Chúa Nhật XXX Thường Niên, Năm A (CN 29.10.2023) – Điều Răn Lớn Nhất

Bài đọc 1: Xh 22,20-26

Nếu các ngươi ức hiếp mẹ goá con côi, thì cơn giận Ta sẽ bốc lên chống lại các ngươi.

Bài trích sách Xuất hành.

20 Đức Chúa phán thế này : Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập. 21 Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. 22 Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. 23 Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi : thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút.

24 Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.

25 Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. 26 Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân ; nó sẽ lấy gì mà ngủ ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.

Đáp ca: Tv 17,2-3a.3bc-4.47 và 51ab (Đ. c.2)

Đ.Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con.

2Con yêu mến Ngài,
lạy Chúa là sức mạnh của con ;3alạy Chúa là núi đá, là thành luỹ,
là Đấng giải thoát con.

Đ.Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con.

3bcLạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn,
là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng,
là thành trì bảo vệ.4Tôi kêu cầu Chúa
là Đấng xứng muôn lời ngợi khen,
và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.

Đ.Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con.

47Đức Chúa vạn vạn tuế !
Chúc tụng Người là núi đá cho tôi trú ẩn.
Tôn vinh Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi,51abChúa ban nhiều chiến thắng lớn lao
cho Đức Vua chính Người đã lập.

Đ.Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con.

Bài đọc 2: 1 Tx 1,5c-10

Anh em đã từ bỏ ngẫu tượng, để phụng sự Thiên Chúa và chờ đợi Con của Người.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

5c Thưa anh em, anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em ; 6 còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban : 7 bởi vậy anh em đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a. 8 Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa. 9 Khi nói về chúng tôi, người ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật, 10 và chờ đợi Con của Người từ trời ngự đến, người Con mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, là Đức Giê-su, Đấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến.

Tung hô Tin Mừng: Ga 14,23

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 22,34-40

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và yêu người thân cận như chính mình.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

34 Khi ấy, nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : 36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?” 37 Đức Giê-su đáp : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

Điều Răn Thứ Hai

 

Bài suy niệm

 

Sau khi Đức Giêsu trả lời khôn khéo về câu hỏi có nên trả thuế cho Xêda không, nhóm Pharisêu rút lui.  Thì một thầy thông luật tấn công Đức Giêsu bằng cách đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất”.  Chúng ta biết vào thời lưu đày tại Ba-ben, dân Do thái không còn hội đường để sinh họat tôn giáo, không còn các lễ nghi phụng tự, tôn giáo có phần sa sút và xao lãng.  Các ngôn sứ đã gia tăng các luật lệ, bổ sung khá chi tiết, để phần nào bù lại những thiếu sót trong việc thực hành tôn giáo.  Họ đã có 613 luật, trong đó có 365 điều cấm và 248 điều khuyến thiện (nên làm).  Vua Ba-ben là Xy-rút ban chiếu chỉ hồi hương (-539) , Người Do thái  lên đường hồi hương mang theo bộ luật cồng kềnh và não trạng câu nệ luật pháp, cho nên đã có sự tranh cãi giữa các thầy thông luật về vấn đề luật nào trọng hơn.  Tôn thờ một Thiên Chúa độc nhất hay là bác ái với tha nhân ?

Sách Xuất hành, được viết trước Đức Giêsu Kitô 12 thế kỷ, dạy rằng người ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa và yêu mến Người, mà không gặp gỡ tha nhân và yêu mến họ, nhất là tha nhân là những người cô thế cô thân, nghèo khổ và ngọai kiều: “Mẹ góa con côi, ngươi không được ức hiếp … nếu ngươi giữ áo chòang của người khác làm đồ cầm, thì phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn.  Nó chỉ có một cái để đắp, để che thân” (x. Bài Đọc 1. Xh 22, 20-26).  Luật yêu thương thật tuyệt vời và tinh tế, rất quan tâm đến người cơ bần!  So sánh với câu trả lời của Đức Giêsu về giới răn trọng nhất: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.  Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất.  Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân như chính mình” (Bài Tin Mừng. Mt 22, 34-40). 

