Trường Học Thánh Phaolô – Thư Gửi Tín Hữu Philípphê

 

TRƯỜNG HỌC THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

 

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

Đọc thêm:

Nhập Đề

Thư 1 Thêxalônica

Thư 2 Thêxalônica

Thư 1 Côrintô

Thư 1 Côrintô (tiếp theo)

Thư 2 Côrintô 

Thư 2 Côrintô (tiếp theo)

 

THƯ GỬI TÍN HỮU PHILÍPPHÊ

 

ĐỨC GIÊSU KITÔ TRONG 

KINH NGUYỆN VÀ ĐỜI SỐNG CỦA VỊ TÔNG ĐỒ 

 

Thư ngắn gọn này có một trọng lượng đặc biết.  Khác với Thư 2 Côrintô, Thư Philípphê nồng nàn hơn; người ta cảm thấy vị tông đồ đồng cảm với độc giả.  Đó cũng là Thư của niềm hoan lạc, niềm vui mà không loại bỏ các khó khăn.

Để đi vào bối cảnh của Thư bạn có thể đọc lại trình thuật rao giảng Tin Mừng tại thành Philípphê (Cv 16).  Thành Philípphê là thành phố đầu tiên mà thánh Phaolô rao giảng khi ngài ngang qua Bosphore để đi Makêđônia, Hy – lạp.  Thánh Phaolô đã được các phụ nữ nồng nhiệt tiếp đón, đặc biệt bà Liđia; tuy nhiên lại gặp rắc rối đối với một số phụ nữ khác.  Đối đầu với những khó khăn và, chẳng bao lâu sau, ngài bị tống ngục.  Một tên cai tù có nhiệm vụ canh gác ngài.  Những kỷ niệm trở về trong tâm trí, trong kinh nguyện mà ngài đã viết thành công thức, những kỷ niệm rất cụ thể do sự tiếp cận với một nhóm tín hữu Philípphê.

Lấy lại ba chương đầu của Thư nầy.  Chúng ta sẽ nhấn mạnh đến kinh nguyện dẫn nhập.  Chúng ta có chứng tá của thánh Phaolô; việc tù tội (x. Pl 1, 13) cho ngài cơ hội sống thân tình với Đức Kitô hơn.  Trong chương đầu chúng ta gặp kiểu nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kito”, – một kiểu nói mạnh mẽ để diễn tả tương quan của ngài với Đức Chúa.  Điều nầy dẫn ngài tới hình thành thánh thi ca tụng Đức Kitô, một kinh nguyện rất hay trở thành kinh điển trong phụng vụ Giáo Hội.  Sau thánh thi vinh tụng Đức Kitô, thánh Phaolô khuyên nhủ cộng đoàn Philípphê.  Chương 3 kể lại lịch sử thánh của Phaolô, cách ngài sống kết hiệp với Chúa Kitô trong lễ Vượt qua.

