Ngày 28/04: Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan – Thánh Phêrô Nguyễn Văn Hiếu – Thánh G.B Đinh Văn Thành, Tử Đạo

1. THÁNH PHAOLÔ PHẠM KHẮC KHOAN

Linh mục (1771 – 1840)

Ngày tử đạo: 28 tháng 4 năm 1840

Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan sinh ra năm 1771 tại làng Diên Mậu, khi ấy thuộc xứ Hảo Nho, nay thuộc xứ Hiếu Thuận, Giáo phận Phát Diệm.

Khi còn là thầy giảng, thầy Khoan được bề trên giao cho việc cai quản Nhà chung Kẻ Vĩnh. Về sau, thầy Khoan chịu chức linh mục và làm cha chính xứ Phúc Nhạc. Cha thường nhắc nhở giáo hữu về phép công bằng và nhân đức sạch sẽ. Vì ai giữ tốt hai điều ấy, ắt sẽ được rỗi linh hồn. Dù trong xứ có ba cha phó, cha Khoan vẫn chịu khó làm các phần việc và nêu gương sáng cho mọi người.

Dù đã hơn sáu mươi tuổi, nhưng cha vẫn đi thăm các họ Phúc Nhạc, Đông Biên, Tôn Đạo và dòng Mến Thánh Giá Yên Mối mỗi tháng một lần. Cha Khoan coi xứ Phúc Nhạc được mấy năm, thì bị bắt cùng với thầy Hiếu và thầy Thanh tại Đông Biên.

Hôm ấy, cha Khoan đi xức dầu bệnh nhân ở Trại Bò, về qua Đông Biên, trú một đêm trong nhà ông phó tổng Dụ. Sáng hôm sau, ngày 24-8-1837, lý trưởng làng ấy vây bắt cha, cùng thầy Thanh và thầy Hiếu, hai thầy giảng đi giúp cha Khoan. Họ giải ngay các vị lên tỉnh và giam gần hai năm liền.

Khi bị bắt, cha Khoan đã 68 tuổi. Tuy già yếu, và bị tra tấn mấy đợt, chịu khổ sở mọi đàng, nhưng cha chẳng sờn lòng, chẳng hề dao động. Khi quan trách cha rằng: “Sao ông không nghĩ lại mà biết mình đã lầm, hãy bỏ đạo đi, hãy vâng lời vua, đừng có nghe những thằng Tây nữa làm gì”, cha Khoan chỉ thưa lại một điều rằng: “Sống chết tôi không bỏ đạo”.

Các quan thấy vậy thì truyền giam riêng cha Khoan một nơi và thầy Thanh, thầy Hiếu một nơi, sau đó sẽ dụ dỗ riêng từng người. Khi ấy, quan án nói với cha rằng: “Hai đầy tớ ông đã nghe, đã bước qua thập giá rồi, ông còn cưỡng làm gì?” Cha nghĩ là thật nên lấy làm đau đớn buồn bã lắm. Nhưng ngày hôm sau có một người đàn bà vào tù trình rằng: “Hai thầy giảng vẫn xưng đạo ra mạnh bạo lắm, cho đến nỗi các quan phải sợ hãi”. Khi đó cha mới mừng rỡ và tạ ơn Chúa.

Án của cha Khoan thì phải trảm quyết vì là linh mục, và phải bêu đầu đủ ba ngày để làm cho người ta sợ. Cha được tin ấy thì vui mừng lắm vì nghĩ rằng: Chẳng còn bao lâu sẽ được mọi sự vui vẻ trên trời. Nhưng vua lại giảm bớt hình phạt: “Thằng có tội này đã lừa dối người ta đã lâu, đến trước mặt quan nó cũng không chịu bước qua thập giá thì thật là người hư đáng chết. Nhưng mà nó đã hơn sáu mươi tuổi, chẳng còn sống được bao lâu, thì phạt nó như hai đứa đầy tớ nó, là giảo giam hậu”. Cứ như chỉ vua đã ra về cha Khoan, thì cha và hai thầy bị giam lâu ngày cho chết mòn.

Các quan biết chắc không có phép nào làm cho cha bỏ đạo được nên khép án trảm quyết và tâu về kinh. Lần này, vua Minh Mạng châu phê ngay. Cha Khoan được tin ấy thì mừng lắm, nhưng vì đã gần tết, các quan giãn ra cho đến ra Giêng.

