Nếu có lần bạn phải giơ tay lên trời, đỏ mặt, tía tai, rồi hằm hằm la lối với con: “Tại sao mày không nghe lời tao? Tại sao mày cứ cãi tao?” Và nếu điều đó xảy ra thì bạn đừng bỡ ngỡ, vì bạn không phải là người duy nhất đã hành động như vậy. Và con cái bạn cũng không phải là những đứa trẻ duy nhất không vâng lời hoặc cãi trả cha mẹ! Nhưng điều mà chúng ta cần tìm hiểu trong vai trò làm cha mẹ là: Tại sao? Đâu là những lý do khiến cho con cái không nghe lời chúng ta?
Là cha mẹ, chúng ta tất cả đều muốn rằng con cái phải nghe lời và không được chống lại ý muốn của mình. Nhưng rất nhiều lần những cái chúng ta cho là quan trọng, là cần thiết ấy lại không phải là những gì sống chết đến độ con cái phải nhắm mắt vâng lời. Trong khi nhẽ ra chúng ta chỉ cần sự cộng tác,thì chúng ta lại đòi hỏi con cái phải khuất phục.Trên thực tế, khuất phụclà hành động dẫn đến sự liên đới, hợp nhất khô khan và nghèo nàn; ngoài ra, nó còn là cơ hội dẫn đến những hành động bạo hành của cha mẹ và phản kháng của con cái.
Theo tâm lý học, người ta sẽ dễ dàng để mình bị khuất phục, hoặc vâng lời một ai đó khi tìm được sự kính trọng, và nể phục. Trong mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái cũng tương tự như vậy. Dĩ nhiên, giữa cha mẹ và con cái còn bị ràng buộc bởi mối tình thiêng liêng ruột thịt, nên việc vâng lời của con cái đôi khi vượt khỏi những lý lẽ tự nhiên, trong đó đã bao gồm lệnh truyền “thảo kính” cha mẹ của đạo làm con. Tuy vậy, cha mẹ trong vai trò là thầy, là người hướng dẫn, và nhà giáo dục cũng cần phải áp dụng những phương pháp giáo dục sao cho phù hợp với tâm lý trẻ, cũng như tâm lý giáo dục. Không phải hễ là cha mẹ thì muốn nói gì cũng được, muốn nói sao con cái cũng phải nghe. Thực tế đã cho thấy rằng càng dùng quyền, càng cưỡng bức, áp đặt con cái, con cái càng tìm cách tránh xa, hoặc luồn lách những gì cha mẹ đòi hỏi.
Sau đây là một số những lý do thông thường dẫn đến việc con cái không nghe lời cha mẹ được phân tích và tổng hợp căn cứ theo bài viết của Jen Lumanlan, M.S., M.Ed trên Psychology Today, phổ biến ngày 31 tháng 7, 2023.
1. Thiếu sự gần gũi. Mối giây liên kết mật thiết giữa cha mẹ và con cái là chìa khóa mở cánh cửa hợp nhất. Cha mẹ tối thiểu nên dành 10 phút mỗi ngày để gần gũi, lắng nghe, quan sát và chơi với con cái hầu hiểu được sự phát triển cũng như những thay đổi của chúng. Con càng nhỏ, thời gian dành cho con càng cần thiết.
2. Cấm cản con cái. Những gì mà con cái đang theo đuổi, thí dụ, các chương trình thể thao, văn nghệ, ca nhạc, kỹ thuật, hoặc các đa mê khác, đa số các em không muốn cha mẹ ngăn cản và cấm cách. Dĩ nhiên, đây là những sở thích, những đa mê lành mạnh. Trong những trường hợp ấy, hành động ngăn cản, cấm đoán của cha mẹ sẽ được hiểu như tiếng nói tiêu cực, tiếng nói phản đối mà con cái khó lòng tiếp nhận.
Đa số con cái cãi lại hoặc phản đối cha mẹ trong những trường hợp này, là vì cha mẹ tỏ ra không hiểu hoặc không muốn hiểu sở thích, sở trường hoặc đa mê của con cái. Tuổi trẻ có thể làm những gì để phát triển tài năng, và theo đuổi những đa mê của chúng. Cha mẹ nên khuyến khích, cổ võ hơn là phản đối hoặc cấm cản.
