Vị Tử Đạo Người Bélieu Étienne-Théodore Cuénot Thể, Giám Mục Thừa Sai 1802-1861 (tiếp theo và hết)

VỊ TỬ ĐẠO NGƯỜI BÉLIEU ÉTIENNE – THÉODORE CUÉNOT

GIÁM MỤC THỪA SAI

1802 -1861

JEAN THIÉBAUD

1988

 

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (1)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (2)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (3)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (4)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (5)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (6)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (7)

“Vị Tử Đạo người Bélieu Étienne – Théodore CUENOT Giám Mục Thừa Sai 1802 -1861” (8)

 

(tiếp theo 8 và hết)

CUỘC TIẾN BƯỚC KHÓ NHỌC

Chúng ta vừa theo dõi hoạt động của GM Cuenot ở biên giới giáo phận, cách 80 dặm nơi Ngài cư ngụ. Đã đến lúc phải theo Ngài tại nơi ẩn cư của mình ở Gò-Thị, gần Bình Định. Mọi biện pháp thận trọng đã được dùng đến để tuyệt đối bảo vệ bí mật về nơi ẩn cư của Ngài: phần đông bổn đạo không hề biết. Một vài nơi khác được dự kiến cho các thừa sai người Âu: những bổn đạo tín cẩn nhất phải báo ngay khi có nguy hiểm. Một chiếc thuyền ở một vũng cạnh bờ biển, luôn chờ sẵn cho các Ngài tẩu thoát. GM Cuenot cũng như các Giám Mục khác, luôn giao cho các linh mục bản xứ việc thăm viếng mục vụ các bổn đạo. Mãi cho đến năm 1850, quân quan không dám bén chân đến vị sợ.

“Các quan không dám đến thăm nơi con ở, vì sợ còn gặp con ở đây. Họ không lợi được cái thá gì khi bắt được con mà còn có thể bị phạt nữa là khác.. ..Vua rất lo sợ rằng những người Âu đến giao chiến với ông.” (Thư gửi gia đình, ngày 21.2.1847).

Chỉ có một lần, và một lần duy nhất, mà các thừa sai người Âu đã có thể xuất đầu lộ diện. Trong hai năm 1850-1851 bệnh dịch tả, trầm trọng chưa từng thấy đã hoành hành trên toàn thể bờ cõi Nước An-nam. Trước tai họa đó, các quan mạnh ai nấy then cài cửa đóng, Vua chôn chân trong dinh. Những tên tố giác mật thám chỉ điểm biến mất như nhờ phép mầu: người công giáo đi lại tự do. Lần đầu tiên họ có thể tụ tập để tiến hành phụng vụ. Người ngoại giáo hoảng hốt đến xin khấn vái nài xin họ đi chôn kẻ chết. Nạn dịch đã giết chết một phần mười dân số, nghĩa là khoảng 2 triệu người. Do nạn dịch, Lễ Đại Xá do Tòa Thánh ban năm 1850 đã phải dời lại năm sau. Bổn đạo xứ An-nam rất thích nhưng lễ như thế. Đó là cơ hội hâm nóng lại lòng sốt sắng của tín hữu cho những người đã chối đạo vì không chịu nổi tra tấn, có đường trở về lại chuồng chiên sau 10 hoặc 15 năm. Mọi người tưởng chừng đâu đã đến lúc yên ổn giữ đạo:

“Dịch tả đã cướp đi khối người. Bổn đạo của chúng tôi cũng không được tha. Tôi ước lượng có khoảng 10.000 công giáo chết vì bệnh dịch..nạn đói cũng đã đe dọa vài nơi.”

Một trong những thừa sai thêm: “Nhiều tín hữu đã xông pha cứu thoát trẻ con đang lăn lóc trên xác mẹ chúng, không kể đến tính mạng mình, khiến chính các quan cũng phải buột miệng khen ngợi, họ đã có thể phê phán xem đó có phải là tà đạo không, khi đã đẩy người ta quảng đại phục vụ như thế.”

Sự ngưng nghỉ quả là ngắn ngủi. Ngày 21.3.1851 Tự Đức ban hành một cấm dụ. Anh của Tự Đức là Hoàng Bảo chưa bao giờ nuốt trôi việc Tự Đức cướp ngôi. Nhiều lần Hoàng Bảo kêu gọi người công giáo giúp ông chiếm lại ngai vàng, hứa sẽ để họ tự do giữ đạo và che chở họ sau này. Các Giám Mục hết sức tránh dính vào việc này và cấm ngặt người tín hữu dấy vào những âm mưu chính trị [1]. Mặc dù vậy họ vẫn bị nghi ngờ: mọi biến cố sự kiện trong, ngoài đều là cái cớ để kích lòng hiềm khích đối với “tà đạo”. “Người Anh đổ bộ năm 1851 không thể không gây khủng hoảng cho chúng tôi.” (Thư gửi Hồng Y ngày 18.2.1851)

Năm sau một bức thư gửi Hồng Y Matthieu khẳng định những dự án đầy đe dọa của vị Hoàng đế trẻ: “dứt khoát tỏ ra thù nghịch với người Kytô hữu.”

Từ năm 1852 đến 1855, Tự Đức bàn bạc liên tục về vấn đề tôn giáo, bị giằng co giữa hai phe trong triều đình: những quan trẻ tuổi quả quyết không thể dùng bạo lực giải quyết vấn đề, thì nghiêng về thái độ ôn hòa tạm thời. Các quan kỳ cựu thời Minh Mạng, bám trụ vào quyền lợi của Nhà Nho được Trung Hoa khuyến khích đã bày tỏ một mối thù khôn nguôi, muốn bắt chước thái độ của Bộ Hình Trung Hoa về khoản này. Chính phe này cuối cùng đã thắng thế.

