DÂN LÀNG HỒ- Chương XIII : Ngui Và Pat, Những Dự Tòng Xê Đăng Đầu Tiên – Hmur, Dự Tòng Ba Na Đầu Tiên

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG XIII

Ngui Và Pat, Những Dự Tòng Xê Đăng Đầu Tiên – Hmur,

Dự Tòng Ba Na Đầu Tiên

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

P. DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

Youtube: Chủng Sinh TV

 

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG XIII

NGUI VÀ PAT, NHỮNG DỰ TÒNG XÊ ĐĂNG ĐẦU TIÊN –  HMUR, DỰ TÒNG BA NA ĐẦU TIÊN

Tôi đã bắt đầu biết kha khá thổ ngữ thông dụng ở Kon Trang. Còn Cha Combes đã soạn xong tập giáo lý nhỏ bằng tiếng Ba Na và đã dịch xong các kinh mà mỗi Kitô hữu phải biết và phải đọc. Đến lượt mình, tôi lại dịch công trình nhỏ bé của ngài sang tiếng Xê Đăng. Nhất là từ khi tôi được phúc dâng Thánh lễ hàng ngày, tôi khẩn cầu Thiên Chúa, nhờ Mình Máu Thánh của hiến tế cao cả, cho các anh em dân tộc đáng thương của tôi trở lại đạo. Và lời cầu xin toàn năng của Chúa Giêsu Kitô đã được chấp nhận.

Trước tiên, ơn Chúa đã soi sáng cho hai em nhỏ, một em khoảng mười hai tuổi và em kia khoảng tám chín tuổi. Em thứ nhất tên là Ngui, con út của ông Lam, chủ nhà mà tôi đã trú nhờ rất lâu. Như tôi đã nói ở trên, thỉnh thoảng em nhỏ này đến cạnh tôi lúc tôi đọc kinh nhật tụng hoặc đang suy gẫm. Em đứng trầm ngâm nhìn tôi một lúc rồi bỏ đi không nói lời nào. Ngui tính tình hung dữ nhưng có lòng tốt và nhạy cảm, một đức tính hiếm thấy hoặc rất ít phát triển nơi người dân tộc. Khi tôi bỏ nhà cha em để ra ở nhà mới của tôi, thì Ngui hay đến thăm tôi và trong một thời gian ngắn, em đã trở nên rất gắn bó với tôi. Tôi cố gắng làm cho tình cảm này sinh ích cho em. Mỗi lần Ngui đến gặp tôi, sau một hồi nói chuyện linh tinh, tôi hướng dần câu chuyện về những chân lý của đạo thánh chúng ta. Nhất là khi được dạy cho biết có hoả ngục, ý nghĩ đó đã gây ấn tượng rất mạnh nơi em. Tôi dạy cho em đọc vài ba kinh mà tôi đã dịch. Ngay khi nhớ những kinh đó, em liền có thói quen đọc thường ngày. Cuối cùng, suốt gần hai tháng, hầu như chiều nào tôi cũng thấy em đọc như thế và Chúa đã ban cho em ơn Đức tin. Em tin vững vàng mọi chân lý mà tôi đã dạy cho em.