Lấy lại kinh nguyện mở đầu Thư nầy:  “Tôi tạ ơn Thiên Chúa tôi, mỗi lần tôi nhớ đến anh em, luôn luôn, trong mọi lời tôi cầu xin cho anh em hết thảy, và tôi vui sướng mà dâng lời cầu xin ấy, vì anh em được thông phần vào việc rao giảng Tin Mừng, từ ngày đầu tiên cho đến bây giờ.  Tôi tin chắc rằng: Đấng đã khởi sự nơi anh em một công trình thiện hảo như vậy sẽ tiếp tục cho đến hoàn thành trong Ngày của Đức Kitô Giêsu.  Lẽ đương nhiên là tôi phải có những tâm tình như thế đối với anh em hết thảy, bởi tôi hằng có anh em canh cánh nơi lòng tôi.  Trong xiềng xích, hay khi phải bênh đỡ và củng cố Tin Mừng, anh em hết thảy đều đã thông phần vào ân sủng tôi đã được.  Có Thiên Chúa chứng giám cho tôi, là tôi tríu mến anh em hết thảy trong lòng dạ Đức Kitô Giêsu.  Điều tôi khẩn nguyện là xin cho lòng yêu mến nơi anh em được dẫy tràn nhiều hơn mãi mãi, về đàng trí tri và mọi ơn thông hiểu, khiến anh em biện phân ra điều ưu hảo, và như vậy anh em được tinh tuyền và vô phương trách cứ chờ Ngày của Đức Kitô, dư đầy hoa quả công chính, nhờ Đức Giêsu Kitô, để sáng danh Thiên Chúa và ngợi khen Người!” (Pl 1, 3-11).  “Tôi tạ ơn Thiên Chúa tôi, mỗi lần tôi nhớ đến anh em”.  Tôi tạ ơn : “eucharistein” cũng chính là công thức gặp được trong các Thư Côrintô, tạ ơn dâng về Đức Chúa.  Tưởng nhớ lại điều ngài đã sống với người Philípphê trở nên nguyên nhân cho hành động tạ ơn của ngài.  Thánh Phaolô vẫn còn giữ liên lạc với những người ngài đã rao giảng tin mừng; khi nghĩ đến họ, nghĩ đến những gì ngài đã sống với họ, ngài chỉ biết dâng lời tạ ơn. “Luôn luôn trong mọi lời tôi vui mầng cầu xin cho anh em hết thảy”.  Có sự nhắc đến đặc biệt trong Thư Philípphê: thánh Phaolô nghĩ về cộng đoàn với niềm hân hoan; niềm vui làm thành yếu tố cho kinh nguyện của ngài.  Với tư cách tông đồ, ngài biết đến những lúc kinh nguyện vui tươi phấn khởi.  Qua kinh nghiệm cá nhân chúng ta biết rằng kinh nguyện không phải khi nào cũng phấn khởi, nhất là khi kinh nguyện gợi nhớ những mệt nhọc nặng nề.  Điều mà thánh Phaolô sắp nêu ra đây cho phép ngài cầu nguyện trong hoan lạc.  Từ ngữ vui mầng trở lại nhiều lần; cuối Thư chúng ta có bài huấn đức của thánh Phaolô mời gọi người nhận Thư phải luôn sống tươi vui: “Anh em hãy vui lên trong Đức Chúa; tôi nhắc lại, vui lên anh em” (Pl 4, 4).

Tại sao thánh Phaolô tạ ơn với sự hoan hỷ khi nhớ đến chặng đường đã qua với tín hữu Philípphê?  “ Bởi vì anh em đã cùng tôi tham gia rao giảng Tin Mừng từ ngày đầu cho đến hôm nay”.  Thánh Phaolô nhớ lại việc người Philípphê đã chóng vánh tham gia rao giảng Tin Mừng trong thành của họ.  “Tham gia” dịch từ tiếng Hy lạp “koinônia”, từ ngữ có nghĩa hiệp thông trong Giáo Hội.  Không nên tưởng tượng rằng người Philípphê chỉ là những cộng tác viên mà thôi theo sát nghĩa, tức họ đã làm việc với thánh Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng; từ đó sự cộng tác trong việc rao giảng Tin Mừng có sự hiệp thông sâu xa.  Hạn từ “koinônia” có nghĩa rộng hơn; bản dịch tiếng Pháp không nói lên hết tất cả sự phong phú của hạn từ nầy.  Điều mà thánh Phaolô gợi lên thì ở bên kia sự hợp tác trong công việc, đó là tính huynh đệ, sự hiệp thông, tương quan tình yêu. “Phần mà anh em tham dự với chúng tôi trong việc rao giảng Tin Mừng ngay từ ngày đầu cho đến hôm nay”.  Thánh Phaolô gợi lại cách thức ngài được bà Liđia và các phụ nữ đón tiếp tại Phililípphê.  Một tương quan được giữ mãi giữa dân Philípphê và thánh Phaolô: một thời gian dài, chứ không phải là lửa rơm mà thôi.

