Trường Học Thánh Phaolô – Thư Côlôxê

 

TRƯỜNG HỌC THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

 

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

Đọc thêm:

Nhập Đề

Thư 1 Thêxalônica

Thư 2 Thêxalônica

Thư 1 Côrintô

Thư 1 Côrintô (tiếp theo)

Thư 2 Côrintô 

Thư 2 Côrintô (tiếp theo)

Thư gửi tín hữu Philípphê

 

THƯ GỬI CÔLÔXÊ

 

 

Chúng ta sẽ suy niệm kinh nguyện mở đầu trong Thư Côlôxê.  Bối cảnh khác với bối cảnh của Thư Philípphê: Bản thân thánh Phaolô không rao giảng tại Côlôxê, ngài không thể tham chiếu  các sự kiện cụ thể và lịch sử mà ngài đã có thể sống.  Một trong những cộng tác viên của ngài là Êpápra đã rao giảng Tin Mừng tại Côlôxê và ông đã tường trình lại cho thánh Phaolô.  Thánh Phaolô không những chỉ quan tâm đến các Hội Thánh mà ngài quen biết mà thôi, những nơi ngài đã đi qua; ngài còn quan tâm đến tất cả các Hội Thánh, ngay cả những Hội Thánh mà ngài không quen biết.  Điều nầy làm cho Thư có giọng điệu thanh thoát, ít tình cảm hơn so với thư Philípphê.

Để tóm tắt phần đầu của Thư, xin trích lời chú giải của phần nhập đề Thư trong Bản Dịch Kinh Thánh Đại Kết(TOB): “Như thường lệ, Thư bắt đầu bằng công thức phụng vụ (1,1-20): lời chào, tạ ơn về sự tiến triển của Tin Mừng (3-8), lời khẩn nguyện cho các tín hữu (9-12) tiếp theo là thánh thi tuyệt diệu vinh tụng Chúa Kitô như là đầu của vũ trụ và làm cho cả Thư mang âm điệu nầy (13-20).  Các câu 21- 23 kêu gọi người nhận thư và, từ sự kêu gọi đi đến chỗ gợi lên thừa tác vụ tông đồ có sứ mạng thực hiện điều thánh thi đã tôn vinh:  Thánh Phaolô có bổn phận mang lời và những quẫn bách của Chúa Kitô cho đến khi chúng thành toàn để biểu hiện vinh quang Thiên Chúa giữa các dân tộc”.  Sự khai triển mà thánh Phaolô sắp làm, có liên hệ đến sứ mạng, là một cách thi hành điều ngài đã ca tụng trong kinh nguyện khởi đầu.  Phần đầu của Thư lấy lại một số những khẳng định, những ghi nhận mà chúng ta đã có dịp gặp.  Nhấn mạnh đến hành động tạ ơn muốn nói rằng thánh Phaolô đã thật sự sống điều đó; đối với ngài tạ ơn là quan trọng.  Kinh nguyện khẩn cầu (Cl 1, 3-8) đi theo sau Kinh nguyện tạ ơn.

Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, cho anh em luôn luôn trong kinh nguyện, (luôn luôn một khuôn mẫu: hành động tạ ơn không ngớt dâng lên Cha vì những người nhận thư), bởi được nghe biết đức tin của anh em trong Đức Kitô Giêsu, và lòng mến anh em có đối với hết thảy các thánh, và vì mối hy vọng dành sẵn cho anh em trên trời”.  Các Kitô hữu tiên khởi được gọi là “các thánh”.  Đây là hành động tạ ơn về đức tin của các môn đệ, về tình yêu huynh đệ với nhau, vì mối hy vọng: tin, cậy , mến.  Thánh Phaolô tiếp tục nhận thấy sự sống thuộc linh nơi những người mà ngài ngỏ lời.  Khi đề cập đến đức cậy trông, ngài thêm “niềm hy vọng mà anh em đã nghe loan báo trước kia trong lời rao giảng sự thật, Tin Mừng đã đến nơi anh em”.  Những người nhận thư có thể sống niềm hy vọng nầy bởi vì họ đã lắng nghe lời loan báo Tin Mừng, nếu không họ đã không có lý do  để hy vọng; họ có thể tiếp tục con đường khi biết rằng cuối con đường đó sẽ gặp được Đức Chúa.  “Niềm hy vọng mà anh em đã nghe loan báo trước kia trong lời rao giảng sự thật, Tin Mừng đã đến nơi anh em.  Cũng như trong khắp cả thiên hạ.  Tin Mừng ấy đã sinh hoa kết quả và cứ lớn lên thế nào, thì cả nơi anh em cũng vậy, kể từ ngày anh em đã được nghe biết và đích thật được am tường về ân sủng của Thiên Chúa, như anh em đã thụ giáo  với Êpápra thân mến”.  Êpápra đã rao giảng Tin Mừng cho họ.  Tin Mừng đó mang lại hoa trái và triển nở nơi bạn như trong toàn thể thế giới: Tin Mừng mang lại hoa trái.  Thánh Phaolô dường như có thị kiến về một lời nói của Thiên Chúa, của Tin Mừng được lan rộng khắp trên mặt địa cầu lúc bấy giờ: Tiểu Á, Hy lạp, trong viễn ảnh đến tận Rôma.  “Êpápra, người anh em của chúng tôi và là người đồng hành phục vụ trợ giúp chúng tôi cách trung thành như thừa tác viên của Đức Kitô”.  Công thức này thật hay để chỉ các người rao giảng tin mừng khác: Thánh Phaolô khẳng định ở đây sự liên đới hoàn toàn với người cộng sự viên này, bạn của ngài, người đồng hành phục vụ, người đồng- phục-vụ “đã viết cho chúng ta về tình yêu nào mà Thần khí linh hoạt ông”. 

