Hành Động Quan Trọng Hơn Lời Nói

 

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Nguồn: The Word Among Us

 

Yêu mến Thiên Chúa dẫn đến hành động.

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3,18).

Ở đây có điều phải suy xét: tất cả hành động của chúng ta đều bắt đầu với những suy nghĩ, nhưng không phải mọi suy nghĩ đều dẫn đến hành động.

Chúng ta có nhiều cách để thể hiện tình yêu dành cho Thiên Chúa thông qua trí tuệ của mình – suy nghĩ, ý muốn và thái độ. Nhưng việc yêu mến Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở đó. Đến một lúc nào đó, tình yêu phải được thể hiện bằng hành động của chúng ta.

Trước khi tiếp tục, tôi phải thú nhận rằng tôi luôn phải chiến đấu với điều này. Tôi nhận ra rằng việc suy nghĩ về Thiên Chúa thì dễ hơn nhiều so với việc làm điều gì đó cho Người. Thật sự, việc suy nghĩ về Thiên Chúa đòi hỏi ít nỗ lực hơn nhiều và có thể làm tôi cảm thấy thực sự thoải mái. Tuy nhiên, khi chúng ta hành động theo cách suy nghĩ này, chúng ta ít nhiều đều hành xử thông qua các chuyển động. Một tấm lòng yêu mến Chúa chân thành không chỉ liên quan đến tâm trí mà còn cả thân xác nữa.

Trong dụ ngôn về hai người con (x. Mt 21,28-32), Chúa Giêsu nhấn mạnh điểm này theo cách đáng nhớ. Câu chuyện kể về một người yêu cầu hai người con trai của mình đi ra đồng làm việc. Người con thứ nhất lúc đầu nói không nhưng sau đó đã thay đổi ý định và đã đi làm. Người con thứ hai đã đồng ý nhưng lại không đi làm.

Chúa Giêsu đã hỏi các tư tế và các kỳ mục – những người nghe dụ ngôn này – người con nào đã vâng lời cha mình. Họ nói người con mà lúc đầu từ chối nhưng sau đó đã đi làm. Chúa Giêsu xác nhận câu trả lời của họ bằng cách nhấn mạnh rằng những người tội lỗi sẽ vào nước Thiên Chúa trước nhiều người “thánh thiện”.

Khi nói đến việc yêu mến Thiên Chúa, nếu chỉ nói đúng và suy nghĩ đúng mà thôi thì không đủ. Cuối cùng, nó phải dẫn đến hành vi.

Làm cách nào chúng ta biết khi nào nên ngồi và chờ đợi Chúa đến, và khi nào thì hành động? Cứ theo gương của Môsê, ông đã cầu nguyện và đã lắng nghe Chúa. Hãy dành thời gian cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Thiên Chúa sẽ cho bạn biết khi nào là thời gian hành động và khi nào là thời gian ở yên. Và mỗi lần bạn vâng lời và tuân theo sự dẫn dắt của Người, bạn đang thể hiện tình yêu của bạn dành cho Người.

Sinh Hoa Trái Tốt. Làm cách nào chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta đang yêu mến Thiên Chúa qua hành động của chúng ta? Một trong những cách tốt nhất là nhìn vào “hoa trái” chúng ta làm ra. Như bạn có thể phỏng đoán, tôi không nói về những trái táo và những trái cam nhưng về hoa trái của Chúa Thánh Thần. Theo Thánh Phaolô, “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23).

Nếu chúng ta để cho Thần Khí hoạt động trong cuộc sống của chúng ta, thì chúng ta sẽ nhìn thấy dấu chứng của những hoa trái này. Chúng ta hãy nhìn thoáng qua vào mỗi hoa trái này.

Tình yêu (Bác ái). Thánh Tôma Aquinô định nghĩa yêu là luôn “muốn sự lành cho người khác”. Đó không phải là một cảm giác nhưng là một quyết định có ý thức. Tình yêu đích thực là sự hy sinh. Nó bao hàm việc đặt người khác lên trước tiên. Đó là loại tình yêu được Chúa Giêsu biểu lộ khi Người chết trên thập giá.

Hoan lạc. Hoan lạc là sự đáp lại sự hiện diện của Chúa trong chúng ta. Không giống như niềm vui thích thú, niềm hoan lạc không lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Cũng như trong tình yêu, niềm hoan lạc là một sự lựa chọn. Vì lý do này, Thánh Phaolô có thể nói với chúng ta – ngay cả khi ngài bị quản thúc tại gia – hãy vui lên (x. Pl 4,4). Nếu ngài có thể làm điều đó, chúng ta cũng có thể làm.

Bình an. Hoa trái Thánh Thần này tượng trưng cho cảm giác thanh thản hoặc sự tĩnh lặng. Sự bình an giữ cho tâm trí được yên lành, ngay cả khi phải đối diện với những bão tố và thử thách. Chúa Giêsu ban cho chúng ta hoa trái này qua Thánh Thần của Người (x. Ga 14,27). Như với niềm hoan lạc, sự bình an không lệ thuộc vào sự vắng bóng xung đột.

