Trường Học Thánh Phaolô – Thư Êphêxô

 

TRƯỜNG HỌC THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

 

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

Đọc thêm:

Nhập Đề

Thư 1 Thêxalônica

Thư 2 Thêxalônica

Thư 1 Côrintô

Thư 1 Côrintô (tiếp theo)

Thư 2 Côrintô 

Thư 2 Côrintô (tiếp theo)

Thư gửi tín hữu Philípphê

Thư gửi Côlôxê

 

THƯ ÊPHÊXÔ

 

Chúng ta lắng nghe và đón nhận Tông đồ Phaolô qua Thư Êphêxô. Các nhà chú giải tranh luận nhau xem thật sự có phải ngài viết cho dân Êphêxô không.  Chắc hẳn kiểu nói và bút pháp của lời kinh có sự thay đổi khi so với những gì chúng ta biết cho đến bây giờ, không phải thay đổi về nền tảng mà về bút pháp tương giao giữa ngài với người nhận Thư.  Trong những Thư trước, đặc biệt các Thư Thêxalônica, Côrintô và Philípphê người ta cảm thấy có mối liên hệ trực tiếp và một ký ức cụ thể về những gì ngài đã sống.  Các thánh thi, các kinh nguyện này có giọng văn long trọng hơn mà người ta cảm thấy vị tông đồ luôn luôn gần gũi với những người ngài ngỏ lời với; tuy nhiên thay vì nhắm đến một cộng đoàn, một Giáo hội đặc thù, chân trời được mở rộng thêm.  Như một thư luân lưu, dưới hình thức một lá Thư, qua đó Thư muốn nhắm đến mọi cộng đoàn, quy chiếu về Giáo hội viết hoa, trong mức độ Giáo hội này là một cộng đoàn của những Giáo hội địa phương.  Điều này chúng ta sẽ tìm gặp được nơi Thư Êphêxô.

Hình thức kinh nguyện dưới dạng thánh thi (như  trong Thư Côlôxê và trong  thánh thi ca tụng Chúa Kitô trong Thư Philípphê) cho thấy thánh Phaolô, dùng phụng vụ thực hành trong các cộng đoàn nhưng cho thêm vào đó nét đặc sắc riêng của ngài, làm cho lượng thần học đặc sắc hơn.  Trong Thư Êphêxô, đặc biệt trong kinh nguyện khởi đầu Thư này (tôi sẽ lấy lại phần đầu bây giờ và phần hai cho lần sau), thánh Phaolô mở rộng chân trời của ngài; ngài làm cho kinh nguyện của ngài mang bút pháp thánh thi; có sự liên đới giữa kinh nguyện trong Thư Côlôxê và Êphêxô.

Ta có thể chia kinh nguyện này làm ba đoạn: mỗi đoạn kết thúc bằng cùng một hình thức như nhau: “Để ngợi khen vinh quang Người”.  Đoạn một nhấn mạnh về Cha nhiều hơn, đoạn hai ca tụng Con và công trình của Người, và đoạn ba minh nhiên nói đến Chúa Thánh Thần.  Có một nhịp điệu rất đặc sắc trong bố cục, một nhịp tam phân quy chiếu về mầu nhiệm ba ngôi trong nội dung của Thư.  Có điệp khúc; tỷ như: “để nên lời ca ngợi cho vinh quang Người”, xuất hiện ba lần; rất ý nghĩa, thánh Phaolô không sợ lặp lại.  Công thức trở lại bảy, tám lần trong một đoạn ngắn: “trong Đức Kitô”, “trong Đức Giêsu Kitô”, “nhờ Đức Giêsu Kitô”, “trong Con yêu dấu của Người”, “trong Người” …  nền thần học dựa vào mối liên hệ với Đức Kitô, kém tương quan cá nhân của thánh Phaolô với Đức Kitô hơn là quy chiếu về Chúa Kitô như là Đấng làm nền tảng của mọi sự.  Các giới từ “nhờ”, “trong”, là dấu chỉ biểu hiện.