Người ta gặp được tinh thần của những người Philípphê.  Êpápra đã kể cho thánh Phaolô việc rao giảng này khi chứng kiến tận mắt, các diễn tiến cụ thể của những sự việc, Thần khí hoạt động, Thần khí đó thông ban tình yêu của Cha cho cộng đoàn, cộng đoàn này từ đó trở nên một cộng đoàn yêu thương nhau, sống bằng tình yêu của Thiên Chúa.  Tiếp theo là một kinh nguyện khẩn cầu (Cl 1, 9-11).  “Vì lẽ đó mà chúng tôi, từ ngày được nghe biết về anh em, đã không ngớt khẩn nguyện cho anh em, nài xin cho anh em được am tường đầy đủ về thánh ý Thiên Chúa, với mọi kiểu khôn ngoan thông hiểu thiêng liêng, để anh em đi đứng sao cho xứng với Chúa, mà làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự, sinh đủ thứ hoa quả việc lành, lớn thêm mãi trong sự am tường về Thiên Chúa; được hùng cường dũng mạnh đủ mọi cách, thể theo quyền lực của vinh quang Ngài, mà kiên nhẫn đại lượng trong mọi sự”.

Thánh Phaolô cầu xin điều gì?  Đang lúc ngài ám chỉ đến tình yêu cư ngụ nơi họ, lời cầu xin của ngài hướng về sự hiểu biết toàn triệt ý Thiên Chúa.  Hạn từ biện phân không được sử dụng ở đây, tuy nhiên ý muốn nói xin nhận biết điều Đức Chúa chờ đợi nơi mỗi người và nơi cộng đoàn.  Không phải là điều vô ích đối với người Côlôxê khi cầu xin Đức Chúa cho biết ý định của Người; để có thể làm theo ý Thiên Chúa họ cần phải am tường về ý định của Người.  Sự khôn ngoan (sapientia có gốc sapere có nghĩa nếm thử), đây không phải chỉ là biết ý định một cách trừu tượng, hời hợt mà thôi, nhưng là biết một cách tình cảm, cá nhân: người ta nếm thử ý định Thiên Chúa.  “Hãy nếm thử và hãy nhìn xem cho biết Chúa thiện hảo dường bao” lời Thánh vịnh.

“Khôn ngoan thông hiểu thiêng liêng”.  Đó là sự biện phân tinh thần trong ngôn ngữ hiện đại của Giáo Hội: tức xin Chúa cho các tín hữu Côlôxê chấp nhận cái nhìn của họ xâm nhập những thực tại để đạt đến Mầu nhiệm trước mắt bằng những cách hành xử và những thái độ họ sống.  “Khôn ngoan thông hiểu thiêng liêng”: Thần khí cư ngụ nơi họ và cho họ thấy qua cái nhìn xuyên suốt nội tâm để biện phân trong đức tin, sự hiện diện của Đức Chúa trong tất cả hoạt động của cộng đoàn.

