VỊ TỬ ĐẠO NGƯỜI BÉLIEU ÉTIENNE – THÉODORE CUÉNOT
GIÁM MỤC THỪA SAI
1802 -1861
JEAN THIÉBAUD
1988
“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (1)
“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (2)
“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (3)
“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (4)
“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (5)
“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (6)
“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (7)
(tiếp theo 7)
DƯỚI THỜI THIỆU TRỊ
Con của Minh Mạng là Thiệu Trị lên ngôi năm 1841. Ông này không rút lại bất cứ chỉ dụ bắt đạo nào nhưng bước đầu đã không tỏ ra hấp tấp để áp dụng. “Người ta không lùng bắt người công giáo. Dù vậy mọi lời cáo giác về họ đều được lắng nghe”. Ân xá cho hưởng sự khoan hồng của nhà vua, được công bố cho toàn thể, thì loại trừ người công giáo và các vị thừa sai bị tố cáo lại tiếp tục đi tù, tùy tính khí và lòng tham của quan lại. Thêm vào đó Thiệu Trị bắt đầu lo ngại: ông mới nghe được rằng một trong những chiếc tàu của Pháp lại chở vũ khí trực chỉ Nam Kỳ…
Chúng ta đã thấy rằng thời kỳ yên nghỉ năm 1841 đã cho phép Công Đồng Gò-Thị được triệu tập, một hành động mục vụ có tầm cỡ của GM Cuenot. Dưới thời Thiệu Trị, ba yếu tố lớn rồi đây sẽ làm thay đổi biển dạng chân trời của vị Giám Mục. Mặc dù chúng đan chéo vào với nhau, nhưng cần phân biệt để hiểu rõ hơn:
1. Sự can thiệp của các thế lực Phương Tây.
2. Sự phân chia Giáo phận Nam Kỳ.
3. Truyền đạo trên Miền Thượng.
a) Chính việc truyền giáo hướng về các sắc tộc sống trên dãy núi Lào (mà người ta gọi là “mọi”) khiến cho Pháp can thiệp lần thứ nhất. Hai thừa sai Lm Miche và Duclos, đã toan đột nhập vào đó năm 1842 và đang khi họ nghĩ đã được an toàn, xa hẳn vua quan, thì đã bị bắt và nhốt lại Huế nơi đã có ba thừa sai nằm tù. Chiếc tàu hộ tống Pháp “Héroine” cập bến Cửa Hàn (Tourane) ngày 25.2.1843 và đã giải thoát 5 tù nhân.
“Thuyền trưởng Lévêque đã tự ý hành động, GM Cuenot nói, nhân danh ông ta, nhưng biến cố đó đã khiến cho công chúng có ý nghĩ tốt hơn về tôn giáo và về người Pháp.”
Hai lần Giám Mục Lefebvre, phụ tá với quyền kế vị ở Nam Kỳ bị tù. Tháng 3.1847, thuyền trưởng Lapierre đến Tourane, nhân danh chính phủ Pháp đòi an ninh cho những đồng hương của mình và tự do tôn giáo cho bổn đạo Nước An- nam. Vua gài một cái bẫy: ông sẽ cho bất thần bao vây hai chiếc tàu và đốt rụi. Nhưng một giáo dân, liều mạng mình, phá vỡ âm mưu. Giám Mục Cuenot viết cho GM Matthiêu tháng 2.1848.
“Đức Cha biết rằng hai chiếc tàu Pháp đến Nam Kỳ tháng 3.1847 đã buộc phải ra tay với thủy quân Nam Kỳ- bị bại hoàn toàn. Thiện Trị tức tối, giận cá chém thớt, đã đổ hết cơn lôi đình của ông trên đầu các tân tòng của chúng ta và đã tái bắt đạo, nhưng trong thời gian chưa bao lâu. Ông đã chết ngày 4/11/1847″.
Mùa thu năm 1847, người Anh cũng bén mảng đến Tourane và muốn thương thuyết để ký một hiệp ước buôn bán với hoàng đế và “bảo vệ ông chống lại người Pháp.” Họ bị đuổi khéo, nhưng mưu toan của họ không phải là không có vang âm:
“Họ đã khéo “tuyên bố là họ không phải là người công giáo. Lời tuyên bố đó có lợi cho chúng ta vì nó đã ngăn cản không để người có đạo bị nghi ngờ là đứng về phía họ.”
