Edward Sri
BƯỚC VÀO THÁNH LỄ QUA KINH THÁNH
A Biblical walk through the Mass
Understanding What We Say and Do in the Liturgy
Ascension Press, 2010,
PHẦN II: 4. XIN CHÚA THƯƠNG XÓT CHÚNG CON …
Chủ tế: Xin Chúa thương xót chúng con
Cộng đoàn: Xin Chúa thương xót chúng con
Chủ tế: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con
Cộng đoàn: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con
Chủ tế: Xin Chúa thương xót chúng con
Cộng đoàn: Xin Chúa thương xót chúng con
Lời cầu lặp lại ba lần này nài xin Thiên Chúa tuôn đổ lòng thương xót của Người thích hợp với ba lần chúng ta thừa nhận tội lỗi của mình trong kinh nguyện trước – kinh Thú nhận. Ngay ở phần đầu phụng vụ, lời cầu này cũng song song với ba lần khẳng định sự thánh của Thiên Chúa, mà chúng ta hát trong kinh Sanctus, khi hợp đoàn với các thiên thần và các thánh trên trời, không bao giờ ngừng hát vang: “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh…”
Khi chuẩn bị bản thân để tham dự các mầu nhiệm phụng vụ thánh thiêng – tiến gần đến Thiên Chúa ba lần thánh – chúng ta làm như thế trong sự hiệp nhất với Đức Trinh Nữ Maria, toàn thể các thiên thần và các thánh, như chúng ta đã cầu xin trong kinh Thú nhận. Trong nỗi sợ hãi và kinh hoàng trước sự hiện diện của Thiên Chúa đang đến gần và sự nối kết giữa trời với đất trong phụng vụ, chúng ta không thể không nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Một thần học gia giải thích: “Tất cả chúng ta cùng nhau đến trước nhan Người, cùng với các thiên thần và các thánh; để xin Người tỏ lòng thương xót và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Điều này phải được lặp lại, nài nỉ, thậm chí là một kiểu nói lắp “Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.”1
Ý nghĩa của lòng thương xót
Kinh Thánh mặc khải nhiều trình thuật cảm động về những người khóc lóc nài xin Chúa xót thương. Chẳng hạn, Thánh vịnh 50 thể hiện rõ tấm lòng chân thành và tan nát. Trong Thánh vịnh này, vua Đavít giãi bày lòng mình trước Chúa, khi ông đối diện với sự thật về những hành động tội lỗi ông gây nên. Ông thừa nhận tội lỗi của mình và cầu xin:
“Lạy Thiên Chúa,
xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài…” (Tv 50,1-4a)
Nhưng xin lòng thương xót của Thiên Chúa nghĩa là gì? Lời cầu xin này có thể thường được hiểu sai nếu chúng ta không thấu hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa đích thực là gì. Đức Gioan Phaolô II đã từng lưu ý rằng lòng thương xót đôi khi được quan niệm cách sai lầm khi thiết lập “một tương quan bất bình đẳng giữa kẻ rộng ban lòng thương xót và người đón nhận. Vì thế, Thiên Chúa được xem như Đức Vua Toàn Năng, Đấng chỉ tha thứ cho thần dân ương ngạnh mà thôi.
Không phải trò chơi trẻ em
Trong cái nhìn sai lầm nói trên, lời cầu “xin Chúa thương xót chúng con” trong phụng vụ có lẽ tương tự như tiếng kêu xin lòng thương xót trong trò chơi trẻ em, cũng được gọi bằng tên “hãy thương xót”. Trong cuộc đọ sức này, hai đứa trẻ cài tay vào nhau và siết hết sức cho đến khi cổ tay của đứa yếu hơn bị xoắn lại đau đớn và xin đối thủ dừng lại bằng cách kêu lên “hãy thương xót tôi”.
Lòng thương xót theo Kinh Thánh thì không giống như thế. Đúng hơn, mối tương quan về lòng thương xót phải được minh hoạ bằng dụ ngôn người con hoang đàng. Trong câu chuyện này, người con ngang bướng, đang khi chịu khổ cực, bắt đầu nhận ra hành động tội lỗi của mình. Anh khiêm nhường thống hối và trở về nhà với cha anh. Theo Đức Gioan Phaolô II, người cha trong câu chuyện “thấy rất rõ điều tốt lành đã được thành toàn nơi đứa con nhờ sức lan toả huyền diệu của sự thật và tình thương đến nỗi ông như quên hết tất cả sự dữ mà con ông đã làm.”2 Trong trường hợp này, người cha không chỉ tha thứ lỗi lầm cho người con. Đúng hơn, ông nhận thấy điều tốt xảy ra nơi con trai ông – hoán cải, buồn sầu vì tội đã phạm, mong ước cao quý là đưa cuộc sống trở về đúng hướng. Và người cha vui mừng khi nhận ra điều tốt này nơi con trai ông và ông háo hức đón anh trở về.