Tết rồi, quan lại phải đổi và quan mới đến, lại muốn đòi các vị bỏ đạo. Cha Khoan còn bị giam thêm mấy tháng. Quan án mới cho đòi cha, thầy Thanh và thầy Hiếu mà bảo rằng: “Chúng bay có nghe tao thì sống, nếu chẳng nghe thì phải chết. Bây giờ hãy suy nghĩ”. Cha thay mặt họ trả lời rằng: “Chúng tôi đã suy nghĩ rồi, chẳng có lẽ nào mà chúng tôi đổi ý được. Án chúng tôi đã ra, chúng tôi chỉ mong quan lớn xử chúng tôi cho chóng, chúng tôi chẳng bước qua thập giá, có muốn làm sự quái gở dường ấy cho được giữ sự sống, thì chúng tôi đã làm rồi”.

Đến ngày 22-01-1839, có chỉ vua Minh Mạng ra truyền cho các quan lại phải ra sức liệu làm sao mà bắt cha Khoan bỏ đạo. Quan gọi cha đến bảo rằng: “Ông đã biết đức hoàng đế thương ông lắm, vì ông là người bổn quốc. Tuy rằng đức vua bắt giam, nhưng mà sắc chỉ có ý cho ông biết, mình sai mà sửa mình lại mà thôi. Nay có chỉ vua đây truyền cho ông phải bước qua thập giá thì sẽ được tha ngay. Ta cũng thương ông lắm, ông vâng lệnh vua để ta tha ngay bây giờ”. Cha Khoan trả lời rằng: “Bẩm quan lớn, tôi biết ơn quan lớn thương tôi, nhưng mà thế tôi phải làm bận lòng quan lớn, không làm sao mà vâng lời vua được. Tôi xin quan lớn cho tôi biết sớm ngày tôi bị xử, để tôi liệu việc riêng tôi mà giã thế gian”.

Quan hứa rằng sẽ cho biết trước, đoạn quan mời người vào trong nhà ăn trầu uống nước. Ngày 28-4-1840, quan cho xử Cụ Khoan và hai thầy kẻ giảng Hiếu và Thanh.

Trên đường ra pháp trường ở chân núi Cánh Diều, ba vị vừa đi vừa hát. Sau khi cha Khoan cất tiếng hát Allêluia, lý hình thi hành án xử trảm. Đến đêm giáo hữu đem xác cha về làng Yên Mối, sau chuyển về Phúc Nhạc.

Linh mục Phaolô Phạm Khắc Khoan được nâng lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

 

2. THÁNH PHÊRÔ NGUYỄN VĂN HIẾU

Thầy giảng (1783 – 1840)

Ngày tử đạo: 28 tháng 4

Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi. (Gl 2,20).

Phêrô Nguyễn Văn Hiếu sinh ra ở làng Đồng Chuối vào năm 1783, vào nhà Đức Chúa Trời[1]  và được lên bậc kẻ giảng[2]. Thầy được sai đi giúp các Cố, rồi giúp cha Khoan ở xứ Phúc Nhạc.

Thầy Hiếu có tính hiền lành, có lòng đạo đức, chịu khó khuyên bảo giáo dân lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Xức dầu.

Ngày 24-8-1837, thầy Hiếu bị bắt ở Đông Biên chung với cha Khoan và thầy Thanh. Khi bị giam ở Ninh Bình, thầy Hiếu và thầy Thanh bị tra tấn nhiều lần. Dù các quan bầy mưu chước dỗ dành hay đe nẹt thể nào mặc lòng, thầy cũng vững vàng chẳng chịu bước qua thập giá. Thà chịu mọi sự khốn khó chẳng thà lỗi nghĩa cùng Đức Chúa Trời.

Lúc đầu, cha Khoan, thầy Thanh và thầy Hiếu bị giam làm một với nhau, về sau quan giam riêng cha Khoan một nơi, thầy Thanh và thầy Hiếu một nơi, có ý dỗ dành hai thầy cho dễ hơn. Lúc đó, thầy Thanh bị tra, bị đòn bao nhiêu lần, thì thầy Hiếu cũng phải bấy nhiêu lần. Anh em giúp nhau vượt qua gian khó, giữ vững lòng trí cho đến giờ sau hết.

Khi quân lính lôi người qua thập tự giá, thì người cất tiếng lên mà phân bua cho mọi người biết rằng lính lôi người đi, chẳng phải là người bước đi đâu. Lại khi qua ảnh chuộc tội, thì người co chân lên kẻo chạm đến ảnh.