Sự Nhẫn nhục. Nhẫn nhục là một sự sẵn sàng chờ đợi Thiên Chúa, đón nhận hoàn cảnh và chính mình. Để trải nghiệm sự nhẫn nhục, trước hết chúng ta phải từ bỏ ước muốn điều khiển môi trường của chúng ta. Việc cầu xin cho được thăng tiến trong hoa trái này thường dẫn đến việc đưa một người hay một tình huống đầy thử thách vào trong cuộc sống của chúng ta.

Nhân hậu. Diễn tả rõ nét nhất là lòng nhân ái thể hiện qua hành động, hoa trái của lòng nhân hậu phát xuất từ tình yêu vô điều kiện. Lòng nhân hậu tự thân thường biểu lộ sự sẵn sàng cho ai đó một cơ hội khác. Thiên Chúa đối xử nhân hậu với chúng ta và Người mong ước chúng ta cũng cư xử với người khác như thế.

Tốt lành. Sự tốt lành bao hàm việc tránh tội lỗi và làm những gì đúng đắn – nói cách khác, là thực hành cách cư xử giống Thiên Chúa. Bản tính con người tự nhiên hay sa ngã của chúng ta khiến chúng ta khó mà hành xử theo cách này, nhưng chúng ta có thể làm điều đó với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

Trung tín. Thiên Chúa luôn giữ lời hứa của mình và chúng ta cũng có thể giữ được. Chúng ta thường sa ngã ở đây, ngay cả khi chúng ta có những ý định tốt nhất. Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ chúng ta nếu chúng ta để cho Người giúp.

Hiền hòa. Mặc dù không thường gắn với quyền lực, sự hiền hòa về cơ bản là sức mạnh nằm trong sự kiểm soát. Đôi khi được xem là sự nhu mì, sự hiền hòa bao hàm việc trao chuyển sức mạnh của chúng ta và sử dụng nó cho việc tốt. Chúa Giêsu đã thể hiện hoa trái này cách thường xuyên trong suốt cuộc đời của Người.

Tiết độ. Bởi vì chúng ta là những thọ tạo vật chất mang bản tính con người hay sa ngã, chúng ta thấy khó mà điều khiển được những đam mê của mình. Kết quả là, cuối cùng chúng ta thường làm những điều chúng ta không muốn làm. Làm điều đúng không phải lúc nào cũng cảm thấy thoải mái. Tự chủ bao hàm việc nhìn qua sự hài lòng tức thời và làm những gì đúng đắn, ngay cả khi điều đó gây tổn thương.

Chúng ta có thể có ý nghĩ rằng liệu cách cư xử của chúng ta có thể hiện tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa hay không qua việc xem xét những hoa trái của Thần Khí trong cuộc sống của chúng ta. Bao nhiêu trong số những hoa trái đó thể hiện con người bạn? Nếu ai đó đang viết cáo phó cho bạn, họ có thường xuyên sử dụng những từ “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”?

Bây giờ, đừng hoảng sợ. Việc bạn tự hỏi bản thân những câu hỏi này có thể mở rộng đôi mắt và thậm chí hơi (hoặc rất) đau đớn. Nhưng chúng ta không thể khắc phục việc không sinh nhiều hoa trái, nếu trước hết chúng ta không nhận ra rằng mình đang có vấn đề. Một khi làm điều đó, chúng ta có thể bắt đầu làm việc và sinh hoa trái tốt.

Mặc dù chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong Bí tích Rửa Tội, Người sẽ không áp đặt đường lối của Người vào cuộc sống của chúng ta. Việc gia tăng sức mạnh mà chúng ta được lãnh nhận trong Bí tích Thêm Sức cũng không tự động kích hoạt Thánh Thần. Thay vào đó, Người chờ đợi để được mời. Để bắt đầu tiến trình sinh hoa trái tốt, chúng ta phải để cho Chúa Thánh Thần hành động. Sau đó, chúng ta phải quy phục những gợi ý của Người và chống lại sự thôi thúc không chịu nghe theo quyền năng của Người.

Nếu bạn thực hiện những điều này cách thường xuyên – hãy mời Thánh Thần đến, hãy cho phép Người, hãy quy phục những gợi ý của Người, bạn sẽ bắt đầu cảm nghiệm được sự biến đổi trong cuộc đời của bạn. Dần dà bạn sẽ thấy ngày càng nhiều bằng chứng rõ ràng về hoa trái tốt lành.

Bạn có thể làm cho quả bóng lăn chỉ với ba từ đơn giản: “Come, Holy Spirit.” – “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”.

Đây là một đoạn trích từ cuốn sách có tựa đề Hành trình với Thiên Chúa, tác giả là Gary Zimak (The Word Among Us Press, 2021), có thể truy cập từ www.wau.org/books.

Nguồn: daminhtamhiep.net