Điều này nhắc tôi nhớ đến lần kia, khi tôi đang quan sát hai đứa trẻ chơi ở một phòng bên cạnh, mà chúng chẳng hay biết sự có mặt của tôi. Lúc đó, con chị 4 tuổi và thằng em lên hai. Thằng em đang chơi với đồ chơi ưa thích trên đùi, đột nhiên chị nó bước tới và giật lấy đồ chơi ấy khỏi tay thằng bé, sẵn sàng đi khỏi trong tư thế chiến thắng.
Tôi đoán thấy thằng bé có vẻ run sợ và bắt đầu khóc. Tôi sắp sửa đi vào phòng để định ra hình phạt cho hành động bất công này thì nhận ra con bé làm một điều gì đó bất thường. Nó đặt đồ chơi trở lại vào tay em nó, rồi ôm chặt thằng bé và nói: “Chị xin lỗi! Của em đây”.
Tôi không thể tin vào mắt mình! Vừa đây thôi, máu tôi sôi lên vì tiếng khóc của đứa cháu trai chập chững bị lấy cắp đồ chơi. Nhưng bây giờ, tôi nhận ra rằng cháu gái tôi cảm thấy xấu xa về điều nó đã làm và muốn làm một điều gì đó đúng đắn. Rõ ràng, nó không muốn làm tổn thương tình cảm em trai nó. Nó xin thằng bé tha lỗi. Do vậy, thay vì phạt nó, bây giờ tôi lại muốn ôm nó vào lòng! Tôi không chỉ thấy việc xấu nó đã làm (lấy đồ chơi của em), nhưng hơn thế, tôi nhận ra tấm lòng của nó (thương em trai, cảm thấy xấu xa khi làm tổn thương em, và chân thành xin lỗi – tất cả là sáng kiến của nó).
Tôi nghĩ điều này cũng tương tự như cách nhìn của Cha trên trời đối với chúng ta, khi chúng ta phạm tội và chân thành thống hối. Người không nhìn vào sự thật mang tính pháp lý về tội lỗi chúng ta. Người nhìn thấy tấm lòng ăn năn thống hối nơi chúng ta. Tác giả Thánh vịnh đã từng nói: “Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50,17). Thật vậy, một tấm lòng đau đớn chân thành quả là hấp dẫn đối với Thiên Chúa. Đây là bối cảnh thích hợp để hiểu về lòng thương xót. Không được xem lòng thương xót là một thế lực cao hơn, tựa như vị quốc vương tùy nghi tha thứ cho những tên tội phạm trong vương quốc của ông. Lòng thương xót ấy là tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, dù chúng ta tội lỗi.
Xin Chúa thương xót chúng con
Trong khi chủ yếu diễn tả lòng thống hối, kinh Thương xót cũng có thể được xem như một lời khẩn nguyện, một kinh nguyện tiêu biểu cho tiếng kêu than của dân Chúa xin Người trợ giúp trong cuộc sống.3 Chẳng hạn, vào thế kỷ IV, lời nguyện “Xin Chúa thương xót chúng con” (Kyrie Eleison trong tiếng Hy Lạp) đã là câu đáp của các Kitô hữu Hy Lạp cho các lời cầu xin trong phụng vụ.4
Quan niệm trên phản chiếu cách sử dụng của Tân Ước đối với thành ngữ này. Trong Tin Mừng, nhiều người đến với Chúa Giêsu để xin Người thương xót, theo nghĩa là nài xin Người chữa lành và trợ giúp cuộc sống họ. Chẳng hạn, hai người mù đến với Chúa Giêsu và nói: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9,27; x. 20,30-31). Anh mù hành khất Batimê cũng làm như thế (Mc 10,46-48; x. Lc 18,38-39). Tương tự, mười người phong cùi lớn tiếng kêu xin Chúa Kitô: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi” và Chúa Giêsu chữa họ khỏi bệnh phong cùi (Lc 17:13).
Theo những lời này, chúng ta có thể trao phó cho Chúa những đau khổ của mình qua kinh Thương xót, đồng thời tin tưởng Người sẵn sàng trợ giúp chúng ta. Những đau khổ này bao gồm bệnh tật thể lý, thử thách của bản thân, và ngay cả sự đui mù tâm linh, yếu đuối và tội lỗi. Giống như những người đui mù què quặt đến với Chúa Giêsu để xin Người giúp đỡ, chúng ta cũng đến tham dự Thánh lễ với những đau khổ và thử thách của bản thân, với sự bất lực không thể thay đổi – tức là chứng bại liệt tâm linh và đạo đức của mình. Chúng ta kết hợp với vô số linh hồn đau khổ, từ thời Chúa Giêsu cho đến hôm nay, là những người đã tìm được nguồn an ủi và sức mạnh khi kêu lên: “Xin Chúa thương xót con”.