Cái độc sáng của Đức Giêsu không phải là đọc lại hai giới răn đó vì chúng nổi tiếng  trong Cựu Ước từ lâu rồi, nhưng là kết nối hai giới răn thành một trong một tình yêu duy nhất, và từ đó chúng xuyên suốt lịch sử cứu độ, làm xương sống cho luân lý Kitô giáo.  Đức Giêsu luôn đứng về phía người  nghèo, người thất nghiệp, điều này được lặp lại liên lỉ trong cuộc sống của Giáo Hội qua các thông điệp xã hội.  Qua các thông điệp xã hội nầy Giáo hội kêu gọi sống công bình và bác ái trong các tổ chức đời sống kinh tế, xã hội và chính trị, trong kinh doanh thương mại, trong các hoạt động ở các công ty xí nghiệp như trả lương cho công nhân, trong thành lập công đoàn bảo vệ người lao động.

Sách Luật và các Tiên tri chẳng phải tóm gọn lại trong luật tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân đó sao?  Giới răn kép này được thể hiện cuối cùng trên Thập giá.  Đức Giêsu chịu chết vì yêu Cha và vì yêu nhân lọai.  Đức Giêsu đã trở nên người thể hiện chính điều Người đã giảng dạy. 

Luật nào lớn nhất ” không còn là đề tài tranh luận nữa, nhưng vấn đề hiện tại là cần đi vào thực tế đời sống và minh chứng ra trong cộng đòan.  Người thời đại chúng ta hôm nay cần chứng tá hơn cần lời giảng. Vả lại một tiêu chí được nói đến trong phán xét cuối cùng, Đức Giêsu đồng hóa mình với người anh em nhỏ nhất, đến nỗi khi làm điều gì cho người anh em nhỏ nhất, đó là làm cho chính Đức Giêsu (x. Mt 25, 35-45 Phán xét cuối cùng).  Một sự đan kết đồng nhất giữa Đức Giêsu và người anh em hèn mọn đến tuyệt vời được thực hiện trong quy luật mến Chúa và yêu người.

Lạy Chúa Giêsu, lý thuyết về luật bác ái thì con đã nắm rõ lắm rồi, con còn biết hơn tiến sĩ luật thời Do thái, nhưng điều cần thiết là đem ra áp dụng trong đời sống hằng ngày, con lại thiếu sót quá nhiều.  Xin cho con biết quảng đại, tôn trọng và yêu thương anh em như Chúa dạy. Amen

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

ĐIỀU RĂN LỚN NHẤT

Suy niệm

Luật Cựu Ước gồm 613 điều: 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Giữa một rừng điều răn như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu: “Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?”. Ngài đã trả lời bằng một câu trong kinh Shema mà người Do thái đọc mỗi ngày, và một câu trong Sách Thứ luật là: phải yêu mến Thiên Chúa hết mình (Tl 6, 5), và yêu thương tha nhân như chính mình. (x. Lv 19, 18). Tất cả mọi điều răn được tóm trong một động từ “Yêu”. Tình yêu là cốt lõi của đời Kitô hữu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8).
Yêu và được yêu là nhu cầu tối hảo chi phối toàn diện đời sống làm người. Nơi mỗi người chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho cả Thiên Chúa và cho mọi người. Sự tóm gọn này xuất hiện rõ rệt nơi thánh Gioan, là chuyên gia nói về “yêu”, mà thường không phân biệt đâu là yêu Thiên Chúa và đâu là yêu tha nhân. Tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân trong chúng ta đã hòa quyện nên một. Vì thế, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương tha nhân, “vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4, 20).
Ai cũng muốn yêu và muốn được yêu, nhưng mấy ai đã tập yêu và biết yêu? Yêu là bước vào một khung trời bao la luôn tươi mới, là mở ra một chặng đường dài trong sự dấn thân và không ngừng chinh phục chính mình. Đó là điều ít ai ý thức được nên thường lầm lạc và gây vấp phạm khi yêu. Chúng ta chẳng bao giờ thấy mình có thể yêu cho đủ, vì tình yêu vẫn luôn vẫy gọi ở phía trước, và đưa bước ta đi qua những nẻo đường luôn mới lạ. Giới hạn tình yêu là bóp chết tình yêu. 