Ngài thêm: “Đó là xác tín của tôi”.  Thánh Phaolô sẽ đặt thành công thức sự xác tín đức tin nầy khởi từ cái nhìn ngài có về cộng đoàn Philípphê như họ đang là lúc đó: “Đấng đã khởi sự nơi anh em một công trình thiện hảo sẽ tiếp tục cho đến hoàn thành trong Ngày của Đức Kitô”.  “Đấng đã khởi sự”, không phải là thánh Phaolô, mà là Đức Chúa đang hoạt động; Đức Chúa đó hiện diện ngay từ đầu cuộc rao giảng Tin Mừng, giữ vững sự hiện diện của Người nơi trung tâm của cộng đoàn.  Công trình tuyệt diệu được hoàn tất nơi cộng đoàn và lưu lại.  Bởi vì ngài thấy sự việc đã bắt đầu như thế nào và có những tiếng vang như thế tiếp nối, thánh Phaolô xác tín rằng Đức Chúa sẽ theo đuổi công trình của Người cho đến cùng, cho đến khi hoàn thành, và sự hoàn tất chỉ có thể vào Ngày của Đức Kitô.  Rao giảng Tin Mừng tại Philípphê đã bắt đầu gặp những thử thách, đồng một trật qua sự đón tiếp thân tình, cởi mở.  Công việc tông đồ, đối với thánh Phaolô cũng như đối với chúng ta, được tiếp tục luôn luôn xuyên qua bóng tối; chúng ta không bao giờ chắc chắn về kết quả, về hoạt động hoàn hảo.  Thánh Phaolô khẳng định rằng đời sống cộng đoàn sẽ kết thúc vào ngày đầy ánh sáng của Chúa Kitô.  Sau hạn từ “Ngày của Chúa Kitô” chỉ về ngày tận thế, luôn quy chiếu về ánh sáng Phục sinh.  Ngày của Chúa Kitô là ngày khải hoàn của Chúa Kitô trong cuộc Vượt qua của Người, sự khải hoàn của Đấng Phục sinh.

Lẽ đương nhiên là tôi phải có những tâm tình như thế đối với anh em hết thảy, bởi tôi hằng có anh em canh cánh nơi lòng tôi.  Trong xiềng xích, hay khi phải bênh đỡ và củng cố Tin Mừng, anh em hết thảy đều đã thông phần vào ân sủng tôi đã được.  Có Thiên Chúa chứng giám cho tôi, là tôi tríu mến anh em hết thảy trong lòng dạ Đức Kitô Giêsu”.  Thánh Phaolô sẽ giải bày lời tuyên ngôn tình yêu nầy để nói lên ý nghĩa sâu xa.  Ngài có niềm xác tín rằng ngài và người dân Philípphê tham dự cùng một ân sủng (cùng một ân huệ của Thiên Chúa), ân sủng thông ban Lời, ân sủng rao giảng Tin Mừng.  Hiệp thông trong ân sủng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, họ được liên kết cách sâu thẳm trong sự hiệp thông tình yêu, điều nầy  làm cho họ liên đới với nhau, gần gũi nhau cách thiêng liêng trong ân huệ nhưng không của Thiên Chúa.  Chỉ một và duy nhất ân sủng được thông ban cho họ và đó là nguồn mạch hiệp nhất của họ.  Thánh Phaolô thân thiết dân Philípphê, ngài yêu thương họ trong âu yếm của Đức Giêsu Kitô, công thức khá làm chúng ta ngạc nhiên.  Điều xoay vần trong các thành viên của cộng đoàn, giữa các thành viên của cộng đoàn và thánh Phaolô, chính là tình yêu của Đức Giêsu Kitô.

Lời khẳng định nầy xem ra rất quan trọng để đánh giá những mối tương quan trong Giáo Hội.  Chân lý sâu thẳm về tương quan huynh đệ, tương quan tình cảm nơi các cộng đoàn chính là phóng chiếu những tương quan ba ngôi.  Có điều gì đó thần thánh trong tình yêu Kitô nầy: sự âu yếm của Đức Giêsu cư ngụ nơi cộng đoàn tín hữu.  Trong kinh  nguyện của chúng ta, hãy ý thức, chúng ta đặt mình trước mầu nhiệm hiệp thông giáo hội.  Không phải là đơn thuần: “người ta yêu thương người thân!”  Mầu nhiệm hiệp thông giáo hội là bí tích, dấu chỉ hữu hiệu của sự hiệp thông tình yêu ba ngôi, tình yêu nầy có chỗ đứng trong những tương quan nhân loại chúng ta; như vậy mọi tương quan nhân loại của chúng ta có màu sắc thần thánh khởi từ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đến ở giữa chúng ta để dạy chúng ta yêu thương như Người đã yêu, theo cách nhân loại và thần linh.  Công đồng Vaticanô II đặt nổi giá trị mầu nhiệm Giáo Hội để nói lên phẩm tính cuối cùng của Giáo Hội, sự sâu thẳm thần linh: mọi tương quan nhân loại trở nên tương quan được ghi dấu tình yêu Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Như thế phần đầu của kinh nguyện nầy là kinh nguyện chiêm niệm, thán phục, một hành động tạ ơn xây dậng trên cái nhìn đức tin của vị tông đồ về cộng đoàn Philípphê.  Có tình yêu trong cộng đoàn nầy và giữa cộng đoàn với người rao giảng tin mừng. 