Đoạn một: “Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chúc lành cho ta bằng mọi chúc lành Thần khí, chốn hoằng thiên, trong Đức Kitô.  Bởi chưng Người chọn ta trong Ngài (trong Đức Kitô), từ trước tạo thiên lập địa, để ta được nên thánh và vô tì tích trước mặt Người.  Bởi lòng yêu mến Người (tức Thiên Chúa, Cha) đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Giêsu Kitô, và vì Người, chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Người, để nên lời ca ngợi cho vinh quang Người, bởi ân sủng Người đã ban xuống cho ta trong Đấng chí ái.”(Ep 1, 3-6).  “Lời ca ngợi cho vinh quang Người” có nghĩa thời đầu đã kết thúc.

Chúc tụng Thiên Chúa”, đó là kinh nguyện chúc tụng mà vị tông đồ sẽ nói về sự thiện hảo của Thiên Chúa (bene-dicere: nói tốt, nói điều tốt)).  Điều này loan báo kinh nguyện ca tụng lúc vị tông đồ quay về Đức Chúa, quay về Ba Ngôi Thiên Chúa.  Thiên Chúa này được gọi là “Cha của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô”, vị tông đồ nêu ra phụ tính của Thiên Chúa.  Khi nghĩ về phụ tính của Thiên Chúa, người ta cố tình tham chiếu Tin Mừng thánh Gioan và các Thư của ngài.  Bây giờ chúng ta xác tín rằng thánh Phaolô ca tụng, rao giảng một Thiên Chúa là Cha, Cha của con người này là Đức Giêsu Nagiarét, được gọi là Kitô và là Đức Chúa: Con của Người có gương mặt của một con người, Đức Giêsu.  “Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô”.  Chúng ta chúc tụng Thiên Chúa.

 Thánh Phaolô dùng động từ chúc tụng.  “Đấng đã chúc lành cho ta”;  chúng ta chúc tụng Thiên Chúa bởi vì Người chúc lành cho chúng ta.  Người chúc lành cho chúng ta trong Con của Người, Người chúc lành Con của Người.  Đàng sau từ ngữ chúc lành này, có từ vựng “nói tốt” (bien dire) và một từ khác “sự lành” (bienfait).  Thiên Chúa lấp đầy chúng ta bằng những sự lành.  “Người đã chúc lành cho ta bằng mọi chúc lành Thần khí, chốn hoằng thiên, trong Đức Kitô”.  Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta thế nào?  Cơ bản là ban cho chúng ta Con của Người.  Thánh Phaolô sẽ nói trong Thư Roma: “Làm sao Người lại không gia ân vạn sự cho ta làm một với Con của Người ?” (Rm 8, 32).  Chúng ta lãnh nhận mọi thứ ân huệ của Cha qua Con của Người.  Người Con này, thánh Phaolô gọi là Đức Kitô, quy tụ tất cả mọi ân sủng.  Người là đường, qua đó mọi ân sủng chảy đến chúng ta.  Người là chính lộ, qua đó mọi phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống chúng ta: Đức Kitô tóm gọn tất cả và một cách nào đó Người đảm trách tất cả.  Những giới từ “trong”, “bằng” nói lên điều đó.