Tự Đức khen ngợi Trấn Thủ Bình Định về kế hoạch hoạt động trong tỉnh được tiến hành từ mùa hè năm 1853. Kế hoạch đó, tắt một lời là biến người có đạo thành một lớp tiện nhân bị mọi người ghét bỏ.

– Một gia đình công giáo về ruộng đất chỉ có quyền giữ 300m vuông, nếu có hơn, phần trội sẽ thuộc về làng.

– Người công giáo không có quyền giao dịch thương mại với anh em bên lương.

– Không có quyền sắm thuyền để buôn bán. Không có quyền lên miền Thượng và không có phép kết bạn với người công giáo.

– Ở trong những làng công giáo nhà nước sẽ phái đến một ông thầy để dạy họ lễ nghi của đạo Bụt đạo ông bà.. .và chính người công giáo phải chịu phí tổn để nuôi ông thầy ấy.”

Kế đó GM Cuenot cho thấy đến mức nào sự sợ sệt cản bước tiến của đức tin, Ngài cho biết tình thế khổ sở của Ngài năm 1854.

“Trước tình hình như vậy, con buột phải rút lui. Phải vượt ra khỏi sự phong tỏa khắc nghiệt không cho ra khỏi tỉnh. Nếu con đã trốn thoát được không có nghĩa con đã không ở sát nách kẻ thù đâu. Con có thể nói năm 1854 con đã đau khổ và gặp nguy hiểm nhiều hơn cả 22 năm cấm đạo trước đó.”

Ngài tâm sự với gia đình là “Ngài đã lâm bệnh do các nơi Ngài buộc phải trú ẩn, ẩm thấp và không còn hợp vệ sinh.”

Các thầy giảng bị bắt (chúng ta đã thấy vai trò của họ quan trọng như thế nào), bổn đạo bị tản mác, đất đai bị tước bỏ, nhà thờ bị phá hủy. Thậm chí cả ngôi nhà làm trạm nghỉ chân ở Trạm Gò trên đường lên làng thượng cũng bị đập phá, khi Lm Verdier đến nơi, Ngài buộc phải tá túc trong rừng. Ngày 9.2.1854, Giám Mục viết cho ông Bác ở chủng viện:

“Con đã trải qua một cuộc bắt đạo đẫm máu đã bắt đầu từ tháng 8 năm rồi. Hiện nay thì cuộc khủng hoảng chỉ mới bắt đầu tại Bình Định va Phú Yên, nhưng rồi đây nó sẽ lan tràn trong cả nước.”

Bức thư này Lm Cuenot chưa được đọc, ông đã chết trước khi thư tới tay.

…O…

Điều gì đã giúp GM Cuenot trông cậy? Điều gì “an ủi” Ngài trong hoàn cảnh ác liệt như thế này?

Niền an ủi nâng đỡ Ngài chính là lòng sốt sắng của những Kytô hữu: giáo dân cũng như linh mục, nhờ họ bao lần Ngài đã thoát chết. Họ như men trong bột mặc dù xét về số lượng thì họ chìm đắm mất hút giữa những người bên lương. Sau đây là lời chứng của một người bên lương. Mặc dù không chấp nhận công giáo ông phải nhìn nhận rằng đạo sản sinh ra nhiều hoa quả tốt và ông lớn tiếng trình lên vua. Đó là Nguyễn Đăng Giai, quan kinh lược miền Bắc:

“Đây là phương pháp người công giáo thường dùng để tuyên-truyền đạo: trước nhất họ làm cho nhiều người đàn ông theo đạo, tất nhiên cả gia đình người đàn ông ấy cũng theo đạo. Ban đầu chỉ có vài gia đình công giáo, với thời gian cả ấp, rồi cả làng đều có đạo công giáo; và cứ lặng lẽ họ đã đi đến con số khổng lồ ngày nay. Người công giáo nuôi nấng những kẻ bần cùng, đói rách, giúp đỡ những người đau khổ xác hồn. Họ tụ tập lại để đưa xác kẻ qua đời đến nơi an nghỉ cuối cùng. Không kể màu da nước tóc, họ vẫn coi nhau như phần tử của một thân hình, vì thế những ai theo tà đạo, người ấy lấy làm thích thú và không sao bỏ đạo được. Vả lại, người công giáo thấy những kẻ không công giáo, ở ngoài xã hội phải làm việc quá nhọc, trong gia đình phải khổ cực trăm bề, cha mẹ con cái, bà con không giúp đỡ lẫn nhau, cả ngày say đắm trong tài sắc, sống trong bất công và hằn thù ghen ghét nhau.

Vì vậy không lạ gì mà họ nhất định không xuất giáo. Cái điều đáng sợ là một ngày kia vì nhận thấy bao nhiêu người công giáo tốt lành, nhiều kẻ sẽ xin đi đạo.

Sách của chúng về mặt văn chương chẳng có gì đáng kể, nhưng những sách ấy không dạy điều gì trái ngược luân thường đạo lý. Sách ấy không hại đến xã hội. Tất cả lời lẽ trong sách đều có một mục đích: “Đem hạnh phúc cho loài người”. Mặc dù người công giáo có nhiều điều sai lầm nhưng họ sống trong bình an. Họ trả thuế đàng hoàng và ít khi bắt được người công giáo làm nghề ăn trộm hay nghề phiến loạn. Tối sáng bọn chúng đọc kinh, đêm cũng như ngày chúng ra sức cải thiện đời sống của mình để được phúc thiên đàng. Chỉ vì sai lầm như thế, hỏi có nên trừng trị họ một cách quá nghiêm khắc không?”

