Nhiệm Vụ Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo (Bài 7)

BÀI 7 – NHIỆM VỤ CÁC HỘI GIÁO HOÀNG TRUYỀN GIÁO

Mỗi một Hội, theo cách thức riêng của mình, đều có chung một lời kêu gọi thúc đẩy tinh thần truyền giáo trong Dân Chúa tại những nơi chốn cụ thể (Điều Lệ các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, số 13).

A. Mở đầu

Mục đích: Giúp tham dự viên hiểu rõ hơn về từng Hội Giáo hoàng Truyền giáo và tham gia các Hội này theo hướng dẫn của Hội Thánh.

Nội dung: Gồm ba ý chính:

1) Các vị sáng lập các Hội Giáo hoàng Truyền giáo.

2) Nhiệm vụ cùa mỗi Hội Giáo hoàng Truyền giáo.

3) Mối tương quan giữa các Hội Giáo hoàng Truyền giáo với nhau

Yêu cầu:

1. Luôn có quyển Tân ước trong tay, để có thể tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa.

2.Tích cực suy nghĩ và thảo luận các câu hỏi của bài

B. Gợi ý trình bày nội dung

1.      Các vị sáng lập các Hội Giáo hoàng Truyền giáo

a. Năm phút tham dự viên thảo luận (nhóm 3 người thảo luận tại chỗ)

1. Qua các bài học hỏi trên, bạn có thấy được sự thúc bách cần tham gia vào việc truyền giáo của Giáo Hội không? Lý do.

2. Bạn hãy sáng kiến thử tìm một hình thức truyền giáo nào quy tụ một số người cùng tham gia bạn

b. Diễn giải đề 1

Có ba trong bốn Hội Giáo hoàng Truyền giáo dành cho giáo dân, một hội còn lại dành cho giáo sĩ và tu sĩ. Ba Hội dành cho giáo dân là: 1) Hội truyền bá đức Tin, 2) Hội Nhi đồng Truyền giáo, 3) Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ. Và một Hội dành cho giáo sĩ và tu sĩ là Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo.

Các hội này khởi đi từ sáng kiến cá nhân nay nhưng vì tầm qaun trọng và ích lợi của các hội này, Tòa Thánh đã đẩm nhận và phát động khắp các Hội Thánh trên thế giới cho mọi thành phần dân Chúa tham gia.

Có bốn vị sáng lập ra các Hội Giáo hoàng Truyền giáo: Hội truyền bá đức Tin do một nữ giáo dân người Pháp, tên Pauline Marie Jaricot, sáng lập năm 1822.

Hội Nhi đồng Truyền giáo do ĐGM người Pháp, tên Charles de Forbin-Janson thuộc Giáo phận Nancy, sáng lập năm 1843.

Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ do nữ giáo dân người Pháp, tên Jeanne Bigard, sáng lập năm 1889.

Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo do linh mục người Ý, tên Paul Manna, sáng lập từ 1907-1917.

2.      Nhiệm vụ của mỗi Hội Giáo hoàng Truyền giáo

a. Năm phút tham dự viên thảo luận (nhóm 3 người thảo luận tại chỗ)

1. Nhiệm vụ chung của bốn Hội Giáo hoàng Truyền giáo là gì?

2. Mục đích của ba Hội dành cho giáo dân là gì?

b. Diễn giải đề 2:

Cả bốn Hội Giáo hoàng Truyền giáo đều có nhiệm vụ là “thúc đẩy tinh thần truyền giáo trong Dân Chúa tại những nơi chốn cụ thể” (ĐL 13). Tuy nhiên, mỗi Hội lại nhắm tới những mục đích cụ thể hơn.

Hội truyền bá đức Tin nhằm huấn luyện lương tâm Công giáo và dấn thân tông đồ cho người tín hữu. Nói cách khác, Hội này có mục đích đà luyện người tín hữu có đời sống gắn bó với Chúa và sống theo thánh ý của Ngài qua hướng dẫn của Hội Thánh.

Hội Nhi đồng Truyền giáo nhằm huấn luyện các em thấm nhuần tinh thần loan báo Tin mừng và tạo ra một phong trào cho thiếu nhi Công giáo dấn thân giúp các trẻ em khác. Hội này cũng có trách nhiệm tố cáo và lên án các nguyên nhân của vô số hình thức bạo lực khác nhau mà các trẻ em trên thế giới phải chịu.