Nói đến “Chúc lành Thần khí”; đàng sau tính từ thần khí (spirituelle) nhú lên một danh từ sẽ xuất hiện vào phần cuối: Chúa Thánh Thần, ngôi Ba Thiên Chúa.  Thiên Chúa là ân nhân của nhân loại và của mọi tạo vật bởi vì Người là đấng Tạo Hóa.  Mọi sự từ Người mà đến qua Đức Giêsu Kitô. “Đấng đã chúc lành cho ta bằng mọi chúc lành Thần khí, chốn hoằng thiên, trong Đức Kitô.”  Thánh Phaolô sẽ triển khai các phúc lành Thần khí trong Đức Kitô.  “Bởi chưng Người chọn ta trong Ngài (trong Đức Kitô), từ trước tạo thiên lập địa”.  Đó là lời khẳng định quan trọng có tính thần học và tu đức.  Những nhà thần học và các Giáo Phụ như thánh Irênêô sẽ nhấn mạnh về điểm này: trước tiên, trong vĩnh hằng, Đức Chúa, Cha, đã sinh ra Con trong viễn cảnh của nhân tính và, bởi vì Người đã chọn con-người-Thiên-Chúa này, Đức Giêsu, trong Người Con này chúng ta được tuyển chọn ngay trước khi tạo dựng vũ trụ.  Trong tâm tưởng của Thiên Chúa chúng ta hiện diện, tất cả và từng cá nhân từ vĩnh hằng.  Chúng ta là những  người được Thiên Chúa tuyển chọn: được đối xử như những ngôi vị có giá trị riêng.  Tạo dựng con người là kết quả của ý định của Thiên Chúa, của sung mãn tình yêu chảy tràn ra; sự lựa chọn thần linh này chính là “để ta được nên thánh và vô tì tích trước mặt Người”.  Ngay từ ban đầu đã có tình yêu của Cha nhìn đến con cái, chúng ta sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa: “Người nhìn tôi bằng ánh mắt âu yếm”; tình yêu này đặt chúng ta trước mầu nhiệm Thiên Chúa, Người là tình yêu kỳ diệu, Người được định nghĩa là tình bác ái, tình huynh đệ, và Người không ngớt quan tâm đến chúng ta bằng ánh mắt yêu thương dẫn chúng ta về tham dự sự thánh thiện của Người “để ta được nên thánh”, để chúng ta đi vào trong thế giới của Người.  “Thánh, thánh, thánh, lạy Đức Chúa, chỉ mình Ngài là thánh.  Chỉ mình Ngài là Đức Chúa”.  Thánh Phaolô đã gọi những kẻ nhận thư là “các thánh”, các thánh ở Côrintô, các thánh ở Êphêxô.

Sự tác thánh này là lô-gíc do tình thân sinh ra giữa Đức Chúa và chúng ta.  Thánh Phaolô sẽ diễn tả tình thân đó: “Người (tức Thiên Chúa, Cha) đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Giêsu Kitô”.  Được chọn, được tuyển lựa, làm con ThiênChúa …  Trong ý tưởng và trong thâm tâm của Thiên Chúa,  chúng ta được tiền định làm con Thiên Chúa trong Con duy nhất là Đức Giêsu Kitô.  Bởi vì Cha yêu mến người Con này, bởi vì Người sai Con, trong người Con Giêsu này, mọi con người được quấn  lấy trong mầu nhiệm tử hệ.  “Chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Người”.  Thiên Chúa “quan tâm” đến chúng ta, Người là Cha luôn muốn điều thiện hảo cho con cái, Người săn sóc chúng được hạnh phúc: “Chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Người”.  Đó là sự săn sóc của một đấng tự do.  Lần đầu tiên kiểu nói: “Lời ca ngợi cho vinh quang Người”; những gì đến từ Thiên Chúa, tất cả những gì được nêu tên (ân huệ được tuyển chọn, ân huệ làm dưỡng tử), chính là để trở về với Thiên Chúa.  “Mọi sự từ Người và cho Người”.  Vinh tụng ca, ca ngợi vinh quang của Người, vinh quang của Cha dành cho Con (doxologie gồm doxos: vinh quang; logos: lời).  Khi chúng ta kết thành công thức cuối lời nguyện: “Vinh Danh Cha, và Con và Thánh Thần”, đó là lời diễn tả vinh quang của Thiên Chúa, để nói rằng chúng ta nhìn nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa vượt quá trí khôn chúng ta.

 “Chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Người, để nên lời ca ngợi cho vinh quang Người, bởi ân sủng Người đã ban xuống cho ta trong Đấng chí ái.”  Trong ngôn ngữ Kinh thánh vinh quang và ân sủng thường kết nối với nhau, bởi vì vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa trên chúng ta dưới dạng ân sủng ban cho ta.  Mọi ân sủng hội tụ lại trong người Con chí ái này, Đức Giêsu: “Đây là Con chí ái của ta nơi Người, Ta bằng lòng mọi đàng”.  Và bởi vì Ta bằng lòng về Con, Ta cũng bằng lòng về những người con khác.  Bởi trục quay này, bởi danh xưng của Con chí aí này, hệ luận tiếp theo sẽ nêu lên những ân huệ được thông ban cho chúng ta qua Con.