Khôn ngoan, sự xâm nhập tinh thần, sự hiểu biết “để anh em đi đứng sao cho xứng với Chúa”.  Đây không phải chỉ nói đến biết mà thôi, nhưng đắc thủ một thái độ thánh thiện chiêm niệm: chiêm niệm phù hợp với đời sống vì sự sống là quan trọng; nếu chúng ta biện phân chính là để chúng ta cho phép mình sống.  “Để anh em đi đứng sao cho xứng với Chúa, mà làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự”:  hãy cố gắng khám phá một cách chân thật ước muốn của Thiên Chúa, điều gì Người chờ đợi nơi chúng ta đến nỗi mà khi chúng ta làm được những gì Người mong đợi, Người ban cho chúng ta sự đồng ý và chuẩn nhận.  Sống là hành động: ước gì điều nầy được diễn tả ra nơi hoa quả của đời sống nghĩa là trong cung cách hành xử.  “Để anh em sinh đủ thứ hoa quả việc lành”.  Người ta thu hoạch hoa trái phong phú trong mức độ tháp nhập vào ý muốn của Thiên Chúa như Lời Chúa dạy, qua sự biện phân nầy cần phải thực hiện ngày qua ngày để đứng vào hàng ngũ của Thiên Chúa.  Lúc đó “Anh em lớn thêm mãi trong sự am tường về Thiên Chúa”. 

Sống, hoạt động cách Kitô cho phép điều chỉnh cách hành xử, những thái độ của mình dựa trên thái độ của Chúa Giêsu: như thế người ta ở trên cùng làn sóng với Thiên Chúa.  Người ta tiến gần đến sự am hiểu chân thật hơn về Thiên Chúa .  Sự hiểu biết không phải chỉ là hoa trái của trí khôn, nhưng còn là kết quả của một thực hành, một kinh nghiệm về đời sống Kitô cho phép chúng ta  sửa mình theo Chúa.  “Anh em được hùng cường dũng mạnh đủ mọi cách, thể theo quyền lực của vinh quang Ngài”.  Vinh quang của Thiên Chúa đến cư ngụ nơi trần gian (x. Is 6, 3).  Vinh quang của Thiên Chúa là trọng lượng của Thiên Chúa; Thiên Chúa có sức nặng, có sự mạnh mẽ; Người hùng dũng, là đá tảng.  Sức mạnh của vinh quang Thiên Chúa đến với chúng ta, chúng ta được dẫn đến sự “kiên nhẫn đại lượng trong mọi sự”.  Bởi vì cần phải sống, giữ vững, chống cự, chiến đấu hằng ngày và điều đó không phải là dễ, chúng ta cần sức mạnh của Thiên Chúa để đứng vững trong mọi thử thách.  Người ta trở về với chủ đề trong thư 2 Côrintô: trong mọi thử thách, kiên nhẫn và chịu đựng là những nhân đức, là những cách thể hiện đức cậy trông Kitô giáo.  Như thế , đó là công thức cầu nguyện mà thánh Phaolô dùng khi nghĩ đến các tín hữu Côlôxê mà ngài không quen biết nhưng với họ, bằng phương tiện này, ngài đi vào sự cảm thông; ngài bắt gặp họ trong những nhu cầu thâm sâu nhất của họ.

Người ta tưởng rằng thánh Phaolô kết thúc kinh nguyện của ngài, và sang chuyện khác, ra những chỉ thị cho tín hữu, cảnh giác họ về những liều lĩnh và hiểm nguy mà Êpápra đã lưu ý.  Thật ra có những liều lĩnh và hiểm nguy nơi cộng đoàn Côlôxê.  Nhưng không phải thế.  Kinh nguyện tiếp tục theo hình thức thánh  thi.  Như chúng ta đã cầu nguyện bằng thánh thi Chúa Kitô phục sinh trong Thư Philípphê, ở đây chúng ta đặt mình trong âm thanh của thánh thi được các cộng đoàn cầu nguyện; thánh Phaolô tiếp nối một hình thức kinh nguyện phụng vụ.  Người ta không còn đơn giản ở trong kinh nguyện tạ ơn về những gì đang xảy ra và những gì được sống, cũng không còn ở trong kinh nguyện khẩu cầu, nhưng là ở trong một hình thức tôn vinh, thờ lạy, ca tụng Chúa Giêsu.

