Chúa Nhật III Phục Sinh, Năm B (CN 14.04.2024) – Chính Anh Em Là Chứng Nhân

Bài đọc 1: Cv 3,13-15.17-19

Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

13 Hôm ấy, ông Phê-rô lên tiếng nói với dân chúng rằng : “Thưa đồng bào Ít-ra-en, Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. 14 Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. 15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng.

17 “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. 18 Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là : Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. 19 Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.”

Đáp ca: Tv 4,2.4.7.9 (Đ. c.7b) 

Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

2Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét,
khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời.
Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con,
xin thương xót nghe lời con cầu khẩn.

Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

4Hãy biết rằng : Chúa biệt đãi người hiếu trung với Chúa ;
khi tôi kêu, Chúa đã nghe lời.

Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

7Biết bao kẻ nói rằng : “Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc ?”,
lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

9Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ,
vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa,
ban cho con được sống yên hàn.

Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

Bài đọc 2: 1 Ga 2,1-5a

Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, và tội lỗi cả thế gian nữa.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

1Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi,
tôi viết cho anh em những điều này,
để anh em đừng phạm tội.
Nhưng nếu ai phạm tội,
thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha :
đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính.
2Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta,
không những tội lỗi chúng ta mà thôi,
nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.
3Căn cứ vào điều này,
chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa :
đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.
4Ai nói rằng mình biết Người
mà không tuân giữ các điều răn của Người,
đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.
5Còn hễ ai giữ lời Người dạy,
nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.

Tung hô Tin Mừng: x. Lc 24,32

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa Giê-su, xin mở trí cho chúng con hiểu lời Kinh Thánh. Và khi Chúa phán dạy, xin đốt lòng chúng con cháy lửa nồng nàn. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Lc 24,35-48

Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

35 Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

(tonggiaophanhanoi.org)

—————————-

Suy niệm 2:Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN

  

Đức Giêsu  đã sống lại là sứ điệp phụng vụ của ba Chúa Nhật đầu mùa Phục Sinh  (1+2+3) sứ điệp xoay quanh chủ đề phục sinh, hiện ra, ban bình an, rồi sai các môn đệ đi làm chứng cho Người.  Tất cả khởi đi từ sáng kiến của Đức Giêsu phục sinh, Người tự ý đến thăm các môn đệ khi họ co cụm trong phòng tiệc ly, khi họ ngã lòng bỏ cộng đoàn ra đi như trường hợp hai môn đệ  làng Emmau.

Những lần hiện ra nhằm mục đích củng cố đức tin của các tông đồ, thuở ban đầu còn non yếu, họ còn bán tín bán nghi về việc Đức Giêsu từ trong cõi chết sống lại.  Các bài đọc phụng vụ muốn minh chứng cho các tông đồ rằng Đấng sống lại chính là Đấng đã chết, đã được mai táng trong mồ, theo như Sách Thánh tuyên sấm.  Điều này rất quan trọng đối với người Do thái vốn xác tín vào Đấng Mêsia, Đấng cứu tinh dân tộc.  Vấn đề là làm sao nối kết niềm xác tín có trong tâm trí vào với sự kiện xảy ra nơi Đức Giêsu là thực, tức là làm sao chứng minh Đức Giêsu Kitô là Đấng Mêsia, tức là chứng minh nhân vật được Sách Thánh nói tới đã trở thành hiện thực nơi bản thân Đức Giêsu.

Diễn từ của thánh Phêrô được ghi lại nơi Bài Đọc 1 (Cv 3, 13-15.17-19).  Bài diễn từ đi liền sau phép lạ chữa người què, Thánh Tông đồ đã nói những lời như của Đức Giêsu để chữa lành người què: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, người Nadarét anh hãy đứng dậy mà đi” (Cv 3, 6), nghĩa là có một sự tiếp nối giữa hai việc làm, việc làm của Đức Giêsu và việc làm của Tông đồ Phêrô.  Trước sự ngạc nhiên của đám đông chạy đến vì sự kiện bất thường, thánh Phêrô ngỏ lời với người Ítraen, ông minh chứng có sự hài hòa, ăn khớp giữa biến cố xảy ra và lòng tin vào Thiên Chúa của Ápraham, Ixaác và Giacóp, Thiên Chúa của các tổ phụ đã ban vinh quang và quyền năng cho Đức Giêsu.  Thiên Chúa tiếp tục công việc của Người qua Đức Giêsu Kitô phục sinh.

Thánh Phêrô chỉ cho người đồng hương sự sai lầm của họ là đã giết chết:
Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô…  Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân”(c. 14).  Thánh nhân đặt họ đối diện với Sách Thánh: “Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình” (c. 19).  Ông kêu gọi họ sám hối, trở về với Thiên Chúa.

