Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm B (CN 21.04.2024) – Một Đoàn Chiên Và Một Chủ Chiên

Bài đọc 1: Cv 4,8-12

Không có một danh nào khác, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

8 Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói trước Thượng Hội Đồng rằng : “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, 9 hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. 10 Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng : chính nhờ danh Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. 11 Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. 12 Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.”

Đáp ca: Tv 117,1 và 8-9.21-23.26 và 28cd và 29 (Đ. c.22) 

Đ.Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.

1Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.8Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời,
thì hơn tin cậy ở người trần gian.9Cậy vào thần thế vua quan,
chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.

Đ.Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.

21Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài
vì đã đáp lời con và thương cứu độ.22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.23Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Đ.Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.

26Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.
Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em,28cdlạy Thiên Chúa con thờ, xin dâng Ngài vạn tiếng tôn vinh.29Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Đ.Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.

Bài đọc 21 Ga 3,1-2

Thiên Chúa thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

1Anh em thân mến,
anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào :
Người yêu đến nỗi
cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa
– mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta,
là vì thế gian đã không biết Người.
2Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa ;
nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,
chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

Tung hô Tin Mừng: Ga 10,14

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Ga 10,11-18

Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

11 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. 14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

16 “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Theo niềm tin của người Kitô hữu, Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã từng loan báo hàng mấy trăm năm trước khi Người sinh ra. Vì thế, các Kitô hữu tin rằng Người là Ngôi Hai Thiên Chúa như chính Người đã khẳng định, đồng thời là người duy nhất đem lại ơn cứu độ phổ quát cho tất cả mọi người thuộc mọi nơi mọi thời trong nhân loại. Niềm tin này đã được định tín trong một tín điều, và được nhắc đi nhắc lại trong các văn kiện của các Công đồng chung, của các vị Giáo hoàng, và gần đây nhất là tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Á Châu) của thánh Gio-an Phao-lô II (ngày 6-11-1999) và tuyên ngôn Dominus Jesus của Hồng y Joseph Ratzinger (ngày 6-8-2000). Hai văn kiện sau cùng này nhấn mạnh chủ trương phải công bố Đức Giê-su là vị Cứu Tinh duy nhất và phổ quát của nhân loại.

Mặc dù gặp nhiều phản ứng đến từ các tôn giáo và tín ngưỡng khác, khi tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu độ duy nhất và phổ quát, Giáo hội từ hai ngàn năm nay vẫn trung thành với khẳng định này, đồng thời tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Giê-su vừa là Thiên Chúa thật, đồng thời cũng là Con Người đích thực.

Tác giả thư Do Thái gọi thời đại của Chúa Giê-su là “thời cuối cùng”. Điều đó cho thấy, chúng ta không còn phải đợi một đấng cứu độ nào khác. Qua Đức Giê-su, chương trình Cứu độ của Thiên Chúa đã đạt tới hồi kết thúc. Người chỉ vào cung thánh một lần duy nhất để hiến tế chính mình, và thế là đủ để đem ơn Cứu độ cho mọi thế hệ.

Thánh Phê-rô trong Bài đọc I, đã mạnh mẽ khẳng định trước Thượng Hội đồng Do Thái: nhờ việc kêu cầu Danh Đức Giê-su mà người tàn tật được chữa khỏi. Thông thường, người Do Thái kêu cầu Danh Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Nay, những thành viên của dân tộc Israel mới chỉ cần kêu cầu Danh Đức Giê-su. Đó là một Danh xưng huyền nhiệm, có sức biến đổi và chữa lành con người.

Phụng vụ Chúa nhật 4 Phục sinh giới thiệu với chúng ta, Đấng Cứu độ mang hình ảnh một Mục Tử, và vị Mục Tử này đã chết vì đàn chiên. Cuộc khổ nạn của Đức Giê-su trên thập giá được khẳng định như hành vi anh hùng, chết vì nhân loại và để mang cho nhân loại ơn Cứu độ. Hình ảnh mục tử với đàn chiên rất bình dị và gần gũi trong xã hội Do Thái, xưa cũng như nay. Hình ảnh ấy còn được các ngôn sứ trong Cựu ước sử dụng để diễn tả tình yêu thương và sự chăm sóc của Đức Gia-vê đối với Dân riêng của Ngài. Khi tuyên bố mình là Mục Tử tốt lành cùng với các đức tính đi kèm, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là người Mục Tử mà các ngôn sứ đã diễn tả. Nói cách khác, qua hình ảnh người mục tử, Chúa Giêsu khẳng định Người là Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ.