Trong số người Kytô hữu, các Dì Mến Thánh Giá cũng đã luôn luôn là người cảm kích cho GM Cuenot. Việc thành lập Dòng tu này được dự tính cho Thái Lan năm 1666, lại được triển khai trên đất An-nam. Bốn Dì người Bình Định đã lưu lại tên tuổi cho hậu thế: Dì Tim, Ta, Mi, Sang. “Bị giải tán nơi này, họ đến thành lập nơi khác”. Ngày 17.2.1851, GM Cuenot viết cho em gái mình tên là Dauphine, nữ tu ở Nhà Tĩnh Tâm:

“Ở trong giáo phận của Anh có tất cả là 400 Dì Mến Thánh Giá chia làm 15 nhà. Họ không được ai chăm sóc cả và không có được dù 1/50 những phương tiện nên thánh mà em có ở nhà Tĩnh Tâm. Anh đã gửi khoảng 100 Dì lên Miền Thượng lo cho các phụ nữ trên ấy. Họ rất nhiệt tình.. ..Còn đối với các nữ tu người Âu, hiện nay không thể nào đón nhận họ ở đây được.”

Quan hệ với quê hương không thường xuyên và nhiều như người đồng hương mong muốn. Chỉ có một dịp mỗi năm để gửi thư: “Khi anh gửi chiếc “buồm dọc” đến Xinh-ga-po để đưa học sinh và rước các vị thừa sai và đem lương thực về”. Âm sắc giọng điệu của những bức thư rất trang nghiêm, gần như khắc khổ luôn mang những tư tưởng về đời sống vĩnh cữu. Thậm chí GM yêu cầu một người em là nữ tu đừng để lòng mình dính bén vào việc gia đình. Đó là chuyện thời sự chăng? Hay là Ngài nhớ đến chuyện năm xưa Ngài đã quá bận tâm đến gia đình đến độ không còn tự để đeo đuổi ơn gọi nữa chăng? Ngài không bao giờ lật lại trang quá khứ đau thương đó nữa. Mỗi năm Ngài cho gia đình biết về sức khỏe của Ngài, nói về công cuộc truyền giáo, hỏi thăm tin tức các em, bà con và các linh mục bạn. Trái tim Ngài xúc động hơn mỗi lần viết thư cho cô Jeanne-Baptiste. Cô là người mẹ thứ hai của Ngài. Ngài nhớ cô đã đưa Ngài về nuôi lúc còn bé để được đi học, khi bố đang là nhân viên thuế vụ.Ngài còn nhớ cuộc hỏa hoạn ở Bélieu năm 1810.hôm sau, đứa nhóc là Ngài lúc bấy giờ chạy về hoảng hốt báo cho cô biết: “không còn nhà ở Bélieu nữa.” Trong bức thư cuối cùng đề ngày 18.3.1857 Ngài tâm sự, Ngài xúc động vì cái chết của cô “một tâm hồn thánh thiện”.

Ngài luôn biết ơn cô. Mẹ Ngài qua đời từ năm 1838, mẹ của 11 đứa con mà Ngài là con đầu. Ngài an ủi Bố: “Bố đừng nhọc công xin lễ cho Mẹ, Con sẽ lo việc ấy. Mẹ chỉ đường cho chúng ta”. Bà đã hy sinh nhiều cho đứa con của mình. Gia tài lương thiện của cha mẹ cho đã tan như sáp trước tai họ làm ăn đầu tiên. Bà đã đổ hết của hồi môn để lo lót cho chồng, bị buộc tội dưới đệ nhất đế chế. Bà cũng đã bán chiếc áo cưới của mình để may áo chùm thâm cho cậu chủng sinh thần học là Étienne lúc bấy giờ. Cậu đã hứa: “Con sẽ biếu Mẹ một chiếc áo đẹp hơn”. Và cậu đã giữ lời hứa. Khi đến Aix, linh mục Étienne đã dùng tiền lễ gửi về, nhờ Bố sắm cho Mẹ một chiếc áo thật đẹp, như đã hứa..

Quan hệ của GM Cuenot với người bạn thời thơ ấu, Gilbert Cuenot (1795-1858) đượm tình thân ái vui tươi và phó thác tín nhiệm. Gilbert lớn hơn Ngài 8 tuổi, họ hàng về phía bên Nội. Chính với người anh họ này mà Giám Mục tâm sự về sức khỏe giảm sút của mình, ví dụ năm 1847:

“Sự suy yếu của tuổi già đã đến. Chòm râu của tôi trắng xóa. Chân tôi gần như từ chối phục vụ: điều đó cũng do tôi ít dùng tới chúng. Tôi cần cặp kính.”

Năm 1851: “Sao? Anh đã để Lm Arnoux lên đường đi Nam Kỳ mà chẳng viết cho tôi vài chữ sao? Quá lắm đó? Rõ ràng là anh chỉ sợ có chiếc gậy của (Giám Mục) Besanẹon thôi.”