Vài năm sau, những lần can thiệp của Phương Tây sẽ gây nên nhiều tai họa lớn. Triều đình Huế theo dõi các biến cố bên Trung Quốc: việc buôn bán thuốc phiện, Quảng Đông bị dội bom (1841), Hiệp Ước Nam Kinh (1842), dồn dập gây oán hận đối với những hiệp ước bất bình đẳng và mối thù đối với Phương Tây.
b) Sự phân chia Giáo Phận Nam Kỳ
Năm 1841, mặc dù Giám Mục Nam Kỳ, vẫn lấy làm tiếc rằng giáo phận quá rộng lớn, nhưng chưa thấy khả năng nào có thể chia cắt ra: vì thiếu các thừa sai người Âu để có được một ê-kíp chung quanh một mục tử. Ngài sẽ không chậm trễ viết thư yêu cầu:
“Các cha biết là tôi xin phân chia giáo phận. Thế nên chúng tôi cần những Giám Mục có quyền kế vị, những phụ tá, và những con người có khả năng thay thế chúng tôi ngay khi cần.”
Ngày 11.3.1844 giáo phận mới được thiết lập, đối với các tỉnh miền Nam, mặc dù Giám Mục được bổ nhiệm, Đức Cha Lefebvre đang ngồi tù. Giáo phận của Ngài bao gồm 23.000 giáo dân chia làm 80 giáo xứ, (trên 3,5 triệu dân số). Để phục vụ họ, có 3 thừa sai 16 linh mục bản xứ. Không có trường, trường Lái Thiêu thì đã sụp đổ. Giám Mục Cuenot vẫn còn 9 tỉnh khoảng 50.000 giáo dân trong 30 họ đạo. Rồi đây Ngài sẽ xin chia thành những giáo phận nhỏ hơn nữa, cũng vì những lý do trên: việc liên lạc với các tỉnh phía Bắc quá khó khăn, các trạm gác là một mối nguy hiểm và hay phiền nhiễu khách bộ hành. Thế nên ngày 27.8.1850 Roma đã chấp thuận yêu cầu của Ngài và cho thiết lập thêm giáo phận Bắc Nam Kỳ: 3 tỉnh; 24.000 tín hữu, 2 thừa sai; 10 linh mục bản xứ.
Giám Mục Cuenot đã có thể nhường lại cho hai Giám Mục được Toàn Thánh bổ nhiệm 26 linh mục do Ngài đào tạo. Ngài giữ lại phía Đông Nam Kỳ, với tỉnh Bình Định ở giữa 6 tỉnh khác. Ngài giải thích với Lm Charles Cuenot:
“ Giáo phận của con chỉ còn 5 vĩ độ (thứ 11 đến thứ 15) và cũng chừng ấy, kinh độ (từ 102,30 đến 106,57), 30.000 giáo dân, 12 linh mục bản xứ, trong số đó một đang ngồi tù.”
Tiếp đó Ngài nói đến việc truyền giáo ở các làng thượng mối bận tâm lúc bấy giờ của Ngài.
c) Việc truyền giáo trên Cao Nguyên.
Công cuộc truyền giáo giữa người Thượng là “đoạn văn trổ tài” của Giám Mục Cuenot trong mục vụ của Ngài: “Chưa bao giờ Ngài tỏ ra kiên trì như trong công việc khó khăn này”, một cộng sự viên thân cận đã viết về Ngài.
“Phải tránh sự kiểm soát của các thuế quan người An-nam, sự ganh tị của các tên lái buôn dù rất hiếm, thường lảng vảng đến trao đổi với người thượng và với mối nghi ngờ của chính những người này, họ nhìn mọi người ngoại quốc như một kẻ thù đối với sự độc lập của mình.”
Ngay khi bước chân đến Nam Kỳ, Étienne Cuenot thấy lợi ích cho công cuộc truyền giáo, việc thám hiểm các đồng bằng sông Cửu Long, và các con sông nhánh của nó là Bla, Pêkô, các đồng bằng thuộc Nước Lào: đông đúc dân chúng bám sống chung quanh các con nước và theo lời những tên đi buôn, thì có những người theo đạo sống trên các bờ sông. Chiến tranh giữa Xiêm và Nam Kỳ đã giải tán những cộng đồng Kytô hữu ít ỏi đó.
Trong thời gian bắt buộc lưu lại bên Xiêm (1833-1834) Lm Cuenot đã không do dự đi đến tận biên giới phía đông đến tỉnh Battambang: Cuộc thăm viếng này đã được Lm Denys Cuenot đi giảng 18 tháng ở Cam-Bốt kể lại trong tài liệu lưu trữ.