Khi một giáo sư văn chương cố gắng bình luận một bài thơ, ông có thể lâm vào tình trạng lúng túng khi ông phân tích điều gì đó đang lưu chuyển, phát xuất từ con tim và từ tâm trí, phát xuất từ nơi thâm sâu của hữu thể; luôn luôn có nguy cơ làm gãy đổ một nhịp điệu và không dễ gì để đặt lại tất cả trong sự thống nhất!  Chúng ta sẽ gặp lại trong Thư Êphêxô một hình thức thánh thi như đoạn chúng ta sẽ đọc (Cl 1, 12-20).  Đó là những công thức thánh thi được đọc trong Giờ Kinh Phụng Vụ vào giờ Kinh Chiều mỗi ngày như bài Linh Hồn Tôi Ngợi Khen Chúa của Đức Trinh Nữ Maria.  Người ta có thể phân tích, nhưng khác hơn nữa là phải hát!  Người ta ở trong lãnh vực thi văn, ca hát, một hình thức diễn tả không thuần tuý bằng văn xuôi.

Dẫn nhập: “Cảm tạ Cha, Đấng đã làm cho anh em có thể dự phần cơ nghiệp dành cho các thánh trong sự sáng”.  Thánh Phaolô dâng lời tạ ơn, ngài mời những người đối thoại đi vào trong bầu khí vui tươi tạ ơn.  “Cảm tạ Cha, Đấng (hành động tạ ơn luôn luôn hướng về Cha) đã làm cho anh em có thể dự phần cơ nghiệp dành cho các thánh trong sự sáng”.  Chớ gì những kẻ đối thoại của ngài nhận ra mầu nhiệm thâm sâu mà họ đang sống.  Họ được dẫn vào trong ánh sáng của Thiên Chúa, trong “cơ nghiệp dành cho các thánh”, tham gia sự thánh thiện của Thiên Chúa.  Sự thần hoá nầy là điều kỳ điệu, tham dự vào bản tính Thiên Chúa mà thánh Phêrô sẽ nói đến trong Thư của ngài, sự may mắn được đón nhận vào nhà của Thiên Chúa, trong thánh điện của Người với tất cả các thánh; cảm thấy mình không cô đơn, được ở với những người khác và có cả cộng đoàn các thánh, một cộng đoàn tràn ngập “ánh sáng”.

Làm thế nào thánh Phaolô dẫn nhập tham gia vào “cơ nghiệp dành cho các thánh trong sự sáng”.  “Thiên Chúa Cha đã kéo anh em ra khỏi quyền lực tối tăm, và chuyển anh em vào vương quyền của Con chí aí Người, trong Ngài ta có ơn cứu chuộc, ơn tha tội”.  Đối lại với tối tăm là ánh sáng.  “kéo anh em ra khỏi quyền lực tối tăm”: kéo ra khỏi địa ngục, khỏi tối tăm; và chuyển vào “trong vương quyền của Con chí aí Người”:  chúng ta được chuyển qua.  Một thể như Đức Giêsu, trải qua cuộc Tử Nạn, được chuyển vào trong nơi ở của Thiên Chúa, vào trong thánh điện của Thiên Chúa, một thể như vậy, theo chân Đức Giêsu và cùng với Người, chúng ta được chuyển qua.  Người kéo chúng ta vào con đường đi đến Cha.  Hãy nghĩ đến một vài đoạn trong Tin Mừng Gioan, cách đặc biệt trong diễn từ sau Tiệc ly.  Đức Giêsu mở ra cho chúng ta chỗ ở của Thiên Chúa và bởi vì Người mở cho chúng ta nơi ở của Thên Chúa chúng ta được chuyển từ nước trần gian qua nước Thiên Chúa: đó là “vương quyền của Con chí aí”.  Chúng ta tham dự tử hệ của Đức Giêsu, Cha đối xử với chúng ta như con của Ngài.  Và bởi vì Ngài xử với chúng ta như con, chúng ta có chỗ đứng trong nhà Ngài, trong mái ấm gia đình.  Và chúng ta biết rằng Người Con nầy là Con chí aí: “Nầy là Con ta sủng mộ”.  Nếu lắng nghe Người Con nầy, nếu biết vâng theo lời Người, người ta sẽ được chuyển qua, được giải thoát khỏi tối tăm và tội lỗi, được tha thứ và được dẫn vào nhà Thiên Chúa để chia sẻ hạnh phúc, phước lộc của Đức Giêsu Con Thiên Chúa.  Lễ Phục sinh của Đức Giêsu trở thành lễ Phục sinh của chúng ta.

