Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm B (CN 18.02.2024) – Đức Giêsu Chịu Xa-tan Cám Dỗ

Bài đọc 1: St 9,8-15

Sau hồng thuỷ, Thiên Chúa lập giao ước với ông Nô-ê.

Bài trích sách Sáng thế.

8 Khi ấy, Thiên Chúa phán với ông Nô-ê và các con ông đang ở với ông rằng : 9 “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, 10 và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi : chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. 11 Ta lập giao ước của Ta với các ngươi : mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa.”

12 Thiên Chúa phán : “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau : 13 Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. 14 Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, 15 Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ; và nước sẽ không còn trở thành hồng thuỷ để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.”

Đáp ca: Tv 24,4-5a.6 và 7c.8-9 (Đ. x. c.10)

Đ.Lạy Chúa, đường lối Chúa
tất cả là yêu thương và thành tín
đối với ai giữ giao ước của Ngài.

4Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.5aXin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.

Đ.Lạy Chúa, đường lối Chúa
tất cả là yêu thương và thành tín
đối với ai giữ giao ước của Ngài.

6Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời,
giờ đây xin nhớ lại.7cXin Chúa lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.

Đ.Lạy Chúa, đường lối Chúa
tất cả là yêu thương và thành tín
đối với ai giữ giao ước của Ngài.

8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.

Đ.Lạy Chúa, đường lối Chúa
tất cả là yêu thương và thành tín
đối với ai giữ giao ước của Ngài.

Bài đọc 2: 1 Pr 3,18-22

Nước đó là phép rửa nay cứu thoát anh em.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.

18 Anh em thân mến, chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi -Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh. 19 Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, 20 tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước. 21 Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, 22 Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.

Tung hô Tin Mừng: Mt 4,4b

Người ta sống, không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.

Tin Mừng: Mc 1,12-15

Đức Giê-su chịu Xa-tan cám dỗ, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

12 Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. 13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Năm nay (năm 2024), mùa Chay khai mạc vào ngày mồng năm Tết Giáp Thìn. Bầu không khí náo nhiệt của xuân mới đối với các Ki-tô hữu trở nên trầm lắng qua nghi thức khai mạc mùa Chay. Mùa Xuân là mùa đổi mới đất trời. Mùa Chay là mùa đổi mới lòng người. Cả mùa Xuân và mùa Chay đều đong đầy ý nghĩa, giúp chúng ta đổi mới cuộc đời, canh tân sám hối và tin vào Tin Mừng như Chúa Giê-su mời gọi.

Thời kỳ đã mãn! Cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa Giê-su đã tuyên bố những lời này khi Người khởi sự đời sống công khai. Hàng ngàn hàng vạn người đã đáp lại lời này để thay đổi cuộc sống, nỗ lực phục thiện để nên người tốt. Không chỉ hàng ngàn hàng vạn mà suốt 20 thế kỷ qua, rất nhiều người nam nữ được đánh động bởi lời kêu gọi này. Họ đã sám hối và nên hoàn thiện.

Thời kỳ đã mãn! Trước hết lời này nói với chúng ta về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Tác giả thư gửi giáo dân Híp-ri đã nói đến “thời sau hết”. Trước đó, Thiên Chúa đã nói với con người qua các tổ phụ và các ngôn sứ, nhưng đến “thời sau hết” này, Ngài đã nói qua Người Con (Dt 1,1). Như vậy, có thể nói, nhân loại không còn phải đợi một ngôn sứ nào nữa. Vị Ngôn Sứ cao cả mà Thiên Chúa đã hứa sai đến với nhân loại, nay Người đã đến rồi. Đó là Đức Giê-su Ki-tô thành Na-gia-rét, vị Ngôn sứ quyền uy trong lời nói và việc làm. Dân chúng nghe lời Người giáo huấn và chứng kiến những phép lạ Người làm đã nhận định như vậy (Mc 1,21-22). Nhân loại không còn phải chờ đợi một đấng Thiên Sai nào nữa, vì Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến để chuyển tải thánh ý Chúa Cha. Ai thấy Chúa Giê-su là thấy Chúa Cha. Ai nghe lời Chúa Giê-su là nghe lời Chúa Cha. Ai yêu mến Chúa Giê-su là yêu mến Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Con sẽ đến và lưu lại nơi tâm hồn những người yêu mến Chúa Giê-su. Đó là vinh dự của người tín hữu.