Là Giám Mục Nam Kỳ, GM Cuenot không thể quên rằng, những lãnh thổ rộng lớn kia thuộc quyền cai quản của Ngài. Ngày 19.11.1839, Ngài viết thư từ Bình Định cho Hội Đồng Tư Vấn của Thánh Bộ Đức Tin:
“Một trong những nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là mở một con đường cho Tin Mừng đến tận sông cả ở Lào, và mặc dù đã hai mươi lần thất bại, mới đây tôi đã thử thêm một lần nữa. Vô phúc thay, lần này không hơn gì mấy lần trước, xét về mặt đức tin nhưng ít là nó không phải là vô ích về sự hiểu biết.”
Sau đó Ngài nói đến những Kytô hữu đã thăm dò những bộ lạc đến nay chưa được biết đến, cách Phú Yên hai mươi dặm về phía Tây: dân Hadrong, Srê, Ja-rai. Đó là những bộ lạc, không có chữ viết, không có tiền tệ, rất trung thành giữ lời hứa và có những tập tục khắt khe hơn người An-nam. “Có thể đi qua Lào bằng con đường này nhưng những người An-nam đi buôn sẽ tố giác chúng ta.”
Tháng 2.1842, một cuộc thăm dò được tổ chức, “xuất quân từ Phú Yên” (ở 125 cây số phía nam Bình Định). Các Lm Miche và Duclos, lấy lọ bôi mặt, lợi dụng mấy ngày Tết để đi về phía các dãy núi miền tây cùng với các thầy giảng và những người gánh đồ đạc. Chẳng may, đoàn lữ hành 16 người đã gây chú ý. Họ bị tố cáo, lùng đuổi trong lúc mà họ tưởng đã an toàn sau khi qua khỏi mấy trạm thuế. Họ bị mang gông, tống giam tại Phú Yên, và sau đó điệu về Huế, sau khi đã bị tra tấn dữ dội. Tháng 12 năm 1842, Lm Miche từ nơi bị giam giữ, đã có thể gửi cho Giám Mục mình một lá thư, chia sẻ với Ngài về một cuộc nói chuyện lý thú với một tên thông ngôn người Lào: “anh này, mặc dù chưa thấy một ngôi nhà thờ công giáo bao giờ, đã cho biết rằng trên núi Ông Thê, có một nhà cầu nguyện gắn Thánh Giá.
“Trước đây có một linh mục sống ở đó. Các trưởng làng duy trì dân chúng trong tôn giáo mà linh mục đó đã dạy”.
Một lời lẽ như vậy chỉ có thể củng cố quyết định của Giám Mục Cuenot. Từ năm 1843 đến 1846 Ngài dốc hết sức lực chuẩn bị một cuộc thăm dò mới. Phải tìm một nơi khác để “xuất quân” Phú Yên nguy hiểm quá. Ngài quyết định đi từ An Sơn, ở cách Bình Định 120 Km về phía bắc, tỉnh mà Ngài quen thuộc hơn cả. Phải nghiên cứu làm sao đột nhập vào, dựa vào các thông tin nghe được xa hơn dãy núi, phải nhắm lần đến con sông Bla: một đồng bằng phì nhiêu bảo đảm hơn để làm trạm nghỉ chân.
Nhất là phải thuần phục dân làng, và nếu được biến họ thành những người bạn trên đất của kẻ thù. Khi muốn biết có cần đi qua một xóm nọ không? Tức khắc đoàn gửi đến một ông Lang khéo léo, muốn biết xóm khác có nguy hiểm không, sẽ cử người lần lượt qua đêm để đánh giá.
Tất cả đều được nghiên cứu kỹ lưỡng cho cuộc thăm dò thành công: gởi người đi tiền phong, tiền trạm. Những năm 1846-1847 là quyết liệt. GM Cuenot xin bạn bè bên Pháp cầu nguyện cho dự án. Năm 1845, trong bản phúc trình gửi Ban Tư Vấn công cuộc Truyền Bá Đức Tin Ngài nói:
“Đã từ lâu tôi mong mở được một địa điểm truyền giáo giữa những người thượng đang sống ven xứ Nam Kỳ về phía Tây. Nhưng cho đến nay mọi mưu toan của tôi không thành công. Điều đó không ngăn cản tôi tiếp tục và tôi sẽ không bỏ qua một điều gì để thành công. Nếu chúng tôi có thể đến sống giữa những bộ lạc độc lập đối với Hoàng đế Nam Kỳ này, thì sẽ được nhiều cái lợi lớn. Chúng ta sẽ tìm được ở đó một bến bình yên cho những lúc khủng – hoảng; chúng ta sẽ thiết lập trường học ở đó, vv.. .Có thể tin là họ sẽ theo đạo của chúng ta hàng loạt.”
