Trường Học Thánh Phaolô – Thư Rôma

TRƯỜNG HỌC THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

 

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

Đọc thêm:

Nhập Đề

Thư 1 Thêxalônica

Thư 2 Thêxalônica

Thư 1 Côrintô

Thư 1 Côrintô (tiếp theo)

Thư 2 Côrintô 

Thư 2 Côrintô (tiếp theo)

Thư gửi tín hữu Philípphê

Thư gửi Côlôxê

Thư gửi Êphêxô

Thư gửi Êphêxô (tiếp theo)

 

THƯ RÔMA

 

Chương 8 Thư Roma kết thúc bằng thánh thi ca ngợi tình yêu.  Chúng ta sẽ gặp lại nhiệt năng của vị tông đồ, ngài không thể giảng dạy, suy tư thần học, ngay cả về đàng thiêng liêng, mà không chìm sâu trong một hình thức chiêm niệm nào đó như cầu nguyện, ca tụng ngợi khen Thiên Chúa của ngài, là Thiên Chúa tình yêu trong Đức Giêsu Kitô.

Để bắt đầu, hãy đọc lại kinh nguyện dẫn nhập Thư Roma (Rm 1, 8-12).  Mỗi kinh nguyện dẫn nhập có sắc thái riêng của nó, tuy nhiên ở đây chúng ta gặp được những yếu tố trong kinh nguyện của thánh Phaolô, mà chúng ta đã gặp nơi hầu hết các Thư của ngài.  Thánh Phaolô chưa đi Roma.  Ngài viết cho tín hữu Roma, nơi tập trung các Kitô hữu của đế quốc Roma thời đó, ngài sẽ tới để chết tại đó, ngài sẽ gặp họ trong tư cách tù nhân.

Trước hết, tôi tạ ơn Thiên Chúa tôi, nhờ Đức Giêsu Kitô, cho anh em hết thảy, vì chưng đức tin của anh em đã được vang dội khắp thế gian.  Người chứng giám cho tôi, Thiên Chúa, Đấng tôi đem cả tâm thần mà phụng thờ, trong việc rao giảng Tin mừng về con của Người” (Rm 1, 8-9a).  Một công thức làm cho chúng ta cảm thấy thú vị, vì sứ mệnh, chúng ta được tiền định loan báo Tin mừng: Thánh Phaolô nói về việc tông đồ của ngài như là hình thức tôn thờ Thiên Chúa.  Ngài lập luận như thể việc rao giảng Tin mừng (sứ mệnh dưới nhiều hình thức khác nhau, việc rao giảng Tin mừng không nhất thiết là bằng ngôn từ) ngang  hàng với kinh nguyện, với việc tôn thờ Thiên Chúa; đó là hai hình thức tôn thờ ThiênChúa, hai cách dâng mình cho Đức Chúa, phục vụ Người, tận hiến cho Người, mà người ta thực thi trong kinh nguyện minh nhiên hay trong mọi hình thức thờ phượng, mà người ta thi hành trong khi làm chứng cho Đức Chúa qua dòng thời gian. “Người chứng giám cho tôi, Thiên Chúa, Đấng tôi đem cả tâm thần mà phụng thờ, trong việc rao giảng Tin mừng về con của Người”.   Cuối Thư, thánh Phaolô trở lại chủ đề nầy mà ngài thực hiện trong cuộc sống giữa kinh nguyện và việc tông đồ.  Trích dẫn: “Tôi đã đường đột phần nào viết thư nầy cho anh em, chẳng qua như thể nhắc anh em nhớ lại điều đã biết, bởi ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, làm tư tế của Đức Kitô Giêsu nơi các dân ngoại, mà hành lễ là rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa, ngõ hầu lễ vật là dân ngoại được Thiên Chúa vui lòng chiếu nhận, bởi được tác thành trong Thánh thần” (Rm 15, 15-16).  Như vậy thánh Phaolô nhận định về sứ vụ của mình: hiến dâng thân mình cho Cha để dâng hiến cho Cha những người con mới.  Thái độ dâng hiến nầy được diễn tả nhiều cách khác nhau nhưng điều nầy làm nên tính duy nhất giữa kinh nguyện và sứ vụ.  Đó là đặc điểm của kinh nguyện khởi đầu nầy, kinh nguyện lấy lại những chủ đề mà chúng ta đã gặp.