Đối với Kitô hữu, tiếp nhận Thiên Chúa và tiếp nhận tha nhân cũng như nhau (x. Mt 10, 40). Càng yêu thương tha nhân càng chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa. Làm ơn cho tha nhân là làm cho chính Chúa. Mình với Chúa và tha nhân là một trong nhau, hay nói cách khác là Ba trong Một. Tình yêu Chúa mời ta mở lòng ra để đón nhận những tư duy mới, các khả năng mới như một cách thức của Lời Chúa. Khép kín trước thực tại hay bất cứ ai, là khép kín khả năng có thể tái sinh chính mình. Không thể rút lui khỏi cuộc đời để đi tìm kiếm Chúa.
Cần nghe tiếng Chúa nơi tiếng người khác, thấy bóng dáng Chúa nơi anh em, biết ý Chúa qua ý người bên cạnh, phục vụ Chúa bằng phục vụ tha nhân, sống với Chúa qua việc sống với mọi người. Chính nơi mỗi người, dù với diện mạo tầm thường và tính cách hèn kém, Thiên Chúa vẫn luôn có thể tỏ lộ cho ta huyền nhiệm của Ngài. Ta nên kính trọng và tập nhìn mọi người anh em bằng con mắt đức tin, để cảm nhận sự hiện diện của Chúa đang sống động trong từng người, và
Ngài luôn có những điều muốn nói với ta trong mọi hoàn cảnh.
Người ta tìm thấy trong trang nhật ký cuối cùng của một vị tu sĩ già khi qua đời như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và linh hồn tôi”. Qua đó ta hiểu được khi từ chối tha nhân cũng là từ chối Thiên Chúa.
Con người không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa một cách mơ hồ, mà là nơi chính tha nhân. Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta. Ta yêu tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi tha nhân. Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu tha nhân đến vô cùng.
Trong Chúa, ta nhận ra tha nhân là anh em con một Cha, là hình ảnh Đức Kitô đang lê bước trong đời. Trong Chúa, ta nhận ra phẩm giá của một người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí. Tình yêu mến Chúa đích thực luôn đưa ta đến với cuộc sống của anh em. Tình yêu thương anh em chân thực lại đưa ta đến bên Chúa, để kín múc nơi Ngài nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao. Cuối cùng tình yêu ấy quay trở về với chính Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự “hợp nhất” toàn hảo, mà Đức Kitô đã thực hiện giữa Thiên Chúa, chính Ngài và các kẻ tin (x. Ga 17, 21…).
Tóm lại, trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và tha nhân đã hòa quyện làm một trong trái tim tôi. Yêu là ra khỏi cái tôi đóng kín và có khả năng cho đi chính mình. Con đường tình yêu là con đường dành cho những người thánh thiện, dám đặt Chúa lên trên hết, và dám cúi xuống để phục vụ anh chị em. Tình yêu đích thực biến tha nhân thành “một nửa của hồn tôi”. Tình yêu ấy làm cho chúng ta nên giống Đức Kitô, Đấng “yêu mến các kẻ thuộc về Ngài cho đến cùng” (Ga 13, 1).

Cầu nguyện 

Lạy Thiên Chúa là Cha!
Cha đã yêu con trước từ muôn thuở,
đến bây giờ muôn kiếp chẳng hề vơi,
dù can qua hay vật đổi sao dời,
tình Cha vẫn rạng ngời cao sáng mãi,
cho con luôn hy vọng ở ngày mai.
Ngày hôm nay Cha gọi con vào đời,
không phải để làm được những điều chi,
mà là để con sống một cuộc tình,
là cuộc tình của chính Chúa Giê-su,
vì yêu thương nhân loại đã hiến mình.
Ai cũng thích yêu và muốn được yêu,
bởi vì là hạnh phúc của đời người,
con chưa thể nói được mình biết yêu,
nếu như con đã chưa từng được yêu.
Nhưng nếu như đời con muốn được yêu,
con cần phải trở nên thật đáng yêu,
để được yêu và biết yêu hơn nữa,
chứ không thể lần lữa hay chần chừ.
Xin dạy con mở rộng trái tim mình,
yêu cuộc đời yêu vạn vật khắp nơi,
yêu tha nhân như Chúa đã gọi mời,
yêu cao vời như Chúa đã yêu con.
Con chẳng thể làm được việc lớn lao,
như bao người có tài cao đức trọng,
cũng chẳng dám mơ cao hay ước rộng,
chỉ biết làm điều nho nhỏ Chúa mong.

Đó chính là tha thiết sống tình yêu,
để con được dâng hiến Chúa thật nhiều,
là điều mà đời con luôn còn thiếu,
nên con chưa giống Chúa được bao nhiêu,
xin cho con một tình mến cao siêu,
để mai ngày đạt tới phúc thiên triều. Amen.

WGPKT(25/10/2023) KONTUM