Đoạn hai: “Trong Ngài(Đức Giêsu Kitô), ta được cứu chuộc, nhờ máu Ngài, tức là ơn tha tội khiên, chiếu theo lường phong phú của ân sủng Người đã xuống dẫy tràn trên ta.  Cùng với tất cả khôn ngoan lịch duyệt, Người đã thông tỏ cho ta biết mầu nhiệm thánh ý Người, chiếu theo nhã ý Người đã định trước trong Ngài, vì sự an bài của Người cho muôn thời được viên mãn, là thâu họp vạn vật dưới một đầu một mối trong Đức Kitô, vật ở trời cao, vật nơi dương thế.  Cũng chính trong Ngài, ta đã được thừa hưởng cơ nghiệp, thể theo dự định của Đấng liễu thành vạn sự, chiếu theo đồ án của thánh ý Người, khiến ta được nên lời ca ngợi cho vinh quang Người, những kẻ đã đặt trước hy vọng vào Đức Kitô” (Ep 1, 6-12).  Đức Giêsu mang lại gì cho chúng ta trong Người chúng ta sống?

Động từ đầu tiên được dùng là cứu chuộc; Người đem lại cho chúng ta sự giải thoát bằng máu của Người, sự giải phóng, và chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đấng giải phóng này, đấng cởi trói tất cả mọi ràng buộc, giải thoát chúng ta khỏi mọi ngăn cản chúng ta tiếp cận với Đức Chúa.  Người giải thoát chúng ta và sự giải thoát đó đã được thực hiện trong sự Phục sinh mà Người kinh qua; chính máu của Người; nhưng qua hình ảnh máu đó, chính đời sống của Đức Giêsu, là ân sủng sự sống của Người đến giải thoát chúng ta.  Thay vì bị trói buộc, bị đè bẹp, chúng ta bây giờ được tự do trong Người.

Động từ thứ hai chỉ những gì Đức Giêsu, Con của Cha, đã làm cho chúng ta là: chúng ta được tha tội.  Người là tác nhân tha tội của Thiên Chúa và, với tư cách tác nhân thi hành sự tha thứ của Thiên Chúa, thì Người là tác nhân hoà giải chúng ta với Đức Chúa.  Chúng ta không được giải phóng để làm gì mặc ý, chúng ta được giải phóng để yêu mến, để nối kết chúng ta lại cách không nô lệ nữa, nhưng với tư cách được giải phóng.  Sự hoà giải chính là khả năng bắt gặp Thiên Chúa và khi bắt gặp Thiên Chúa, chúng ta hoà giải với anh em chúng ta trong nhân loại tính.

Lại một lần nữa kiểu nói: “Chiếu theo lường phong phú của ân sủng Người”.  Ân sủng Đức Giêsu này được đúc thành tiền bằng nhiều cách khác nhau.  Thiên Chúa đã xuống dẫy tràn trên ta ân sủng này.  Đó là một Thiên Chúa “lãng phí”, Người không hà tiện ban ân huệ và phúc lộc.  Khi ban cho chúng ta Đức Giêsu Người ban cho chúng ta tất cả và, bởi vì Người ban cho chúng ta tất cả, Người ban tất những gì Người có.  Người phó mình toàn vẹn không giữ lại gì.  “Cùng với tất cả khôn ngoan lịch duyệt”. 

