DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành – Cha Arnoux Đến

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG XI

Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. P. DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

 

Youtube: Chủng Sinh TV

 

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG XI

CHA COMBES Ở KON KƠ XÂM – MỘT NGÀY PHÚC LÀNH – CHA ARNOUX ĐẾN

 

Trong số bốn vị thừa sai ở miền dân tộc Ba Na lúc bấy giờ, chỉ có hai Cha được diễm phúc cử hành Thánh lễ mỗi ngày. Đó là Cha Combes ở Kon Kơ Xâm và Cha Desgouts ở Rơ Hai. Còn Cha Fontaine và tôi, buộc phải sống chung nhà với anh em dân tộc ngoại giáo cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi chỉ được hưởng phúc dâng lễ mỗi tháng một lần, lúc về xưng tội. Nhiều khi trong cảnh cô đơn, tôi thấy một tháng sao dài quá. Tôi tính từng ngày, bụng bảo dạ: “Còn chừng ấy ngày nữa tôi mới được lên bàn thánh và được gặp anh em”. Rơ Hai là điểm trung tâm và còn là nơi chúng tôi quy tụ. Chính nơi đây, chúng tôi kể cho nhau nghe những nỗi buồn khổ, những việc làm, những học hỏi, những niềm hy vọng của nhau. Đây cũng chính là nơi chúng tôi kín múc thêm sức lực và can đảm để dễ bề vác thập giá hơn trong tháng tới. Đối với tôi, khi lòng đạo đức và nhân ái của Cha Combes đã gắn bó tôi với ngài cách đặc biệt, thì ít khi Rơ Hai là điểm cuối cùng của cuộc bộ hành hằng tháng của tôi. Tôi thường đi tiếp đến tận Kon Kơ Xâm và thích thú theo dõi những tiến bộ tuy chậm chạp nhưng rất rõ nét về những việc Chúa thực hiện trong làng này.

Sau mấy tháng chuyên cần học tập, Cha Combes đã nói được tạm tạm tiếng Ba Na. Vì vậy anh em dân tộc bắt đầu đến giao tiếp với ngài ngày càng nhiều. Không bao lâu, họ đã nhận ra sự giả dối trong những lời vu khống mà tên Diong-Dia quái ái kia đã đổ xuống đầu chúng tôi. Trước kia, dân làng càng sợ chúng tôi bao nhiêu, thì nay họ lại càng tin tưởng chúng tôi bấy nhiêu, đến nỗi chính họ mời Cha Combes bỏ căn nhà ngoài rừng mà về dựng nhà ở giữa làng với họ. Ông Hmur tốt lành đã hớn hở vui mừng khi thấy đồng bào của ông, cuối cùng cũng đã chia sẻ những cảm tình của ông đối với chúng tôi. Cha Combes nghĩ rằng đã đến lúc thực hiện lời khấn hứa mà ngài đã làm trên biển khi xưa lúc quân cướp biển Trung Hoa tấn công chiếc thuyền và chém ngài một nhát gươm để cái thẹo suốt đời. Ngài đã thề hứa rằng nếu thoát chết ngài sẽ dâng kính Đức Mẹ cơ sở truyền giáo đầu tiên ngài thiết lập ở miền dân tộc với danh hiệu là Đức Mẹ Giải Thoát và đã được Đức Cha Cuénot ban phép. Vì vậy, khi chính dân làng Kon Kơ Xâm dựng cho ngài một ngôi nhà trong làng, ngài đã giữ lời hứa và đã long trọng đặt ngôi nhà cũng như cả làng dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ. Từ đó, Kon Kơ Xâm mang tên là “Cơ sở truyền giáo Đức Mẹ Giải Thoát” (Mission de Notre Dame de la Délivrance). Trong làng thân yêu này, chưa có ai là kẻ thờ phượng Thiên Chúa chân thật nhưng ít nhất việc trên cũng đã là một sự chinh phục dân làng cho Chúa. Một cách lành thánh nài ép Mẹ Thiên Chúa, và có thể nói, bó buộc Mẹ phải kiếm cho ra những kẻ phục vụ Chúa trong xứ truyền giáo đã được dâng kính cho Người. Việc này xảy ra vào khoảng giữa năm 1852. Cùng thời điểm này, Đức Cha Cuénot đã gọi Thầy Sáu Do về An Nam dọn mình chịu chức linh mục. Ngài ở cạnh Đức Cha gần một năm, rồi trở về miền dân tộc với tư cách là linh mục và chúng tôi lại gặp nhau.