Người tín hữu tôn thờ Đức Giê-su, và khái niệm tôn thờ đôi khi làm họ xa cách Người. Đương nhiên, Người là Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ kính mến, nhưng Người cũng là Mục Tử, Đấng luôn gần gũi chăm sóc chúng ta, kể cả khi chúng ta là những tội nhân. Thánh Gioan khuyên chúng ta: hãy đến với Thiên Chúa trong tâm tình con cái, để nhận ra tình thương của Ngài dành cho chúng ta thật lớn lao. Hãy đặt để niềm hy vọng vào lòng nhân hậu của Chúa. Tương lai của con người là trở nên giống như Thiên Chúa, tức là được hưởng vinh quang và hạnh phúc viên mãn với Ngài (Bài đọc II).

Chúa nhật 4 Phục Sinh cũng là ngày cầu cho ơn gọi Linh mục Tu sĩ. Sứ mạng của các Linh mục và Tu sĩ là phản ánh tình thương của Thiên Chúa đến với mọi người, nhất là những người bé mọn thiệt thòi và dễ bị tổn thương. Trong xã hội ảnh hưởng bởi lối sống ích kỷ và ham hưởng thụ hôm nay, nhiều người hiểu sai về ơn gọi và ngại dấn thân. Chúng ta cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ can đảm bước theo Chúa Giê-su, vị Mục Tử nhân lành. Ai theo Người sẽ không phải thất vọng. Trái lại, họ sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc đích thực khi phục vụ tha nhân.

Nhờ Bí tích Thanh Tẩy, Ki-tô hữu trở thành con chiên trong đàn chiên của Chúa Giê-su. Đương nhiên đây chỉ là lối nói so sánh bằng hình ảnh để dễ hiểu từ thời xa xưa (có người ác ý đã suy diễn mục đích đời sống Ki-tô hữu là để trở thành con chiên, con cừu!). Chúa Giê-su cũng ao ước quy tụ tất cả những con chiên chưa thuộc đàn của Người, để họ được sống và sống dồi dào. Để thực hiện ước mơ của Chúa Giê-su, trước hết Ki-tô hữu phải sống đúng với bổn phận và tư cách làm “con chiên” của mình, rồi sau đó mới có khả năng cộng tác để quy tụ và phát triển đàn chiên có Chúa Giê-su làm Mục Tử.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

(tonggiaophanhanoi.org)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CHÚA CHIÊN LÀNH 

Đức Giêsu bồng ẳm con chiên là hình ảnh thân thương và hiền dịu cùng với lời khẳng định đầy nhân ái được diễn tả qua biểu tượng nấy.  “ Ta là mục tử nhân lành.  Ta hy sinh tính mạng vì đoàn chiên”( x. Bài Tin Mừng.Ga 10, 11-18), hình ảnh và lời tuyên bố này khác xa với quan niệm trần tục, thiên hạ thường sống tương quan thi đua, phấn đấu, kèn cựa, mạnh được yếu thua vì quyền lợi, vì tranh dành địa vị, vì chức quyền thống trị người khác đến nỗi thi sĩ người La-tinh thốt lên: “Con người là lang sói đối với con người” (homo hominis lupus).

Hình ảnh mục tử chăn giữ đàn chiên rút từ kinh nghiệm đời sống du mục có khả năng diễn tả nội tính và tư cách của Đức Giêsu.  Cây roi và cây gậy là uy quyền của người mục tử, chúng có thể được dùng hai cách khác nhau, để chế ngự răn đe đàn chiên và để phục vụ bảo vệ đàn chiên khi lang sói xông đánh. Người đứng đầu dân thường dùng quyền để thống trị khống chế dân, còn đối với Đức Giêsu thì không phải như thế, Người chủ trương và dạy rằng ai muốn đứng đầu thì phải ở chỗ rốt hết và phục vụ anh em mình.  