Tôi không ngớt nhớ đến anh em luôn luôn trong kinh nguyện, xin sao được có lần thuận buồm xuôi gió – nếu là thánh ý Thiên Chúa – mà đến với anh em, những mong cùng ước được giáp mặt anh em, ngõ hầu cùng anh em chia sẻ ơn thần, làm anh em thêm phấn chấn vững vàng, nghĩa là để cùng anh em chia sẻ niềm an ủi do cũng một lòng tin, nơi anh em cũng như nơi tôi!” (Rm 1, 9b-12).

Đó là một ghi nhận mới, thánh Phaolô sắp đến với họ để thông chia cho họ những ân sủng của Thiên Chúa nhưng ngài nêu ra một hình thức tương tác: có mối tương quan của ngài với Hội thánh Roma mà ngài hy vọng tiếp xúc (và thực tế ngài sẽ tiếp xúc) và cú sốc ngược lại đối với vị tông đồ về những gì các cộng đoàn đang sống “để cùng anh em chia sẻ niềm an ủi do cũng một lòng tin, nơi anh em cũng như nơi tôi!”.  Ngày nay người ta nhấn mạnh đến đối thoại trong sứ vụ, sự trao đổi; luôn luôn có cú sốc phản hồi.  Thánh Phaolô giúp chúng ta ý thức điều này trong kinh nguyện khởi đầu Thư Roma.

Đi vào chương 8 Thư Roma.  Bản Dịch Đại Kết (TOB) lấy tựa đề cho phần đầu của chương này: “Được giải thoát bởi Thần khí”.  Thánh Phaolô sẽ xây dựng thần học về Chúa Thánh Thần và hoạt động của Ngài trong Hội thánh và trong mỗi môn đệ.  Vai trò của Chúa Thánh Thần là vai trò giải phóng.  Vai trò giải phóng sẽ cho phép các môn đệ được tháo cởi những ngăn trở.  Thánh Phaolô đã nói: “Ở đâu có Thần khí của Chúa, ở đó có tự do” (2Cr 3, 17).  Chính sự hiện diện của Thần khí nơi tâm hồn cho phép họ cảm thấy tự do thoát khỏi mọi ràng buộc và cách đặc biệt thoát khỏi những ràng buộc của xác thịt, trong sự chấp nhận thoát khỏi mọi ràng buộc của tội lỗi và lề luật.

Luật Thần khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu đã cho ngươi được tự do thoát luật của sự tội và sự chết” (Rm 8, 2).  Thánh Phaolô nêu ví dụ cá nhân.  Chính ngài thuộc phái giữ luật nghiêm nhặt đã nhận ra rằng nhờ sự gặp gỡ Chúa Kitô và sự hiện diện của Thần khí trong ngài, ngài đã được giải thoát khỏi luật, luật đó có thể đè nặng trên ngài như một vật ngoại tại, trong lúc đó Thần khí của Thiên Chúa nơi ngài là nguồn suối tự do.  Câu 4 đến 6: “Chúng ta không đi theo xác thịt mà là Thần khí …  những ai theo Thần khí, thì hứng về những điều thuộc Thần khí: hứng theo Thần khí là sống và bình an”.  Chính Thần khí cư ngụ nơi chúng ta, Thần khí sự Sống, Thần khí bình an.  Còn câu 9: “Anh em sống theo Thần khí bởi vì Thần khí cư ngụ trong anh em”.  Chính Thần khí lãnh trách nhiệm về chúng ta.  Câu 11 “Nếu Thần khí của Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dở của anh em, nhờ bởi Thần khí của Người cư ngụ trong anh em”.  Như vậy vai trò của Thần khí trong tổng thể là điểm nhắm của phần đầu chương này.