Như đã nói, khoảng cách từ Kon Trang đến Kon Kơ Xâm phải mất trọn một ngày đường. Vì vậy, phải có đôi chân thật vững chắc mới đến nơi kịp trong ngày. Thường thì tôi thực hiện suôn sẻ vì sau trận kiết lị suýt phải trả giá bằng tính mạng, bệnh sốt càng ngày càng ít dần và tôi đã phục hồi một phần sức khoẻ như xưa. Tuy nhiên, đừng tưởng rằng các cuộc hành trình xuyên qua rừng rậm, men theo những lối mòn vô định là những cuộc du ngoạn lý thú. Sự việc luôn rất vất vả và dễ gặp nguy hiểm nếu đi đơn độc một mình, không bạn đồng hành. Trước hết, nguy cơ dễ bị thương dọc đường dầu cho người ta cẩn thận mấy đi nữa. Tôi có thể quả quyết rằng trong suốt nhiều năm liền không ngày nào mà chân cẳng tôi không mang vài vết thương ung độc, bởi vì nơi khí hậu ẩm ướt này, một vết trầy sướt nhỏ cũng trở thành một mụn lở. Mụn này chưa lành thì lại bị thương tiếp, sự việc cứ đều đều như thế. Kế đến là các tai nạn. Chẳng hạn, một ngày nọ, tôi đi thăm Cha Combes. Lúc gần trưa, tại một nơi cách xa buôn làng, tôi bị trặc chân. Ban đầu tôi còn tạm đi được, nhưng sau khi ngừng lại mười lăm phút bên bờ suối để dùng bữa, tôi muốn tiếp tục đi nữa, nhưng vô ích. Làm thế nào đây? Ngồi nghỉ chờ hết đau chăng? Nhưng đâu thể giải quyết sự việc trong vòng hai giờ mà lẽ ra phải mất tám ngày mới khỏi? Vả lại tôi vừa mới nuốt xong hạt cơm cuối cùng. Cái khó ló cái khôn. Tôi chắn ngang dòng suối, đặt một ống tre cho nước chảy thành vòi. Tôi lết xuống và ngồi bệt dưới bùn, đưa bàn chân đau dưới vòi nước chảy hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Đau không thể tả nhưng mẹo vặt này đã thành công. Các đường gân đã hồi phục tính dẻo dai của chúng và tôi đã có thể tiếp tục lên đường.

Tôi không hề có ý thuật lại hết mọi tai nạn đã xảy đến. Tuy nhiên, dù sợ làm bạn đọc chán, tôi cũng sẽ nói đến một ngày du hành khác nữa. Đúng là một ngày phúc lành vì đầy dẫy những thánh giá mà Chúa nhân lành đã gửi đến cho tôi trong tình yêu của Người. Tất cả chi tiết vẫn còn sống động trong tâm trí tôi.

Tháng nọ, tôi vẫn sống cô đơn một mình và ngày đi thăm anh em đã đến. Vừa tảng sáng, tôi đã sẵn sàng lên đường. Mọi người trong nhà còn đang say giấc nồng. Chờ họ dậy và ăn sáng xong rồi mới đi là điều khôn ngoan hơn, nhưng tôi không đủ kiên nhẫn để đợi như thế được. Còn một ít cơm thừa trong nồi, tôi bốc đầy tay vừa đi vừa ăn, vượt qua các làng mạc. “Tôi sẽ đói một chút – tôi nghĩ như thế – nhưng ý nghĩ sắp được gặp anh em sẽ làm cho đôi chân tôi mạnh mẽ”. Và thế là tôi đi. Dạo này tôi đã khoẻ mạnh trở lại, một hai ngày đường cuốc bộ không hề làm tôi e ngại. Vả lại, tôi tính đến trưa là tới nơi rồi. Nửa buổi sáng, mọi sự đều tốt đẹp. Tôi vui sướng sải bước. Khoảng mười giờ, tôi đến một nơi mà anh em dân tộc vừa đốn rừng ngay trên con đường tôi vẫn thường đi. Khi nói đến đường thì phải hiểu là lối mòn mà mắt thường khó thấy, nếu trong vòng mười lăm ngày mà không ai lui tới thì nó không còn là lối đi nữa. Nếu tôi quyết định đi vòng quanh đám cây bị đốn ngã đó thì có nguy cơ tôi mất dấu đường mòn. Để chắc ăn hơn, tôi đi xuyên qua đám cây đang nằm ngổn ngang. Thế là tôi bước vào mê hồn trận với những cây to bị đốn ngã. Tôi vạch lối đi xuyên qua các cành lá, bước qua những thân cây chồng chất lên nhau, dùng cả chân lẫn tay mới thoát qua khỏi đống hỗn độn ấy. Mặc dù hết sức chú ý, tôi cũng bị lạc mất dấu đường.