Mồng 7.3.1856, họ chia sẻ một cái tang chung: cái chết của Ông Bác, Lm Charles Cuenot Giám Đốc Đại chủng viện. Ông này luôn vẫn là “vị ân nhân yêu quý và người cha nơi Đức Giêsu Ki tô”…Thư từ hằng năm nhận được của Étienne Cuenot là một nguồn sử liệu cho phép theo dõi vị thừa sai. Được tin Bác bệnh., ngày 22.2.1853, Ngài viết thư:

“Cha rất quý mến nơi Đức Giêsu Kitô, trên trời cha sẽ là cha của con như cha đã từng là cha của con dưới đất.”

Rồi cho Gilbert ngày 7.3.1856: “Thế là anh và tôi chúng ta đều mồ côi cả hai. Bác Cuenot đã bỏ chúng ta ở đó, để về trời. Ngài ra đi, hai tay đầy công đức. Khi tôi điểm lại bao nhiêu ân nghĩa tôi mang đối với Người, thật tôi lấy làm xấu hổ vì ít nói lên lòng biết ơn của mình. Chính ở đan viện Montbenoit mà tôi bắt đầu cảm thấy tấm lòng vàng của Người. Chính Người đã lo cung cấp phương tiện cho tôi ăn học như anh biết. Tôi nhận được tin từ Ro-ma qua Hồng Y, rồi qua lm. Busson..”

Giám Mục còn nhớ chăng một bức thư gủi từ Aix về chủng viện Besanẹon cho Ông Bác:

“Nếu Bác trách con về tính tình cứng cỏi đến ngoan cường nơi con, thì rồi đây con sẽ cố gắng biến nó thành một đức tính mà người ta gọi là: sự kiên trì”.

Khi người ta nói với vị Giám Đốc về những chủng sinh đã qua chủng viện, mà Ngài đã biết, Ngài nở một nụ cười và nói:

“Tôi thú nhận rằng một lần tôi đã bị ít là một tên đánh lừa tôi, nhưng trong điều tốt. Đó là Étienne Théodore Cuenot.”

Lòng tín nhiệm của Étienne đối với vị linh hướng của mình bộc lộ lòng tín nhiệm đối với Giáo Hội. Giám Mục đặc biệt chú ý đến những chỉ thị được ban hành. Thậm chí không khỏi ngạc nhiên khi thấy Ngài xin phép Tòa Thánh được miễn chước về những điều mà một người khác có lẽ sẽ mạn phép “một cách thỏa mái”. Chúng ta lưu ý đến một điểm: sự gắng bó của Ngài với Hội Thừa Sai. Hồi ký của Hội ghi lại, khi nghe tin Ngài qua đời: “Mặc dù rất bận rộn với công việc của giáo phận, dưới thời bắt đạo Ngài nghiên cứu và thường xuyên cho ý kiến về sự tiến triển của Hội và vì thời đó đang xét lại bản điều lệ, Ngài đã nhiều lần cho ý kiến của mình.

Ngài tiếp đón những vị thừa sai mà bề trên gửi đến. Một bức thư gửi Gilbert

Cuenot, ngày 20.6.1847 viết:

“Tôi rất vui khi thấy một vài vị đồng hương đến trong xứ truyền giáo của mình. Nhưng tôi sẽ không làm gì để có được, hơn các người từ nơi khác đến. Suốt đời tôi cảm thấy an tâm khi phó mặc cho Chúa Quan Phòng trong mọi sự và mọi nơi và sẽ hết sức tránh hành động cách khác.”

Sự gắn bó yêu mến Hội Truyền Giáo nơi Ngài thắm thiết đủ để cho phép Ngài can thiệp mạnh mẽ hơn, ví dụ năm 1847 khi bản điều lệ mới ra đời, GM Cuenot ước mong có được một bức thư chung báo cáo về những sửa chữa và sự chấp thuận tổng quát về bản văn: Ngài cảm thấy nhu cầu lấp đầy khoảng cách xa xôi bằng những quan hệ trong sáng và huynh đệ.

Cầm cự trong niềm cậy trông: qua bao thế kỷ, điều đó chỉ có thể thực hiện được trong một bầu khí giáo hội.

“Lúc đó mình mới thật sự là tín hữu.. .từ các nghĩa địa trở về sau khi đưa xác những vị tử đạo, chúng tôi trở về trong.Giáo Hội của mình, toàn thể được tập họp ở đây, bất khuất, khi các dự tòng được dạy dỗ ở giữa các vị tử đạo.Lúc ấy những tín hữu còn ít người chắc chắn là vậy, nhưng họ thật sự là những tín hữu, đang lần theo con đường hẹp và dốc dẫn tới sự sống.” (Lời của Origène được Hồng Y Etchégaray trích dẫn).

“NẾU HẠT LÚA MÌ KHÔNG CHẾT ĐI…”

1855-1861. Bất hạnh ụp xuống trên các điểm truyền giáo ở An-nam như một trận mưa đá, một trận mưa chỉ sẽ ngừng đổ vào năm 1862 với hiệp ước Pháp-Việt đầu tiên. Sự can thiệp của Pháp, thiếu hẳn sự khéo léo của người Đông Phương, và ý thức danh dự, đã gây chú ý về những vụng về và những “khất lần khất lữa”.