Thánh Phaolô sắp lao mình vào việc tán dương, ca tụng Chúa Giêsu Kitô, Con chí ái của Cha, trong kinh nguyện chiêm ngưỡng, thờ lạy vị Đức Chúa khi quy về Người tất cả các đặc tính thần thiêng, tất cả ưu phẩm thần linh mà Người phải có.  “Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình là trưởng tử giữa mọi loài thụ sinh, vì trong Ngài vạn vật đã được tạo thành, chốn trời cao và nơi dương thế, vật hữu hình, vật vô hình, dù là thiên toà hay thiên chủ, dù là thiên phủ hay uy linh: mọi sự đã được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài!”  Đoạn này ca ngợi Chúa Kitô Tạo Dựng: Người tham dự với Cha vào công trình sáng tạo vì nhờ lời của Cha mọi sự đã được tạo thành.  Thánh Gioan trong lời tựa nhập đề Tin Mừng diễn tả mầu nhiệm Ngôi Lời sáng tạo ra vạn vật, nơi Người mọi sự đã được tác thành, Ngôi Lời sáng tạo, hình ảnh hoàn hảo, hình tượng toàn bích của Thiên Chúa.  Cũng vậy khởi đầu Thư Do thái, một thánh thi giống như vậy diễn tả sự không khác biệt giữa Con và Cha (x. Dt 1,1-13).  Người Con hoàn toàn giống Cha.  Hạn từ hình tượng (icône: ảnh truyền thần)) diễn tả hơn là hạn từ hình ảnh (image).  Người là hình tượng, hình ảnh thập toàn của Thiên Chúa vô hình.  “Trưởng tử giữa mọi loài thụ sinh” không có ý nói Người được tạo thành và Người là tạo thành đầu tiên; nhưng muốn nói Người hiện diện đầu tiên với Cha trong công trình sáng tạo.  “Trong Ngài vạn vật đã được tạo thành”:  Như vậy Người là Lời mang nơi mình toàn vẹn vũ trụ.  Nêu tên: trời đất, vật hữu hình và vô hình, thiên toà, thiên chủ, thiên phủ, uy linh; đó là cách xướng tên thi vị để nói rằng không gì thoát khỏi Người. 

Người mang tất cả vũ trụ.  “Mọi sự đã được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài”.  Được tạo thành nhờ Người, nguồn gốc, an-pha, tạo thành cho Người vì tất cả sẽ tập họp trong Đức Kitô khi Con sẽ trình diện thế gian, tạo thành được biến hình.  Đầu hết và cuối hết.  “Mọi sự đã được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài!  Và Ngài có ưu thắng trên mọi sự, và mọi sự đều tồn tại trong Ngài”.  Người mang.  Có sự tiến triển: Đức Kitô là sếp, đầu và thân thể này không phải chỉ là thân thể của Giáo Hội mà thôi; nhưng tất cả tạo thành, qua Giáo Hội, mọi sự được quy tụ và hợp nhất lại trong Người.  Thư Êphêxô sẽ nói lại điều này một kiểu khác.  Đó là Lời tạo dựng.  Người ta không thể hình dung ra nhưng ít ra người ta có thể ca tụng, xướng lên, tuyên dương trong kinh nguyện.

Phần hai: “Ngài là đầu của Thân mình, tức là Hội thánh.  Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các vong nhân, ngõ hầu trong muôn sự Ngài là đệ nhất vô song!  Vì chưng Thiên Chúa đã quyết ý cho tất cả viên mãn đậu lại trong Ngài, và đã giảng hoà cả vạn vật nhờ Ngài và cho Ngài, đã ban lại bình an nhờ bửu huyết đổ ra nơi thập giá của Ngài, cho mọi vật dù ở dưới đất hay ở trên trời!” (Cl 1, 18-20).

Đầu và thủ lãnh của vũ trụ, đầu và thủ lãnh của Hội thánh, Giáo hội trở nên thân mình của Ngài.  Hình ảnh về thân thể đóng vai trò rất quan trọng trong các Thư của thánh Phaolô.  Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô, Thân thể của Chúa Kitô, ý nói rằng, dưới Ngài và với Ngài, Đức Kitô quy tụ nhân loại được Ngài cứu độ, một nhân loại bị kết án tử hình.  Ngài là Trưởng tử giữa các vong nhân, Ngài là người sống lại đầu tiên, và trong sự sống lại Ngài lôi kéo tất cả anh em của Ngài vào.  Ngài quy tụ tất cả nhân loại, Ngài đưa họ ra khỏi vực thẳm tội lỗi.  Ngài trở nên anh cả, người thứ nhất, Ađam mới, mà thánh Phaolô nói tới trong các Thư khác.  Về phương diện Giáo hội, Ngài là khởi nguyên, người thứ nhất và tất cả những kẻ khác sinh ra bởi Thiên Chúa sau Ngài: “Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các vong nhân, ngõ hầu trong muôn sự Ngài là đệ nhất vô song”; Ngài là khởi nguyên, trước Ngài chưa có ai.  Tại sao?  “Vì chưng Thiên Chúa đã quyết ý cho tất cả viên mãn đậu lại trong Ngài”.  Ngài đã chấp nhận hủy mình ra không, tự triệt tiêu, bây giờ Ngài là người đầy Thiên Chúa, một sự viên mãn vô bờ bến mà chúng ta không tài nào hình dung được.

