DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG X

Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. P. DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

Youtube: Chủng Sinh TV

 

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG X

NĂM ĐẦU TIÊN Ở KON TRANG

 

Ngày Cha Combes bỏ tôi ở lại một mình tại Kon Trang là ngày đầu năm 1852. Người bạn thân này vừa từ giã, tôi bỗng cảm thấy buồn da diết, đơn độc, tách biệt với tất cả các bạn đồng nghiệp, ở giữa những người dân tộc mà tôi không thông thạo ngôn ngữ, bởi như đã nói, tiếng Xê Đăng rất khác tiếng Ba Na. Mặc dầu còn lâu mới biết thấu đáo tiếng Ba Na, nhưng ít ra tôi cũng có thể sử dụng nó trong những việc cần thiết nhất, giờ đây mọi thứ phải bắt đầu lại. Tôi ở chung nhà với anh em dân tộc. Nhà này có thể chứa đến năm mươi người gồm đàn ông, đàn bà, trẻ con, người già, tất cả đều sống dưới một mái nhà. Tôi muốn cầu nguyện và hồi tâm nhưng tiếng thanh niên cười, tiếng trẻ la hét, tiếng nói chuyện ồn ào, khiến tôi chia trí, lo ra. Tương lai xem ra đen tối, trống rỗng, không chịu nổi, hoàn toàn thất vọng. Nếu tôi nhớ không lầm, năm ngoái cũng vào giờ này, Cha Desgouts và tôi nằm nghỉ trên đất ẩm ướt trong rừng và khi vừa mới lên đường thì Thầy Sáu Do bị thương nặng ở chân. Lúc ấy, chúng tôi đã tự an ủi nhau, với hy vọng rằng năm mới khởi đầu dưới sự che chở của Thập giá thì nhất định tốt đẹp và đầy phúc lộc. Lần này nữa Thập giá lại đến với tôi từ những giây phút đầu tiên của năm mới. Nhưng Thập giá xem ra nặng hơn, vì bây giờ chỉ một thân một mình tôi vác! Ồ không, tôi không lẻ loi một mình đâu! Ôi chúc tụng Chúa là Đấng đã uống cạn chén đắng của mình thì Người lại luôn pha chất ngọt ngào vào chén mà Người mời chúng ta uống!

Chiều đến, tôi nằm ở góc nhà trên chiếc chiếu manh, mở rộng lòng dâng cho Chúa những khó nhọc trong ngày cũng như tất cả những vất vả khác mà Chúa gởi đến cho tôi. Đột nhiên, tôi thấy số đông anh em dân tộc bước vào, cùng đi đến một nơi ở cuối nhà, phía đối diện. Khi trở ra, nét mặt họ buồn buồn. Tôi bèn hỏi bằng tiếng Ba Na một người đàn bà có lẽ cũng biết ít nhiều thổ ngữ này, để biết chuyện gì xảy ra, và tôi hiểu là có người sắp chết. Tôi liền chỗi dậy đi thăm. Thật xúc động khi thấy một cháu bé còn bú nằm thoi thóp. Tôi nhanh chóng lấy bầu nước lạnh gần đó làm phép Rửa tội cho cháu. Phúc thay cho cháu bé! Vì cháu chỉ đợi nhận xong ơn này rồi tắt thở vài phút sau đó, linh hồn bay thẳng về trời. Tôi nói với cháu: “Chúc cháu ra đi bình an, hỡi thiên thần bé nhỏ của Cha; ít ra ở trên trời, cháu hãy nhớ đến Cha!” Có cần phải nói thêm nỗi buồn phiền, chán nản, trong tôi tự động biến mất không? Tôi về nằm lại trên chiếu và oà khóc nức nở vì sung sướng, vì biết ơn. Tôi nhẩm đi nhẩm lại: “Tôi đã cứu được một linh hồn, tôi đã cứu được một linh hồn bằng giá máu của Chúa Giêsu Kitô”. Và tôi nghĩ đến nước Pháp, đến mẹ tôi, cha tôi, tất cả anh chị em tôi, đến tất cả sự khó nhọc tôi đã trải qua trên đất liền, trên biển cả. Lòng tự nhủ: “Tất cả những nỗi buồn khổ của tôi đã được trả công xứng đáng, vì đã cứu được một linh hồn! Chúc tụng Chúa, ôi Thiên Chúa của con, chúc tụng Ngài đến muôn thuở muôn đời!”