Từ lúc đó, em lấy làm xót thương cho mọi thứ mê tín của người Xê Đăng. Đức tin đã soi sáng cho trí óc em đến nỗi, vốn đã cởi mở và sáng suốt, em phân biệt được ngay những điều hợp lý khỏi những xác quyết đầy mê tín dị đoan, vô bổ hoặc nực cười trong các cuộc trò chuyện của người dân tộc với nhau. Thật vậy, tôi đã nhận thấy lúc đó và hàng trăm lần sau này, rằng không có cái gì hướng dẫn óc phán đoán và lý trí cho bằng sự hiểu biết về chánh Đạo. Khi thấy em tin mạnh mẽ như thế, tôi tò mò muốn biết xem ơn Chúa đã hoạt động thế nào trong em và làm thế nào dần dần đưa em đến Đức tin. Vì thế, một hôm tôi nói với Ngui: “Bây giờ con đã tin vào Chúa như Cha đã tin. Con cũng tin có thiên đàng, có hỏa ngục, có sự sống lại. Thế nhưng, Cha chỉ nói cho con biết các điều đó mà không thể chỉ cho con thấy tận mắt. Con đã không xem thấy Thiên Chúa, con đã không nghe tiếng kêu la của những kẻ bị luận phạt dưới hỏa ngục, con cũng đã không tham dự vào buổi hòa nhạc của các thiên thần. Thế làm sao bây giờ con tin các điều ấy giống như Cha vậy. Quả thật, Cha cũng không hơn gì con. Cha cũng chẳng xem thấy các điều ấy, nhưng Cha chỉ học biết các điều ấy từ thuở nhỏ thôi?” Ngui trả lời tôi: “Lần đầu tiên khi con đến nghe Cha nói chuyện, con đã chỉ đến chơi cho qua giờ và con chưa hề nghĩ đến Chúa là ai và đạo Chúa là gì. Lúc Cha nói chuyện với con, ban đầu con không tin Cha, dần dần con thấy tâm trí lay chuyển, nhưng còn rất nhiều nghi ngờ. Sau đó, những nghi ngờ này dần dần cũng tan biến. Bây giờ, con không hiểu tại sao con tin và tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, tin hỏa ngục, tin thiên đàng mà mắt con vốn không thấy. Con tin mạnh mẽ như chính mắt con đã xem thấy vậy”.

Một em khác mà tôi dạy chung với Ngui tên là Pat. Những phán đoán của Thiên Chúa thật là khôn dò và những hồng ân  của Người thật là ơn nhưng không! Gia đình của Pat định cư ở làng Kon Xơ Ku, vùng Kon Kơ Xâm. Dân làng này đang có chiến tranh kéo dài suốt nhiều năm nay với dân làng Hơ Jol. Một ngày kia, dân làng Hơ Jol được cư dân nhiều làng Xê Đăng khác tăng cường, đã đến tấn công làng Kon Xơ Ku giữa ban trưa. Tất cả những gia đình khác trong làng đều vắng nhà, họ đi làm ngoài đồng. Hôm đó, chỉ gia đình của Pat ở nhà, không đi làm. Ông nội, bà nội và các anh chị của Pat, người bị giết chết, người bị bắt bán sang Lào. Cha của Pat đã phải trả giá đắt cho mạng sống của mình. Thằng bé vừa mới biết đi, ông buộc nó trên lưng với một tấm khăn theo kiểu người dân tộc thường làm. Tay cầm dao, ông xông vào giữa quân địch. Nhưng không bao lâu, ông ngã quỵ, mình đầy vết đâm chém. Những kẻ thắng trận đã đem Pat đi, nuôi nó ít năm để được giá hơn, rồi đem bán nó tại làng Kon Trang đúng vào lúc tôi dọn sang nhà mới. Lúc ấy, Pat độ chín tuổi. Tôi đã mua và giữ nó lại với tôi.

