24.11.2021 – Thứ Tư. Thánh Anrê Dũng Lạc Và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Lễ Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc và Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam

BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Bài trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 17-25

“Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không. Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

LỜI CHÚA: Mt 10, 17-22

“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKP

Suy niệm 1:         Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Anh chị em như chiên giữa bầy sói… Người ta sẽ điệu anh chị em ra trước mặt quan quyền vì Thầy để có dịp làm chứng cho họ và cho dân ngoại…”
(Mt 10, 17-22)

   1/ Người công giáo bao giờ cũng là thiểu số giữa đám đông tôn giáo bạn và không tôn giáo. Tại Việt Nam trong 100 người, chỉ có 6 người công giáo.

   2/ Xã hội nào cũng đầy dẫy những luật hợp pháp nhưng lại trái ngược đạo lý của Chúa khiến những ai chọn Chúa thì như đi bên lề xã hội và trở thành đối tượng cho đám đông dè bỉu…

   Ly dị hợp pháp, phá thai hợp pháp, mang thai hộ hợp pháp, mẹ đơn thân hợp pháp, thụ tinh ống nghiệm hợp pháp, gởi tinh, noãn trong ngân hàng hợp pháp, nhiều xã hội khác còn hợp pháp hóa an tử, mại dâm. hôn nhân đồng tính, sống thử, đa thê… chưa kể những nhóm tôn giáo khác hoặc vô tín quá khích được xã hội làm ngơ, cứ việc quấy rối, phá phách công giáo (chuyện xẩy ra như cơm bữa dưới triều Nguyễn xưa và tại Ấn Độ và một số nước Trung Đông ngày nay)… đúng là bầy chiên giữa đàn sói.

   3/ Chúa Giêsu có cái nhìn lạc quan… coi sự bắt bớ đạo như là cơ hội để làm chứng cho vua quan và dân ngoại. Nếu không có dịp này thì có khi chẳng bao giờ vua quan và những người ngoại nghe tới hai tiếng Công Giáo. Chẳng biết Công Giáo thờ ai và sống thế nào, làm những gì?

   Giáo dân bị bắt bớ chẳng hi vọng vua chúa quan quyền sẽ trở lại đạo nhưng những người bị bắt bớ đã làm cho Chúa một việc lớn nếu họ chân thành khai báo đời sống đạo của họ như thế nào khi bị tra khảo…

   Bạn biết không… khi những kẻ bắt đạo chết, ra trước tòa Chúa… họ không thể chối rằng: chúng tôi có nghe nói đến Chúa bao giờ đâu?… Chúa sẽ cho họ xem cuốn phim họ tra khảo giáo dân thế nào… hết đường chối cãi… Chúa không bị mang tiếng khắc nghiệt… không cho biết mà lại lôi ra phạt…

   Mỗi lần 1 cuốn sách được gởi đi xin phép xuất bản mà bị từ chối trả về vì có những vấn đế giáo lý nhậy cảm: bảo vệ hôn nhân, chống ly dị, bảo vệ sự sống, chống phá thai hoặc đưa ra lý lẽ phi bác thuyết tiến hóa … Chắc tác giả buồn… nhưng hãy vui lên! Vì dù sao những người có chức quyền cũng đã đọc và đọc kĩ nữa … Sau này, đến trước tòa Chúa họ không thể chối bay: Tôi không biết … Chúa không bao giờ bị mang tiếng là thiếu bao dung: “Thu nơi không vãi, gặt chỗ không gieo” (Mt 25, 24).

   Thánh Stêphanô, Thánh Phêrô, Phaolô… các Thánh Tử Đạo Việt Nam và các nước… cũng đã mạnh bạo thuyết giáo cho các vua chúa quan quyền như vậy trước khi họ bị chém đầu…

   Phần chúng ta: “Hãy làm chứng cho Thầy”. Chuyện gì khác, cả mạng sống ta, xin phó thác trong tay Chúa.

   “Hồi chiêng dứt tiếng, đầu rơi chốn pháp trường, hồn thiêng lâng lâng về Thiên Quốc xa vời… ”.    

————————-

Suy niệm 2:    Linh mục Lu-Y Nguyễn Quang Vinh

 

Xin mượn lời của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II để mở đầu suy niệm hôm nay, một thoáng nhìn về lịch sử đẩm máu của Giáo hội Việt Nam:
Máu các Tử đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong đức tin.  Giữa anh em đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai.  Đức tin nầy tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần tuý sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô.”  Trích bài giảng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (số 6) dịp phong thánh 117 vị tử đạo tại Việt Nam, Rôma ngày 19. 6. 1988.