Năm đó, Kon Trang mất mùa lúa trầm trọng, cho nên khi tôi đến ở được ít lâu thì dân làng không còn gạo ăn. Ở Pháp, việc thất thu lúa mì sẽ làm cho dân chúng lo âu vì chắc chắn sẽ xảy ra nạn đói khủng khiếp. Nhưng ở xứ này, mất mùa không làm cho người dân tộc sợ hãi bao nhiêu vì rừng núi sẽ cứu họ. Có nhiều giống dây leo và cây cỏ có củ ăn được, tựa như khoai tây, mặc dù có vị nhạt và không bổ dưỡng lắm. Các loại củ này cũng tạm duy trì mạng sống lẫn sức khoẻ cần thiết. Kon Trang hầu như hết gạo ăn. Nhưng cách đó không xa, trên bờ sông Pô Kô, có một làng tên Ha Moong, năm đó lại được mùa. Làng này trở thành kho thóc dồi dào cho tôi. Thỉnh thoảng tôi đến đó mua gạo đã giã sẵn, chỉ việc nấu thôi. Tôi gùi gạo trên lưng mang về. Hằng ngày, một bà lão trong nhà nấu cơm cho tôi. Tôi nuôi bà như để trả công cho bà. Bà già đáng thương này đang chịu cơn đói như bao người khác và không có sức để đào củ dại ngoài rừng, nên bà rất mừng như vớ được của quý. Bà gắn bó với tôi và thương tôi như con ruột của bà. Sau này, khi tôi biết kha khá tiếng Xê Đăng để có thể nói cho bà hiểu, tôi đã nói về Thiên Chúa và bà đã trở thành Kitô hữu.

Học tiếng Xê Đăng là công việc chính của tôi trong năm đầu. Mỗi buổi sáng và tối, thời điểm dân làng thường có mặt ở nhà, tôi lên nhà rông cố gắng thu thập ít từ mới và thử áp dụng các từ đã biết. Tất cả những điều tôi đã nói ở trên về những khó khăn trong việc học tiếng Ba Na, bây giờ học tiếng Xê Đăng, tôi lại có đủ lý do để nói rằng việc đó càng khó khăn hơn nhiều. Bởi vì ở Kon Kơ Xâm, chúng tôi có đông người cùng giúp đỡ nhau để lướt thắng khó khăn, trong khi ở đây tôi chỉ trơ trọi một mình! Ban ngày, trong khi dân làng làm việc ngoài đồng, tôi đi lang thang trong khu rừng bao quanh Kon Trang. Tôi phải xấu hổ thú nhận rằng trong những lần cô đơn bách bộ ấy, những suy nghĩ của tôi đôi khi nhuốm màu đen tối. Ngoại trừ một hai ngày trong tháng tôi về ở chung với anh em, thời gian còn lại thì ở Kon Trang một mình, không Thánh lễ, không có gì bên ngoài nhắc nhở tôi một tí về Chúa Giêsu Kitô và về việc phục vụ Người. Hơn một lần, tôi đã bật khóc: xin Chúa nhân lành thứ tha cho con! Nhưng nỗi buồn không bao giờ kéo dài và những giọt nước mắt ấy cũng không thiếu phần an ủi. Ý nghĩ rằng mọi nỗi khó nhọc của tôi chỉ là nét đặc thù của ơn gọi đã tăng thêm nghị lực cho tôi. Hơn nữa, sách kinh nhật tụng, người bạn độc nhất và cuối cùng của tôi đã không bao giờ lìa bỏ tôi. Tôi đứng đọc kinh dưới một gốc cây nào đó trong rừng và tôi đã cảm nhận niềm vui trở lại trong tim mình.

Ông chủ nhà tôi đang ở tên là Lam. Đó là một trong những người dân tộc thông minh nhất mà tôi gặp. Ông có hai đứa con trai: Ngam và Ngui. Trong nhà, người dân tộc chỉ ngăn buồng riêng cho người nào đã lập gia đình. Nhưng ông Lam goá vợ. Vì vậy, ban đêm ông Lam và tôi nằm đối diện nhau quanh bếp lửa, ông dạy tôi học tiếng Xê Đăng. Nhiều khi tôi đọc kinh, nguyện gẫm hay đọc sách thiêng liêng, tôi bắt gặp ánh mắt chăm chú của ông nhìn tôi với vẻ kính trọng. Lúc ấy, tôi hết lòng cầu xin Chúa soi sáng cho linh hồn đáng thương này. Hai đứa con trai của ông, nhất là đứa em Ngui, xem ra cũng rất chú ý đến mọi việc tôi làm. Sau vài tháng ở Kon Trang, tôi đã bắt đầu nói được chút ít tiếng Xê Đăng. Ông Lam thường hỏi tôi về xứ sở, về cha mẹ, về mục đích đã khiến tôi từ bỏ tất cả mọi điều yêu quý:

– Ông còn cha mẹ không?