Đứa trẻ mà Chúa Quan Phòng ban cho chính là cậu bé mà tôi chuẩn bị làm phép Rửa tội cùng một lượt với Ngui. Ngui rất quý người bạn nhỏ của mình. Và tôi tin chắc rằng những lời tốt lành mà Ngui nói với nó đã đem lại cho khối óc bé bỏng đó nhiều ấn tượng, ít ra cũng ngang bằng như tôi đã dạy. Một ngày kia, khi cả hai đang nằm chơi trên một chiếc chiếu, còn tôi thì mải đọc sách, ngồi cách biệt chúng một vách ngăn bằng tre. Tôi đã nghe bé Ngui nói với Pat: “Phải công nhận rằng Chúa thương mày nhiều lắm Pat à. Nếu trước kia, khi mày bị quân địch bắt mà có ai trông thấy, thì  người ta sẽ đem mày ra chợ bán. Có lẽ người đó sẽ nói rằng: ‘Tội nghiệp thằng nhỏ. Nó vô phúc quá! Vừa sinh ra đã bị bắt làm nô lệ rồi!’ Thế nhưng, nếu mày vẫn còn ở nhà với cha mẹ mày, thì làm sao mày biết Chúa? Vì ở đó, không ai dạy đạo cho mày. Mày sẽ rơi xuống hỏa ngục. Mày có nghĩ chút nào về hỏa ngục không? Phải ở đó luôn mãi thì khiếp lắm! Phải, Chúa đã yêu thương mày rất nhiều”. Một lần khác, nó tâm sự với Pat như sau: “Ban đêm, khi tao đi ngủ, tao luôn sợ phải chết trong đêm. Ôi, tao muốn chịu phép Rửa tội biết bao!”

Chẳng mấy chốc, cách ăn nết ở của Ngui đã phản ánh những chân lý thánh mà em đã học và đã tin. Cậu bé, vốn nóng tính, nhưng dần dần trở nên hiền hòa đến nỗi cha em, còn đang ngoại giáo, rất đỗi ngạc nhiên. Miệng lưỡi em, giống như tất cả những người dân tộc khác, quen thốt ra những lời tục tĩu, khó nghe, giờ đây lại có những thói quen trái ngược hẳn. Từ lúc đó, mỗi khi vô ý bị thương, chân vấp phải đá, hoặc bị một tai nạn gì khác, em luôn nói những lời tốt đẹp sau: “Lạy Chúa, con xin dâng cho Chúa sự đau đớn nhỏ bé này”. Nếu có lần nào nổi giận, em liền chạy đến thuật lại cho tôi nghe chuyện đó, và có khi còn rưng rưng nước mắt nữa. Bé Pat vừa đến tuổi khôn, nên bé không có chuyện xấu nào. Chúa nhân lành đã ban cho em một ơn vô giá là được ở cạnh Ngui để tập sống nhân bản trong điều kiện tốt nhất.

Về phần Cha Combes, ngài cũng có những niềm an ủi tương tự. Lúc trước, ngài nói: “Hmur sẽ là người dự tòng đầu tiên của tôi” và lời tiên đoán này đã được thực hiện. Nhiều lúc, nhớ đến ông Hmur, một người rất trung thực, công bằng, thù ghét điều gian dối, hay giúp đỡ người khác, tôi liền liên tưởng đến con người mà vị Tiến sĩ thiên thần đã nói đến, con người mà suốt đời đã giữ trọn giới luật tự nhiên. Thánh Tôma quả quyết Thiên Chúa sẽ gửi đến cho con người như vậy một vị tông đồ truyền giáo, hơn là để người đó chết mà không được chịu phép Rửa. Đây đúng là trường hợp của ông Hmur. Ghét bất công, lương thiện và quảng đại là những đức tính hiếm thấy nơi dân ngoại. Nhưng giữ được sự trong sáng của phong tục, ngay cả ở nơi kín đáo cô quạnh, loại bỏ khỏi tâm trí những tư tưởng xấu xa và tình yêu tội lỗi, chính đó mới là hiện tượng lạ lùng ít khi gặp thấy nơi những người chưa được ánh sáng Đức tin soi chiếu. Thế nhưng, về điểm này, tôi nghe miệng Cha Combes kể lại rất rõ những lời ông Hmur nói.