Thời kỳ đã mãn! Lời tuyên bố của Chúa Giê-su giúp ta suy tư về thân phận mong manh của kiếp người. Một trăm năm trước đây, chúng ta không hiện hữu. Một trăm năm sau này, chúng ta cũng sẽ không còn. Quả thế, cuộc sống con người có ngần có hạn. Chúa mời gọi chúng ta suy gẫm về kiếp người ngắn ngủi chóng qua, như cỏ nội ngoài đồng, như đóa hoa buổi sáng và như đám mây gió thổi (phù vân). Nghi thức sám hối trong ngày lễ Tro, hay còn gọi là nghi thức xức tro trên đầu, diễn tả sự mong manh của kiếp người. “Người ơi hãy nhớ, mình chỉ là tro bụi. Sau này sẽ trở thành bụi tro”. Tuy vậy, nếu thân xác con người sau khi chết sẽ thành tro bụi, thì đến ngày phán xét, thân xác ấy sẽ được phục hồi để gắn bó với linh hồn bất tử. Nếu cuộc sống trần gian có hạn có ngần, thì cuộc sống vĩnh cửu lại vô cùng vô tận. Ý thức mọi sự trên đời chỉ là phù vân, sẽ giúp chúng ta cố gắng trau dồi đạo đức, gắn bó với Thiên Chúa là Đấng Vĩnh Cửu và với những giá trị trường tồn, vì vinh quang và phần thưởng của Thiên Chúa chỉ dành cho người công chính và đạo đức. Cuộc sống này ngắn lắm. Đừng hoang phí thời gian cho những việc làm vô nghĩa và phi nghĩa. Hãy yêu mến cuộc sống này và nhận ra những điều tốt đẹp nơi bạn bè và những người xung quanh. Khi nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống và khi chuyên tâm làm những điều thiện hảo, tâm hồn chúng ta sẽ nhẹ nhàng thanh thoát. Mỗi ngày sống sẽ có ý nghĩa hơn.

Thời kỳ đã mãn! Lời mời gọi của Chúa Giê-su nhắc chúng ta hướng về Đấng Vĩnh Cửu là Chúa Cha. Nếu chúng ta có nỗ lực trở về và canh tân bản thân, là vì chúng ta tin vào lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài là Đấng “nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30,6). Bài đọc I kể với chúng ta bối cảnh sau Đại hồng thủy. Sau khi nước hồng thủy đã rút hết, Thiên Chúa tái tạo một nhân loại mới. Ngài hứa với ông Nô-ê, cũng là hứa với nhân loại, là sẽ không bao giờ có trận lụt kinh hoàng như thế nữa. Cầu vồng được thiết lập, như một giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và nhân loại và là bằng chứng cho lòng trung tín của Ngài.

Thời kỳ đã mãn! Đây không phải là lối nói văn chương biểu tượng, nhưng là nguồn khích lệ rất cụ thể trong chính cuộc sống hiện tại. Người tín hữu sống trên đời phải chống chọi với biết bao cám dỗ và phải đối diện với biết bao nghịch cảnh. Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, mà cũng đã phải trải qua cám dỗ. Người đã chiến thắng. Mùa Chay giúp chúng ta tăng thêm nghị lực cho tâm hồn, để noi gương Chúa Giê-su, can đảm chiến đấu chống lại cám dỗ. Như Chúa Giê-su đã chiến thắng ma quỷ trong sa mạc, chúng ta cũng sẽ chiến thắng cám dỗ trong cuộc đời. Chỉ có thể chiến thắng, nếu chúng ta biết gắn bó với Lời Chúa và cậy trông ân sủng của Người. Thánh Phê-rô (Bài đọc II), đã so sánh trận Đại hồng thuỷ với bí tích Thánh Tẩy (Bí tích Rửa tội) mà chúng ta đã lãnh nhận. Nhờ Bí tích này, chúng ta được tẩy rửa tội lỗi, nên thanh sạch như nhân loại mới sau Đại hồng thủy. Những cố gắng hy sinh của mùa Chay cũng giúp chúng ta nên tinh tuyền, và được sống lại với Đức Giê-su Phục sinh.