Hội Thánh Phêrô Tông đồ nhằm huấn luyện tinh thần loan báo Tin mừng nơi người tín hữu qua việc cổ võ ơn gọi linh mục tu sĩ tại địa phương. Sự hỗ trợ của Hội này không chỉ về mặt kinh tế nhưng sâu thẳm trong lời cầu nguyện và trong đời sống được cảm nhận và hướng dẫn bởi Đức Tin.

3.      Mối tương quan giữa các Hội Giáo hoàng Truyền giáo với nhau

a.Năm phút tham dự viên thảo luận (nhóm 3 người thảo luận tại chỗ)

Bạn thấy vai trò hướng dẫn các hội đoàn của linh mục và tu sĩ trong giáo xứ quan trọng thế nào?

b. Diễn giải đề 3

Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo nhằm tiếp tục huấn luyện, khơi dậy lòng nhiệt thành tông đồ nơi chính thành viên của mình và, thông qua họ, khơi dậy nhiệt huyết truyền giáo nơi các Kitô hữu. Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo nối kết và hợp tác bằng cách làm gia tăng ơn gọi truyền giáo và phân bổ Giáo sĩ và Tu sĩ cách hiệu quả hơn; do đó, điều này làm nổi bật giá trị của việc hợp tác giữa các Hội Thánh. Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo làm sống động Dân Chúa bằng cách chỉ rõ bổn phận truyền giáo của họ; đây chính là sức mạnh tinh thần nhằm hoán cải thế giới. Hội Giáo sĩ và Tu sĩ được xem là linh hồn của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo.

C. Tóm tắt bài học

1. H. Có biết bao nhiêu Hội dành cho giáo dân?

T. Có ba trong bốn Hội Giáo hoàng Truyền giáo dành cho giáo dân là: 1) Hội truyền bá đức Tin, 2) Hội Nhi đồng Truyền giáo, 3) Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ. Và một Hội dành cho giáo sĩ và tu sĩ là Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo.

2. H. Có mấy vị sáng lập các Hội Giáo hoàng Truyền giáo?

T. Có bốn vị sáng lập ra các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. 1) Hội truyền bá đức Tin do một nữ giáo dân người Pháp, tên Pauline Marie Jaricot, sáng lập năm 1822. 2) Hội Nhi đồng Truyền giáo do ĐGM người Pháp, tên Charles de Forbin-Janson thuộc Giáo phận Nancy, sáng lập năm 1843. 3) Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ do nữ giáo dân người Pháp, tên Jeanne Bigard, sáng lập năm 1889. 4) Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo do linh mục người Ý, tên Paul Manna, sáng lập từ 1907-1917.

3. H. Nhiệm vụ chung của bốn Hội Giáo hoàng Truyền giáo là gì?

T. Cả bốn Hội Giáo hoàng Truyền giáo đều có nhiệm vụ là “thúc đẩy tinh thần truyền giáo trong Dân Chúa tại những nơi chốn cụ thể” (ĐL 13). Tuy nhiên, mỗi Hội lại nhắm tới những mục đích cụ thể hơn.

4. H. Mục đích của ba Hội dành cho giáo dân là gì?

T.Hội truyền bá đức Tin nhằm huấn luyện lương tâm Công giáo và dấn thân tông đồ cho người tín hữu. Hội Nhi đồng Truyền giáo nhằm huấn luyện đời sống đức tin và tinh thần loan báo Tin mừng cho thiếu nhi. Hội Thánh Phêrô Tông đồ nhằm cổ võ ơn gọi linh mục tu sĩ tại địa phương.

5. H. Mục đích của Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo là gì? Hội này có tương quan thế nào với ba Hội còn lại?

T. Hội Giáo sĩ và Tu sĩ Truyền giáo nhằm tiếp tục huấn luyện, khơi dậy lòng nhiệt thành tông đồ nơi chính thành viên của mình và, thông qua họ, khơi dậy nhiệt huyết truyền giáo nơi các Kitô hữu. Hội Giáo sĩ và Tu sĩ được xem là linh hồn của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo.

WGPKT(24/08/2021) KONTUM