Một ngày kia, trong khi giải thích cho ông Hmur hiểu về điều răn thứ sáu trong mười điều răn, Cha Combes nói hơi dài dòng về những bó buộc của giới răn này, về lời nói, về việc làm, về tư tưởng hay tình cảm bị coi là tội lỗi, người môn đệ bỗng cắt ngang lời thầy: “Ồ, thưa Cha, về điểm này, tôi đã biết từ lâu điều gì được phép làm, điều gì không được phép suy tưởng. Khi xưa, còn là thanh niên, trên đường đi đâu đó, nếu vô tình gặp một cô gái, thì tôi quay mặt đi để khỏi nhìn thấy cô ấy và khỏi có những ước muốn xấu xa”. Phong hóa của ông Hmur khi còn là lương dân là như vậy đó. Có nên ngạc nhiên về việc Thiên Chúa đã tuyển chọn ông giữa bao nhiêu người khác và gọi ông trước tiên không? Tuy vậy, ơn Chúa chỉ đã chiến thắng trong tâm hồn ông sau một cuộc đấu tranh gian khổ và lâu dài. Mặc dầu có tất cả những đức tính tốt đẹp đó, ông Hmur vẫn gặp trở ngại trong việc trở lại đạo: tự đáy lòng, ông đã được nuôi dưỡng và gắn bó sâu sắc với những tập tục mê tín dị đoan, và ông xem đó là đạo của ông. Ông là một người lương có ý thức đạo giáo và rất sùng đạo. Ông giữ rất tỉ mỉ và chính xác những tập tục nực cười nhất. Ông thực hành các tập tục đó với tất cả sự nghiêm trang hiếm thấy. Xin bạn lượng thứ cho tôi, nếu phải nói: với một tinh thần đức tin chân chính. Trong khi đó, khó mà không nghĩ đến vô số điều tuân thủ ngu xuẩn, những cấm đoán vô lối, những kiêng cử lố bịch, những nghi thức xấu xa, mà ma quỷ đã tạo thành hủ tục tôn giáo cho người Ba Na phải tuân giữ. Và họ tuân giữ rất trung thành vì khiếp sợ.

Dù đã nhiều lần lưu ý nhưng nhắc lại ở đây cũng không thừa: chỉ có Đạo Thật mới làm ta yêu mến Thiên Chúa. Chỉ có Chánh Đạo mới có luật buộc, giáo huấn, nghi lễ, sự phụng thờ được thiết lập trên tình yêu Thiên Chúa mà thôi, và chỉ trong tình yêu mới tìm ra được lý do để tồn tại và mục đích các định chế. Ma quỷ, bắt chước Thiên Chúa, cũng có luật buộc, nghi lễ, việc thờ phượng của chúng, nhưng vì lòng thù hận khôn nguôi, lòng thù hận mà từ ngày chúng nổi loạn đã trở thành bản tính thứ hai của chúng. Cho nên, chúng không biết và cũng không thể gieo vào lòng những người làm nô lệ cho chúng sự trừng phạt nào khác hơn ngoài sự sợ hãi. Nếu người ngoại giáo dâng hiến lễ, hay thực hiện bất cứ hành vi tôn giáo nào, thì luôn luôn là để tránh một tai hoạ, để làm nguôi cơn giận của vị thần mà họ sợ, chứ không bao giờ để tạ ơn, để trông cậy vào tình thương từ nơi vị thần mà họ yêu mến. Khi chúng tôi chỉ cho anh em dân tộc thấy rõ sự hão huyền của những điều luật mà họ tuân giữ, khi chúng tôi muốn làm cho họ bỏ những tập tục mê tín có hại, họ luôn trả lời một cách chắc nịch: “Ồ, nhưng rồi tai ương này, mất mát kia, bệnh tật nọ sẽ xảy đến cho tôi thì sao. Rồi vụ mùa của tôi sẽ bị phá hoại. Con cái tôi sẽ chết. Tôi sẽ thiệt mạng cách khốn nạn, v.v…”