Thánh Phaolô nói về vai trò của Chúa Thánh Thần trong kinh nguyện.  Trích đoạn có lời khẳng định quan trọng cho phép ngài nói làm thế nào, khi cầu  nguyện, chúng ta ở trong tương quan với Đức Chúa.  “Vì chưng phàm ai được Thần khí Thiên Chúa dẫn đưa, thì họ là con cái Thiên Chúa.  Quả thế, không phải thứ thần khí của hàng nô lệ là điều anh em đã chịu lấy, để mà phải sợ hãi.  Nhưng anh em đã chịu lấy Thần khí của hàng nghĩa tử; nhờ đó ta kêu lên: Abba, lạy Cha!” (Rm 8, 14-15).  “Vì chưng phàm ai được Thần khí Thiên Chúa dẫn đưa”.  Điều này làm liên tưởng đến những hoạt động ban đầu của Đức Giêsu được thánh Luca trình bày.  Khi chịu phép Rửa, Đức Giêsu được giới thiệu là “Con của Thiên Chúa” qua tiếng nói trong đám mây, Thánh thần ngự xuống trên Người (x. Lc 3, 21-22).  Nhận phép Rửa xong, Đức Giêsu được Thần khí hướng dẫn vào sa mạc để chịu cám dỗ (x. Lc, 4,1).  Sau thời kỳ bị cám dỗ, Thần khí hướng dẫn Đức Giêsu về Nagiarét ở đó Người bắt đầu rao giảng trong các hội đường (x. Lc 4, 14-16).  Khi suy nghĩ về mối tử hệ của chúng ta, chúng ta cần phải quy chiếu về Đức Giêsu chịu phép Rửa để chúng ta là những kẻ đã chịu phép rửa trong Thánh thần và đã được tuyên bố lúc đó là con của Thiên Chúa, chúng ta nhìn thấy trong chân lý Thần khí là gì: ảnh hưởng của Thần khí Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, biến đổi thành nghĩa tử tất cả những ai liên kết với Đức Giêsu Kitô.  Thần khí của Con làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử.  Nói rằng chúng ta tự do tức nói chúng ta không còn là nô lệ nữa: “Quả thế, không phải thứ thần khí của hàng nô lệ là điều anh em đã chịu lấy, để mà phải sợ hãi.  Nhưng anh em đã chịu lấy Thần khí của hàng nghĩa tử”.  Sự sợ hãi là tình cảm xa cách, trốn tránh: người ta không thể lại gần khi người  ta sợ hãi.  Sợ hãi là thái độ nô lệ.  Nhưng nhờ Thần khí chúng ta có thể tìm lại  sự thân mật với Đức Chúa, trong niềm tin cậy đó, Người cho phép chúng ta thưa với Thiên Chúa “Abba! Cha ơi!”, lạy Cha, theo kiểu Đức Giêsu thưa với Thiên Chúa “Lạy Cha”.  Vai trò của Thần khí là giải phóng chúng ta khi làm cho chúng ta trở thành nghĩa tử đến nỗi mà các môn đệ và các tông đồ không ngại thưa với Thiên Chúa như nói chuyện với một người cha; từ  ‘ba’ (papa) có khả năng diễn tả một cách rõ ràng hơn từ ‘cha’ (père) hình thức thân mật gia đình, nó cho phép thưa chuyện với Thiên Chúa.  Cốt yếu trong kinh nguyện là tiếng reo vui của đứa con, quay mặt về Thiên Chúa, gọi Thiên Chúa là Cha, Ba ơi, Abba, dưới tác động của Thần khí.  “Không ai có thể nói: ‘Đức Giêsu là Chúa’ mà lại không phải bởi Thần khí” (1Cr 12, 3); không ai có thể quay nhìn về Thiên Chúa và gọi Ngài là Cha mà không ở dưới tác động của Thánh thần.