Trong một khu rừng mà người ta không biết rõ lắm thì không gì nguy hiểm hơn là lạc mất đường mòn. Chắc chắn ta sẽ không còn biết định hướng nữa và sẽ liều đi theo sự may rủi. Đã xảy ra cho tôi như thế. Tôi đã bước đi trong vô vọng sau khi mất hai giờ vàng ngọc, tôi may mắn gặp lại con suối mà lần trước tôi đã dừng lại trên bờ để ăn cơm. Nhưng lần này vì nôn nóng ra đi quá sớm nên tôi chỉ có thức ăn tinh thần là sự nhẹ nhõm trong lòng nhờ tìm lại dấu đường mòn sau khi bị lạc. Quả thật, đó là sự nâng đỡ ngọt ngào nhưng thức ăn này quá nhẹ! Sau ít phút nghỉ mệt, tôi lại tiếp tục đi. Khoảng hai giờ chiều, tôi đã đến làng Kon Hơ Ngo (gần Phương Quý bây giờ). Chỉ còn một phần tư quãng đường nữa là hết hành trình từ Kon Trang đến Rơ Hai. Bụng đói cồn cào nhưng tự nhủ mình sẽ ăn tối ngon miệng hơn, nhất là nghĩ đến niềm vui được gặp lại các bạn hữu thân yêu.

Xa hơn một chút, con đường lại chia hai lối. Tôi suy nghĩ, quan sát, cố nhớ xem rồi quyết định đi về hướng tay phải. Đi theo hướng này thật lâu, bỗng tôi nhận ra mình đã lầm. Làm sao đây? Đi ngược trở lại chăng? Ý nghĩ quay lại đoạn đường xa như vậy làm tôi khiếp sợ. Tôi nghĩ bụng: “Tốt hơn hết là mình nên đi tắt để tìm được đúng con đường ngang tầm ở phía bên kia, chắc không cách xa đây lắm đâu”. Tính toán trật lất, lần này và bao nhiêu lần sau nữa! Con đường ngắn nhất chính là con đường mình biết rõ. Cuối cùng, ý Chúa muốn tôi trong suốt ngày hôm ấy vấp phải hết sai lầm này đến sai lầm khác. Tại chỗ tôi rời khỏi lối mòn, cảnh rừng rất đẹp, không có bụi rậm mà thưa thớt một trảng cây lớn. Đi được một quãng, tôi thấy trước mắt một hàng rào dày đặc cỏ cao, chằng chịt dây leo và gai nhọn. Tôi phải cúi đầu chui vào. Lúc đứng, lúc bò, miễn sao tiến lên được thì thôi. Tôi bỗng cảm thấy kinh hãi: xung quanh la liệt bẫy heo rừng. “Lạy Chúa, xin đến cứu giúp con! Ôi Mẹ ơi! Ôi Maria! Xin cứu con thoát cơn nguy biến!” Đó là lời khẩn cầu mà tôi lặp đi lặp lại trong vòng mười lăm phút, vừa tiến bước vừa liếc nhìn tứ phía để kịp thời tránh bẫy. Có lúc tôi quỳ xuống đất, dùng đầu và tay cố chui qua đám dây leo và cỏ cây rậm rạp. Bỗng tôi nghe tiếng một con thú lớn vùng vẫy chạy trốn chỉ cách tôi vài ba bước. Heo rừng hay là cọp? Tôi không biết. Nhưng thấy cách nó vùng chạy, tôi tin là một trong hai loài đó.