Năm sau, Ngài xin lỗi vì khoảng “tiền chi hơn cao” (35.000F):
“Những nhu cầu do thời bắt đạo tạo ra, có thể thay đổi, nhưng sẽ có những chi phí khác, nhất là nếu chúng tôi có thể đột nhập vào những ranh giới của vô số bộ lạc đang sống trên dải đất rộng ở miền tây Nam Kỳ.”
Ngài ghi rõ: 1.700 F dùng để cố gắng đi đến với người “Thượng” (năm 1846 ít sóng gió hơn. Mấy năm trước đó phải hết sức thận trọng: “Khám soát, đập phá, gửi gián điệp: người ta đã để sẵn một chiếc võng cả tháng trời, trước cửa nhà tôi, sẵn sàng đưa tôi đi ngay khi kẻ thù rục rịch.”)
Đầu năm 1848, giấc mơ đang trở thành hiện thực. Ngài xin mỗi năm trợ cấp 5.000F cho công cuộc truyền giáo ở trên làng thượng . “Gần một năm nay, một linh mục bản xứ đang ở giữa họ và mong được ở lại luôn. Mấy hôm nay, một linh mục khác cùng một thầy sáu và 5-6 học viên đang vượt ranh giới đến với linh mục thứ nhất, và tôi sẽ không quá chậm trễ gửi tiếp một nhóm khác. Chính là để yểm trợ nuôi ăn cho những người này cùng những người kế tiếp mà tôi xin món tiền trợ cấp hằng năm trên đây. Tôi đặt niềm hy vọng nơi địa điểm truyền giáo này bao gồm ít nhất là 2.000.000 người nhưng phải ít là hai năm nữa mới sinh hoa kết quả”.
Chúng ta hãy ghi nhận điều này: toán người đầu tiên đã đến sống giữa người thượng đều là người bản xứ. Sự gan dạ của Giám Mục Cuenot không những ở chỗ dám đương đầu với các bộ lạc “man rợ” mà còn đã biết tín nhiệm nơi các linh mục Nam Kỳ và nơi bổn đạo bản xứ, đã khóa được miệng những người từng có thành kiến về Ngài rằng “đối với Ngài, không một linh mục bản xứ nào đã tỏ ra biết lãnh đạo người khác.”
Cũng như vào năm 1826, đức khiêm nhường đã cứu vãn được mọi sự.
NGƯỜI ÂU GIỮA NGƯỜI THƯỢNG [1]
Sau khi Thiệu Trị qua đời, đứa con thứ hai, Tự Đức được chỉ định nối nghiệp dù còn trẻ: 18 tuổi.
“Tiếng đồn rằng ông là một người ôn hòa. Tự Đức được phong vương ngày 10/11/1847, không bị chống đối.”
Niềm hy vọng của GM Cuenot kéo dài không được bao lâu. Tháng 7.1848, vị hoàng đế, trẻ tuổi đã ký sắc dụ cấm đạo đầu tiên.
Giám Mục Cuenot đã nói đến trong thư viết vào tháng giêng năm 1849 cho Lm Cuenot, Giám Đốc Đại Chủng Viện, Ngài thêm:
“Đã từ lâu tôi tra tay mở địa điểm truyền giáo giữa người thượng. Cho tới nay, mọi cố gắng của tôi chỉ dẫn tới việc thiết lập được một cơ sở nhỏ nơi đó có hai linh mục bản xứ và mười người tháp tùng nhưng hình như chưa thành công cho lắm. Phải có một thừa sai người Âu đứng đầu mới được, tôi chẳng biết khi nào và làm sao gửi đến đó được một vị. Người thượng rất đông, một vài bộ lạc có vẻ sẵn lòng. Sớm muộn gì, với ơn Chúa, tôi sẽ làm được thôi, lúc đó sẽ có tin báo cho Bác.”