Thánh Phaolô dẫn chúng ta vào trong kinh nghiệm của ngài với Thiên Chúa; nhiều lần ngài nhìn nhận ngài được Thần khí dẫn dắt trong sứ vụ truyền giáo.  Ngài biết mình được Thần khí hướng dẫn trong sứ vụ và cả trong kinh nguyện của ngài nữa.  Thần khí của Con không thể gợi hứng cho ngài điều gì khác hơn là những lời kêu mời của Cha trong sự trở lại của ngài với Đức Chúa.  Mỗi lần cầu nguyện thánh Phaolô luôn bắt đầu:  “Chúng con tạ ơn Cha của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô”.  Điều thánh Phaolô thêm ở đây là người Cha nầy của Chúa chúng ta Đức Giêu Kitô cũng là Cha của chúng ta. Trong đời sống rao giảng Tin mừng và trong đời cầu nguyện ca tụng Chúa Kitô, ngài có kinh nghiệm về sự làm chứng nội tâm của Thần khí, Đấng chứng thực cho ngài rằng ngài là con của Thiên Chúa.  “Chính Thần khí chứng thực cho thần hồn chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa”.  Đức Giêsu đã loan báo việc nầy trong bài diễn từ sau bữa Tiệc ly: Chính Thần khí nơi chúng ta làm chứng nhân về Đức Chúa và về chúng ta trước mặt Người (x. Ga 15, 26).  Thần khí đó luôn chứng thực cho tâm trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.  Người ta không thể ly cách hoạt động của vị Tông đồ khỏi hành động cầu nguyện của người con nầy, con của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô còn thêm: “Được làm con, và tức được thừa tự: thừa tự của Thiên Chúa, đồng thừa tự của Đức Kitô bởi vì, đã tham dự các đau khổ của Người, chúng ta cũng chung phần vinh quang của Người”.  Chúng ta gặp lại điều đã nói: khi được làm con, người ta được thừa tự gia tài của cha mẹ.  Chúng ta là con cái Thiên Chúa, đồng thừa tự với Đức Giêsu, nếu chúng ta tham dự sự khổ nạn của Người (điều nầy là hiện thực trong đời sống chúng ta), chúng ta sẽ chia phần, tham dự vào vinh quang của Người.  Con đường của Đức Giêsu trở nên con đường của chúng ta.  Khi Người từ giả thế gian nầy mà về cùng Cha là để sửa soạn chỗ cho chúng ta, với Người và trong Người, trong nhà Cha, ở bên phải của Cha.  Những điều nầy đưa Phaolô vào sự khai triển về niềm hy vọng.

Đây là trích đoạn được biết đến nhiều nhất và rất quan trọng để định vị kinh nguyện của chúng ta: trước tiên đây là kinh nguyện của con thảo, kinh nguyện tình thân.  Tuy nhiên thánh Phaolô sẽ chóng vánh minh chứng rằng kinh nguyện thân tình của con cái đối với Cha phải tức khắc mở rộng cho thế gian.  Không có sự mâu thuẫn giữa tương quan đầy tình thương, cá vị, thảo hiếu đối với Thiên Chúa và sự mở rộng đối với vũ trụ.