Các thừa sai không hề yêu cầu bất cứ sự che chở nào về phía chính phủ Pháp, vậy mà đột ngột năm 1858 có “Sứ bộ Montigny”. Các hạm đội “Le Catinat” và “La Capricieuse” rút về Hồng Kong, khiến vua tỏ ra đắc thắng “bọn chúng đã rút lui vì sợ bị trừng phạt”. Trước khi ra về Ông Montigny đã nảy ra ý kiến rất đáng tiếc là viết sớ cho Tự Đức để gửi gắm các người có đạo, đe loi rằng sẽ lãnh búa rìu cơn thịnh nộ của Pháp nếu còn giết hại các vị thừa sai. Từ đó vua kết luận là chính những thừa sai đã cầu cứu họ. Cuộc bắt đạo lúc bấy giờ mang tầm vóc cả nước. Tình hình trở nên bi thảm hơn so với việc chiếm đóng Cửa Hàn (Tourane), ngày 30.8.1858 và Sàigòn, ngày 18.2.1859. Sự hiện diện của người Âu Châu chỉ kích thích thêm lòng hằng thù oán ghét đạo nơi các quan lại, mặc dù không phải sự hiện diện này làm nảy sinh ra nó.

Ngày 18.9.1855, Tự Đức ban hành một sắc dụ cấm đạo gắt gao chưa từng thấy: Người công giáo dù có chữ hay đến đâu cũng không được dự những kỳ thi và không được một chức phận gì ở trong làng, trong tổng; các chiếc tàu buôn, người chài lưới phải được canh gác chặt chẽ.phải đốt tất cả các nhà thờ, nhà xứ, hãy nhén các hầm các hang, cấm bọn giáo hữu không được tập trung. Những người tố giác sẽ được trọng thưởng. Nếu một đạo trưởng được tìm thấy bởi ai khác ngoài các quan lại, thì tất cả công chức trong làng bị hình phạt..

Sắc dụ này tung ra như sấm sét, anh em công giáo lúc này hơn lúc nào hết, đã siết chặt hàng ngũ sau lưng các vị lãnh của họ. Để đối phó với sự tàn bạo của Tự Đức, họ chỉ có đức tin sắt đá bền dai.

“Những tân tòng tỏ ra hoảng sợ lúc ban đầu nhưng sau đó được trấn an. Nhờ tiền bạc họ đã có thể lo lót được hầu hết tất cả mọi chuyện. Các linh mục bản xứ của chúng tôi đã có thể đứng ra cai quản tất cả các xứ đạo. Kết quả cho thấy có 1.201 người lớn được rửa tội và hơn 20.000 trẻ em ngoại đạo.” (Thư gửi Gilbert Cuenot, ngày 7.3.1856).

Đức Giám Mục Pellerin ghi nhận sự bài xích mà sắc dụ gây nên, vì người bên lương coi sự bắt đạo như một tội phạm. Họ bị mọi tai họa giáng xuống cùng một lúc: hạn hán, nạn châu chấu, đói kém, ôn dịch. Đó chẳng phải là một sự trừng phạt chăng?

GM Cuenot ẩn núp một nơi được vây bọc kín cùng với một vài chủng sinh học thần học ở Gia Hựu trong Dòng các Chị Mến Thánh Giá. Ở đó, trong chiếc chòi nhỏ, Ngài đã nếm qua sự nhục nhã của bệnh tật: cơ thể mà Ngài đã hành hạ quá mức nay đã kiệt quệ. Ngài đã gánh vác, trong mộc cuộc chiến không ngơi nghỉ, gánh nặng tông đồ của một lãnh thổ rộng lớn, mắt luôn nhắm đến một chân trời xa hơn. Trong bức thư cuối cùng gửi cho gia đình, sau cái chết của cô Jeanne Baptiste đề ngày 18.3.1857, sau khi đã nói lên nỗi đau buồn của mình, Ngài nói đến bản thân:

“Con đã mắc phải một chứng bệnh lâu dài từ mùa hè 1856. Từ mười ngày nay, con đã có thể dâng Thánh Lễ.”

Người phụ tá của Ngài Lm Herrengt, người chia sẽ ngôi chòi tồi tàn với Ngài, thuật lại những chi tiết đau đớn sau đây:

“Tư tưởng của Ngài trở nên lộn xộn, ngoại trừ có lẽ những gì liên quan đến cuộc truyền giáo Ngài chỉ tỉnh táo hai hoặc ba tiếng đồng hồ buổi sáng. Nỗi buồn tẻ, sự ngờ vực, một thứ ganh tị nào đó xâm chiếm tâm trí của Ngài. Chính các người bản xứ lâu nay Ngài tỏ ra yêu quý đặc biệt cũng không thể không nhận thấy những điều ấy. Trong 3 năm cuối đời Ngài một cơn sốt nhẹ mỗi buổi tối làm cho Ngài nói nhảm.”

Bầu không khí bắt đạo, việc trốn tránh ẩn núp mà Ngài đã chịu đựng 25 năm liền, làm cho Ngài luôn ở trong tư thế tự vệ chi li, ngay cả trước mặt những người thân cận trung thành nhất. Những lúc suy yếu tuy vậy – nhờ ơn Chúa – vẫn để cho Ngài đủ sức lực phản ứng mà quyết định khi cần. Cho đến ngày bị bắt, Ngài vẫn có thể dâng Thánh Lễ mỗi ngày và khi bị hỏi cung, Ngài đã đối đáp một cách sáng suốt và quyết liệt. Có người thời đó lấy làm tiếc vì Ngài đã lệnh cho hai thừa sai Nam Kỳ ở làng Thượng rút về Bắc Kỳ. Một sử gia cho biết lý do:

“Hai linh mục, trong một bộ lạc ở Nam Kỳ, khủng khiếp trước sự dã man của người Mnongs họ bắt người làm vật tế sinh, đã nhận được lệnh cảu GM Cuenot nhập bọn với các thừa sai Bắc Kỳ.”