Khoảng một giờ sau, tôi vui mừng gặp lại đúng đường và đi đến làng Kon Rơ Bang. Lúc ấy đã bốn giờ chiều, tôi tự nhủ: “Chỉ còn đi một giờ nữa thôi rồi mình sẽ được nghỉ ngơi”. Từ trưa đến giờ, tôi khát khô cổ họng, không một giọt nước thấm môi. Tôi đến gần một căn nhà ở Rơ Bang và thấy một phụ nữ đứng bên cửa. Tôi xin ít nước uống. Bà ta từ chối. Việc từ chối này sinh ích cho tôi, bởi nó làm tôi nhớ đến cơn khát của Chúa Giêsu; và việc nhớ đến những nỗi đau khổ của Chúa chúng ta luôn ban cho ta sức mạnh và niềm khích lệ. Qua khỏi làng Kon Rơ Bang, tôi lại đi lạc một lần nữa. Và lần này thì khỏi phải chê! Bởi chẳng những lạc mất lối mòn mà tôi còn không biết phải đi theo hướng nào nữa. Tôi hoàn toàn mất phương hướng! Tôi vượt qua đủ loại rừng: rừng cây lớn, rừng cỏ cao, bụi rậm và cả bùn lầy làm tôi lún đến tận thắt lưng. Trong khi đó, mặt trời sắp lặn. Hai đầu gối tôi run rẩy, thân mình ướt đẫm mồ hôi, pha lẫn với nước và bùn. Tôi vẫn tiến bước mà không biết sẽ đi về đâu. Tôi muốn trèo lên một cây cao để định hướng nhưng vô ích vì tôi đã dần kiệt sức rồi. Tôi ngừng lại để nghe ngóng nhưng không nghe thấy gì ngoài sự im lặng uy nghiêm của rừng già. Lúc mặt trời lặn, một vài chú bồ câu đất lẻ loi nào đó cất tiếng “cúc cu” như rúc lên lời kinh buổi hoàng hôn.

Cuối cùng, bóng tối đã phủ đặc khu rừng, màn đêm buông xuống. Bên cạnh một thân cây tróc gốc, tôi sải dài trên đất rồi ngồi tựa vào đó. Tôi nghĩ bụng: “Ước gì có một ít lửa để hong quần áo và sưởi ấm cơ thể đang ướt sũng mồ hôi để khỏi bị cảm lạnh! Ôi lạy Chúa, lạy Chúa, ước gì con có được một ít lửa!” Trong gùi có quyển kinh nhật tụng, ống điếu, chiếc quẹt lửa và một chút bổi mồi lửa. Tôi cẩn thận gom ít lá khô, vò nát, tay run run do sợ hỏng việc, bởi tôi vụng về đánh quẹt lửa. Bổi mồi bốc cháy nhưng vì quá ít, lửa chưa kịp cháy sang lá cây thì đã tắt ngúm. Tia lửa cuối cùng tan biến thì tia hy vọng cuối cùng của tôi cũng tan theo. Lúc đó, thấy mọi sự đều hỏng, tôi không rõ một niềm vui siêu nhiên nào đã xâm chiếm toàn thể con người tôi. Không nén được sung sướng, tôi đứng dậy và hát vang: “Nào ta chúc tụng Chúa muôn đời, vì muôn ân phúc Người đã thương ban!” Và có tiếng vọng lại: “…muôn đời … ân phúc”. Tôi mời hết bè bạn của núi rừng, muôn thú hợp với tôi ca ngợi Thiên Chúa vì lòng từ ái của Người tồn tại đến muôn đời. Tôi đã lặp lại nhiều lần: “Lạy Chúa Trời, trong sự khốn cùng này, Chúa còn nhận ra con là thừa sai của Người nữa không?”. Tôi còn nói thêm nhiều lời lạ lùng khác nữa, thiết tưởng không nên thuật lại làm gì. Tôi đã khóc vì cảm thấy hạnh phúc. Tôi đọc kinh tối vắn tắt vì đã mệt nhoài, xoãi người dài trên đất, tôi ngắm nhìn bầu trời đêm ấy lấp lánh muôn vì sao. Tôi thưa với Mẹ nhân ái đừng để cọp đến gần tôi, rồi thiếp ngủ cạnh thân cây tróc gốc.

Bị giấc ngủ đầy ác mộng phá rối, tôi đã thức dậy sớm. Khi muốn đứng lên thì chân tay tôi cứng đờ như cây củi khô, nhấc chân bước đi thật khó. Nhưng sự tê cứng cũng tan biến dần theo nhịp cử động của thân thể do máu lưu thông trở lại. Buổi sáng, Chúa nhân lành đã ban cho tôi một buổi điểm tâm: tôi nhặt được một quả bí đỏ mà chú khỉ nào đó đã “xơi tái” mất một nửa. Tôi chộp lấy và dù ai có lấy vàng đem trao đổi tôi cũng cương quyết không đồng ý! Ăn lấy ăn để, ăn vỏ, ăn ruột, ăn hạt, ăn cả phần hư nát còn dấu răng khỉ. Điểm tâm xong, tôi xem xét tình hình. Niềm phấn khởi hân hoan đêm qua, giờ đã chùng xuống nhiều. Tôi buồn nhưng không ngã lòng; tôi sầu khổ nhưng cảm thấy có Chúa ở gần bên tôi. Không định hướng được mình đang ở đâu, tôi liều may rủi  bước đi, nói lớn tiếng: “Phó dâng cho Chúa và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Người, gìn giữ con!”