3. Nói không đúng lúc. Thường xuyên cha mẹ nói với con cái không đúng nơi, đúng lúc. Có nghĩa là muốn nói gì, nói lúc nào, nói ở đâu thì nói. Những trường hợp như vậy, tiếng nói của cha mẹ sẽ không đem lại kết quả vì thiếu sự chú ý của con cái. Nói đúng nơi, đúng lúc mới đem lại sự chú ý của con cái. Ngoài ra, không chỉ là lời nói, cha mẹ cũng có thể dùng ánh mắt, dùng cử chỉ (ngôn ngữ cơ thể) để nói.
Cha mẹ bận thì con cái cũng bận. Riêng về điều này, cha mẹ cần phải hiểu là tuổi trẻ không có ý niệm về thời gian. Để tránh khỏi phải la lối, khó chịu, cha mẹ có thể dùng những phương tiện như đồng hồ, thời khóa biểu để nhắc nhở con cái. Những câu nói: “Tao chỉ còn 5 phút nữa thôi. Mày mau mau lên”. Đi trễ, về sớm là thói xấu mà nhiều phụ huynh phải tự ý thức khi dạy con cái về việc đúng giờ giấc.
4. Nhiều mệnh lệnh cùng một lúc. Nhiều việc dồn dập, nhiều hướng dẫn và mệnh lệnh cùng một lúc khiến trẻ em phân vân, khó hiểu và không có sự lựa chọn thích hợp. Một mệnh lệnh nếu muốn được con cái tuân theo phải rõ ràng, có thời gian thực hiện, và có những hướng dẫn cần thiết.
5. Trẻ em muốn làm theo cách chúng muốn. Khi cha mẹ bảo con cái làm một cách, ngược lại, chúng muốn làm theo cách riêng của chúng. Trường hợp ấy nếu bắt ép chúng làm theo cách của mình là không hợp với giáo dục và tâm lý.
Cách tốt nhất để chúng thử cách chúng muốn làm và khuyến khích chúng. Nếu thất bại thì đó là bài học cho chúng.
6. Sửa phạt khi nóng giận. Nói không được thì la hét, mắng chửi. Đây là cách dạy dỗ phản giáo dục. Khi nóng nảy, cha mẹ rất khó lòng bình tĩnh để nói năng nhẹ nhàng, lý lẽ phải trái với con. “Nói ngọt lọt đến xương”. Con cái không “tâm phục, khẩu phục”, vì lời nói và thái độ nóng nảy, thiếu kiên nhẫn, và thiếu bình tĩnh của cha mẹ.
7. Quyết đoán và kết án. Khi cha mẹ nói với con cái, tránh dùng những lời lẽ quyết đoán và kết án: “Tao biết mày quá mà!” Hay: “Tao đẻ mày ra tao không biết mày sao?” Trẻ em rất tinh ý và hiểu rằng những lời lẽ và cách nói ấy là nhằm phỏng đoán, hoặc đoán mò. Đương nhiên là các em khó chấp nhận, sẽ cãi lại, và sẽ phản đối. Muốn con cái nghe mình, thì “có nói có, không nói không”. Không phỏng đoán, quyết đoán, hoặc kết án bằng cách: “Suy bụng ta ra bụng người.”
8. Không hiểu nhu cầu con cái. Cha mẹ không hiểu nhu cầu con cái, ngược lại, con cái cũng không hiểu những mong muốn của cha mẹ. Sự hiểu lầm và thiếu thông cảm sẽ dẫn đến những lời nói gay gắt, bất đồng, hoặc bất hòa. Nhiều lần dẫn đến bạo hành trong gia đình.
Trẻ con thường thích những nhu cầu bình thường mà không đòi hỏi phải nghe nói nhiều. Chúng muốn được đề cập đến những gì chúng cảm thấy quan trọng trong đời sống mà không phải nói ra. Điều này khiến chúng cảm thấy dễ dàng cộng tác với cha mẹ trong những gì mà cha mẹ muốn chúng làm.
“Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Giáo dục không chỉ là một hành động thông thường, một việc làm theo tập tục, hoặc văn hóa, nhưng nó còn là một nghệ thuật: Nghệ thuật chinh phục lòng người. Để thấu triệt và hiểu biết con đường nghệ thuật này, cha mẹ phải thường xuyên học hỏi, trau dồi và dĩ nhiên chính mình phải thực hành. Sách Huấn Ca nói: “Khi người cha nhắm mắt, ông vẫn không chết. Vì ông còn để lại những đứa con giống ông” (30:4). Lời Sách Thánh mở ra một vinh dự cao cả, nhưng cũng hàm chứa một trách nhiệm lớn lao đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều đức tính của bậc cha mẹ.