Thời kỳ đã mãn! Mỗi chúng ta phải làm gì trong Mùa Chay năm nay?

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

CÁM DỖ

Suy niệm
Chúng ta bước vào Mùa Chay trải dài 40 ngày. Con số 40 trong Kinh Thánh có một ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ. Trước hết là nhắc nhớ 40 năm đầy thử thách của dân Israel trong sa mạc trước khi vào Đất Hứa; Luca cũng diễn tả việc Đức Giêsu cũng phải chịu thử thách và cám dỗ như là một biến cố để Ngài chuẩn bị cho sứ mạng theo kế hoạch của Thiên Chúa. 40 ngày ngôn sứ Êlia lặn lội tới núi Horeb, và ở đó ông được gặp Đức Chúa; đây cũng là thời gian hoàn toàn yên tịnh để Đức Giêsu sống với Thiên Chúa. 40 ngày Môsê chay tịnh trên núi Sinai để chờ đón nhận Giao ước, cũng là thời gian chay tịnh của Đức Giêsu để Ngài chuẩn bị trở thành Giao ước mới của Thiên Chúa với loài người. Điều đặc biệt ở đây là chính Thần Khí thúc đẩy Ngài vào hoang địa để chịu Satan cám dỗ, và Thánh Thần sẽ là Đấng điều dẫn Ngài trong mọi sự để thi hành và hoàn thành ý định cứu độ của Thiên Chúa.
Thánh Kinh đã ghi nhận từ buổi đầu sáng tạo đã có tên cám dỗ. Các thiên thần cũng phải đối đầu với cám dỗ, vì không vượt qua nổi nên Lucifer, một thiên thần sáng láng đã trở thành Satan tối tăm. Thụ tạo đầu tiên trong thế giới loài người là Ađam và Eva là tổ tông loài người cũng đã gục ngã trước cám dỗ, nên đau khổ và sự chết đã tràn vào thế gian. Trong cuộc hành trình về Đất Hứa, dân Israel đã không ngừng bị
cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai Cập làm nô lệ để có bánh ăn; cám dỗ thờ ngẫu tượng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa. Vua Đavit cũng sa ngã trước cám dỗ sắc dục. Cám dỗ gắn liền với thân phận làm người.
Thánh Gioan Kim Khẩu đã quả quyết: “Trên đời này không ai mà không bị cám dỗ”. Người Việt Nam cũng thường nói “Con người ta, già cái lợi cái răng, nhưng ba cái lăng nhăng không già”. Cám dỗ là một điều dai dẳng và luôn lôi kéo mạnh mẽ. Chấp nhận làm người, Chúa Giêsu cũng chấp nhận đối đầu với cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng để mở đường cho chúng ta trong cuộc sống hôm nay. Là những người theo Đức Kitô trên con đường về Nước Trời, đòi chúng ta cũng phải trải qua những thử thách và thanh luyện. Thời gian 40 ngày mùa chay thật quí giá để mỗi người nhìn lại bản thân, đánh giá lại chính mình, cải đổi bản thân mình, trở nên chính mình theo chương trình tình yêu của Thiên Chúa, đừng chủ quan và ảo tưởng nữa, để có thể sống theo Lời Chúa mời gọi: “Anh em phải sám hối và tin vào Tin mừng”.
Mùa chay là mùa hồi tâm để sám hối. Sám hối không chỉ là khắc phục và chịu trách nhiệm những gì mình đã gây ra, mà còn phải quyết tâm chừa cải, nghĩa là phải đưa đến sự thay đổi. Nếu không có quyết tâm thay đổi thì sự hối cải kia cũng chỉ là cảm xúc nhất thời, rồi đâu cũng vào đấy. Ăn năn hối hận thì dễ, thay đổi chính mình mới khó, vì ta phải phá vỡ những cố tật gây ra phiền não cho nhiều người luôn sống bên cạnh mình. Việc sám hối như trên rất nhân bản và cao đẹp nhưng dù sao cũng chỉ mang tính “đối nhân”, một tương quan giữa người với người, không mang tính siêu nhiên hay mang tính “đối thần”.