Thương xót người khác
Tin Mừng cũng nói về những người đến với Chúa Giêsu để không chỉ xin Người thương xót chính mình, nhưng còn cho những người họ yêu mến. Một bà mẹ kêu xin Chúa Giêsu giúp đỡ con gái bà bằng cách nói: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm” (Mt 15,22). Một người cha đang trong tuyệt vọng đến với Chúa Giêsu để trình bày bệnh tật của con trai mình, ông nói: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm” (Mt 17,15).
Cũng vậy, chúng ta có thể trao phó cho Thiên Chúa những người chúng ta yêu mến mỗi lần đọc kinh Thương xót trong Thánh lễ. Giống như người cha, người mẹ trong Kinh Thánh, chúng ta có thể nói: “Xin thương xót người bạn của con vừa mới mất việc”, “Xin thương xót người hàng xóm của con vừa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư”, “Xin thương xót con trai con đã rời bỏ Giáo hội”, “Xin thương xót con gái con đang cô đơn, bất hạnh và thất bại trong cuộc sống”. Thomas Howard trình bày những suy tư tuyệt đẹp về sức mạnh của kinh Thương xót thế này:
Trong kinh Thương xót…chúng ta có thể nghe tiếng kêu cùng cực của toàn thể loài người đang từ nơi sâu thẳm hướng lên trời. Kyrie! Xin Chúa thương xót chúng con! Tiếng kêu phát ra từ những bà goá, từ tất cả những đứa trẻ bị tước đoạt và bị hành hung, từ những người tàn tật, những tù nhân và những kẻ lưu vong, từ những người trên giường bệnh, và ngay cả từ thú vật bị tổn thương, đồng thời, chúng ta cũng tin rằng, từ tất cả các dòng sông và biển cả bị ô nhiễm do rác rưởi của con người, và những phong cảnh phải mang thương tích do bị con người bóc lột. Trong phụng vụ, một cách nào đó, chúng ta đứng trước nhan Chúa thay mặt cho toàn thể thụ tạo của Người đang rên rỉ kêu la”.5
Kinh Thương xót bằng tiếng Hy Lạp, tại sao?
Nhiều vị thánh suy tư về ý nghĩa của lời khẩn nguyện ba lần nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa trong phụng vụ. Một số vị quan niệm kinh này là lời kêu xin Chúa Giêsu như là người anh, Đấng Cứu độ và Thiên Chúa chúng ta, trong khi những vị khác cho rằng kinh này quy chiếu về Chúa Ba Ngôi, theo nghĩa là chúng ta đang kêu xin mỗi Ngôi vị Thiên Chúa rủ lòng thương xót (Chúa = Ngôi Cha; Chúa Kitô = Ngôi Con; Chúa = Ngôi Thánh Linh).
Theo truyền thống, kinh này được đọc bằng tiếng Hy Lạp (Kyrie eleison). Thánh Tôma Aquinô lưu ý rằng tiếng Hy Lạp chỉ là một trong ba ngôn ngữ dùng trong phụng vụ; tiếng Do Thái (chẳng hạn “Alleluia,” “Amen”) và La Tinh (ngôn ngữ phụng vụ chung của Giáo hội Tây phương ngày nay) cũng được sử dụng. Theo thánh Tôma Aquinô, ba ngôn ngữ phụng vụ này phản chiếu cả ba ngôn ngữ cùng được viết vào tấm bảng trên thập giá Chúa Giêsu (x.Ga 19,19-20). Thánh Anbêtô Cả đã đưa ra cách giải thích khác cho lý do tại sao lời cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa được soạn bằng tiếng Hy Lạp, thay vì bằng tiếng La Tinh, ngôn ngữ đã được sử dụng vài nơi khác trong phụng vụ:
Đức tin từ những người Hy Lạp đến với những người La Tinh chúng ta; thánh Phêrô và thánh Phaolô từ những người Hy Lạp đến với những người La Tinh, và từ các ngài, ơn cứu độ đến với chúng ta. Và để nhớ rằng ân sủng này đến với chúng ta từ những người Hy Lạp, chúng ta duy trì cho đến bây giờ mọi lời và mọi âm tiết, mà lần đầu tiên dân chúng sử dụng để cầu khẩn lòng thương xót của Chúa. Do lòng kính trọng này đối với cha ông, nên các truyền thống do các ngài đã thiết lập, phải được chúng ta bước theo.6
1. Driscoll, What Happens at Mass, tr. 26.
2. John Paul II, Dives et Misericordia, no. 6.
3. See Parsch, The Liturgy of the Mass, p. 95.
4. See Joseph Jungmann, The Mass (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1976), tr. 168.
5. Thomas Howard, If Your Mind Wanders at Mass (Steubenville, OH: Franciscan University Press, 1995).
6. Trích trong Thomas Crean, The Mass and the Saints (San Francisco: Ignatius Press, 2008), tr. 44-5.