Thánh Luca cũng lấy lại lược đồ tử nạn và phục sinh, làm sáng tỏ sự hoàn tất lời Sách Thánh, khơi lại kinh nghiệm của các môn đệ làng Emmau, chính họ cũng đã nhờ người Bạn Đồng Hành bí ẩn giải thích về cái chết và sự phục sinh của Đấng Mêsia rồi mới hiểu biến cố xảy ra trong thành mấy ngày nay.  Lòng họ đã ấm lên và nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh.

Trở lại với cộng đoàn tại Giêrusalem, họ tường thuật kinh nghiệm gặp gỡ Đấng phục sinh cho các bạn.  Ngay lúc đó Đức Giêsu phục sinh  ngự giữa họ, ban bình an cho họ.  Cho họ thấy các dấu vết tử nạn mà sự phục sinh không xóa đi được.  Người còn ăn cá trước mặt các ông, để khẳng định mình chính là Đức Giêsu mà họ đã từng gặp gỡ trước đây trong cuộc sống (x, Bài Tin Mừng Lc 24, 35-48).  Sự hiện diện của Chúa phục sinh lúc đó chắc chắn không phải là ngẫu nhiên, nhưng là lời chứng, là khẳng định sự hiện diện của Chúa mỗi khi người Kitô hữu chia sẻ kinh nghiệm đức tin của mình cho cho người khác. 

Các môn đệ Emmau đã khai mở một truyền thống chuẩn mực và hoàn vũ cho các Kitô hữu, họ được mời gọi làm chứng và chia sẻ những gì họ cảm nghiệm trên đường đức tin, chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, một kinh nghiệm rất riêng tư, nhưng mang tính cộng đoàn.

Đức tin Kitô giáo rất cá nhân và rất cộng đoàn, “Tôi tin kính một Thiên Chúa” chảy từ ‘Chúng tôi tin’ của Giáo hội tông truyền.  Đó là hai đặc điểm của đức tin Kitô giáo. Một đức tin ‘ốc đảo’ không thể phong phú được và không thể tồn tại được nếu không có đức tin của cộng đoàn.  Đức tin công giáo được đón nhận từ cộng đoàn nhưng rất cá nhân vì mỗi cá nhân có sự tiếp xúc với Đức Kitô.  Giáo hội tuyên xưng “Credo in unum Deum” (‘tôi tin kính một Thiên Chúa’, mà không đọc ‘chúng tôi tin’.  Đức tin mang tính cá nhân nhưng người Kitô hữu không bao giờ là một ốc đảo.

Lạy Chúa Giêsu Kitô phục sinh, con tin Chúa đã sống lại thật và đã ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Người, xin cho anh em lương dân biết đón nhận chân lý cứu độ ấy. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh – Chính xứ Đức An – Pleiku

_______________________

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

NHÂN CHỨNG PHỤC SINH

Suy niệm

Đang khi các môn đệ hội họp và nghe kể lại chuyện về Thầy Giêsu đã hiện ra trên đường Emmau, thì Thầy lại xuất hiện giữa các ông. Ngài trao ban bình an cho các ông, không phải sự bình an thường tình của thế gian, mà là bình an của Đấng phục sinh đã chiến thắng sự chết và mọi tai ác của sự dữ, để từ đây các ông không còn phải lo sợ về bất cứ điều gì nữa trong cuộc sống này, nhưng “các ông hoảng sợ tưởng là thấy ma. Chúa lại cho các ông xem chân tay và sờ chạm đến Ngài. Thấy các ông còn ngờ vực, nên Ngài liền ăn uống trước mặt các ông.

Cũng như trên đường Emmau, một lần nữa Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu: “tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Ngài lần giở Kinh Thánh để minh chứng cho các ông rõ làÐấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”. Và rồi đây, Thánh Thần sẽ được Chúa Cha ban xuống trên Hội Thánh phôi thai (Cv 2,1) để làm cho các ông trở thành những chứng nhân khôn ngoan và can đảm, quảng đại và kiên trì dấn thân làm chứng về Đấng Phục Sinh.

Các tông đồ đã hoảng loạn trước cái chết của Thầy. Giờ đây việc Ngài phục sinh lại làm cho các ôngkinh hồn bạt vía, vì họ vẫn nghĩ đó là điều không thể, cũng như trước đây các ông nghĩ việc Thầy tử nạn cũng là điều không thể. Nhưng mọi việc đều có thể và xảy ra như thế theo kế hoạch của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã báo trước ba lần việc tử nạn và phục sinh, nhưng các ông vẫn không để ý tới, vì thấy Thầy đầy quyền năng nên đang háo hức trước một tương lai huy hoàng, một vương quốc mới mà họ nghĩ Thầy sắp đứng lên thành lập. Chẳng lạ gì mà mẹ Giacôbê và Gioan mới xin cho hai con mình một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” (Mt 20, 21).