Lần thứ nhất, khi quan lập án cho thầy phải chịu giam hậu[3], thì thầy vừa vui vừa buồn.  Thầy vui vì được chịu thương khó vì Thiên Chúa, nhưng buồn vì không được  minh chứng đức tin. Các ngày thứ Sáu thầy ăn chay, bổn đạo có đến thăm, thì thầy khuyên năm ba lời giục người ta giữ đạo cho nên, rồi xin người ta cầu nguyện cho người được phúc tử vì đạo.

Lần thứ hai, khi các quan lập án trảm quyết thì dù quan dụ dỗ bước qua thập giá thể nào mặc lòng, thầy cứ một mực mà từ chối cho đến khi quan không chịu được, lại cho về tù mà khép án trảm quyết.

Đêm trước ngày bị xử, thầy Hiếu đọc kinh cầu nguyện cả đêm. Ngày 28-4-1840, quan cho xử cha Khoan và hai thầy giảng Hiếu và Thanh. Trên đường ra pháp trường ở chân núi Cánh Diều, ba vị vừa đi vừa hát kinh cảm ơn. Đến nơi xử, quân lính cưa gông bẻ xiềng, rồi trói thầy vào cọc đã cắm sau lưng và trảm quyết.

Giáo hữu làng Yên Mối (nay là giáo xứ Gia Lạc, Giáo phận Phát Diệm) đem xác thầy về an táng tại làng.

Thầy giảng Phêrô Nguyễn Văn Hiếu được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

 

3. GIOAN BOATIXITA ĐINH VĂN THANH[1]

Thầy giảng (1796 – 1840)

Ngày tử đạo: 28 tháng 4

Quan lớn thương thì tôi sống, bằng quan lớn muốn bắt tôi bỏ đạo thì tôi bằng lòng chịu chết. Còn đạo thì tôi chẳng bỏ.

Thánh Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh sinh năm 1796 tại làng Nộn Khê, xứ Hảo Nho, tỉnh Ninh Bình. Làng ấy khi trước thuộc về xứ Hảo Nho, nay thuộc về xứ Quảng Phúc, Giáo phận Phát Diệm. Cha mẹ cậu không có đạo. Năm mười tám tuổi, cậu theo đạo và lãnh nhận Bí tích Rửa tội ở làng Phúc Nhạc.

Khi Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh đã lên bậc thầy giảng, thì bề trên sai thầy đi giúp cha Khoan ở xứ Phúc Nhạc.

Thầy Thanh có đức vâng lời, không làm sai ý bề trên bao giờ. Cha Khoan giao thầy giữ việc trại Đông Biên. Cha Khoan khen thầy là người chăm chút, siêng năng các việc và có tài riêng nữa.

Ngày 24-8-1837, thầy Thanh bị bắt tại Đông Biên cùng lúc với cha Khoan và thầy Hiếu. Cả ba vị bị giải lên tỉnh Ninh Bình.

Thầy Thanh hằng giữ lòng khiêm nhường, khi các quan tra hỏi thì thầy vẫn để cha Khoan thưa trước, rồi thầy thưa y như cha đã nói. Lần đầu tiên quan tra, thì thầy thưa rằng: “Tôi là đầy tớ đạo trưởng đây, người đã định làm sao, tôi cũng định như làm vậy. Bẩm quan lớn, quan lớn thương thì tôi sống, bằng quan lớn muốn bắt tôi bỏ đạo thì tôi bằng lòng chịu chết. Còn đạo thì tôi chẳng bỏ”.

Bấy giờ quan truyền đánh đòn, thì thầy chịu bằng lòng, chẳng mở miệng mà kêu một lời gì. Quan truyền đóng gông, đóng cùm mà giam thầy vào tù và lập án trảm quyết. Đêm trước ngày xử, thầy Thanh đọc kinh cả đêm.

Ngày 28-4-1840, quan cho xử cha Khoan và hai thầy giảng Hiếu và Thanh. Trên đường ra pháp trường ở chân núi Cánh Diều, ba vị vừa đi vừa hát kinh cảm ơn. Đến nơi xử, thầy Thanh đã lãnh án xử trảm. Đêm sau, giáo hữu đem xác thầy Thanh về Yên Mối, và sau đem về Phúc Nhạc.

Thầy giảng Gioan Baotixita Ðinh Văn Thanh được nâng lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

[1] Có một số tài liệu ghi là Đinh Văn Thành, theo chữ Hán, nhưng tên thầy phải ghi là Đinh Văn Thanh 丁文清 . Chữ thanh   ở đây có nghĩa là trong sáng.

 

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