Một suy nghĩ bộc phát nổi hiện nơi phản ứng của bản chất con người.. .Nhưng quả là hấp tấp. Một lỗ hổng đã được mở ra. Nhưng làm sao hai linh mục ấy đã len lỏi đến đó được: Đó là nhờ tính anh hùng của một đứa con của đất nước này, thầy Do. Thoạt đầu là học sinh, kế đến là thầy dạy học, anh thanh niên này đã theo học mười một năm ở Pinăng. Trong thời bắt đạo thầy đã tỏ ra can đảm và một lòng tín nhiệm không suy suyển vào Chúa.
Giám Mục Cuenot gọi thầy đến Gò-Thị và không úp mở đặt ngay vấn đề:
– Con phải mở ra một con đường để đi truyền giáo giữa “người thượng”. Con có kế hoạch gì?
– Con sẽ cải trang làm con buôn. Vừa buôn bán con sẽ tiến qua bên kia các ranh giới mà những người khác chưa bao giờ dám vượt. Thăm dò xong, con sẽ trở về đưa một linh mục qua sau khi đã biết địa hình.
– Tốt lắm. Cha biết có thể dựa cậy vào con. Nhưng để chu toàn sứ mệnh đó con cần nhiều can đảm và mưu trí con hãy chuẩn bị bằng việc cầu nguyện và tĩnh tâm để đón nhận ơn mà Chúa sẽ ban cho con.
Tám ngày sau, Đức Cha phong chức phó tế cho Thầy.
Thầy Sáu Do thoạt tiên đến xin làm bếp cho một tên lái buôn ở An Sơn. Không chủ định nhưng gặp đâu thầy hỏi han “anh em thượng”, và học tiếng của họ. Sáu tháng sau thầy đến báo cáo công việc của mình Giám Mục chấp thuận và giao cho thầy bốn chủng sinh trẻ tuổi. Cuộc thám hiểm thứ hai; bây giờ chính thầy Do làm tên lái buôn đi vào trong bộ lạc Hadrong. Những tên tháo khẩu lục lâm toan bắt người lẫn hành lý, nhưng thầy Do đã trốn thoát, trở về, mất sạch, và tiu nghỉu. Tuy vậy thầy đã tìm ra một con đường mà các người đi buôn khác chưa hề biết đến và lần này đã rút được nhiều kinh nghiệm:
“Cọp và voi còn biết thương hại chúng ta hơn là loài người anh anh em chúng ta.”
Nhờ con đường mới khám phá này mà những tốp truyền giáo đầu tiên đã có thể đột nhập vào trong các làng thượng: sau các linh mục bản xứ, bây giờ là đến lượt các thừa sai: các lm Combes và Fontaine năm 1949, rồi Lm Dourisboure và Desgouts năm 1850; năm 1852, Lm Arnoux…
Lm Combes và Fontaine sẽ nhớ suốt đời cuộc xuất chinh đầu tiên với thầy Do và các chủng sinh. Chỉ cần ba ngày họ đã đến lãnh thổ của các bộ lạc độc lập, sau khi đã tránh được các trạm thuế. Chẳng may ngày thứ ba một trận mưa như trút đổ xuống trên cánh rừng già. Không sao bước tới được trong cánh rừng lầy lội này. Qua tia chớp và sấm sét, họ trông thấy xuất hiện một bầy voi rừng tấn công họ. Một trong những thanh niên bị thương nặng. Cha Combes thoát chết nhờ chiếc nón của Ngài bị một con voi điên tiết dẫm dưới bàn chân. Ngài quyết định từ bỏ chuyến đi nguy hiểm này và trở về Gò-Thị bằng thuyền. Cơn bão chẳng đáng gì so với sự tiếp đón cục mịch của Giám Mục khi họ mới vác mặt về, Lm Dourisboure thuật lại.
“Không thể được à? Giám Mục gầm lên. Chẳng xứng với người Pháp mà cũng chẳng xứng với người tông đồ.Tôi cho mấy anh 15 ngày. Sau đó mấy anh lại lên đường và khôn hồn thì đừng có mà quay về.”
Linh mục Combes gọi giai đoạn này là “cuộc thám hiểm của những tên nhát gan.”
Trong thư gửi Hồng Y Matthiêu ngày 11.2.1852 GM Cuenot viết:
“Việc truyền giáo giữa người thượng tiếp tục đầy hy vọng: 5 thừa sai người Âu, 3 Lm bản xứ, một số giáo sĩ, thầy giảng, học sinh và người giúp việc đã được thu dùng vào đó. Khó khăn chính là số ngôn ngữ phải học và thậm chí phải phát minh ra nữa; mỗi bộ lạc có tiếng nói riêng và ngôn ngữ của họ, nhưng ngôn ngữ nghèo nàn đến độ thiếu từ để diễn tả dù chút đỉnh về những điều thiêng liêng và trừu tượng.”