Vua nhất định leo thang trong cuộc bắt đạo bằng những sắc lệnh đẫm máu:

  1. Tất cả những người nào, mang tên công giáo, đàn ông, đàn bà, già trẻ, khó nghèo hay giàu sang đều phải tản mát sang các làng bên lương.

  2. Tất cả các làng bên lương đều có trách nhiệm canh giữ những người công giáo: cứ 5 người lương giữ một người công giáo.

  3. Tất cả các làng công giáo đều phải phá hủy; vườn tược nhà cửa sẽ chia cho các làng lân cận, những làng này phải chịu thuế về đất vườn mình lãnh.

  4. Phải chia rẽ người đàn ông công giáo ra khỏi người đàn bà công giáo, các người đàn ông sẽ được gởi đi trong một tỉnh và các người đàn bà trong một tỉnh khác để chúng không còn có thể sum họp; con cái sẽ giao cho các gia đình lương nuôi nấng.

  5. Trước lúc tản mát phải khắc hai chữ Tả đạo vào má các người đàn ông, đàn bà, con trẻ công giáo và cũng phải khắc tên tổng và huyện nơi chúng sẽ phải bị đày tới, ngõ hầu chúng không trốn tránh được.

Lm Herrengt tóm tắt thảm họa như sau:

“Từ 8 tháng nay, sau khi Pháp đổ bộ cửa Hàn (1854-1859) chúng tôi như nằm dưới cối xay.. .Đàn ông còn lại chỉ là những người đã trốn tránh được hoặc là cuộc điều tra dân số đã để sót. Gia đình họ bị người lương phiền nhiễu mà không ai bênh đỡ, chúng cướp phá, giày xéo tất cả.”

Năm 1861 người ta bắt giữ mọi người kể cả những người đã xuất giáo. Việc thi hành sắc dụ đã đưa tới những cảnh tưởng thảm thương: từ đứa trẻ còn bú mớm đến cụ già lụ khụ nhất, mọi người được tập trung ở quan trường:

“Ở đó dân cạo giấy, tay cầm miếng chai sắc bén thích vào má mọi người hàng chữ “ô nhục” ấy.

Máu chảy lai láng, tiếng la hét của đàn bà trẻ con gây những trận cười khả ố và những lời đùa cợt thô bạo từ phía người lương đến coi hàng hà sa số. Mười lăm năm sau, số lớn các Kytô hũu vẫn còn mang hàng chữ “ô nhục” mà thời bấy giờ họ rất lấy làm hãnh diện.”

Những vụ giết hại, tản mát người có đạo, sự phá hủy làng xóm của họ, gây những xáo trộn lớn trong toàn thể đất nước.Trong bản phúc trình đề ngày 27.9.1861, Lm Herrengt cho nhiều chi tiết hơn:

“Trong hạt của tôi có hơn 12.000 bổn đạo. từ tháng 10 năm rồi 300 đến 400 bắt buộc chối đạo, nay lần lượt đã trở về. Quan nhắm mắt làm ngơ.Một bức thư từ Nam Kỳ của GM Cuenot cho biết: “Công việc lộn xộn khủng khiếp. Thế nên tại sao cha không thuê một chiếc thuyền mà về SàiGòn cùng với cha Roy và các học sinh? Đó là phương tiện để tránh cho giáo phận rồi đây không còn mục tử nữa. Về phần tôi, tôi phải bám đơn vị khi còn có thể được, và khi nào không còn bám được nữa, tôi sẽ lên ở làng Thượng.”

Thế nên sau khi đã do dự nhiều, Lm Herrengt đã ra đi đường biển cùng với vài linh mục và 12 học sinh, tổng cộng là 17 người. Đến SàiGòn. Người rụng rời khi biết là người Pháp chẳng có ý định đổ bộ Bắc Kỳ để giải thoát những người đồng hương của mình. Thế thì với bất cứ giá nào phải ra khỏi Bình Định. Một chiếc thuyền rời bến Bắc Kỳ đang ở ngoài khơi Gò Thị. Nhưng Giám Mục không còn đó nữa. Ngài đã muốn chờ đợi thêm và tính toán rằng, ngặt lắm thì Ngài sẽ chạy lên làng Thượng hoặc ra biển. Nhưng mọi lối đi đã bị chặn.

Ngày 21.10 mối đe dọa bị bắt ngày càng lớn hơn, Giám Mục Cuenot chạy về Gò- Bồi. Mấy ngày trước, Ngài hỏi các học sinh ai trong họ chấp nhận đi trốn hoặc quyết tử với Ngài. Tất cả đồng thanh xin được vinh dự ở lại với Ngài cho đến cùng: “Không thể nào tất cả các con lại theo Cha được, Ngài nói, một mình Nghiêm sẽ chạy trốn và chết cùng với Cha”. Đúng vậy, ngày ra đi số phận đã chỉ định anh này theo Thầy mình.

Họ được một bà góa, Bà Lưu tiếp rước (binh lính không có thói quen lùng soát nhà một phụ nữ đơn chiếc). Chủ nhật 27.10 một phó tế đem đồ lễ đến, Giám Mục dâng thánh lễ. Ít lâu sau đó thình lình nhà bị quan và lính bao vây. Đức Cha và hai bạn đường trung thành của mình nhảy vào trốn trong một vựa lúa. Những áo cùng đồ lễ còn nguyên ở đó. Bị tra hỏi dồn dập, Bà Lưu không chịu thú nhận điều gì cả. Mỗi giây mỗi phút trở nên không thể chịu nổi đối với những người đang ẩn trốn. Họ theo dõi bên ngoài lính đang đẽo các cái gông dành cho họ. Sau hai ngày và một đêm ngày 29.10, GM Cuenot và 2 chú giúp lễ đã ra nộp mình cho lý hình.

