạ ơn”. Chúng ta sẽ biết ơn Chúa về mọi điều vì chúng ta nhận ra rằng, mọi sự tốt đẹp đều là quà tặng đến từ Ngài.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ và thư thánh Gioan hôm nay cũng cho thấy điều đó. Hội Thánh sơ khai sống trong tâm tình ‘khiêm hạ và tạ ơn’ khi nhận ra ân huệ Thánh Thần và bình an của Chúa Phục Sinh đang ở với họ. Trong niềm kính sợ Chúa, các Kitô hữu đón nhận nhau trong yêu thương; các tông đồ đón nhận Phaolô nhờ sự giới thiệu của Barnaba… Và Hội Thánh bình an hoan hỷ như Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ, “Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội”.

Trong những ngày hôm nay, bao nhiêu anh em Ấn Độ đang chao đảo vì dịch bệnh. Họ đang đứng bên bờ vực tử thần; có người bi quan nói, “Không ai trong chúng tôi mà không dương tính với Corona”. Ranh giới giữa sống và chết của họ thật mong manh. Biết bao nhiêu người đang chạy khắp các thành phố để tìm mua bình Oxy; lý do, một số bệnh viện chỉ đón bệnh nhân khi người nhà mang theo Oxy. Vậy Oxy chúng ta đang hít thở từng giây đến từ đâu nếu không phải từ Thiên Chúa! Khí trời nuôi dưỡng thể xác cần đến thế, phương chi là Thần Khí nuôi dưỡng tâm linh!

Anh chị em,
Cành nho chỉ tồn tại và sinh trái khi được gắn liền với thân nho. Mỗi người chúng ta cũng chỉ tồn tại khi biết gắn liền với Chúa Kitô; nói cách khác, sự sống của Chúa chính là sự sống của chúng ta. Chúng ta là người phàm nhưng đang sống cùng, sống cho, sống với và sống nhờ sự sống thần linh của Ngài. Sống bởi sự sống của Ngài, chúng ta sinh hoa kết trái, đó là các tố chất thuộc phẩm tính thần linh. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta sống trong tâm tình ‘khiêm hạ và tạ ơn’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa cho con nhận thức được sự bất lực của con. Xin cho con luôn sống trong tâm tình ‘khiêm hạ và tạ ơn’ và đừng bao giờ để mình bị bứt ra khỏi Chúa, bởi Chúa là nguồn sống của đời con”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

WGPKT(24/04/2024) KONTUM