– Còn.

– Còn anh chị gì không?

– Còn.

– Vậy tạo sao ông lìa bỏ họ?

– Để đến đây dạy dỗ anh em, làm cho anh em tránh xa hoả ngục và giúp anh em lên thiên đàng.

– Nhưng sau này ông có trở về xứ sở của ông không?

– Tôi muốn ở lại đây cho đến chết.

– Nếu vậy ông là người bất hiếu! Ông không yêu thương mẹ của ông.

– Ông Lam à, bây giờ ông chưa hiểu những việc này đâu. Khi nào nói rành tiếng Xê Đăng, tôi sẽ dạy ông biết Thiên Chúa. Lúc đó, ông sẽ hiểu rõ điều mà bây giờ, đối với ông, là một bí ẩn. Nhưng xin ông chớ nói là tôi không yêu thương mẹ tôi nữa, điều đó làm tôi đau lòng lắm!

Thế là ông ta im lặng. Nhưng vẻ mặt ngỡ ngàng của ông dường như muốn nói: “Tất cả những điều đó nghĩa là gì? Kỳ lạ thật!”

Vừa khi biết kha khá tiếng Xê Đăng, đủ để giao tiếp, tôi bắt đầu theo dân làng Kon Trang đi mua bán tại các làng làm nghề rèn, vì tuy cùng chung bộ tộc nhưng dân làng Kon Trang không khai thác mỏ sắt, cũng không có lò rèn. Tôi muốn thuật lại đây chuyến du hành nhỏ của tôi đến làng Tơ Proh. Nhưng trước tiên ta nên biết giữa vô số điều mê tín dị đoan của người Xê Đăng, thì điều ăn rễ sâu nhất trong tâm trí họ là điềm lành-dữ dựa vào tiếng chim kêu. Không phải mọi loài chim đều có tiếng kêu báo điềm tốt xấu, nhưng chỉ một loài mà tiếng kêu của nó có tính cách dự báo các biến cố thôi. Các ông thầy bói nhỏ có cánh này luôn bay từng đàn năm sáu con và tiếng kêu của chúng nghe rất kỳ lạ. Mỗi con mặc sức la, giọng khác nhau và hoàn toàn chõi nhau đến nỗi các tiếng hét của chúng hợp lại thành một bản nhạc lộn xộn không thể chịu được. Tuỳ theo chúng kêu phía trước hay phía sau người đang đi, bên trái hoặc bên phải, v.v… mà hiểu rằng: hoặc là sẽ gặp hoạ nếu tiếp tục đi; hoặc sẽ có lợi trong chuyến đi đó; hoặc điều gì khác nữa. Muôn hình vạn trạng!

Một ngày kia, tôi theo năm sáu anh em dân làng đi Tơ Proh. Dọc đường, anh em rất phấn khởi vì nghe tiếng chim báo điềm lành. Suốt quãng đường, chúng tôi vẫn nghe tiếng chim hót và cũng thật lạ là giọng của chúng không khi nào đi ngược lại với lời tiên báo điềm lành ban đầu. Rồi ra sẽ thấy chuyến đi của chúng tôi hết sức thoải mái! Chúng tôi đã đến Tơ Proh vài phút trước khi mặt trời lặn. Đầu tiên, dân làng Tơ Proh la hét lên từ trong chiến luỹ vì họ đang “dieng” (ở cử) và chúng tôi không được phép vào làng. “Ô hay – một người trong bọn chúng tôi nói – chim đã báo cho chúng tôi là rất thuận lợi cơ mà”. Họ trả lời: “Kể cũng lạ đấy. Nhưng sự thật là chúng tôi đang ‘dieng’ và ‘dieng’ rất lớn. Không những chúng tôi không thể cho các anh vào làng mà còn không thể cho các anh gạo ăn. Hơn nữa, chúng tôi lại đang ‘dieng’ trong ba ngày liền”.

Anh em dân tộc trong bọn chúng tôi không hiểu chuyện gì cả. Họ vô cùng sửng sốt, ngỡ ngàng vì chưa hết điều cùng cực. Thấy rằng không được làng tiếp đón và chờ đợi cũng vô ích, bụng thì đói cồn cào, lại phải ngủ màn trời chiếu đất vì lệnh cấm kéo dài đến ba ngày, chúng tôi quay lưng đi để xin trú nhờ một làng khác nằm trên đường về.