Phần hai là kinh nguyện cầu xin.  “Điều tôi khẩn nguyện là xin cho lòng yêu mến nơi anh em được dẫy tràn nhiều hơn mãi mãi, về đàng trí tri và mọi ơn thông hiểu, khiến anh em biện phân ra điều ưu hảo” (Pl 1, 9-10).  Chắc hẳn đã có nhiều tình yêu trong cộng đoàn nầy nhưng thánh Phaolô biết rằng cộng đoàn luôn trên đường hành hương, luôn lên đường.  Ngài sẽ cầu nguyện để tình yêu mỗi ngày một phong phú.  Đó là hạn từ của sự viên mãn, tràn trề.  Tình yêu nầy đến từ Thiên Chúa luôn có thể lớn lên, thông ban, hoàn thiện, thành toàn.  Vị tông đồ cầu xin cho tình yêu tiếp tục lớn lên, phát triển, lan rộng, vì người ta không bao giờ đạt đến chóp đỉnh của tình yêu nầy.

Tại sao khai triển tình yêu nầy?  “Xin cho lòng yêu mến nơi anh em được dẫy tràn nhiều hơn mãi mãi, về đàng trí tri và mọi ơn thông hiểu, khiến anh em biện phân ra điều ưu hảo”.  Thật ngạc nhiên vì người ta thường diễn tả “tình yêu mù lòa”!  Ở đây thì trái lại, thánh Phaolô thấy như một hậu quả: “Một tình yêu làm cho anh em lớn lên trong sự sáng suốt” (thấy rõ hơn).  Ở đây không phải tình yêu làm cho ra mù lòa, nhưng là tình yêu cần thiết để chúng ta có thể hướng dẫn mình trong đời sống, thấy rõ hơn để lựa chọn.  Làm thế nào hiểu được điều đó?  Nếu chúng ta sống trong tình yêu, nếu tình yêu đó tiếp tục phát triển trong một tình bác ái thật sự, lúc đó chúng ta ở trên cùng làm sóng với Thiên Chúa, Đấng được thánh Gioan định nghĩa là Tình Yêu, Tình Yêu huynh đệ.  Nếu người ta sống trong tình yêu, người ta cảm nghiệm sự vật như Thiên Chúa.  Càng tiến gần đến Thiên Chúa Tình Yêu, Thiên Chúa Tình Yêu  và những tương quan ba ngôi càng hiện diện trong đời sống chúng ta, chúng ta càng có thể thanh lọc những lựa chọn của chúng ta, thấy và làm những lựa chọn tốt, lựa chọn như Thiên Chúa, chúng ta định hướng trên ý của Thiên Chúa, trên ước muốn của Người.

Trong cảm tính chân thật”: cảm nhận như Thiên Chúa, đồng ý với Thiên Chúa.  Đồng ý với tức cảm nhận với, cảm nhận như.  Sống tình yêu, chính là cho phép chúng ta đồng ý, đồng lòng (Trong từ ‘concordance’ ở tiếng Pháp có từ ‘cor’, tức là tâm, con-cor: đồng tâm) với Thiên Chúa và để có thể làm những biện phân được áp đặt theo cách của Thiên Chúa, đang khi trung thành với những gì Thiên Chúa sống, những gì Người  muốn, những gì Người suy nghĩ và những gì Người thấy.   Một đoạn trong Thư 1Gioan cho ta thấy có sự gần gũi với khẳng định nầy của thánh Phaolô : “Anh em thân mến, ta hãy yêu mến nhau, vì lòng mến phát tự Thiên Chúa và phàm ai yêu mến thì đã sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa.  Ai không yêu mến thì đã không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là lòng mến” (1 Ga 4, 7-8).  Sống lãnh nhận liên lỉ, đón tiếp thường xuyên, trong trung tín yêu thương đối với Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và, qua Đức Giêsu Kitô, làm chứng cho chúng ta và thông ban cho chúng ta chính tình yêu của Người.