Đời sống của vị thừa sai đòi họ phải anh hùng hằng ngày. Cứ xét qua những chứng tá sau:
“Ở đây phải đi chân đất, thường xuyên bị đỉa hoặc kiến lớn cắn, bơi lội qua sông, khi đến gần các làng, luôn cảnh giác lo sợ đạp phải những mũi tên tẩm độc cắm trên mặt đất. Kế đến là những cơn sốt, những tin đồn vu khống là ve vãn quyến rũ, những lần trở trời phải gió, những âm mưu được tính toán trong bóng tối. Tắt một lời, mọi điều gây đau khổ và thất bại.
“Nơi người Bana, không một quyền bính nào dù là dân sự dù là gia đình được nhìn nhận. Mọi cá nhân là một người riêng biệt và chỉ có vậy mà thôi. Không ai có quyền ra lệnh và cũng chẳng ai phải tuân phục cả. Trong gia đình, đứa con chỉ vâng lời cha trong những gì nó muốn. Mỗi làng đều độc lập. Trong mỗi xóm, mọi người đều độc lập. Trong trường hợp tranh chấp bạo lực là luật lệ.”
Năm 1851 GM Cuenot viết thư cho Bố và nói đến Lm Arnoux, một người đồng hương, vừa mới đến:
“Ngài đang ở giữa người “thượng” cách đây khoảng 60 hoặc 80 dặm. Chắc hẵn sẽ phải đau khổ nhiều, vì họ rất nghèo. Họ luôn mình trần dù mùa đông hay mùa hạ. Họ chỉ mặc khố, đôi khi bằng vỏ cây. Suốt năm ăn đói vì họ không nghĩ đến ngày mai. Họ thiếu đến cả hột muối. Các thừa sai sống ở giữa họ thường thiếu thốn mọi sự. Mặc dù vậy ai cũng muốn được gửi đến đó. Con mong rằng rốt cuộc rồi họ cũng có thể là những con người và những Kytô hữu. Bố hãy cầu nguyện nhiều cho chúng con.”
Giám Mục dấn thân hoàn toàn cho sự sống còn và tiến triển của địa điểm truyền giáo giữa anh em thượng. Đầu năm 1850, Ngài nhận được một tin gây ngạc nhiên do Lm Combes gửi về: tên KIÊM dữ tợn, mà Giám Mục Cuenot căn dặn phải tránh xa, vừa thỏa thuận một hiệp ước thân thiện với các vị thừa sai? Giám Mục xúc động, cầm lòng một hồi lâu, quay qua nói với Lm Dourisboure:
“Nói cho cùng, đó là việc của Chúa, Ngài sẽ biết sử dụng có lợi cho vinh quang của Người về phần tôi, tôi mới tự ràng buộc mình bằng một lời khấn, bó buộc tôi cho đến chết.”
Cảnh nghèo khổ của anh em Ngài và của đồng bào thượng làm Ngài đau lòng. Làm sao xoay xở để đáp ứng một cách hữu hiệu mà không luôn luôn phải ngửa tay xin bạn bè bên Pháp? Chỉ có một giải pháp duy nhất là: buôn bán. Ngài thuận theo: hơn phân nữa những khoản trợ cấp các năm 1847-1848 đã biến mất dưới đáy biển, bị cướp phá. Ngài cũng lo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, những năm đó bên Pháp làm cạn kiệt các tặng vật. Thế nên Ngài gửi đơn nêu lý do, xin được phép buôn bán: chỉ có thể đến với các bộ lạc người thượng bằng con đường buôn bán, thậm chí còn phải mua “môn bài” để có quyền buôn bán trên lãnh thổ của họ nữa. Mặt khác dọc bờ biển, một chiếc tàu buôn sẽ che giấu bổn đạo không gây nghi ngờ’…
Từ nhiều năm nay, vị Giám Mục thấy việc truyền giáo không thể thiếu ghe thuyền: hai chiếc để đưa các vị thừa sai từ tỉnh này sang tỉnh khác; một chiếc khác, to lớn hơn để hằng năm đi về phía Xinh-ga-po và Pinang.