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng tối thượng quyền của Đức Giêsu, chiêm ngưỡng hồng ân tuyệt hảo của Thiên Chúa ban cho Ngài vì chính Cha đã muốn: “Thiên Chúa đã quyết ý”.  Ngài thật sự là Con, và là Con, Ngài là hình ảnh hoàn hảo của Cha, Ngài có thể quy tụ trong Ngài tất cả mọi con cái của Thiên Chúa, họ trở nên anh em với nhau, Ngài đảm trách tất cả các chi thể của thân mình, họ thuộc về Ngài.  “Đối với tôi sống là Đức Kitô”, theo thánh Phaolô.  “Vì chưng Thiên Chúa đã quyết ý cho tất cả viên mãn đậu lại trong Ngài (tất cả viên mãn của sự sống thần thiêng) và đã giảng hoà cả vạn vật nhờ Ngài và cho Ngài, đã ban lại bình an nhờ bửu huyết đổ ra nơi thập giá của Ngài, cho mọi vật dù ở dưới đất hay ở trên trời!”.  Từ ngữ giảng hoà dùng ở đây có nghĩa mạnh.  Giảng hoà có nghĩa quy tụ lại, lập hội nghị, Ngài phải thiết lập hội nghị này, tái tạo sự hiệp nhất và Đức Giêsu, bản thân Ngài chịu trách nhiệm về việc quy tụ này bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa.  Bởi vì con người Giêsu này đã chấp nhận sống kiếp phàm nhân cho đến nỗi đi đến chỗ đổ máu, Ngài đã sở hữu (ân huệ của Cha) khả năng hợp nhất tất cả.

Cần phải trở lại “lời nguyện tế hiến” (Ga 17) để thấy Đức Giêsu cảm nhận trách nhiệm về tất cả những người mà Cha đã trao cho Ngài.  Động từ trao ban, khi đề cập đến các môn đệ, được lặp lại tám hay mười lần trong lời nguyện này.  Ngài trở nên Đấng quy tụ tất cả những người mà Cha trao ban cho Ngài để làm thành một dân tộc, để tái lập một dân tộc.  Ưu tư hàng đầu của Ngài là quy tụ dân tộc này về sự hiệp nhất của một thân thể duy nhất: sự quan trọng về duy nhất tính hữu hình của Giáo hội là để Giáo hội làm chứng nhân đích thực của Ba Ngôi Thiên Chúa. “Người đã thiết lập hoà bình bằng máu đổ ra trên thập giá”.  trong một Thư khác thánh Phaolô viết: “Chính Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2, 14).  Người đã làm cho cả hai, dân Do thái và dân ngoại thành một: Người là hoà bình.  Không những Người mang lại hoà bình nhưng Người là sự bình an nơi bản thân mình.  Bởi vì Người là đấng quy tụ hoàn hảo, toàn vẹn, Người có khả năng quy tụ trong tình yêu tất cả con cái tản mác của Thiên Chúa.  Hãy nhớ lại cách nói mà Caipha dùng để loan báo một cách tiên tri, khi ông không ý thức về điều mình nói, ý nghĩa về cuộc tử nạn và cái chết của Đức Giêsu: “Quy tụ thành một dân tộc tất cả con  cái ThiênChúa ở rải rác”.

Cần đọc lại những văn bản này như lời kinh nguyện.  Đây là một thánh thi ghi trong Sách Nguyện mà ta thuộc lòng.  Kinh nguyện này là thành phần kinh nguyện của Giáo hội ngày nay với tất cả những gì tóm tắt thâm sâu thần học và thuộc linh, và đồng thời với tất cả những gì là quan trọng cho đời sống cụ thể của chúng ta, người môn đệ của Đức Giêsu, đàn em của Người: “Chúng ta thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa”.

 

Lm  Fichelle

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

WGPKT(21/03/2023) KONTUM