Như vậy anh em được tinh tuyền và vô phương trách cứ chờ Ngày của Đức Kitô”.  Sống trong tình yêu, đón nhận mỗi ngày tình yêu,  hơn nữa tình yêu đến từ Thiên Chúa và để sống cho tình yêu ấy, điều nầy tinh luyện chúng ta dần dần, thánh hoá chúng ta, đem chúng ta lại gần Đức Giêsu Kitô và cho phép chúng ta đề cập đến hạn từ, ngày của Đức Kitô, với sự chắc chắn đang ở trong tình trạng hoàn hảo trong tương quan với Người: “Như vậy anh em được tinh tuyền và vô phương trách cứ chờ Ngày của Đức Kitô”.  Tình yêu đó, là kết quả của công chính, của thánh thiện, vẫn là một ân huệ, một hồng ân của Đức Chúa, Người đến lấp đầy chúng ta.  “Dư đầy hoa quả công chính! Tinh tuyền, vô phương trách cứ chờ ngày Đức Kitô, được đầy tràn hoa trái sự công chính”.  Cha là nguồn tình yêu, thông ban chính tình yêu của mình nhờ Đức Giêsu Kitô.  Như thế Người là nguồn gốc, nguồn mạch, là An-pha.  Cha cũng là cùng đích.  Tất cả đời sống chúng ta đã thấm nhuần vinh quang đang chờ đón chúng ta, qua ân sủng đã được trao ban cho chúng ta.  Người Cha nầy, nguồn mạch của mọi tình yêu, cũng là Đấng mà chúng ta hành trình đi về và chúng ta sẽ gặp được.  Khi tất cả sẽ hoàn tất, Đức Giêsu sẽ trình diện chúng ta với Cha vì mục đích của đời sống chúng ta là làm vinh danh Cha, Con và Thánh Thần.  Đó là kinh nguyện mang dấu ấn của thánh Phaolô cách đặc biệt.

Đôi lời về một trong những văn bản quan trọng của Tân Ước: thánh thi ca tụng Đức Kitô phục sinh chương 2.  Có lẽ thánh Phaolô không phải là người duy nhất sáng tác thánh thi nầy.  Theo các nhà chú giải kinh thánh, giả thiết trong các cộng đoàn tiên khởi đã có một bài tán tụng ca được thánh Phaolô lấy lại và sắp xếp theo ý của ngài.  Chúng ta gặp trong Thư Côlôxê và Thư Êphêxô, những thánh thi vinh tụng Đức Kitô, chúng làm nên văn phong của thánh Phaolô: ngài phải ca tụng Đức Chúa, Đấng ngài yêu mến.

Trước hết Thánh Phaolô gợi lại tù ngục của ngài và ngài nói đến tương quan cá nhân của ngài với Đức Kitô; nói về nhưng đau khổ, những chướng ngại khi rao giảng Tin Mừng, ngài khẳng định niềm hy vọng của mình.  Thần khí của Đức Giêsu Kitô tiếp tục trong công việc của ngài: “Đó là điều tôi ngóng đợi và cậy trông!  Tuyệt nhiên, tôi sẽ không phải hổ thẹn! Hoàn toàn hiên ngang, mọi lúc sao, bây giờ cũng vậy, Đức Kitô phải được tôn vinh nơi thân mình tôi, dù tôi sống hay tôi chết.  Vì đối với tôi, sống chính là Đức Kitô, và chết là một mối lợi.  Nhưng nếu sống trong xác phàm lại là hoạt động có hiệu quả ‘trong công việc giảng Tin Mừng’ thì tôi không biết phải chọn gì.  Tôi bị giằng co đôi ngã: tôi ước mong thoát ly và được ở cùng Đức Kitô, vì thật là điều tối hảo gấp bội!  Nhưng lưu trú trong xác phàm lại khẩn thiết hơn vì anh em!  Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ lưu lại và ở bên mà giúp anh em hết thảy tiến tới và được sự vui mừng của lòng tin, ngỏ hầu anh em được tràn đầy vinh vang trong Đức Giêsu Kitô, vì có tôi, nhân dịp tôi được tái ngộ với anh em!” (Pl 1, 20-26).  Đó là niềm phân vân nổi tiếng của thánh Phaolô: chính yếu là sống cho Đức Kitô qua những công việc tông đồ hoặc là đi về với Người bằng cái chết.  Khởi từ đó thánh Phaolô cảm nghiệm được sự cần thiết ca tụng Đức Kitô mà ngài yêu mến, Người là lẽ sống của ngài.