Vinh quang và danh dự cho Giáo Hội Việt Nam!  Một Giáo Hội trưởng thành trong  nước mắt.  Giáo Hội Việt Nam đã vượt qua những bách hại không thua kém gì Giáo Hội Rôma vào các thế kỷ đầu khi Kitô giáo mới phôi thai.  Sau cái chết của Đức Giêsu thành Nadarét, sự việc cứ tưởng sẽ êm xuôi, người chết sẽ đi vào quên lãng theo thời gian.  Nhưng không! Trái lại đó là điểm khởi đầu cho một tôn giáo lớn mạnh.  Phân bón và chất xúc tác làm trưởng thành Giáo Hội Rôma lại là việc bắt đạo cực kỳ gay gắt của hoàng đế Nerôn, một bạo chúa điên loạn, độc ác, đã tự tay giết vợ, mẹ và con của mình.  Ông đã cho đốt thành phố Rôma để lấy hứng làm thơ tiêu khiển, để chạy tội trước công luận của nhân dân, ông đã khéo léo đổ lỗi cho người Kitô hữu đốt thành Rôma.

Thế là cuộc bách hại tàn khốc bùng nổ!  Những cực hình man rợ nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra đều trở thành hiện thực đem áp dụng cho người Kitô hữu thời sơ khai: đâm chém, chặt đầu, phân thây, đóng đinh thập giá hay đốt như đuốc.  Người Kitô hữu trở thành trò đùa tiêu khiển cho dân thành phố, họ bị lột trần thả vào hầm thú dữ làm mồi ngon cho chúng.  Hí trường Côlisêô tại Rôma ngày nay là chứng tích đau thương ngày xưa.  Thánh Phêrô bị đóng đinh vào năm 64 và Phaolô bị giết vào năm 67 thời Nerôn.  Câu chuyện bắt đạo không ngớt được lặp lại nơi lịch sử các Giáo hội khác.

Giáo Hội Việt Nam không thua kém gì về mặt đau thương.  Văn sĩ công giáo Tertulianô để lại di ngôn bất hủ: “Máu các vị Tử đạo là hạt giống sinh người Kitô hữu” (Sanguis Martyrum semen Christianorum).  Việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam ở giai đoạn đầu gặp khá thuận lợi : Năm 1591 công chúa Mai Hoa, chị của vua Lê Trang Tông đã được giáo sĩ De Cevallos rửa tội.  Năm 1624 cha Đắc-Lộ đã rửa tội cho Minh Đức Vương Thái Phi (1568-1648) vợ thứ của Chúa Nguyễn Hoàng tại giáo xứ Kim Long, Huế.  Bước khởi đầu thuận lợi đó chẳng bao lâu qua đi, tiếp theo là gần 300 năm bắt đạo, với nhiều lý do chính trị, văn hóa đan xen nhau. 

Thời gian bắt đạo kéo dài từ 1580 và kết thúc vào 1888.  Với nhiều hình khổ đa dạng: lưu đày, lao tù, gông cùm, xiềng xích, xử trảm, xử giảo, bá đao, thiêu sống, lăng trì.  Kết quả không phải chỉ có 117 vị tử đạo được phong hiển thánh mà thôi, nhưng ước tính có đến 300.000 vị được phúc tử đạo.  Và qua nhiều triều đại giáo hoàng đã phong Chân phước: năm 1900 Đức Lêô XIII phong 64 vị;  năm 1906 Đức Piô X phong 8 vị; năm 1909 Đức Piô X phong thêm 20 vị; năm 1951 Đức Piô XII phong 25 vị. 

Dòng máu tử đạo còn tiếp tục chảy và được vinh danh nơi một giáo dân, cũng là giáo lý viên Anrê Phú Yên (1625-1644), đó là “Người chứng thứ nhất” của Giáo hội Việt Nam, theo cách gọi của cha Đắc-Lộ, Anrê được tôn phong Chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000 do Đức Thánh Gioan Phaolô II tuyên phong Á thánh tại Rôma.  Và chúng ta còn chờ đợi kết quả hồ sơ phong thánh của một vị khác: Tôi Tớ Chúa Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận và những vị khác nữa như thầy Marcel Văn, cha Trương Bửu Diệp… Chân phước Anrê gốc xứ Mằng Lăng, Phú Yên địa phận Quy Nhơn, được phúc tử đạo tại Phước Kiều địa phận Đà Nẳng, cả hai nơi đều lập đền thờ kính ngài.

Những trang sử oai hùng của tiền bối làm chúng ta ngửng cao đầu.  Tuy nhiên đừng quên sống đức tin và truyền đạt đức tin cho thế hệ tương lai.  Đức tin đòi chúng ta vượt qua tất cả, ngay đến hy sinh mạng sống, “ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?” ( Bài đọc 2. Rm 8, 31b-39).  Quê thật chúng ta ở trên trời, đó là niềm hy vọng được xây dựng trên lời hứa của Đức Giêsu Kitô, tin thật như vậy chúng ta đành mất mạng sống để được sự sống đời đời (x, Bài Tin Mừng Lc 9,23-26).

Lạy Chúc Giêsu, con cảm tạ đội ơn Chúa đã ban cho Hội thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng trung kiên làm chứng cho đức tin.  Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bàu cho người dân Việt biết đón nhận và sống đạo theo gương các ngài. Amen

WGPKT(21/11/2021) KONTUM