 Có một chiều kích tri thức của điều thánh Phaolô gọi là Mầu nhiệm.  Suốt Thư Êphêxô về sau sẽ triển khai ý nghĩa của Mầu nhiệm này, đó là mầu nhiệm sự kết hiệp chúng ta trong Đức Kitô.  Chúng ta cần biết có chiều kích tri thức khi vị tông đồ loan báo Lời của Thiên Chúa.  Thật vậy, hầu như luôn có từ ngữ thông minh được thêm vào từ ngữ khôn ngoan (sagesse et gouter: sapere).  Đó là một tri thức trực giác, một sự hiểu biết không phải là trừu tượng, vừa là một nhận thức tình yêu.  Trong Kinh thánh, hạn từ tri thức có ý nghĩa vượt xa trừu tượng, đó là một tri thức cụ thể, thông minh ( từ nguyên của intelligence : intus-legere, nghĩa là đọc từ bên trong, đi vào thâm cung).  Có một thứ trực giác.  Làm sao xảy ra việc chúng ta hiểu biết Đức Giêsu Kitô và những kẻ khác lại không hiểu biết Người?  Điều này nói lên có cái gì đó thuộc lãnh vực ý thích, khôn ngoan, lịch duyệt.  “Cùng với tất cả khôn ngoan lịch duyệt, Người đã thông tỏ cho ta biết mầu nhiệm thánh ý Người, chiếu theo nhã ý Người đã định trước trong Ngài, vì sự an bài của Người cho muôn thời được viên mãn”.  Chúng ta được mời gọi tới chiêm ngưỡng, qua Đức Giêsu, mầu nhiệm Giáo Hội, mầu nhiện của nhân loại tính được tạo dựng cùng với tất cả thụ tạo trong Người.  Chúng ta đang ở trong thời gian: nhân loại này, tạo thành này phát xuất từ Thiên Chúa vĩnh hằng chảy qua thời gian.  Một lịch sử lâu dài của nhân loại có hướng đi.  Ngang qua những chặng đường của dân Thiên Chúa trong lịch sử, chúng ta biết rằng có một sự hoàn tất khả thể: Đức Giês đang khi hấp hối khẳng định rằng “mọi sự đã hoàn tất” ngay khi Người trút hơi thở trong tay Cha, điều này nói cho chúng ta biết cả chúng ta nữa, trong Người, chúng ta sẽ từng cá nhân và cùng với Giáo Hội đi về sự hoàn tất.  Thời gian, lịch sử, có hướng đi của nó.  Đó là viễn cảnh thời gian.

Nói một cách khác “ để muôn thời được viên mãn” “thâu họp vạn vật dưới một đầu một mối trong Đức Kitô, vật ở trời cao, vật nơi dương thế “; đó là viễn ảnh khác.  Đức Kitô được gọi là ô-mê-ga, tận điểm của mọi thời, là cùng đích; tuy nhiên Người cũng là Đấng quy tụ trong Người.  Người làm thành thân thể với nhân loại.  Người nhận lấy nhân loại tính và ngay cả toàn thể vũ trụ làm thân thể Người.  Người đảm trách, Người hoàn tất mọi thời gian, Người nhận lấy nơi Người tất cả nhân loại để làm nên thân thể Người: “Thâu họp vạn vật dưới một đầu một mối trong Đức Kitô”.   Đó là trực giác vĩ đại của thánh Phaolô khi ngài nhào nặn hình ảnh về thân thể: Đức Kitô vô biên, vượt qua Đức Kitô lịch sử, trở nên Đấng lãnh lấy trách nhiệm về toàn thể nhân loại để làm nên chi thể của Người, để làm họ trở nên Người. 

Ông Teilhard de Chardin đã có trực giác vừa thần học vừa đạo đức trong tác phẩm “Thánh Thi Về Vũ Trụ”.  Đừng giản lược Đức Kitô về “một Đức Giêsu nhỏ bé cho riêng tôi”, nhưng là Đức Kitô vĩ đại.  Thần học và tu đức học đông phương có lợi thế trong suy tư này.  Kế hoạch của Thiên Chúa là tất cả hội tụ lại trong Đức Kitô.  Người ta có một viễn ảnh khác về giáo hội địa phương và giáo hội hoàn vũ.  “Sự nhập thể là đổi mới, là tái thiết tất cả Sức mạnh và Quyền năng của Vũ trụ; Đức Kitô là dụng cụ, là Trung tâm, là tận điểm của mọi Tạo thành thiêng liêng và vật chất; nhờ Người, mọi sự được tạo thành, tác thánh, được sinh động” (Teilhard de Chardin, “Hymne de l’univers” trang 156).

Lời khẳng định cuối cùng về Đức Kitô: “Cũng chính trong Ngài, ta đã được thừa hưởng cơ nghiệp, thể theo dự định của Đấng liễu thành vạn sự (Ngài dẫn dắt lịch sử nhân loại), chiếu theo đồ án của thánh ý Người, khiến ta được nên lời ca ngợi cho vinh quang Người, những kẻ đã đặt trước hy vọng vào Đức Kitô”.  Chúng ta dự phần, chúng ta tham dự vào thần tính của Đức Giêsu bởi vì Người, là con người, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, đã sống một cách thần linh nhân tính của mình. 