Đức Kitô, Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.  Song Ngài đã huỷ mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta; Đem thân đội lốt người phàm, Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá!  Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài! và ban cho Ngài Danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu, hầu trước Danh hiệu của Đức Giêsu mọi gối đều phải quì xuống bái lạy, chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: Giêsu Kitô là Chúa, mà làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha” (Pl 2, 6-11).

Kinh nguyện nầy mang hình thức thi văn.  Thánh Phaolô cố hình thành bằng ngôn từ có vần điệu điều mầu nhiệm đang bao trùm lấy ngài và làm sức sống cho ngài: mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu.  Đây là một trong những công thức ngoại thường nhất về mầu nhiệm vượt qua mà Giáo Hội còn giữ lại; một cách đặc biệt Giáo Hội lấy lại công thức nầy trong Tuần Thánh.  Bạn biết hai đoạn thơ về bài thánh thi vượt qua đó: đoạn mô tả sự tự huỷ và đoạn mô tả sự tán dương. Hãy ghi nhận hình ảnh từ trên cao và từ dưới thấp; điều cực thấp trở thành điều cực cao.  Đó là tất cả mầu nhiệm Vượt Qua với những công thức nói lên sự tự hủy, công thức rất mạnh mẽ bởi vì đụng chạm đến chính bản thân của ngôi vị.  Đấng đồng hàng với Thiên Chúa, Ngôi Lời của thiên Chúa, “tự lột bỏ” những vinh quang Thiên Chúa.  Sự tước bỏ y phục của Đức Kitô dưới chân thập giá mang nặng ý nghĩa.  “Tôi đòi” : nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu tự giới thiệu mình như tôi đòi, cho đến nỗi rửa chân cách cụ thể.  “Trở thành giống hẳn người ta”, là con người như bao nhiêu người khác và “được coi như một con người”:  người ta đã có thể gặp Người trên đường phố Palestina.  Sự tự hủy nầy được công thức như là sự “vâng lời cho đến chết”: chấp nhận đi vào trong ý muốn của Cha đến tận cùng, và không phải bất cứ cái chết nào nhưng là cái chết thập giá.  Hạn từ “kénose” được dịch là tự hạ, tự hủy ra không.  Người trở thành hư không, xuống tột cùng biên giới hư vô.  Cách nói: “Người đã xuống ngục âm ti” gặp trong kinh Tin Kính nói lên điều liên hệ đến việc nầy.  Người đã hạ mình xuống  nơi thấp nhất của thân phận con người để gặp được những kẻ mọn hèn nhất, nghèo nàn nhất và những kẻ tội lỗi.

Ngài đã hạ mình thấp hèn . . .   Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài”.  Từ ngữ sống lại không được dùng ở đây, nhưng là hình ảnh Thăng Thiên.  Thiên Chúa đã siêu tôn Người, nâng Người lên đến Cha (exaltation có nghĩa là đi lên phía cao ‘altus’).  Cho nên Người đã có thể lãnh nhận đúng Danh xưng của mình: Người, rất thấp, đã có thể được gọi bằng một danh xưng không thể diễn tả được vượt hẳn một danh xưng.  Chính đó là mầu nhiệm vượt qua: mầu nhiệm của một Thiên Chúa đã đi xuống trong các chiều kích sâu thẳm của nhân loại và, bởi vì Người đã chấp nhận đi đến cùng trong vâng lời và tự hủy, Cha đã đỡ Người dậy và nâng Người lên.  Thần khí sự sống đón lấy Người và Người lại trỗi lên trong vinh quang của Cha.  Hậu quả đối với chúng ta là thờ lạy Chúa Kitô Phục Sinh “hầu trước Danh hiệu của Đức Giêsu, mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy”: bái gối, thờ lạy, phủ phục của vũ hoàn (trời, đất, dưới đất, cả thế gian…), sự hạ mình, nhìn nhận thần tính của Người đối với chúng ta, tạo vật của Thiên Chúa được cứu chuộc bởi Thiên Chúa và tuyên xưng căn tính chân thật của Người: “Chốn hoằng thiêng, trên địa cầu, dưới gầm đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: Đức Giêsu Kitô là Chúa, mà làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha”.  Vinh tụng ca kết thúc kinh nguyện nầy.

Đây là bản văn độc nhất trong văn chương kinh thánh, một trong những bản văn then chốt của Mặc khải, cho phép khi đến lượt, chúng ta đặt mình trong trạng thái thờ lạy và tuyên xưng thần tính của Con Người Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.

 

WGPKT(17/03/2023) KONTUM