Trong khi mà một cách dã man và hung hăng họ cột tay và chân Ngài lại, Ngài chỉ đặt một câu hỏi làm liên tưởng đến câu hỏi cuộc Đức Giêsu: “Tôi nào có bỏ chạy, để các anh cột tôi chặt đến vậy?”. Trong khi mà họ hành hạ “những người của Ngài”, Ngài can thiệp: “ Đồ lễ đó, chính tôi tự cung cấp lấy, mấy người này chẳng liên quan gì đến cả.” Người ta nhét tù nhân – vóc dáng cao lớn – trong một chiếc cũi, Ngài phải cúi đầu, xếp chân, lại chẳng ngồi mà cũng chẳng nằm được, và chính trong tư thế bất tiện này mà cuộc hành trình đau đớn tiến về Bình Định diễn ra.

Đến Bình Định Ngài được đưa tới dinh trấn thủ để hỏi cung:

– Ông đến trong đất nước này để làm gì?

– Để giảng đạo.

– Từ bao lâu rồi ?

– Từ ba mươi sáu năm nay.

– Trong suốt thời gian đó ông đi những nơi nào?

– Trước hết tôi đi về phía thủ đô, kế đó trong tỉnh Bình Đình, Phú Yên, Bình Thuận sau đó tôi trở về Bình Định.

– Trong tỉnh Bình Định ông ở đâu?

– Ở Xuân Trong.

– Ông ở nhà Bà Lưu từ bao lâu rồi?

– Mới ở, khoảng mười ngày.

Ngày hôm sau, lại hỏi cung:

– Ông biết gì về chiến tranh?

– Tôi chẳng biết gì về chiến tranh cả. Tôi chỉ đến đây để giảng đạo, tôi đã giảng đạo trong 36 năm, lúc ở đây lúc ở kia. Đó là tất cả, xin quan bắt tôi chịu hình phạt nào tùy ý quan, nhưng thật vô ích nếu tôi thêm điều gì khác, vì về chiến tranh, thì tôi không biết gì cả.

Ngài bị nhốt ở đâu? Sắc lệnh phong thánh ghi: “Trong một chuồng voi thô sơ”. Không tài nào nuốt trôi được bất cứ thức ăn gì, bị cơn sốt hành hạ, rất có thể là người ta để cho Ngài đi lại tự do trong sân. Ngài giải thích với người hạ sĩ được cắt đặt để canh gác Ngài:

“Quân lính thật nhẫn tâm. Khi họ đưa tôi đến đây, họ bắt tôi lội qua sông, tôi bị ướt sũng và nước bẩn đó đã làm tôi lâm bệnh.”

Bệnh kiết lỵ ngày càng làm Ngài yếu sức. Ngài từ chối chén thuốc nam người ta đem cho Ngài, nhưng vì lý do đó, người ta hành hạ hai chú bắt với Ngài, nên Ngài chấp nhận uống cạn. Hạ sĩ Phương, một người ngoại, rất tốt, đã giúp đỡ Ngài, tuyên bố: “Tôi có nhiều lý do để nghi rằng đây là thuốc độc.” Trong thời gian giam giữ, không ai được đến gần Giám Mục.

Ngày 14.11, Ngài còn bước được vài bước rồi nằm xuống trên tấm ván của mình. Vài giờ sau, theo lời một tù nhân, Ngài cầu cứu một linh mục bản xứ bị nhốt không xa Ngài. Không ai trả lời cả. Không thể nào trả lời được. Ngài chết đơn độc một mình trong đêm khuya. “tất cả nhờ Thập Giá” cho tới cùng.

Sáng hôm sau khi khám phá tử thi, lệnh xuống phải chặt đầu Ngài tức khắc. Quan thượng muốn trảm quyết, ông trấn thủ cản lại: “chặt đầu làm gì nữa, y đã chết, cứ lấy bốn cây tre bó lại mang chôn.” Bổn đạo bị cầm tù muốn quyên tiền mua cho Ngài một quan tài. Nhưng họ không được phép: xác của Ngài được bó chiếu, nẹp vào 4 cây tre và đặt dưới đất. “Ngài chết tử đạo” điều đã được xác thực nhờ bản án được vua phê chuẩn mang từ Huế về lại, sau khi Ngài đã tắt thở:

“Đạo trưởng Thể đã đến sống lén lút trong nước gần 40 năm: hắn đã giảng tà đạo và phỉnh gạt dân chúng; bị bắt và hỏi cung hắn đã thú nhận tội phạm to lớn đó. Hắn phải bị xử trảm và bêu đầu ở chợ. Nhưng vì hắn đã chết, chỉ còn vứt xác hắn xuống sông.”

Việc bắt giữ Đức Cha Cuenot là hiệu lệnh cho một cuộc bắt đạo dữ dội. Bạn tù của Ngài bị xử một tháng sau đó. Nhà Bà Lưu bị phá rụi; tài sản bị tịch thu. Bà vừa đi đến pháp trường vừa cho đứa con dại bú. Đến nơi, bà hôn con đưa qua cho mẹ già và đưa cổ cho lý hình.