Tôi đã đi rất lâu, băng qua rừng có nhiều bụi rậm. Thế nhưng vô cùng thất vọng vì thấy mình trở về lại nơi xuất phát! Đôi khi, người ta nói đến cái vòng luẩn quẩn thì đây đích thực là nó. Tôi thử trèo lên cây và lần này vui mừng hơn hôm trước. Leo đến ngọn, tôi thấy mình đã vượt quá đích của cuộc hành trình. Hiện tôi đang ở phía Đông làng Rơ Hai! Vài phút sau, tôi thấy con đường mòn và dấu chân người vừa mới đi qua. Lối mòn này dẫn tôi đến một cái ao. Ở đó, hai người dân tộc đang câu cá, nhưng khi thấy tôi từ khu rừng đi ra, thì họ vắt chân lên cổ chạy trốn. Tôi liên tục gọi họ. Một trong hai người chậm bước và dừng lại. Khi giáp mặt, người này bằng lòng đưa tôi đến nhà chúng tôi ở Rơ Hai và tôi đã đến nơi trong tình trạng dở sống dở chết, lúc đó khoảng chín giờ sáng! Hôm đó là một ngày Chúa Nhật Mùa Chay.

Chúa nhân lành biết bao! Chúa nhân lành biết bao! Người đã để cho tôi chịu nhiều thử thách, cố ý muốn cho tôi được tận hưởng sự vui mừng to lớn hơn đang chờ đón tôi. Khi đến, tôi không gặp đồng nghiệp nào trong nhà cả. Tôi liền nằm dài trên chiếu, và anh em người Kinh giữ nhà ngạc nhiên khi thấy tôi xuất hiện quá sớm nên đã hỏi tôi đêm trước ngủ ở đâu. Tôi thuật lại cho họ nghe cuộc phiêu lưu ngàn dặm trường của tôi. Kể gần xong thì dường như tôi nghe văng vẳng tiếng ai ngân nga một bài hát quen thuộc: “Qua tiếng đại bác báo động!” Tôi ngạc nhiên, ngồi nhổm dậy và lắng tai nghe, giọng hát im bặt, tôi tự nhủ: “Ảo tưởng kỳ quái”. Và tôi lại nằm xuống. Một lát sau, tôi lại nghe, và lần này giọng hát rõ hơn. “Lần này đích thị không lầm rồi!” Tôi la to và mặc dù đang yếu mệt, tôi lao đến cửa, cánh cửa duy nhất của căn nhà. Tôi nhận thấy ai đó giống Cha Arnoux, phải chăng ngài đã đến miền dân tộc hôm qua mà tôi chưa hay biết? Cha Bề trên đã gửi ngài đến đồng hành với tôi. Tôi đã quen biết ngài lúc ở Paris tại Chủng Viện Hội Thừa Sai.

Không thể nào diễn tả nỗi vui sướng mà tôi cảm nhận được lúc đó. Bỗng chốc, tôi quên hết mọi vất vả, khó nhọc. Lúc chia tay tại Paris, chúng tôi đã ôm hôn và hẹn nhau: “Gặp lại nhau nơi miền dân tộc nhé”. Và bây giờ, chúng tôi lại được ôm hôn nhau tại vùng đất người dân tộc!

“Tôi không muốn cắt ngang câu chuyện của Cha – ngài vừa cười hả hê vừa nói với tôi – tôi bị lôi cuốn nghe kể hết những chiến công của Cha. Nhưng tôi cho rằng Cha Combes đã gửi tôi không đúng chỗ. Nếu Cha không tìm ra đường đi thì Cha đúng là người dẫn đường tồi tệ. Chắc Cha không quên ‘người mù dắt người mù cả hai lăn cù xuống hố’. Thế nhưng, dù sao vẫn cứ vui! Hoan hô! Và hãy để tôi kể cho Cha nghe một vài tin tức nóng hổi ở bên Pháp nhé”. Chúng tôi cùng ngồi trên chiếc chiếu và bắt đầu hàn huyên với nhau thật lâu.

 

(Còn tiếp)

 

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

 

 

WGPKT(21/03/2023) KONTUM