Đó cũng là ý nghĩa sám hối theo Phật giáo, mang tính chữa trị tâm lý mà thôi. Sám hối đối với chúng ta trước hết là trở về với Chúa, vì chính Ngài là Đấng tha tội cho chúng ta, và ban sức mạnh cho chúng ta thắng vượt tội lỗi. Sám hối cũng là thời gian dừng lại để nhận ra những cám dỗ đang rình rập, những cạm bẫy đang bủa vây. Nếu cuộc đời là một chuỗi những lựa chọn, thì nó cũng là một chuỗi những cám dỗ: cám dỗ nào cũng khiến ta khép kín, chỉ nghĩ đến mình và sống cho mình.
Xã hội càng văn minh tiến bộ, con người càng gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ hưởng thụ và chiếm đoạt; cám dỗ sống tầm thường và buông thả; cám dỗ cao ngạo, háo danh và trục lợi… Bao nhiêu giác quan là bấy nhiêu cánh cửa mở ra trước cạm bẫy. Nếu đời người như cây sậy trước gió dễ ngả nghiêng, chúng ta càng phải biết nương tựa vào Chúa. Nếu người đời tôn thờ khoái lạc, xa hoa hưởng thụ, chúng ta càng phải biết chay tịnh cõi lòng. Nếu thế giới đầy hình ảnh vẩn đục, phô bày thân xác, chúng ta càng phải biết giữ gìn con mắt. Quả thật,“Kitô giáo là một trận chiến, chứ không phải là một giấc mơ.” (Wendell Philips).
Đức Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ bằng quyền năng Thánh Thần, bằng sức mạnh Lời Chúa, bằng sự chay tịnh và cầu nguyện. Ngài còn phải chiến đấu với cơn cám dỗ kinh khủng trong giờ phút cuối cùng, nhưng đã chiến thắng, bằng cách vâng theo ý Cha để chọn chén đắng, chọn thập giá, chọn cái chết, để ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn thành. Đó cũng là những cách thức của chúng ta. Ước gì ta biết sống thân tình với Chúa Giêsu, nhìn ngắm Ngài, noi gương Ngài, cầu xin Ngài, nương theo tác động của Thánh Thần, để ta có được nội lực thâm hậu, hầu chiến thắng tội lỗi và vượt qua mọi cạm bẫy của ma quỉ.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Như Chúa Giêsu ngày xưa vào hoang mạc,
theo ánh sáng thúc đẩy của Thánh Linh,
để sống bốn mươi ngày trong cô tịch,
trong chay tịnh và kết hiệp với Cha,
chuẩn bị đi ra với sứ vụ cứu đời.
Và rồi cứ mỗi khi mùa chay tới,
con cũng được thúc giục đến một nơi,
không phải du lịch tâm linh để xả hơi,
nhưng là được kêu mời vào thinh lặng,
về với Cha trong tình yêu sâu lắng,
để cân bằng và chỉnh đốn hướng đi.
Nhưng trong khi an tĩnh và chay tịnh,
mà chính Chúa Giê-su bị cám dỗ,
con thấy mình cũng luôn bị thách đố,
vẫn ham muốn để sống với “cái tôi”,
nên khiến cuộc đời con luôn trôi nổi,
và cám dỗ hằng kéo lôi tứ phía,
làm cuộc sống dần dà xa cách Chúa,
có nguy cơ tàn úa theo tháng ngày.
Xin cho con đôi mắt sáng của trái tim,
đừng mềm yếu để khỏi bị sa chìm,
đừng cứng cỏi cố chấp trong suy nghĩ,
nhưng khiêm nhu mở ra trước chân lý,
đừng vô tri và ù lì trong lối sống,
nhưng luôn theo tác động của Thánh Thần.

Xin cho con biết thật tâm tu luyện,
biết ăn chay và cầu nguyện hằng ngày,
để vững mạnh trên con đường sứ mạng,
hầu đi từ thập giá đến vinh quang. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(16/02/2024) KONTUM