Quả thế, tôi biết rằng những đau khổ đời nầy không đáng là gì, so với vinh quang hòng tỏ hiện trên ta.  Tạo thành những ngong ngóng trông đợi thấy con cái Thiên Chúa được hiển dương.  Tạo thành đã phải lụy phục sự hư luống – dẫu không muốn – nhưng vì Đấng đã bắt nó phải lụy phục, với hy vọng là chính tạo thành cũng sẽ được tự do khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do trong vinh quang thuộc hàng con cái Thiên Chúa.  Bởi chưng ta biết: tất cả tạo thành cùng nhau rên siết, cùng nhau quằn quại ở cữ cho đến bây giờ.  Nhưng không chỉ có nó, song cả ta nữa, những kẻ hưởng khai ân của Thần khí, ta cũng rên siết nơi mình ta, trông đợi phúc nghĩa tử, sự cứu chuộc thân xác ta.  Vì ơn cứu thoát đã đến cho ta như một hy vọng.  Hy vọng mà thấy được thì là hết hy vọng, vì điều thấy được, ai nào còn hy vọng nữa!  Nhưng nếu thực ta hy vọng điều ta không thấy, thì ta kiên nhẫn đợi trông.  Cũng vậy Thần khí đỡ đần tình cảm yếu hèn của ta.  Vì cầu xin thế nào cho phải, ta nào có biết.  Song chính Thần khí chuyển cầu cho ta, bằng những tiếng rên khôn tả.  Nhưng Đấng dò thấu lòng dạ biết hứng của Thần khí, Người biết Thần khí chuyển cầu cho các thánh rập theo ý Thiên Chúa” (Rm 8, 18-27).

Những đau khổ đời nầy không đáng là gì, so với vinh quang hòng tỏ hiện trên ta”.  Tương tác giữa chịu đau khổ và chia phần vinh quang; có sự mất cân đối giữa điều chúng ta sống hiện nay và  điều chúng ta được kêu gọi khi Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta về mầu nhiệm của Người cách viên mãn.  Lúc đó tạo thành can thiệp vào, toàn thể vũ trụ, một tạo thành vượt trên chúng ta và nhờ chúng ta, nóng lòng chờ đợi mặc khải của những con cái Thiên Chúa.  Điều đó có nghĩa là gì?  Tạo thành nầy còn là tạo thành rên la và đau khổ: “Tất cả tạo thành cùng nhau rên siết, cùng nhau quằn quại”.  Thỉnh thoảng chúng ta cũng bị đau khổ đè nặng, đau khổ chèn ép cả thế gian.  Thánh Phaolô hình dung toàn thể vũ trụ chờ đợi được giải thoát nhờ chúng ta, tạo thành chờ đợi chúng ta hoàn tất tốt đẹp sứ mệnh làm con cái Thiên Chúa:  chúng ta tiến về một tạo thành huynh đệ nơi mà tất cả con cái của Thiên Chúa có thể gặp gỡ nhau trong tình yêu.  Với Thần khí hoạt động trong thế gian nầy và trong chúng ta, toàn thể vũ trụ chờ đợi chúng ta đi về tình huynh đệ, sự bình an.  Tuy nhiên tiến bước về tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa lại sẽ tuôn trào trên toàn thể vũ trụ là một bước tiến trong đau thương.  Từ ngữ mà thánh Phaolô lặp lại là “rên siết”.  Như vậy kinh nguyện con thảo, đầy tình thương không làm giảm đi đau khổ của thế gian, không giảm đi sự hiện diện của sự dữ trong thế gian.  Cho nên chi mọi kinh nguyện chân thật bao hàm chiều kích rên siết.