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt. Có thể nói sau khi Đức Giêsu chết thì các tông đồ dường như cũng đã chết: tinh thần các ông hoàn toàn suy sụp, nhóm mười hai tan tác, còn lại vài người thì co cụm với nhau trong căn phòng đóng kín cửa, lòng họ đầy sợ hãi, nghi ngờ, mặc cảm tội lỗi, buồn phiền và thất vọng. Nhưng sau khi Đức Giêsu sống lại, Ngài đã làm cho họ sống lại: họ không còn sợ hãi, nghi ngờ; không còn mặc cảm tội lỗi, buồn phiền và thất vọng. Con người cũ của các ông đã thay đổi, các ông sống lại trong con người mới, sẵn sàng ra đi khắp nơi loan báo Tin Mừng phục sinh cho mọi người theo lệnh truyền của Thầy.

Đức Kitô phục sinh không chỉ là một sự kiện lịch sử hay một biến cố đã qua, mà còn là một thực tại luôn sống động, nghĩa là Đức Kitô đang sống, đang hiện diện, đang hành động trong đời sống con người, qua mọi biển chuyển và trong mọi thời đại. Giáo hội chính là nhiệm thể của Đức Kitô đang lớn lên từng ngày giữa lòng thế giới. Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình và mời gọi chúng ta hãy chứng kiến việc Chúa phục sinh bằng đức tin, bằng việc sống với Chúa hằng ngày qua Bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa, qua mọi biến cố trong đời… Mọi sự xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều mang bóng dáng và dấu vết của Chúa phục sinh, Đấng đang đồng hành, đang âm thầm tỏ mình, đang ngỏ lời, và không ngừng mở ra sự sống mới cho chúng ta trong mọi thời điểm, nhất là những lúc thất bại, đau thương, chán chường và thất vọng.

Không đặt niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đang sống với ta, trong ta, thì ta vẫn sống trong cô đơn, lạc loài, buồn thảm, và cuộc đời là sự trống rỗng mênh mông. Có bao nhiêu thành công hay lợi lộc cũng chẳng có nghĩa lý gì, nếu cuộc sống con người còn nằm trong bóng tối, không lối thoát. Đau khổ và cả cái chết nữa không phải là điều đáng kinh hãi, mà chỉ là một thách đố trước cuộc sống vô thường, để từ đây chúng ta dám dấn thân cho một niềm tin: niềm tin Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Chính vì niềm tin đó mà chúng ta hân hoan tiếp nhận sứ mạngphải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”, nghĩa là trở thành chứng nhân cho sự sống mới của Đức Kitô nơi chính mình. Điều đó thể hiện qua một cuộc sống đơn sơ, hồn nhiên, trong sáng, âm thầm lan tỏa yêu thương và bình an cho mọi người.

Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin, nhưng là điều mà những người khác luôn có thể cảm nhận được từ một Kitô hữu biết sống quên mình, dám dấn thân xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ. Đức tin không dựa vào một biến cố quá khứ cho bằng dựa vào chính con người cụ thể, là cho người khác thấy “Đức Kitô đang sống trong tôi”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa tỏ mình ra sau phục sinh,
khiến các tông đồ phải khiếp kinh,
các ông sợ hãi tưởng là ma,
khiến cho tất cả phải sững sờ.

Quả thật các tông đồ không thể ngờ,
vì xây dựng đời mình trên giấc mơ,
mơ sống trong danh vọng và quyền hành,
nên có lần các ông đã phân tranh,
xem ai ngồi ghế nhất trong thiên hạ,
được vinh quang mà không qua thập giá.

Nhưng rồi mọi mơ ước đã tiêu tan,
Chúa chịu nạn làm các ông hoảng loạn,
Chúa chết đi khiến các ông bàng hoàng,
Chúa xuất hiện các ông càng choáng váng,
nhưng giờ đây sợ hãi đã biến tan,
bên Chúa niềm vui sướng lại dâng tràn.

Để từ đó Chúa trao ban sứ mạng,
là những người làm chứng giữa trần gian,
về khổ hình và phục sinh của Chúa,
đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới,
để ai tin được sự sống muôn đời.

Xin cho con một niềm tin yêu mới,
không còn ham những xa hoa danh lợi,
dám ra đi mang Chúa đến cho đời,
tạo an bình vui sống khắp mọi nơi,

cho u buồn và sầu khổ lắng vơi,
để ánh quang phục sinh Chúa rạng ngời. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(11/04/2024) KONTUM