Vận mệnh của chúng ta là vân mệnh thần thiêng trong Người.  Trong Thư Phêrô, chúng ta có công thức: “thông chia cùng một bản tính thần linh” (2 P 1, 4).  Từ ngữ thông chia tạo ra hình ảnh.  Đức Chúa là phần gia nghiệp của chúng ta.  Khi nói về gia nghiệp thường người ta nói về quà tặng ; gia nghiệp là quà tặng ở đâu đó dành cho ta.  Chúng ta được lãnh gia nghiệp thần thiêng; đó là đối tượng của đức cậy trông: “những kẻ đã đặt trước hy vọng”.  Đức cậy trông vào Chúa Kitô là hoàn tất toàn thể nhân loại.  Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, chúng ta chúc tụng Cha về ân huệ ngoại thường này.  Cũng có kiểu nói:  Để “lời ca ngợi cho vinh quang Người”. 

Đoạn cuối : “Trong Ngài (trong Đức Giêsu Kitô), cả anh em nữa, bởi đã nghe lời sự thật, Tin Mừng cứu rỗi anh em”.  Nghe lời Thiên Chúa là nghe lời Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa; tất cả mọi lời nói mà chúng ta có thể hình thành được tóm gọn lại trong Lời và những lời đó muốn nói cho chúng ta điều thuộc về Ngôi Lời của Thiên Chúa.  “Trong Ngài, cả anh em nữa, bởi đã nghe lời sự thật (Lời thật, lời chân thật, Tin Mừng), Tin Mừng cứu rỗi anh em, cũng trong Ngài, bởi anh em đã tin”.  Đức tin vào Lời, đức tin vào Đức Kitô này.  Cần đọc lại sách Công Vụ Tông Đồ và hành trình những bài giảng đầu tiên, những bài loan báo Lời để thấy sự đón nhận Lời trong đức tin.

“Cũng trong Ngài, bởi anh em đã tin, thì được niêm ấn Thánh thần, bảo đảm cho lời hứa, và là bảo chứng cho cơ nghiệp dành cho ta, để việc cứu chuộc sở hữu (của Thiên Chúa) được hoàn thành, nên lời ca ngợi cho vinh quang Người”.  Nhắc lại Thánh thần như dấu chứng của Đức Kitô nơi chúng ta.  Chúa Thánh Thần ghi trên chúng ta dấu ấn của Đức Giêsu Kitô: trong Phép Rửa, dấu thánh giá được vạch trên trán trẻ em hay người lớn, họ được ghi dấu ấn của Đức Giêsu Kitô.  Chúng ta có tên thật của mình, có vai trò của mình, có căn cước của mình: dấu ấn của Thánh thần. 

Thánh thần này được giới thiệu như “bảo chứng cho cho cơ nghiệp”; chúng ta chưa sở hữu cơ nghiệp này toàn vẹn.  Điều bảo chứng, tiền đặt cọc (hình ảnh), đó là Thánh thần được ban cho chúng ta.  Một khi Đức Giêsu ra đi, Người gửi Thánh thần tới, Giáo hội khai sinh:  Giáo hội sinh ra từ Thánh thần, chúng ta ở trong thời kỳ của Thánh thần.  Giáo hội là thời kỳ mà Thánh thần của Đức Giêsu và của Cha hoạt động, trong nhân loại và trong thế gian, việc thánh hoá, biến đổi, biến hình xảy ra một cách chậm chạp qua thời gian; điều này cần thời gian nơi chúng ta và trong thế gian!  Đó cũng là sự chúc lành về ân huệ của Chúa Thánh Thần.  Đoạn này cũng kết thúc bằng kiểu nói: Để “lời ca ngợi cho vinh quang Người”.

 Tất cả linh đạo của bà Êlisabét Chúa Ba Ngôi (Dòng Cát Minh) là cố gắng trở nên “lời ca tụng vinh quang”.  Đó là lời chúc tụng mà chúng ta dâng tiến suốt đời, tất cả những gì chúng ta là và tất cả những gì vũ trụ hiện hữu.  Vũ trụ này vang ca bằng tiếng nói của chúng ta, đó là công thức trong kinh tiền tụng của kinh nguyện thánh thể IV: “Nhờ tiếng nói của chúng con, mọi tạo vật dưới bầu trời hân hoan tuyên xưng danh Cha mà ca hát rằng”. 