Để có thể củng cố niềm hy vọng dẫy tràn nơi chúng ta, trước hết thánh Phaolô so sánh với việc sinh nở: “Tất cả tạo thành cùng nhau rên siết, cùng nhau quằn quại ở cữ cho đến bây giờ.  Nhưng không chỉ có nó, song cả ta nữa, những kẻ hưởng khai ân của Thần khí, ta cũng rên siết nơi mình ta, trông đợi phúc nghĩa tử, sự cứu chuộc thân xác ta.”  Việc tông đồ mà chúng ta khai dẫn liên hệ đến toàn thể thế giới tuy nhiên việc nầy là sự sinh hạ, sinh Đức Giêsu vào trong thế gian.  Việc làm nầy không thể nào được thực hiện mà không đối mặt với sự dữ và đau khổ.  Chúng ta có trách nhiệm về vũ trụ, về sự tiến hoá của tất cả nhân loại và ngay cả  đối với toàn thể  thế giới.  Nhưng chúng ta đang ở trong trong thời gian hoạt động.  Con của Thiên Chúa chưa được hạ sinh.  Việc sinh nở sẽ được thực hiện trong đau đớn và rên siết.  Và cầu nguyện là đặt trẻ sơ sinh Giêsu vào thế giới, con người mới, tạo thành mới nầy được thánh Phaolô nói đến trong những Thư khác.  Người con sơ sinh nầy không ngừng sinh hạ.  Nhân loại, nhờ Giáo hội, không ngừng hạ sinh, nhưng những rên siết nghe được, những rên siết của tạo thành, những rên siết của chính chúng ta trong kinh nguyện là những rên siết của Thánh thần.  “Cũng vậy Thần khí đỡ đần tình cảm yếu hèn của ta.  Vì cầu xin thế nào cho phải, ta nào có biết.  Song chính Thần khí chuyển cầu cho ta, bằng những tiếng rên khôn tả”.  Thần khí rên siết, “Thánh thần đổi mới mặt địa cầu” (Tv 104, 30) đó là lời ca phụng vụ lễ Ngũ Tuần.  Đổi mới mặt địa cầu cũng là đổi mới chính chúng ta vì chúng ta mỗi ngày phải trở nên con Thiên Chúa hơn; chúng ta luôn luôn ở tình trạng sinh ra, ở tình trạng đến trong thế gian bằng cách làm cho Đức Giêsu đến trong thế gian.

Người ta có thể quy chiếu về sứ mệnh của Đức Trinh Nữ Maria như là hình ảnh của Giáo hội.  Đức Trinh Nữ Maria thụ thai bởi phép Chúa Thánh thần và sinh hạ Đức Giêsu.  Cả với chúng ta nữa Chúa Thánh Thần đến cưu mang trong chúng ta con người mới, thế giới mới.  Người cần đến chúng ta như Người đã muốn có thân xác và  con người do bởi Đức Maria để đến trong thế gian.  Cũng mầu nhiệm sinh hạ như thế được tiếp tục trong thế gian.  Đây là linh đạo của hoạt động và của Giáng sinh, và chúng ta dự phần với Chúa Thánh Thần vào sự sinh hạ Con Thiên Chúa vào thế gian nầy.

Trong sách Công Vụ Tông Đồ và Tin Mừng, các tông đồ nói nhiều đến vai trò của Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần và chúng tôi”, “Thánh Thần và chúng tôi …”.  Sự cộng tác nầy với Chúa Thánh Thần cho phép nhiệm sinh.  Sự nhiệm sinh không những được thực thi cách đơn  thuần qua các hoạt động tông đồ mà thôi nhưng cũng còn được thực hiện trong kinh nguyện nữa.  Và kinh nguyện là môi trường hoạt động mà Thần khí can thiệp cho chúng ta, để cho chúng ta biết “rên siết” cho đúng.  Có những rên siết của đứa nhỏ ca thán càu nhàu.  (Tôi không nói là không cần phải càu nhàu trong kinh nguyện vào một lúc nào đó).  Nhưng, như thánh Phaolô nói ở đây, Thần khí làm cho chúng ta thốt nên lời rên siết đúng đắn: những rên siết của những kẻ cảm thấy liên đới với nhân loại đau khổ và họ không quên, trong kinh nguyện của mình, tất cả những đau khổ và sự dữ hiện sinh trong thế giới.  Các thánh vịnh là một ví dụ đáng thán phục, nói về sự thương khóc của Đức Giêsu trước Giêrusalem, về kinh nguyện hấp hối trong vườn Dầu, kinh nguyện trên thập giá: “Lạy Chúa trời con, lạy Chúa trời con sao Chúa bỏ rơi con ... ?”.  Luôn có yếu tố ca thán rên siết.  Trong sách Khải huyền, linh hồn các thánh dưới bàn thờ chờ đợi, rên siết và ca thán: “cho đến bao giờ … ?” (x. Kh 6, 9-10).  Những rên siết nầy là phần cấu tố của kinh nguyện: điều nầy ghi đậm sự liên đới của chúng ta với thế giới mà chúng ta có trách nhiệm cùng với Thần khí làm cho trở nên huynh đệ hơn.  Không phải là công trình dễ dàng nhưng Thần khí can thiệp cho chúng ta “vì chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào cho phải lẽ”.  Thánh Phaolô cầu xin giằm được rút khỏi thân xác; ngài đã không biết cầu nguyện thế nào cho phải lẽ, nhưng Thần khí đã giúp ngài hình thành lời cầu xin.  “Chính Thần khí chuyển cầu cho ta, bằng những tiếng rên khôn tả.  Nhưng Đấng dò thấu lòng dạ biết hứng của Thần khí, Người biết Thần khí chuyển cầu cho các thánh rập theo ý Thiên Chúa”.  Thần khí cho phép chúng ta bắt kịp thánh ý Thiên Chúa, Đấng muốn cứu độ trần gian, biến đổi nó, sinh hạ nó trong Người, một sự sinh hạ miên trường trong Người để trở nên con người mới: Đức Giêsu trong thân thể mầu nhiệm của Người, trong thân xác toàn vẹn của Người.