Khi ông Hmur nghe Cha Combes nói về Đạo thánh, giảng giải chi tiết giáo lý Công Giáo, thì người đàn ông quả cảm này thấy rằng đây thật là chính Đạo, rất đáng khâm phục và muốn theo liền. Nhưng khi biết rằng tất cả những tập tục mê tín dị đoan của ông không thể dung hoà với đức tin mới, ông tỏ ra kinh hãi. Ông đã tin và vẫn còn tin vào tất cả “đạo giáo” của ông, và ông vẫn xác quyết rằng mình không thể bỏ một số luật buộc nào đó mà không tự chuốc lấy cho mình một cái chết chắc chắn. Cha Combes đã chỉ cho ông biết phương thế tốt nhất để giải thoát tâm trí ông khỏi những sợ hãi vô lối này: “Ông hãy cầu nguyện nhiều và xin Chúa thương xót ông”. Ông đã ngoan ngoãn nghe theo lời khuyên này. Dù ở đâu, nơi công cộng hay chỗ riêng tư, sáng hay chiều, ông đều trịnh trọng làm dấu thánh giá và lớn tiếng đọc những câu kinh mà ông đã thuộc lòng. Không chút e ngại trước những lời bình phẩm của người khác, ông không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nói về Thiên Chúa, về phán xét chung, về hoả ngục. Dần dần, ơn Chúa đã thắng những tập tục mê tín nơi ông, nhưng ông còn phải tỏ rõ nhiều hành động anh hùng khác, nhất là trong những buổi đầu trở lại đạo. Cha Combes nói với ông: “Dầu tâm trí ông có còn sót lại một số điều ông tin trước kia hay không, thì ít ra hãy làm thế nào để đừng bao giờ hành động theo những điều lầm lạc ấy”. Và ông Hmur đã từ bỏ những tập tục ấy mà tâm trí bất an, lo sợ, lòng vẫn còn bán tín bán nghi rằng liệu mình có gặp phải tai ương hay thậm chí phải chết chăng. Ông càng vượt thắng và không thấy tai ương nào xảy đến với mình, đức tin của ông càng trở nên vững vàng hơn và ảnh hưởng của sự mê tín đã dần dần phai mờ trong tâm trí ông.

Tôi kể ra đây một ví dụ nhỏ giữa hàng trăm ví dụ khác. Năm ông Hmur trở lại đạo, vì mất mùa nên làng Kon Kơ Xâm và các làng lân cận đều bị đói. Đến mùa mưa, phương pháp hay nhất để thoát khỏi cơn đói, dĩ nhiên là phải gieo bắp sớm để nhanh chóng có cái ăn trong khi chờ đợi mùa lúa mới. Nhưng, theo tập tục mê tín trong xứ này, thì người ta không thể muốn trồng tỉa lúc nào cũng được, phải chờ điềm báo này hay điềm báo kia, con trăng này hay con trăng nọ, nhiều khi chờ đợi rất lâu và chờ đợi để mà chết đói. Ông Hmur nghe theo lời khuyên của Cha Combes, quyết định bỏ qua những tập tục xưa và cứ gieo bắp trước thời gian ấn định. Khi bà con họ hàng của ông ở làng kế cận hay tin ông định làm như vậy, họ kéo đến rất đông để khuyên bảo ông: “Khốn thay cho mày, Hmur! Mày định làm gì vậy? Thế nào? Trồng bắp trong tháng này à? Ồ, đừng, đừng! Ai sẽ ăn được bắp của mày trồng? Chắc chắn là nó không mọc, và giá như nó có mọc được nhiều đi nữa, thì mày cũng không được ăn đâu, mày sẽ chết trước. Đừng có nghe lời mấy người ngoại quốc đó, họ không biết phong tục của chúng ta và kết cục là họ sẽ làm mày chết mất. Chúng tao thương mày! Cái chết luôn đến khá sớm, tại sao còn thúc nó đến vội?” Mọi lời hùng hồn đó cũng vô ích thôi. Hmur đã hứa với Cha Combes bằng bất cứ giá nào ông cũng nghe theo đúng những giáo huấn của đức tin.

