Sự Tiết Độ Trong Ngôn Từ

Qua bài giáo lý tại buổi Tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư ngày 17.04.2024, Đức Thánh Cha Phanxicô giảng huấn về nhân đức tiết độ. Ngài mời gọi các tín hữu “trau dồi nhân đức tiết độ để có thể kiểm soát lời nói và hành động của mình, tránh những xung đột không đáng có và thúc đẩy hòa bình trong xã hội”.

Theo Sách Giáo lý Công giáo, “Đức tiết độ liên quan đến liều lượng thích hợp trong hành động của con người nơi chính bản thân” (Sách GLCG phần III, bài 12). Đức tiết độ là sự điều tiết của cá nhân về nhu cầu thụ hưởng, cảm xúc và hành vi ứng xử. Mỗi người cũng không mặc nhiên có được khả năng tiết độ bản thân, nhưng sự tiết độ biểu hiện qua các hành động được rèn luyện để ứng xử trong tình huống cụ thể và trở thành thói quen, tính cách sống của cá nhân trong sinh hoạt thường ngày. Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh người giữ đức tiết độ nghĩa là đạt được mức độ trung dung, chừng mực trong việc sử dụng vật chất cũng như cách ứng xử, để bản thân vượt qua những yếu đuối và biết tiết độ, làm chủ cảm xúc.

Trong đời sống công nghệ hiện nay, huấn từ của Đức Thánh Cha không chỉ mời gọi chúng ta suy xét về lời nói và cách cư xử với người khác trong giao tế thường ngày, nhưng hơn nữa phải suy nghĩ về cách sử dụng ngôn từ qua các phương tiện truyền thông mạng. Ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra rằng, một hiện tượng phổ biến hiện nay là thói quen gởi tin nhắn qua các trang mạng xã hội thông dụng như Facebook, Instagram, Messenger, Tiktok, Viber, Zalo… Nhờ truyền thông mạng người ta có thể gởi tin nhắn, quảng cáo sản phẩm, phổ biến hình ảnh, chuyển tải video clip… cách siêu tốc. Với tin nhắn, chúng ta có thể truyền đạt thông điệp mà không cần phải gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với người khác. Cũng để tiết kiệm thời gian, hằng ngày trong gia đình khi cần trao đổi thì cha mẹ có thể nhắn tin cho con cái, nhờ công cụ tin nhắn mọi người trong gia đình cũng không lãng phí thời giờ nói chuyện phiếm. Hoặc có thể khi bầu khí trong gia đình đang “căng thẳng”, cha mẹ cũng chọn giải pháp nhắn tin thay vì phải “lớn tiếng” với nhau. Mặt khác, phương tiện mạng xã hội có thể làm cho chúng ta dần dần bị thu hẹp khả năng giao tiếp. “Ngôn ngữ mạng” thường ngắn gọn, ngôn từ trong tin nhắn cũng không chuyển tải hết ngữ cảnh của câu văn… nên người ta cũng dễ bức xúc vì ngôn ngữ trong tin nhắn.

Thiết tưởng sự tiết độ trong việc dùng phương tiện truyền thông mạng là điều mỗi người cần phải rèn luyện. Chúng ta sử dụng những tiện ích từ công nghệ internet đem lại, nhưng chúng ta cũng cần chừng mực và kiểm soát ngôn từ qua công nghệ mạng, không lãng phí nhiều thời gian vào mạng xã hội; nhưng dành thời gian giao tiếp, thăm hỏi người thân trong gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp nơi làm việc, giáo dân trong giáo xứ. Hơn nữa qua sự tương tác trực tiếp với người khác, chúng ta còn có trải nghiệm lắng nghe những ý tưởng trái chiều, nhận ra ý nghĩa của những ngôn ngữ không lời, luyện tập kiên trì, làm chủ cảm xúc. Tiết độ cảm xúc không đồng nghĩa là “tức giận không nói”, không nói vì dửng dưng không quan tâm, hoặc không nói để tránh bị liên lụy. Bài giáo lý của Đức Thánh Cha về sự tiết độ trong lời nói, nhắc nhở chúng ta cần biết trung dung trong ngôn từ bằng cách “nói đúng lúc”, khi nào ta cần im lặng để kiểm soát cảm xúc tiêu cực, khi nào cần im lặng để suy nghĩ sâu xa hơn, và khi nào cần nói cách thận trọng để góp ý về những hành vi sai trái. Như vậy sống tiết độ trong ngôn từ cũng có nghĩa là không chấp nhận thái độ ứng xử “mạnh thắng yếu thua” hay “sòng phẳng” tranh luận, nhưng đức tiết độ trong ngôn từ và hành vi ứng xử là sự cảm thông trong đức ái.

Tâm tình của thánh Phaolo trong thư gởi tín hữu Roma, chắc hẳn rất thiết thực cho chúng ta trong việc rèn luyện khả năng tiết độ trong ngôn từ và cách ứng xử để sống ôn hòa với người khác: “Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được để sống hòa thuận với mọi người” (Rom 12,18).

 

Nt. Emmanuel Hồng Yến, OP

Nguồn: daminhthanhtam.com