Trời vừa sập tối, chúng tôi đến gõ cửa làng Hơ Gang. Chúng tôi ‘dieng’. Họ trả lời mà không mở cổng. Mưa bắt đầu rơi. Chúng tôi tiếp tục đi dưới mưa khoảng một tiếng rưỡi nữa mới đến làng Kơ Dem. Thất vọng nối tiếp thất vọng: Kơ Dem cũng ‘dieng’. Mưa rơi tầm tã và chúng tôi “ướt như chuột lột”! Thêm vào đó, trời tối đen, khắp nơi đầy những con vắt. Vì thế, chân cẳng, mình mẩy chẳng mấy chốc phủ đầy những con vật quái ác, hút máu này. “Họa vô đơn chí”, mưa đã to giờ lại càng to hơn. Mấy bó đuốc soi đường đều tắt ngấm. Sấm chớp liên hồi làm chúng tôi loá mắt. Không thể nào đi tiếp được nữa. Chúng tôi dừng chân một lát. Qua ánh chớp, một người trong bọn chúng tôi chợt phát hiện một cái chòi đổ nát trong cánh đồng hoang mà chỉ một góc chòi còn có tranh che phủ. Cả nhóm chúng tôi có thể thu mình vào đó. Tôi mệt nhoài đến nỗi dù quần áo ướt đẫm, dù bị vắt cắn, vẫn thiếp ngủ say. Sau giấc ngủ nặng nề, khoảng một hai giờ gì đó tôi thức giấc vì lạnh. Các bạn tôi đã đốt một đống lửa trong góc chòi và đang nướng một trái bí lớn mà ai đó đã giẫm phải cách chòi vài bước. Và họ nói với tôi rằng cọp vừa đến thăm chúng tôi. Nhưng thấy có lửa, nó sợ và bèn bỏ đi. Tôi cắn vào miếng bí người ta chia cho tôi. Rất khó nuốt, nhưng khi bụng đói thì bất chấp. Cuối cùng, trời sáng và chúng tôi lại lên đường. Chúng tôi phải lội qua một con suối tràn ngập nước vì cơn mưa to đêm trước. Khoảng mười giờ sáng, chúng tôi về đến Kon Trang. Từ đó, mỗi lần gặp lại một trong những anh em bất hạnh vừa kể, tôi liền hỏi: “Này, bạn còn tin vào khoa chim bói nữa không? Đối với tôi, trước kia tôi không tin, nhưng quả thật từ ngày đi Tơ Proh, tôi bị cám dỗ phải tin mạnh hơn!”

Sau chuyến đi, tôi bị chứng kiết lị hành hạ khoảng bốn năm ngày suýt chết. Nhà ông Lam, như tôi đã nói, chứa khoảng năm mươi người, ở chung hỗn độn, không có một góc nào dành riêng cho tôi. Suốt ngày đêm, tôi buộc phải sống chen chúc giữa những người dân tộc đáng thương này, lúc nào cũng lồ lộ trước mắt họ. Hãy tưởng tượng hoàn cảnh khó khăn của tôi trong thời gian bị kiết lị. Có ngày tôi phải đi ngoài khoảng bốn mươi lần. Mỗi lần như vậy, để tránh làm chướng mắt họ, mặc dù hết sức yếu ớt, tôi cũng phải gắng lết ra khỏi làng cho đến tận khu rừng. Cuối cùng, hoàn toàn kiệt sức, tôi đã không thể trở về nhà được nữa. Tôi phải ở lại nguyên một ngày trong rừng, nằm dài trên đất, không một giọt nước thấm môi. Về thức ăn, không những tôi không thấy đói mà còn khiếp nữa. Anh em dân tộc thấy tôi ở trong tình trạng như thế, tưởng tôi sắp chết, nên hoảng sợ. Họ tin có ma và rất sợ ma. Nhất là một người ngoại quốc như tôi mà chết ở làng của họ thì chắc chắn sẽ là một con ma ghê gớm hơn những con ma khác! Vì lo lắng như thế nên dân làng đã nhiều lần đến cầu xin tôi đừng về quấy phá họ sau khi chết! Họ nói: “Chúng tôi rất buồn khi thấy ông bệnh. Nhưng nếu cơn bệnh bắt ông đi, hãy thương xót chúng tôi, đừng làm chúng tôi sợ”. Tôi gần như nghẹt thở, ấy thế mà buộc lòng phải nghe những lời van xin ấu trĩ của họ và cố gắng tối đa trấn an họ. Tận đáy lòng, một ý nghĩ đen tối chợt xâm chiếm tôi: mình sắp chết và chết cô đơn một mình, không một linh mục nào trợ giúp! Tôi đã lặp lại lời nguyện phó dâng hoàn toàn cho Thánh ý Chúa và Chúa nhân lành đã thương xót tôi.