Chiếc thuyền của GM Cuenot mà đôi khi Ngài gọi một cách oai vệ là “chiếc buồm dọc” đã đi vào truyền thuyết. Nó cũng được sử dụng cho các điểm truyền giáo ở Bắc Kỳ. Những người lái thuyền toàn là người tận hiến; thành viên của “tu hội Nhà Chúa”[[2]].
Nó là giây liên lạc nối liền các xứ truyền giáo với thế giới bên ngoài. Nhưng đó là cả một sự phiêu lưu mạo hiểm. Ngoài những nguy hiểm và bọn cướp biển, còn phải tránh các trạm thuế Nam Kỳ được đặt ở các cửa khẩu và ở các biên giới. “Những người lái thuyền thường xuyên liều mạng để phục vụ Chúa và Giáo Hội.” (Jean Guennou)
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với anh em thượng, những chỉ thị ngày càng rõ, nhịp theo bước những người đi khai khẩn. Sau khi đã khai quang các rừng thưa, các thừa sai nhận mỗi người một bộ lạc ( có tất cả 12 bộ lạc). Combes đến với người Bana. Họ chiếm tất cả 90 làng và tỏ ra ôn hòa hơn: người đến với dân Jarai, Xơ đăng.. .Thầy Sáu Do đi Ko Ngao, Fontaine nhập bọn với người Connetro , đã nắm trong tay bản đồ của một trường và một nhà thờ, và chung quanh là những nông trại kiểu mẫu. “Phải dung hòa phần thiêng liêng với phần thế tục.” Giám Mục Cuenot rất muốn đến tại chỗ để theo dõi sát hơn công việc tông đồ của từng nhóm. Hai bức thư gửi về quê mở ra cho những người nhận, một chân trời rộng lớn hơn: thư gửi Lm Cuenot Giám Đốc đại chủng viện:
“Con không mơ ước gì hơn là một tân Paraguay. Bác hãy gửi cho con hai điều mà Bác có thể cung cấp được. Bác hãy giúp anh em đồng Hội chuẩn bị sang đây học được vài ngành nghề hữu ích để có thể dạy lại cho các tân tòng. Theo kế hoạch của con, con mong rằng điểm truyền giáo giữa anh em thượng, khi đã được thiết lập, sẽ tự túc được.”
Thư gửi Hồng Y Matthiêu (1853): “Điểm truyền giáo giữa người thượng tiếp tục đem lại hy vọng và một trong năm bộ lạc mà anh em đi truyền giáo tỏ ra hoàn toàn quyết tâm gia nhập đạo của chúng ta. Chúng tôi đã rửa tội cho vài người.”
Năm 1853 được đánh dấu bằng một ngày vui bên phía “người thượng”: ngày truyền chức linh mục của thầy Sáu Do: linh mục Do trở về trong bộ lạc của mình và sẽ truyền giáo ở đó suốt đời. Ngày rửa tội của những người tân tòng đầu tiên: Giuse Ngui, một thanh niên người Xơ đăng và anh Pat. Lm Dourisboure cuối cùng đã đáp lại sự chờ mong lâu dài của họ và đã xúc động chứng kiến bước tiến thiêng liêng của họ:
– “ Anh Ngui, tại sao anh tin những điều tôi nói?
– “Trước đây, khi con đến nghe Cha, là để tiêu khiển. Từ từ con lưu ý đến một vài điều Cha nói và mọi nghi ngờ trong con đều biến mất. Bây giờ con tin đến nỗi mà Thiên Chúa tốt lành kia, thiên đàng hỏa ngục mà con chưa bao giờ thấy, thì con tin như mình đã từng thấy.”
Trong bộ lạc Bana, Lm Combes rửa tội cho Hmur, một con người vạm vỡ (mà bà vợ là phù thủy trong làng). Nhiều anh em thượng kinh ngạc thấy ông quăng xuống sông vật thờ cúng bùa hộ mệnh của mình. Họ hiểu rằng bộ lạc này đã tiến được một bước khi bất chấp những điều cấm kỵ của tổ tiên.