Bà Êlisabét Chúa Ba Ngôi cố định nghĩa mầu nhiệm này, lối linh đạo này, cách sống đạo này: trở nên lời ca tụng cho vinh quang Thiên Chúa.  “Chiếu theo đồ án của thánh ý Người, khiến ta được nên lời ca ngợi cho vinh quang Người” (Ep 1, 11-12).  Chính thánh Phaolô nói như thế …   Một lời ca ngợi cho vinh quang, đó là linh hồn ở trong Thiên Chúa, linh hồn đó yêu mến Ngài bằng một tình yêu thanh khiết và vô vị lợi, không tìm kiếm mình trong dịu dàng của tình yêu; linh hồn đó yêu mến Thiên Chúa ngang qua tất cả các ân huệ và dù vậy mặc lòng linh hồn đó sẽ không nhận được gì nơi Ngài, mà vẫn ao ước sự thiện hảo cho Đối Tượng được yêu mến.  Mà làm sao ao ước và muốn thật sự điều thiện hảo cho Thiên Chúa (thật sự trong thực tế), nếu không phải là hoàn tất ý muốn của Ngài, bởi vì ý muốn này ra lệnh cho tất cả mọi sự cho vinh quang cao cả của Ngài? 

 Như thế linh hồn này phải dâng hiến trọn vẹn dứt khoát, đến nỗi không yêu mến gì hơn điều Thiên Chúa muốn.  Một lời ca ngợi, đó là  linh hồn thầm lặng đứng như cây đàn lia rung lên dưới tác động nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần (dấu ấn) làm thoát ra những  âm điệu thần thánh; linh hồn đó biết rằng đau khổ là dây đàn phát xuất những  âm thanh  hay hơn nữa, linh hồn cũng muốn thấy đau khổ làm dụng cụ để rung lên huyền diệu hơn nữa con tim của Thiên Chúa.  Một lời ca tụng vinh quang, đó là một tâm hồn cố định Thiên Chúa trong đức tin và sự đơn sơ; đó là người suy nghĩ về tất cả những gì Thiên Chúa; như một vực thẳm không đáy trong đó Ngài có thể trôi đi, tràn ra;  đó cũng là bình pha lê xuyên qua đó Ngài có thể chiếu giãi và chiêm ngắm tất cả sự hoàn hảo của Ngài hay sự chói lọi của riêng Ngài.  Một tâm hồn như thế có thể cho Hữu Thể thần linh đã khát nơi linh hồn yêu cầu của Ngài là thôngtri tất cả những gì Ngài là và tất cả những gì Ngàicó là thực tế lời ca tụng cho vinh quang những ân huệ của Ngài.  Cuối cùng một lời ca tụng cho vinh quang là một hữu thể luôn ở trong hành động tạ ơn.  Mội hành vi, mỗi hành động, mỗi ý nghĩ, mỗi hít thở cùng một lúc chúng là linh hồn ăn rễ sâu hơn trong tình yêu, tất cả chúng như một tiếng vọng của Đấng Thánh vĩnh hằng” (“J’ai trouvé Dieu” Quyển Ia trang 123-124).  Qua những hình ảnh mà bà Êlisabét Chúa Ba Ngôi hình dung ra để cố gắng diễn tả trong ngôn ngữ khởi đầu thế kỷ XX điều gọi là ca tụng cho vinh quang.

Này là nơi cư ngụ của Thiên Chúa giữa loài người.  Ngài ở với họ, và họ sẽ là dân của Ngài.   Thiên Chúa sẽ ở với họ” (x. Kh 21, 3).  Chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm Giáo Hội.  Bài thánh thi ngày cung hiến thánh đường ca tụng dân này, tức chúng ta, và Thiên Chúa cư ngụ với dân.  Chúng ta là gia đình của Thiên Chúa.  Ngài phải được đón tiếp trong gia đình chúng ta.

Lm  Fichelle

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

WGPKT(27/03/2023) KONTUM