Không một đồng nghiệp nào biết tôi bệnh. Thế mà, lúc tôi tưởng là đã tận số, mất hết hy vọng chữa khỏi bệnh, tôi lại thấy Cha Combes lù lù bước tới. Có lẽ thiên thần bản mệnh của ngài mách bảo cho ngài biết tôi đang cần đến ngài, dù ngài đến không vì mục đích nào khác hơn là để thăm người bạn mà ngài tưởng vẫn rất mạnh khoẻ. Tôi không thể diễn tả hết cảm xúc dấy lên trong lòng khi nhìn thấy ngài. Tôi tin chắc rằng chính cảm xúc vui mừng đã khiến tôi đột ngột lành bệnh. Thấy tình cảnh của tôi, Cha Combes không cầm được nước mắt và hiểu được lý do làm tôi xúc động, ngài cũng mủi lòng kêu lên: “Ôi, lạy Thiên Chúa, Ngài nhân lành biết bao!” Tôi đáp lại: “Vâng, ôi lạy Chúa, Thiên Chúa nhân lành!” Từ năm sáu ngày qua, tôi đã không ăn gì cả. Cha Combes bèn khuấy bột gạo và tôi đã ăn ngon miệng. Thế là hôm sau tôi lành bệnh hẳn. Lạ lùng thay!

Tôi không thể kể hết bao nhiêu trường hợp Chúa Quan Phòng đã ưu ái phù trợ, cứu giúp, giải thoát, an ủi khiến tôi hân hoan. Còn một chuyện nhỏ nữa trước khi kết thúc chương này. Trong những tuần đầu lưu trú tại Kon Trang, người ta cho tôi biết là nước chúng tôi uống được dẫn đến từ một cái ao rất xinh nằm trong khu rừng cách làng không xa. Tôi tò mò muốn đi xem mà không hề biết dân làng đã giăng nhiều bẫy thú xung quanh ao này, như họ thường làm trong các vũng nước trong mát để bắt nai. Chắc không cần phải mô tả chi tiết cách bẫy nai này. Tôi chỉ nói rằng chung quanh ao được rào bằng một hàng dày, cứ cách quãng còn chừa lại những lỗ trống để con thú chui vào. Tại mỗi cửa vào, người ta giăng ngang một sợi dây nhỏ mà mắt thường khó trông thấy. Giăng làm sao để lúc vào cũng như lúc ra, khó lòng mà không vướng phải. Chỉ cần chạm nhẹ vào sợi dây sẽ làm bật một cái lò xo, phóng thật mạnh một đoạn tre vót nhọn, có sức đâm thủng thân mình một con trâu lớn xuyên từ hông này sang hông kia. Bên cạnh các bẫy, người dân tộc cắm những dấu hiệu báo cho biết có bẫy. Vì được thông báo như vậy nên hiếm khi có người bị mắc bẫy. Nhưng tôi không am tường thói quen của họ cũng không hiểu ý nghĩa các dấu hiệu, tôi đã thản nhiên lao vào! Tôi đã chui qua một lỗ trống và sau khi ngắm nhìn ao hồ thoả thích, tôi lại trở ra cũng bằng lỗ đó. Vừa ra khỏi cửa thì một người dân tộc hớt hãi chạy đến, mặt mày tái xanh. Chính anh ta đã đặt bẫy này. Một người đàn bà đã trông thấy tôi đi về hướng này và vì không dám nói với tôi, nên đã vội đến báo cho anh rằng tôi đang dạo chơi phía hồ nước. Anh hỏi tôi:

– Ông có đến tận ao không?

– Có chứ, sao lại không?

– Ông đến đây mà xem.

Và anh dẫn tôi đến chỗ tôi vừa chui vào chui ra. Anh cầm cây gậy chạm vào sợi dây. Chiếc lao bằng tre vụt mạnh đâm ngang, tôi sợ xanh cả mặt! Làm sao lý giải việc tôi đi vào rồi đi ra mà không bỏ mạng ở đó được? Mặc cho ai nói đó là một trường hợp ngẫu nhiên. Tôi thương cho họ. Còn tôi thấy có ngón tay của Thiên Chúa can thiệp, và tôi cảm tạ Người đã thương cứu chữa với trọn tâm tình.

 

(Còn tiếp)

 

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai

 

WGPKT(14/03/2023) KONTUM