Với chủ trương làm lớn là để phục vụ, Đức Giêsu thật sự đã làm đảo lộn suy tư và cách thi hành quyền bính trên thế gian này, một sự mới mẽ trong quan hệ giữa người với người.  Đức Giêsu Kitô Đấng Chăn Chiên Lành gióng lên lời kêu gọi cải thiện cách cai trị thành đường lối phục vụ dân đối với tất cả những ai hành quyền mục tử, cũng như đối với tất cả những người cầm quyền dân sự.  Quyền bính chính là để phục vụ, nhất là trong Giáo hội, ngày nay từ ngữ “phục vụ” được dùng thay thế cho từ ngữ “cai trị, cai quản”.

Hình ảnh người bề trên phục vụ bề dưới vẫn là hình ảnh được mọi người mong chờ và vui mừng đón nhận, còn được ca tụng nữa là đàng khác, bởi vì nó phù hợp với tinh thần huynh đệ, trong tư cách làm con Thiên Chúa như thánh Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường nào, Người yêu đến nỗi, cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (x. Bài Đọc 2. 1Ga 3, 1-2).  Đức Giêsu quỳ gối rửa chân cho môn đệ là hình ảnh bề trên phục vụ bề dưới, hình ảnh quá tốt đẹp trở nên mẫu mực cho tất cả chúng ta.

Đức Giêsu so sánh tư cách người mục tử với kẻ chăn thuê.  Người mục tử “hy sinh tính mạng vì đoàn chiên”, Người muốn ám chỉ đến cái chết của Người, như giá máu cứu chuộc muôn dân mà sau này Người thực hiện trên núi Sọ.  Khác xa với người làm thuê, bỏ chiên chạy trốn khi sói đến cắn xé chiên.  Tư cách của người mục tử được khẳng định qua các động từ : “tôi biết chiên”, “chiên biết tôi”, “tôi hy sinh cho đoàn chiên” “chiên theo tôi”.  Người mục tử biết chiên “như Cha biết Con”, “như Con biết Cha”.  Như vậy có sự cảm thông và hiểu biết thâm sâu giữa chủ chiên và con chiên.

Biết” theo nghĩa Kinh thánh là nên một trong tình yêu, cho chúng ta thấy người mục tử am tường chiên của mình đến chừng nào, không phải biết tổng quát, biết sơ sơ, biết bì phu, nhưng biết một cách rất thâm thúy và cá nhân.  Sự quan tâm của người mục tử đối với mọi con chiên,  không muốn bỏ rơi bất cứ con nào ngoài ràn: “Có những chiên khác không thuộc ràn này.  Tôi sẽ đưa chúng về.  Và sẽ chỉ có một đòan chiên và một mục tử”.

Tình nghĩa này phát xuất từ việc người mục tử tự ý hy sinh của cho đoàn chiên, tức nói đến máu của Đức Giêsu đổ ra đem lại ơn cứu chuộc cho muôn dân.  Giá cứu chuộc này được thánh Phêrô mạnh dạn khẳng định trước Thượng Hội Đồng Do thái rằng: “Đức Giêsu người Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết…  Ngoài Người ra không ai đem lại ơn cứu độ” (x. Bài Đọc 2. Cvtđ 4, 8-12).