Để hiểu tư tưởng thế gian ở tình trạng sinh nở, xin trích câu nói mà Đức Giêsu dùng trong diễn từ sau bữa Tiệc ly để nói Người sẽ sống và như thế chúng ta phải sống: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi:Các ngươi sẽ khóc, sẽ than; còn thế gian sẽ mừng rỡ; các ngươi sẽ phải ưu phiền, nhưng sự ưu phiền của các ngươi sẽ trở thành niềm vui.  Đàn bà khi sinh con thì ưu phiền, vì giờ của bà đã đến; nhưng sinh con rồi thì không còn nhớ cơn khốn quẫn, vì niềm vui là đã có một người sinh ra trên thế gian” (Ga 16, 20-21).  Điều nầy nói chúng ta sự thật về kinh nguyện:  chúng ta tham gia cùng với Thánh Thần vào việc sinh hạ thế giới mới.  Sự cộng tác của Đức Maria với Thánh Thần phải để lại nơi chúng ta hình ảnh về những gì chúng ta phải sống vừa trong kinh nguyện vừa trong sứ vụ.

Để kết thúc, xin lấy lại thánh thi ngày lễ các Mục Tử.

Phúc thay ai được Thiên Chúa chọn

Hiện diện nơi thế gian rên siết

Như cơn đau trong khi sinh nở

Tạo thành hướng lòng về ngày đó

Ca tụng rằngThiên Chúa tình yêu:

Ngài làm chín muồi mọi khổ đau

Trong kết quả bình an – tự do

Để Danh Ngài được nên vinh hiển

Điệp khúc

Chúa hùng mạnh mọi sự thuộc Ngài,

Thế giới và những gì trong đó,

Hãy tạ ơn Thiên Chúa lúc nầy.

Phúc thay kẻ Thiên Chúa đặt để

Trong thế gian canh tác địa cầu

Để đặt vào đó niềm hy vọng!

Công trình Thiên Chúa chưa hoàn tất:

Qua bao nhiêu năm tháng dài lâu

Ngài làm mọc lên trong thinh lặng

Cây cho chim, Con Người Đức Giêsu,

Để cho Nước Ngài được trị đến.

Phúc thay kẻ được chọn chiếu sáng

Trước mắt đám đông không người chăn

Để chiến thắng nhờ vào tin tưởng!

Trong vũ trụ đầy tình huynh đệ,

Họ là lửa và  là muối đất.

Thiên Chúa gọi họ tới Giao ước :

Thánh ý Thiên Chúa được hoàn tất

Khi tất cả nên Lễ Tạ Ơn

(Didier Rimbaud, Hymne des pasteurs P.T. P. p 1495-1496)

 

Lm  Fichelle

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

WGPKT(10/04/2023) KONTUM