Lm Combes là bề trên của xứ truyền giáo này. Ngày 29.9.1853, sau ba năm lưu lại đây, Ngài gửi về Chủng viện Hội Thừa Sai Paris một bản phúc trình chi tiết về tất cả những gì Ngài biết về đất nước, về các bộ lạc và não trạng của họ. Trong số các điều Người nhận xét, có sự sửng sốt kinh ngạc của họ khi thấy chữ viết:
“Họ không thể hiểu làm sao có thể trao đổi tư tưởng với nhau được ngoài lời nói. Thế nên khi họ thấy chúng tôi đọc một cuốn sách, họ đặt nghìn câu hỏi lạ lùng nhất: – Tờ giấy này nói gì với ông? Họ muốn trả hỏi nơi tờ giấy mọi sự: tìm ra vật đã thất lạc, về tương lai, ông cha họ có mắc nợ không. Nếu chúng tôi thú nhận rằng mình không biết, họ quả quyết là chúng tôi giấu chứ biết hết.”
Ngày lại ngày Combes ghi lại từ vựng Ba-na, sau đó được chuyển sang phương ngữ Xơ-đăng.
Những cố gắng lớn lao này là giá trả cho công cuộc truyền giáo ở đây khiến Lm Combes, rất được người thượng yêu mến, đặt tên là “xứ truyền giáo Đức Mẹ cứu chữa.”
Năm 1847, khi Gm Cuenot chờ Người về để phong làm Giám Mục phụ tá của mình, thì Thiên Chúa đã đến rước người đi. Năm 1843, Người ước ao một điều:
“Nếu trước khi chết tôi có thể rửa tội cho 6 người lớn và ít là chuẩn bị cho 15 dự tòng, thì tôi cũng đã mãn nguyện hát bài “Nunc dimittis” [3]
Người đã rửa tội được 34 người lớn và chuẩn bị cho 23 dự tòng khác. Người chết năm 32 tuổi.
Công cuộc truyền giáo làm hao hơi tổn sức rất nhanh: lần lượt đã quật ngã các Lm Arnoux, Verdier, Besombes, Suchet…Ngui, người thanh niên Xơ-đăng. Chỉ có Lm Do, người con của đất nước, đã đứng vững được 23 năm.
Năm 1870, khi Lm Dourisboure kết thúc bản tường thuật của mình về việc truyền giáo giữa người Ba-na, thì đã có 900 bổn đạo rải rác trong 7 làng: một trang sử xứng với những năm đầu của Kytô giáo trên thế giới. Năm 1908, Lm Martial Jannin, người Besanẹon, thành lập tại Kontum, gần sông Bla, một trường đào tạo những giáo lý viên. Ngài đặt tên cho trường là Cuenot. Ngài trở thành Giám Mục đầu tiên của Kontum được nâng lên hàng giáo phận năm 1932.
Giám Mục Seitz, là Giám Mục người Pháp cuối cùng ở Kontum. Bị trục xuất, Ngài không thể quên được anh em Thượng của mình. Cuốn “Những con người đứng vững” đề cao giá trị của những anh em Thượng ở miền Nam Việt-nam “hãnh diện về mình” như là một thách đố, trước tuyệt vọng.
____________________
[1] GM Cuenot gọi là Sauvages = rợ, man rợ. Có lẽ là từ được dùng lúc bấy giờ. Ở đây xin chuyển đổi cho hợp thời và dễ nghe hơn là “người thương” – “anh em thượng”, mong rằng không vì vậy mà phản bội bản gốc.
[2] “Một trong những phương tiện tông đồ của Lm Đắc Lộ là việc thành lập Dòng các thầy giảng, mà Ngài huấn luyện đầy đủ không thua gì ở chủng viện. Họ làm đủ mọi nghề không đòi phải có chức linh mục và một cách tự nhiên họ khấn giữ 3 lời khấn, dẫn tới một thể chế đặc biệt trong Giáo Hội Việt-Nam, đó là “Nhà Chúa”: Thừa sai và linh mục Việt-Nam, thầy giảng, giáo viên, chủng sinh, mọi người sẽ sống trong Nhà Chúa, kể cả những người giúp việc ví thể những thành viên trong một gia đình mà Giám Mục là gia trưởng. Mọi người đều sống trên của cải chung của cộng đoàn nhưng không nhận bất kỳ hình thức lương bổng nào cả. Chế độ đó được áp dụng có hiệu lực trong tất cả các giáo phận ở Nam Kỳ, với đôi chút khác biệt, mãi cho đến những năm gần đây.” Trích Simon Delacroix “Lịch sử công cuộc Truyền đạo Công Giáo”, II trang 65).
[3] Bài “An bình ra đi” của Ximéon: “Giờ đây theo Lời Ngài đã hứa xin để tôi tớ này được an bình ra đi”.(Lc 2,29).