Lời khẳng định của đệ nhất Giáo hoàng Phêrô cũng là lời tuyên xưng đức tin của tất cả chúng ta, tư tưởng nầy được đương kim Giáo hoàng Phanxicô củng cố lòng tin chúng ta trong sứ điệp mùa chay 2015: “‘Anh em hãy vững lòng’ (Gc 5,8) … khi chìm ngập trong những tin tức và hình ảnh kinh hoàng về đau khổ của con người”.  Nghĩa là chúng ta biết, chúng ta tin vào ai và ai là kẻ cứu độ chúng ta, niềm hy vọng cứu độ của chúng ta đến từ Đấng chăn chiên nhân lành bất chấp mọi chao đảo kinh hoàng cuộc sống.  Cho dù nhân loại run sợ trước đại dịch Côvít 19 thì người tin vào Chúa Kitô phục sinh cũng không mất đi niềm hy vọng sống lại. Thật vậy “Không gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8, 35).  Chúng ta vững lòng tin vì Thiên Chúa luôn ở với chúng ta như lời chào trước mỗi thánh lễ : “Chúa ở cùng anh chị em”.

Lạy Đấng Chăn Chiên Nhân Lành, Chúa đã không để cho Giáo Hội thiếu vắng các mục tử, xin hãy nhìn xem cánh đồng truyền giáo bao la mà ban thêm các mục tử như lòng Chúa mong ước, và xin hãy làm cho các mục tử biết phục vụ trong yêu thương đoàn chiên Chúa giao phó. Amen

Lm. Luy Nguyễn Quang Vinh, chính xứ Đức An, Pleiku

_______________________

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Suy niệm

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được gọi là Mục Tử của dân Ítraen, vì dân được tuyển chọn và là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa. Trong cuộc hành trình này, Thiên Chúa hướng dẫn, bảo vệ và nuôi dưỡng Dân Người. Mục tử và đoàn chiên trong Kinh Thánh là một hình ảnh nói lên một tương quan gần gũi, thân thiết, sống chết cho nhau, chứ không phải là một tương quan bầy đàn mang tính sở hữu của người chủ. Từ đó, hình ảnh người mục tử được áp dụng cho những kẻ Thiên Chúa ủy nhiệm, để thi hành vai trò lãnh đạo dân Người, như Môsê, Đavít, các vua, các tư tế cũng như các thủ lãnh.

Tuy nhiên sau này, kinh nghiệm của Ítraen về các nhà lãnh đạo là một kinh nghiệm đáng buồn, vì gặp những mục tử vô trách nhiệm. Qua các ngôn sứ, Thiên Chúa đã khiển trách họ bằng những lời lẽ nặng nề, vì họ đã không chăm sóc, nuôi dưỡng mà còn bóc lột đoàn chiên,“thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc”, làm cho chúng tán loạn và biến thành mồi ngon cho thú dữ.  (Ed 34,2-5). Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa hứa sẽ gửi đến cho dân Người một mục tử chân chính, để điều khiển họ trong sự công chính và bình an (x. Ed 34; Gr 23,1-6).

Đức Giêsu đã đến và tự giới thiệu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên”. Như vậy lời Thiên Chúa hứa đã được hiện thực, vượt quá sự chờ đợi của con người, vì Ngài đến không chỉ cho dân Ítraen, mà còn cho toàn thể nhân loại. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là cái chết cho mọi người và vì mọi người, như lời Ngài đã phán: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

Tiếp nối Đức Giêsu, Hội thánh đã sinh sản ra nhiều mục tử tốt lành. Tuy nhiên, vẫn không thiếu những linh mục và tu sĩ sống ích kỷ và tị hiềm nhỏ mọn; không thiếu những tranh chấp quyền hành và địa vị; không thiếu những người sống ù lì, hưởng thụ, mà còn chạy theo tiền bạc, đam mê, danh vọng… Có một số khá hơn thì lại rơi vào tình trạng “linh mục công chức”, làm việc theo khung giờ và cứng nhắc theo thủ tục, chứ không làm với trái tim. Đó là chưa nói tới Giáo Hội Việt Nam, không thiếu những linh mục sống như “ông vua con”, chễm chệ trong dinh cơ của mình, không còn khả năng “đi ra” để chăm sóc đoàn chiên.

Tại sao lại có những tình trạng như thế? Nói theo ngôn ngữ của cha Teilhard de Chardin, thì lửa tình yêu trong trái tim các ngài quá yếu, không đủ nóng và đủ mạnh để sưởi ấm cho đời.

 Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên, không sống tình bạn hữu thân thương trong đời thường. Chỉ khi họ gặp được linh mục hay tu sĩ nào phản chiếu được sự rạng rỡ của tình yêu, tức khắc chạm đến trái tim họ, để lại một ấn tượng khó phai mờ, và nhờ đó gây nên một chuyển biến trong đời sống của họ.

Việc cầu nguyện cho ơn thiên triệu mời gọi tất cả mọi thành phần của Giáo Hội nhìn lại đời sống mình, để khám phá ra những bóng tối đang che mờ ánh sáng, những chai lì khô cứng đang làm nguội dần ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong mình, cả những ươn lười và ham hố bên ngoài như những tảng băng làm tắt dần sức nóng… Cứ phải tạo lại cho mình nỗi khát khao sự sống mới; cứ phải nhóm lại ngọn lửa yêu thương trong lòng mình bằng đời sống kết hiệp với Chúa và phục vụ tha nhân mỗi ngày. Nhờ vậy, sự hiện diện của ta trở nên một dấu chỉ tốt lành, để hướng mọi người đến việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Cũng với ý nghĩa trên mà Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi lần thứ 61 này (21/4/2024) Đức Phanxicô mời gọi mọi người hãy gieo rắc niềm hy vọng và xây dựng hòa bình: “Chúng ta hãy thức dậy khỏi giấc ngủ, ra khỏi sự thờ ơ, mở những cánh cửa nhà tù mà đôi khi chúng ta tự nhốt mình lại, để mỗi người chúng ta có thể khám phá ra ơn gọi của mình trong Giáo hội và trong thế giới, để trở thành người hành hương hy vọng và là người kiến tạo hòa bình! Chúng ta hãy say mê sự sống và dấn thân vào việc chăm sóc yêu thương những người xung quanh chúng ta và môi trường chúng ta đang sống”.

Với lời kêu gọi trên, sứ điệp năm nay không chỉ nhằm ơn gọi linh mục và tu sĩ, nhưng là của tất cả các ơn gọi, các bậc sống trong Giáo hội, bao gồm cả ơn gọi hôn nhân gia đình. Vì thế, Đức Thánh Cha cho thấy: “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi mang dấu ấn của tính hiệp hành: có nhiều đặc sủng và chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau và cùng nhau bước đi để khám phá chúng và để phân định điều gì Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành,
Chúa dẫn con đến đồng xanh suối mát,
đem bình an hạnh phúc cho xác hồn,
chẳng bao giờ chúng con sợ thiếu thốn,
nếu chúng con luôn nghe lời Chúa dạy,
và bước đi trên con đường Chúa dẫn.

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành,
Chúa đã hy sinh đời mình vì nhân thế,
không như kẻ chăn thuê chỉ yên bề,
không như bao đấng ngồi chễm chệ,
trên ngai tòa để cứu độ sinh linh.

Chúa đã chết cho con đời sống mới,
từ hôm nay và mãi tới muôn đời,
xin cho đoàn chúng con trong mọi lúc,
biết nhận ra ân phúc của đời mình,
để luôn sống trong ân tình của Chúa.

Trong kế hoạch yêu thương và cứu độ,
Chúa vẫn chọn một số trong chúng con,
để nên như mục tử giữa gian trần,
đại diện Chúa để phục vụ tha nhân.

Xin cho các bạn trẻ biết mở lòng,
nghe được tiếng Chúa đang vang vọng,
biết đáp lại tình Chúa vẫn khát mong,
đừng ham mê danh lợi ở đời này,
cũng chỉ là những ảo ảnh cuồng say,
như gió thoảng như mây bay phút chốc.

Xin cho con được một đời như Chúa,
biết hiến thân để phục vụ tha nhân,
biết hướng đến những người đang khốn khó,
biết chăm lo cho kẻ bị bỏ rơi,
để tình Chúa sáng lên trong cuộc đời,
chính là niềm vinh phúc mãi không ngơi. Amen

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(81/04/2024) KONTUM