Thế là ông đã trỉa bắp rất sớm trước mọi người, nhưng ông thú nhận với chúng tôi rằng làm thì cứ làm mà sợ thì vẫn sợ. Và điều gì đã xảy ra? Bắp của ông trồng đáng lẽ không mọc thì lại mọc lên rất tươi tốt. Bắp ông nay đã chín vàng trong khi các anh em dân tộc khác mới bắt đầu gieo. Đối với ông Hmur, triển vọng cho cuộc sống no đầy sung túc đã rõ. Rồi đến ngày bà con họ hàng của ông vì quá đói, đã đến gặp ông, nhưng lần này không phải để quở trách mà để xin bắp của ông! Hmur trả lời với giọng chế giễu: “A ha! Bà con nhìn kỹ xem có chắc là tôi còn sống không! Có chắc là, nếu như tôi đã không gieo bắp sớm theo lời khuyên dại dột của các người thì bây giờ liệu bà con có khỏi chết đói không?”. Và ông vẫn rất quảng đại với họ, ông vui vẻ chia cho họ một phần ân lộc Chúa đã ban.

Câu chuyện gây tiếng vang lớn trong xứ và ngay tại Kon Kơ Xâm, nó chuẩn bị cho nhiều người xin theo đạo sau này. Giả sử ông Hmur chết năm đó hoặc là chết tự nhiên hay là vì tai nạn rủi ro nào đó thì tất cả những lời rao giảng của Cha Combes đã trở nên vô ích, và chỉ có phép lạ từ trời may ra mới có thể làm cho người dân tộc trở lại đạo. Vì vậy, Cha Combes thường xuyên dâng Thánh lễ cầu xin cho Kon Kơ Xâm thoát khỏi mọi biến cố bất hạnh. Tuy nhiên, hoặc vì ma quỷ ghen ghét làng này, hoặc vì Chúa muốn thử ông bạn đồng nghiệp của tôi, nên một tai nạn đã xảy đến cho Hmur ngay trong ngày ông ta bắt đầu gieo lúa. Dĩ nhiên là trái với những cấm đoán dị đoan, suýt nữa sự việc phá tan đi ấn tượng tốt đẹp mà vụ bắp vừa rồi đã tạo nên, làm chậm tiến trình tốt đẹp vừa khởi đầu. Ông Hmur bị thương rất nặng. Tôi không còn nhớ ở đâu và tại sao nữa. Nhưng Cha Combes đau lòng xót dạ đã chạy đến cùng Chúa, người thầy thuốc chữa lành mọi bệnh tật. Người đã làm cho vết thương cầm máu, dù không phải dễ, rồi sau đó đã liền da một cách nhanh chóng.

(Còn tiếp)

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ – Chương VI: Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VII : Những Mối Quan Hệ Đầu Tiên Với Dân làng Kon Kơxâm – Vụ Hỏa Hoạn – Âm Mưu Sát Hại các Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương VIII : Cha Desgouts Và Cha Fontaine Thoát Chết Đuối – Bắt Đầu Học Tiếng Ba Na – Du Hành Từ Kon Kơ Xâm Đến Kon Kơ Lang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IX : Dân Tộc Rơ Ngao – Những Điểm Đến Khác Của các Nhà Thừa Sai

*DÂN LÀNG HỒ- Chương X : Năm Đầu Tiên Ở Kon Trang

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XI : Cha Combes Ở Kon Kơxâm – Một Ngày Phúc Lành -Cha Arnoux Đến

*DÂN LÀNG HỒ- Chương XII : Cha Arnoux Cùng Cha Dourisboure Ở Kon Trang – Cuộc Khởi Hành Rời Xứ Dân Tộc – Cha Fontaine Và Cha Desgouts Đi Về Phía Nam

WGPKT(10/04/2023) KONTUM