Chỉ trong vòng 4 năm trước hòa ước đã có ba Thừa sai tử đạo:

– Lm Néron

– Théophane Vénard

– Giám Mục Cuenot.

115 linh mục bản xứ, gần 1/3.

100 nữ tu.

Hơn 5.000 bổn đạo chức sắc.

Hơn 2.000 xứ đạo bị triệt hạ.

Hơn 300.000 bổn đạo bị tản mát sáp nhập với người lương.

Giám Mục Cuenot đã không kết thúc đời mình bằng lưỡi gươm: Ngài đã cho đi từng ngày từng năm.đến đổ máu. Một hôm phải băng qua đồng ruộng để tẩu thoát, Ngài bị thương ở chân máu chảy lai láng. Ngài cười nói với Lm Gagelin người bạn đường: “Thế đó, thế đó, bước đầu của một sứ vụ tốt đẹp!”

“ĐỂ SỰ SỐNG CỦA ĐỨC GIÊSU ĐƯỢC BIỂU LỘ” (2 Cr 4,11)

Đúng như bản án của Tự Đức, ba tháng 17 ngày sau cái chết của GM Cuenot, xác người bị đào lên và quăng sông. Các linh mục bị giam có nhờ hạ sĩ Phương lấy vài nắm xương. Nhưng trước nỗi ngạc nhiên của ông này và của cử tọa, đều là người ngoại đạo cả, xác của Giám Mục mặc dù chôn cất sơ sài, ở đất ẩm vậy mà còn nguyên vẹn và không hề có mùi gì cả. Ai cũng khen gương mặt đẹp của Ngài. Một người thấy thế nói rằng: “Chắc chắn nhờ một cách ướp bên Âu như thế nào để được như vậy”. “Một xác chết chỉ hai ba hôm là thối ngay.” Một nhận xét đã được ghi lại trong sắc lệnh phong thánh. Lm Grosjean viết cho Cha sở Bélieu ngày 15.10.1909:

“Điều đã gây ấn tượng sâu sắc nơi Thánh Bộ và Đức Thánh Cha và đã đưa tới quyết định phong thánh cho Người đồng hương của chúng ta là thân xác Ngài được gìn giữ nguyên vẹn bốn tháng sau khi chết. Giây cột và bốn cây tre đều mục nát nhưng áo quần và thân thể Ngài đều nguyên vẹn. Ngài như đang ngủ vậy. Đôi má Ngài hồng hào như đôi má người khỏe mạnh.

Người ngoại khoác lác với nhau: “Xem kìa, ông tây này hồng hào như một đứa bé mới sinh vậy”

Không vì vậy mà thi thể Ngài không bị bẻ gãy làm đôi, nhét vào một giỏ cần xé và quăng xuống sông. Và đã không bao giờ tìm lại được cả.

Bốn năm sau, một cuộc mưu phản nhằm lật đổ Tự Đức, bị phát giáo, Vua ngạc nhiên rằng trong số những kẻ âm mưu không thấy có người bổn đạo nào. Điên tiết lên ông ôm đầu la lối: “Người ta đã lừa gạt tôi. Những người công giáo là những tôi trung. Từ nay ta muốn che chở tôn giáo ấy.” Phải hiểu sau đây một sự quay ngoặt như thế? Tình thế của họ vẫn mong manh cho đến năm 1862, thì tỏ ra dễ thở một chút.

Những bổn đạo đã sống qua thời oanh liệt đó đã thỉnh cầu Tòa Thánh xét để phong thánh cho Giám Mục Cuenot năm 1877. Ngày 13.2.1879 Đức Lêô XIII chấp thuận. Nhiều chứng nhân đã được thỉnh vấn về sự thánh thiện của Giám Mục: nhiều linh mục đã học đạo hoặc học chữ với Ngài, tu sĩ, giáo dân.

– Agnès Lan: “Cũng bị đưa về nhà tù Bình Định như Ngài, chị nói đã trông thấy Ngài bị điệu đến trước tòa án. Ngài bị chửi rủa, nhưng Ngài vẫn im lặng. Ngài bị nhốt chật chội trong chiếc cũi. Thật sự vì đức tin mà Ngài bị đi tù.”

– Mađalêna Hương Nương: “Đã nghe Ngài giảng dạy. Ngài đã để lại kỷ niệm của một con người hiền từ, khoan dung và nhiệt tâm lạ lùng. Bị án lăng trì, Ngài chết trong tù vì đói khát, vì buồn tẻ khi biết đàn chiên của Ngài bị tản mát và giết hại.”

Điều gây cảm kích nơi những ai quen biết Ngài chính là nhiệt tâm tông đồ của Ngài.

“Ngài phụ thuộc tất cả cho lợi ích của giáo phận và việc truyền bá đức tin”, một linh mục bản xứ, Cha Thađđê Tin, làm chứng.

Sắc lệnh phong thánh được Đức Piô X ký ngày 11.4.1909 và lễ phong thánh được tiến hành ngày 2.5.1909, tại Quảng Trường Thánh Phê-rô.

HẾT

__________________

[1] Giám Mục Pellerin trả lời rõ ràng: “Người công giáo không lật đổ vua chúa, ở đâu họ cũng muốn là những kẻ tôi trung của nhà vua, Hoàng Bảo sẽ biết đến lòng trung thành của họ nếu ngày nào ông được lên ngôi trị vì.” (Launay “Giám Mục Retord” trang 231).

GPKONTUM (12/11/2024) KONTUM